Bài 5: Sự ra đời của đạo Tin Lành

 Bài 5: Sự ra đời của đạo Tin Lành có nội dung trình bày về giáo hội Thiên chúa trước cuộc cải cách tôn giáo, các phong trào cải cách tôn giaso và sự ra đời của đạo Tin lành. Mời các bạn cùng tham khảo học tập!

Bài 5: Sự ra đời của đạo Tin Lành

1. Vài nét về giáo hội Thiên chúa trước cuộc cải cách tôn giáo

Thời trung đại, giáo hội Thiên chúa là một thế lực phong kiến lớn ở Tây Âu. Giáo hội Thiên chúa có hệ thống tổ chức rất chặt chẽ. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của giáo hội là Tòa thánh La Mã do giáo hoàng đứng đầu. Ở các nước đều có giáo hội quốc gia trực thuộc Tòa thánh La Mã. Trong hàng giáo phẩm có hệ thống cấp bậc rất rõ rệt: cao nhất là giáo hoàng, tiếp đến là Hồng y giáo chủ, Tổng giám mục, Giám mục, Linh mục. Trừ chức Giáo hoàng do Hội đồng Hồng y bầu ra, các giáo phẩm khác đều do bổ nhiệm.

Giáo hội có thế lực kinh tế rất hùng hậu. Giáo hội có rất nhiều ruộng đất ở các nước. Trên cơ sở ấy, các nhà thờ và tu viện cũng bóc lột nông dân như những lãnh chúa phong kiến thế tục. Bốn cạnh địa tô, nông dân còn phải nộp thuê 1/10 cho giáo hội. Ngoài ra, giáo hội còn bán ảnh thánh và các thánh tích kì lạ, bán giấy miễn tội, tổ chức các lễ hội, khuyến khích tín đồ đến La Mã hành hương... để tăng thêm thu nhập.

Nhờ có nguồn tài chính dồi dào, giáo hội đã xây dựng nhiều nhà thờ đồ sộ nguy nga và được trang hoàng lộng lẫy. Các giáo sĩ, nhất là các giáo sĩ cấp cao thường sổng rất giàu sang, hơn thế nữa, họ thường không giữ đúng quy chế cấm dục của giáo hội.

Dựa vào uy tín tôn giáo khi mà các quốc vương của các nước Tây Âu cũng là những tín đồ, giáo hội Thiên chúa đã chỉ huy dược chính quyền thế tục của nhiều nước phương Tây. Từ cuối thế kỉ XI, giáo hoàng Grêgôriut VII (1073-1085) đã nêu ra nguyên tắc giáo hội La Mã do Chúa trời sáng lập nên tuyệt đối không có sai lầm, quyển uy của giáo hoàng bao trùm cả thế giới, vị trí của giáo hoàng không những cao hơn chính quyền của các vua mà giáo hoàng còn có quyền phế truất các vua. Do vậy, một số quốc vương Tây Âu đã phải khuất phục trước thế lực của giáo hoàng.

Giáo hội còn là một thế lực lũng đoạn về tư tưởng, ngăn cản sự phát triển của văn hóa, nhất là của khoa học tự nhiên. Mọi biểu hiện của tư tưởng tiến bộ nhưng trái với kinh thánh đều bị cấm đoán.

Tóm lại, đến đầu thế kỉ XVI, khi chủ nghĩa tư bản đã ra đời, giai cấp tư sản đã xuất hiện ở Tây Âu, giáo hội Thiên chúa vẫn là chỗ dựa vững chắc của chế độ phong kiến và là lực lượng cản trở sự phát triển của chủ nghĩa tư bản.

2. Các phong trào cải cách tôn giáo và sự ra đời của đạo Tin lành

Từ thế kỉ XIV, Uyclip (Wyclip, 1320-1384), một giáo sĩ và là giáo sư trường Đại học Oxphớt (Oxford) ở Anh đã từng đề xướng cải cách tôn giáo, phủ nhận vai trò của Giáo hoàng, đề nghị chính phủ quốc hữu hóa ruộng đất của giáo hội.

Đầu thế kỉ XV, lan Hút (1369-1415), Hiệu trưởng trường Đại học Praha (Séc) cũng vận động cải cách giáo hội. Tư tưởng của ông cũng tương tự như Uyclíp nhưng có phần mạnh dạn hơn như cực lực chống việc bán giấy miễn tội, vạch trần sự phóng đãng của các giáo sĩ cấp cao... Vì vậy, năm 1415, ông bị Hội nghị tôn giáo ở Cônxtanxơ (Đức) xử thiêu.

Cuối thế kỉ XV, đầu thế kỉ XVI, ở Đức cũng có một số người như Fraxmơ (1467-1536), Hútthen (1488-1523) v.v... viết nhiều tác phẩm để vạch trần sự giả dối, tham lam, ngu dốt của các giáo sĩ.

Đến đầu thế kỉ XVI, phong trào cải cách tôn giáo chính thức diễn ra ở 3 nơi: Đức, Thụy Sĩ và Anh.

2.1 Phong trào cải cách tôn giáo ở Đức

Người đề xướng cải cách tôn giáo ở Đức là Máctin Luthơ (Martin Luther), giáo sư thần học ở trường Đại học Vitenbe (Wittenberg).

Năm 1517, với lí do cần tiền đề chữa nhà thờ Xanh Pie ở La Mã, giáo hoàng Lêô X (1513-1521) đã cử các giáo sĩ đi bán giây miễn tội khắp mọi nơi ở Đức. Một giáo sĩ đã rêu rao rằng: "Ai muốn cứu linh hồn người nào đó ở địa ngục thì hãy bỏ tiền vào hòm bạc. Khi tiếng những đồng tiền vừa kêu leng keng dưới đáy hòm thì linh hồn người đó lập tức bay lên thiên đường".

Nhân khi quần chúng nhân dân đang căm ghét việc bán giấy miễn tội, ngày 31-10-1517, Luthơ dán bản "Luận cương 95 điều" ở trước cửa nhà thờ của trường Đại học Vitenbe. Bản luận cương này cùng những tác phẩm khác sau đó đã thể hiện quan điểm cải cách tôn giáo của Luthơ với những nội dung chủ yếu sau đây:

  • Chỉ có lòng tin vào Chúa mới cứu vớt được linh hồn, do đó chỉ cần thành tâm sám hối thì sẽ được xóa bỏ mọi tội lỗi, còn việc bán giấy miễn tội chỉ là một trò lừa bịp. Vả lại việc đó làm cho con người càng tồi tệ vì họ đã được bảo đảm không bị trừng phạt. Căn cứ của lòng tin vào Chúa là kinh Phúc âm. Còn các sắc lệnh của Giáo hoàng, các quyết nghị của các cuộc Hội nghị tôn giáo đều không phải là cơ sở thật sự của lòng tin. Chủ trương thành lập "giáo hội rẻ tiền" tức là giáo hội đơn giản, không chiêm hữu nhiều ruộng đất, không có hệ thống cấp bậc phức tạp, không có các nghi lễ xa hoa phiền phức, không thờ các thánh, không thờ ảnh tượng, không quỳ lạy và làm dấu v.v...

Về mặt chính trị, Luthơ chủ trương dựa vào hoàng đế Đức và các vương hầu, khuyên các tín đồ phải phục tùng chính quyền của giai cấp phong kiến.

Sau khi Luthơ phát động cải cách tôn giáo, ở Đức đã diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa nông dân với phong kiến thế tục và giáo hội, giữa tân giáo với cựu giáo, mãi đến năm 1555, địa vị hợp pháp của tân giáo Luthơ mối được công nhận.

Tân giáo Luthơ được truyền bá ở Bắc Đức, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, ở các nước châu Âu khác như Ba Lan, Hunggari, Anh, Pháp, tân giáo Luthơ cũng có khá nhiều tín đồ.

2.2 Cải cách tôn giáo ở Thụy Sĩ

Cải cách tôn giáo ở Thụy Sĩ đầu tiên do Unrích Dvingli (Ulrich Zwingli, 1484-1531), một giáo sĩ ở châu Durích lãnh đạo từ năm 1518. Tư tưởng tôn giáo của Dvingli cũng tương tự như Luthơ nhưng về mặt chính trị, ông tán thành chế độ cộng hòa.

Năm 1529, giữa châu Durích và các châu rừng núi (các châu chông cải cách tôn giáo) đã diễn ra một cuộc chiến tranh. Năm 1531, Durích bị thất bại, bản thân Dvingli bị tử trận. Màn thứ nhất của cuộc cải cách tôn giáo tạm thời kết thúc.

Sau khi Durích thất bại, Giơnevơ trở thành trung tâm mới của phong trào cải cách tôn giáo ở Thụy Sĩ. Người lãnh đạo cuộc cải cách tôn giáo lần này là Giăng Canvanh (Jean Calvin, 1519-1564), một người Pháp đến Giơnevơ năm 1536 và đến năm 1541 thì trở thành người đứng đầu về tôn giáo và chính trị ở Giơnevơ.

Hạt nhân của học thuyết Canvanh là thuyết định mệnh. Canvanh cho rằng số phận của mỗi người hoàn toàn do Chúa Trời quyết định. Sở dĩ số phận con người được định sẵn như vậy là vì khi sáng tạo thế giới, Chúa Trời đã chia loài người thành hai loại là "dân chọn lọc" và "dân vứt bỏ". Dân chọn lọc được sống sung sướng và sau khi chết thì được cứu vớt tức là được lên thiên đường, còn dân vứt bỏ thì phải chịu cảnh khổ cực và sẽ bị đày đọa ở địa ngục. Như vậy, Canvanh đã phủ nhận các hình thức miễn tội của giáo hội Thiên chúa, phủ nhận vai trò của tầng lớp giáo sĩ và tác dụng của các nghi thức lễ bái phiền phức của đạo Thiên chúa.

Giáo hội Canvanh được tổ chức theo nguyên tắc dân chủ. Đơn vị cơ sở của giáo hội là các công xã tân giáo. Những người phụ trách mọi công việc trong công xã là mục sư và các trưởng lão. Giáo hội trung ương do Hội nghị đại biểu tôn giáo cả nước được triệu tập định kì bầu ra gồm 5 mục sư và 12 trưởng lão.

Thế là dưới sự lãnh đạo của Canvanh, cuộc cải cách tôn giáo ở Giơnevơ đã thành công và Giơnevơ trở thành trung tâm của phong trào cải cách tôn giáo ở Tây Âu. Tại đây đã thành lập một học viện Tân giáo để đào tạo các nhà truyền dạo, rồi từ đó họ được phái đến tất cả các nước châu Âu để hoạt động. Vì vậy lúc bấy giờ, Giơnevơ được gọi là "La Mã của tân giáo". Kết quả, từ Thụy Sĩ, tân giáo Canvanh đã nhanh chóng truyền bá ở nhiều nước, nhất là những nơi có nền công thương nghiệp phát triển như Pháp, Anh, đặc biệt là Nêđeclan (tức Hà Lan, Bỉ... sau này).

2.3 Cải cách tôn giáo ở Anh

Đầu thế kỉ thứ XVI, chủ nghĩa tư bản ở Anh đã phát triển khá mạnh, mà giáo hội Thiên chúa thì trở thành lực lượng cản trở của sự phát triển đó. Trong các tầng lớp xã hội, tầng lớp quý tộc rất thèm muốn đất đai của giáo hội, giai cấp tư sản thì muốn có một giáo hội rẻ tiền đế đỡ phải cống nạp tốn kém cho tòa thánh La Mã. Trong khi đó, vua Anh là Henri VIII (1509-1547) muốn li hôn với vợ là Catơrin — công chúa Tây Ban Nha, nhưng Giáo hoàng không đồng ý.

Dựa vào sự ủng hộ của các tầng lớp có thế lực ở Anh, năm 1534, Henri vm ra "sắc luật về quyền tối cao", qua đó Henri VIII được quyền li hôn không cần sự chấp thuận của Giáo hoàng. Tiếp đó, Henri VIII tuyên bố cắt đứt quan hệ về tôn giáo với La Mã, thành lập giáo hội riêng của Anh do ông đứng đầu gọi là Anh giáo.

Giáo lí, lễ nghi, và các giáo phẩm của Anh giáo vẫn giống như đạo Thiên chúa, nhưng các giáo phẩm do vua Anh bổ nhiệm, ruộng đất và tài sản của giáo hội Thiên chúa bị tịch thu. Như vậy, Anh giáo chỉ là một hình thức trung gian giữa tân giáo và đạo Thiên chúa.

Những biện pháp cải cách tôn giáo nửa vời của Henri VIII không làm cho giai cấp tư sản thỏa mãn, trong khi đó tân giáo Canvanh, một loại tôn giáo cải cách triệt để hơn nhiêu đang truyền bá ở Tây Âu, vì vậy giai cấp tư sản Anh đã tiếp thu Tân giáo Canvanh và gọi tôn giáo mới này là Thanh giáo, nghĩa là tôn giáo trong sạch (Puritanisme). Tín đồ Thanh giáo xóa bỏ hết những tàn dư của đạo Thiên chúa, đơn giản hóa các nghi lễ, đồng thời họ cắt đứt các quan hệ với Anh giáo, thành lập giáo hội riêng đứng đầu là các trưởng lão do các tín đồ bầu ra.

Tóm lại, trong nửa đầu thế kỉ thứ XVI, ở Tây Âu đã xuất hiện nhiều loại tôn giáo cải cách. Các loại tôn giáo này có những chỗ khác nhau nhưng đều giống nhau ở những điểm chính sau đây:

  • Chỉ tin vào kinh thánh, trong đó chủ yếu là kinh Phúc âm. Đơn giản hóa các nghi lễ, không thờ ảnh tượng, không thờ mẹ Maria. Không lệ thuộc giáo hoàng và tòa thánh La Mã. Bỏ chế độ độc thân cho các mục sư. Tín đồ được tham gia quản lí giáo hội.

Do các tôn giáo này chủ yếu tin vào kinh Phúc âm nên được gọi chung là tôn giáo Phúc âm. Chữ Phúc âm có nghĩa là tin mừng, tin lành nên người ta gọi loại tôn giáo này là đạo Tin lành.

Tóm lại, từ đầu thế kỉ V đến đầu thế kỉ XIV, nền văn minh phương Tây bị thụt lùi rất nhiều so với văn minh Hi Lạp và La Mã cổ đại, nhưng từ thế kỉ XIV về sau, cùng với sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, ở phương Tây đã có sự đổi mới về tư tưởng, trên cơ sở đó, các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học, kĩ thuật... đã phát triển nhảy vọt, làm đà cho các nước châu Âu vươn tới nền văn minh cận hiện đại.

Chính vì vậy, Ăngghen nói:

"Khoa học tự nhiên cận đại ấy cũng như toàn bộ lịch sử cận đại bắt đầu từ cái thời kì vĩ đại mà chúng ta, những người Đức gọi là thời Cải cách tôn giáo, và người Pháp thì gọi là thời kì Phục hưng, còn người Ý thì gọi là Xanhcơxentô".

Trên đây là nội dung bài giảng Bài 5: Sự ra đời của đạo Tin Lành được eLib tổng hợp lại nhằm giúp các bạn sinh viên có thêm tư liệu tham khảo. Hy vọng đây sẽ là tư liệu giúp các bạn nắm bắt nội dung bài học dễ dàng hơn.

Ngày:23/11/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM