Bài 4: Sự tiến bộ về kĩ thuật

Qua một quá trình lâu dài tích lũy kinh nghiệm, đến các thế kỉ XIV, XV, XVI, ở Tây Âu đã đạt được một số tiến bộ về kĩ thuật, cùng tìm hiểu những thành tựu về năng lượng, dệt, khai mỏ,... qua nội dung bài giảng Bài 4: Sự tiến bộ về kĩ thuật dưới đây các bạn nhé! Chúc các bạn học tốt!

Bài 4: Sự tiến bộ về kĩ thuật

Qua một quá trình lâu dài tích lũy kinh nghiệm, đến các thế kỉ XIV, XV, XVI, ở Tây Âu đã đạt được một số tiến bộ về kĩ thuật, nhất là về các mặt năng lượng, dệt, khai mỏ, luyện kim, chế tạo vũ khí, hàng hải...

1. Cải tiến guồng nước

Thời Trung đại, khi mà lao động thủ công vẫn là cơ sở của việc sản xuất, sức nước là một nguồn năng lượng rất quan trọng, bởi vậy sự cải tiến guồng nước đã có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nhiều ngành sản xuất. Kế thừa thời cổ đại, đến cuối thế kỉ XIV, guồng nước đã được hoàn thiện.

Trước kia người ta đặt guồng nước trên mặt sông, nước sông chảy tác động vào những máng của guồng làm cho guồng quay. Nhưng loại guồng nước này chỉ tạo ra được một năng lượng nhỏ, đồng thời bắt buộc các cơ sở sản xuất phải đặt gần bờ sông. Còn guồng cải tiến có thể đặt ở bất cứ nơi nào thuận tiện cho việc lập các cơ sở sản xuất. Chỉ cần một kênh nhỏ dẫn nước từ trên cao đổ vào máng đặt ở phần trên của guồng là có thể làm cho guồng quay với tốc độ nhanh. Như vậy loại guồng nước cải tiến này đã khắc phục được hai nhược điểm nói trên.

Lúc bấy giờ năng lượng nước được sử dụng vào nhiều ngành sản xuất như xay hạt ngũ cốc, xẻ gỗ, ép da, nghiền quặng, khởi động các ống bễ để quạt lò, luyện kim, chuyển động búa tạ để dập sắt v.v... Việc sử dụng rộng rãi năng lượng nước cho phép thay thế dần sức người và sức súc vật trong một cơ sở sản xuất.

2. Cải tiến kĩ thuật trong ngành dệt

Những tiến bộ mới trong ngành dệt biểu hiện ở các khâu kéo sợi, dệt, nhuộm, ép v.v... Từ thế kỉ XIII, chiếc xa kéo sợi bằng tay đã được phát minh để thay thế cho hòn chì xe chỉ thô sơ. Đến cuối thế kỉ XV, người ta lại phát minh ra xa quay sợi tự động có bàn đạp. Trong khâu dệt, chiếc khung cửi dựng đứng đã được thay thế bằng cái khung cửi nằm ngang. Khi đập đá thì dùng những chày lớn chuyển động bằng sức nước. Trong khâu nhuộm, ngoài chàm là loại chất liệu sẵn có ở địa phương, người ta còn sử dụng nhiều nguyên liệu đưa từ phương Đông đến như cánh kiến, quế, rong do đó màu sắc hàng dệt phong phú và đẹp. Sự tiến bộ về kĩ thuật trong nghề dệt không những làm cho năng suất lao động tăng lên nhanh chóng mà còn tạo ra được nhiều loại sản phẩm với chất lượng cao hơn trước. Ngoài len dạ, nghề dệt lụa và vải bống cũng bắt đầu phát triển ở Tây Âu.

3. Những tiến bộ trong nghề khai mỏ và luyện kim

Cho đến thế kỉ XIII, về kĩ thuật khai mỏ người châu Âu vẫn sử dụng phương pháp được truyền lại từ thời La Mã. Do chưa biết cách hút nước nên người ta chỉ có thể khai thác những hầm mỏ rất nông, đến khi nước quá nhiều là không thể khai thác được nữa phải tìm nơi khác. Đến cuối thế kỉ XIII, ở Séc (Tiệp) bắt đầu dùng bơm hút nước chuyển động bằng sức ngựa hoặc bằng guồng nước để hút nước ở dưới các hầm sâu, nhờ vậy người ta có thể khai thác những hầm tương đối sâu. Phương pháp này đến thế kỉ XIV, XV đã truyền sang Đức rồi phổ biến ở các nước khác. Giờ đây, người ta có thể đào những giếng thẳng đứng hoặc nằm nghiêng tạo thành những lối vào những hầm lò nằm sâu dưới đất. Kĩ thuật thông gió cũng được áp dụng càng làm cho việc khai thác ở các hầm lò thêm hoàn thiện. Công việc rửa quặng, nghiền quặng cũng được cơ giới hóa.

Tiến bộ về mặt luyện kim càng quan trọng, ở châu Âu trong nhiều thế kỉ chỉ biết rèn sắt, về sau đã biết nâu quặng trong những lò thấp và hở, do đó đã tạo ra được một loại sản phẩm mà muốn loại bỏ tạp chất thì phải dùng búa để đập. Đến thế kỉ XIV, ở Áo bắt đầu xuất hiện những lò cao đến 3 m, đường kính 1,5 m xây bằng gạch hoặc đá. Tuy lò đã được cải tiến nhưng lúc đầu cũng chỉ mới luyện được gang rất giòn, chưa có thể dùng để rèn dụng cụ được, về sau, nhờ sử dụng những quạt gió chạy bằng sức nước làm cho nhiệt độ trong lò tăng lên, người ta đã luyện được một loại gang tốt hơn. Loại gang này đem nấu lại một lần nữa thì được sắt có chất lượng tốt. Kĩ thuật rèn sắt cũng được nâng cao nhờ có những búa tạ chuyển động bằng sức nước. Trên cơ sở đó, một số máy móc như máy khoan, máy mài... cùng đã ra đời vào thế kỉ XV.

4. Những tiến bộ về kĩ thuật quân sự

Từ thế kỉ XIII, XIV, thuốc súng do người Trung Quốc phát minh qua người Arập đã truyền sang Tây Âu. Đến nửa sau thế kỉ XIV ỏ Pháp và Y đã chê được đại bác. Đại bác lúc đầu chế bằng sắt, đạn làm bằng đá. Đến cuối thế kỉ XIV, đại bác được đúc bằng đồng, đạn được thay bằng đạn ria bằng sắt. Năm 1543, nước Anh bắt đầu dùng sắt được bào gọt để chế tạo đại bác.

Súng bộ binh lúc đầu muốn bắn thì phải có dây dẫn lửa, đến thế kỉ XVI mới được cải tiến bằng súng có "quy lát".

Việc phát minh ra các loại súng ống kiểu mới có ý nghĩa rất quan trọng, vì các loại vũ khí này đã làm thay đối phương thức của chiến tranh. Giờ đây thành lũy trước kia được cho là rất chắc chắn của các lãnh chúa phong kiến có thể bị đại bác bắn sập, áo giáp mũ trụ của kị sĩ cũng có thể bị đạn của súng tay xuyên thủng. Như vậy, các loại vũ khí mới này là phương tiện quan trọng bảo đảm cho sự thắng lợi của chủ nghĩa tư bản đối với chế độ phong kiến và về sau cũng đảm bảo cho sự thắng lợi của các nước Tây Âu trong việc chinh phục thuộc địa.

Trên đây là nội dung bài giảng Bài 4: Sự tiến bộ về kĩ thuật được eLib tổng hợp lại nhằm giúp các bạn sinh viên có thêm tư liệu tham khảo. Hy vọng đây sẽ là tư liệu giúp các bạn nắm bắt nội dung bài học dễ dàng hơn.

Ngày:23/11/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM