Sinh học 7 Bài 58: Đa dạng sinh học (tiếp theo)
Để biết được đa dạng sinh học ở môi trường nhiệt đới như thế nào? Lợi ích của đa dạng sinh học ra sao? Nguy cơ nào đang diễn ra dẫn đến suy giảm đa dạng. Mời các bạn cùng tham khảo nội dung bài học dưới đây!
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Đa dạng sinh học động vật ở môi trường nhiệt đới gió mùa
- Sự đa dạng sinh học của động vật ở môi trường nhiệt đới gió mùa rất phong phú. Điều kiện khí hậu thuận lợi dẫn tới sự thích nghi của động vật cao làm cho số loài tăng lên.
- Số loài động vật ở môi trường nhiệt đới gió mùa cao hơn hẳn so với tất cả những môi trường địa lí khác trên Trái Đất vì:
- Môi trường nhiệt đới gió mùa có khí hậu nóng ẩm tương đối ổn định, thích hợp cho sự sống của mọi loài sinh vật.
- Thuận lợi cho sự phát triển của thực vật quanh năm: cung cấp thức ăn cho các loài động vật ăn cỏ.
- Tạo điều kiện cho các loài động vật ở vùng nhiệt đới gió mùa thích nghi và chuyên hóa cao đối với những điều kiện sống rất đa dạng.
- Sự đa dạng của các loài động vật ở môi trường nhiệt đới gió mùa thể hiện qua:
-
Số lượng cá thể trong loài đông
-
Đa dạng về số loài
- Đa dạng về tập tính, hình dạng từng loài. Ví dụ: về sự chuyên hóa tập tính dinh dưỡng của các loài rắn trên đồng ruộng ở đồng bằng Bắc Bộ
1.2. Những lợi ích của đa dạng sinh học
- Đa dạng sinh học được biểu hiện ở các nguồn tài nguyên về động vật. Đa dạng sinh học có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống con người và tự nhiên
- Cung cấp thực phẩm, nguồn dinh dưỡng chủ yếu cho con người
- Cung cấp nguồn dược phẩm: 1 số bộ phận của động vật có thể được sử dụng làm thuốc
- Cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nhiệp: da, lông, sáp ong, cánh kiến …
- Cung cấp sức kéo, phân bón: trâu, bò …
- Có giá trị văn hóa: làm cảnh: chim cảnh, cá cảnh …
- Một số loài có tác dụng tiêu diệt các loài sinh vật có hại
- Cung cấp giống vật nuôi: gia cầm, gia súc và những vật nuôi khác …
- Vai trò đa dạng sinh học đối với sự phát triển của nền kinh tế hiện nay: Cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp xuất khẩu: cá basa, tôm hùm …
- Hình thành các khu du lịch: vườn bách thú …
1.3. Nguy cơ suy giảm và việc bảo vệ đa dạng sinh học
- Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự giảm sút độ đa dạng sinh học là:
- Nạn phá rừng, khai thác gỗ và các lâm sản khác, du canh, di dân khai hoang, nuôi trồng thủy sản, xây dựng đô thị, làm mất môi trường sống của động vật.
- Sự săn bắn buôn bán động vật hoang dại cộng với việc sử dụng tràn lan thuốc trừ sâu, việc thải các chất thải của các nhà máy, đặc biệt là khai thác dầu khí hoặc giao thông trên biển.
- Biện pháp:
- Để bảo vệ đa dạng sinh học cần có biện pháp cấm đốt, phá, khai thác rừng bừa bãi, săn bắt buôn bán động vật, đẩy mạnh các biện pháp chống ô nhiễm môi trường.
- Nghiêm cấm đốt phá, khai thác rừng bừa bãi, săn bắt buôn bán động vật.
- Đấy mạnh các biện pháp chống ô nhiễm môi trường
- Tuyên truyền giáo dục trong nhân dân
- Thuần hóa, lai tạo giống để tăng độ đa dạng sinh học và tăng độ đa dạng về loài
- Xây dựng các khu bảo tồn động vật hoang dã và động vật có nguy cơ tuyệt chủng
2. Bài tập minh họa
- Giải thích vì sao trên đồng ruộng ở nhiều xã đồng bằng miền Bắc Việt Nam có thể gặp 7 loài rắn cùng chung sống với nhau mà không hề cạnh tranh nhau.
- Tại sao số lượng loài rắn phân bố ở một nơi lại có thể tăng cao như vậy?
Hướng dẫn giải
- Trên đồng ruộng ở nhiều xã đồng bằng miền Bắc Việt Nam có thể gặp 7 loài rắn cùng chung sống với nhau mà không hề cạnh tranh nhau.
- Vì: Các loài rắn có nguồn thức ăn khác nhau, thời gian kiếm ăn khác nhau. Có những loài chuyên ăn rắn, có những loài chủ yếu ăn ếch nhái hay sâu bọ. Có loài chuyên bắt chuột vào ban đêm, có loài chuyên bắt về ban ngày,…
→ Do vậy, trên cùng 1 nơi có thể có thể có nhiều loài cùng sống bên nhau, tận dụng được nguồn sống của môi trường mà không cạnh tranh nhau, làm cho số lượng loài động vật ở nơi đó tăng lên rõ rệt.
3. Luyện tập
3.1. Bài tập tự luận
Câu 1: Nêu nguồn tài nguyên động vật ở nước ta có vai trò trong nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp và văn hóa?
Câu 2: Đa dạng sinh học của động vật ở môi trường nhiệt đới có đặc điểm gì và tại sao lại có các đặc điểm đó?
3.2. Bài tập trắc nghiệm
Câu 1: Số loài động vật ở … cao hơn hẳn so với tất cả những môi trường địa lí khác trên Trái Đất.
a. Môi trường đới lạnh
b. Môi trường hoang mạc đới nóng
c. Môi trường nhiệt đới gió mùa
d. Môi trường ôn đới
Câu 2: Tại sao trên đồng ruộng đồng bằng miền Bắc Việt Nam có thể bắt gặp 7 loài rắn cùng chung sống với nhau mà không hề cạnh tranh với nhau?
a. Vì mỗi loài rắn sống trong một điều kiện sống nhất định khác nhau
b. Vì mỗi loài rắn có nguồn sống nhất định khác nhau
c. Vì mỗi loài rắn có tập tính hoạt động nhất định khác nhau
d. Tất cả a, b, c đều đúng
Câu 3: Thức ăn của rắn giun là
a. Giun đất
b. Giun đũa
c. Sâu bọ
d. Chuột
Câu 4: Tài nguyên động vật được sử dụng trong sản xuất công nghiệp là
a. Da động vật
b. Lông động vật
c. Sáp ong, cánh kiến
d. Tất cả các tài nguyên động vật trên
4. Kết luận
Sau khi học xong bài này các em cần:
- Nêu được sự đa dạng sinh học ở môi trường nhiệt đới gió mùa cao hơn ở đới lạnh và hoang mạc đới nóng.
- Nêu được những lợi ích của đa dạng sinh học trong đời sống..
- Rèn luyện được các kĩ năng phân tích tổng hợp suy luận, kĩ năng hoạt động nhóm.
Tham khảo thêm
- doc Sinh học 7 Bài 57: Đa dạng sinh học
- doc Sinh học 7 Bài 59: Biện pháp đấu tranh sinh học
- doc Sinh học 7 Bài 60: Động vật quý hiếm
- doc Sinh học 7 Bài 63: Ôn tập