Bài 4: Luật pháp, những pháp lệnh của Ephiantet và Piriclet
Nền văn minh Hi Lạp và La Mã cổ đại vô cùng xán lạn. Bài giảng Bài 4: Luật pháp, những pháp lệnh của Ephiantet và Piriclet, sự ra đời và phát triển của đạo Kitô ở La Mã cổ đại có nội dung đề cập đến thành tựu về luật pháp của nền văn minh Hi-La, mời các bạn cùng tham khảo học tập!
Mục lục nội dung
1. Luật pháp
1.1 Luật pháp của Hi Lạp cổ đại
Hi Lạp cổ đại bao gồm rất nhiều thành bang, trong đó thành bang tiêu biểu là Aten, vì vậy về mặt luật pháp tình hình ở Aten cũng tương đối tiêu biểu. Điều đáng chú ý là việc ban hành luật pháp ở Aten thường là kết quả của sự đấu tranh của quần chúng và thường gắn liền với những cải cách về chính trị, hiến pháp và luật Đracông.
Tương truyền rằng, trong quá trình ra đời của nhà nước, Têdê (Thésée) đã thảo ra hiến pháp đầu tiên của Aten. Theo hiến pháp này, bộ máy nhà nước của Aten gồm có ba bộ phận chủ yếu là Hội đồng quý tộc, Quan chấp chính và Đại hội công dân.
Tuy ngay khi mới thành lập, nhà nước Aten đã là nhà nước dân chủ, nhưng tầng lớp quý tộc thị tộc vẫn là tầng lớp có thế lực nhất vế chính trị và kinh tế. Trong bộ máy nhà nước, Hội đồng quý tộc có quyền về tư pháp, giám sát và quyết định mọi việc quan trọng. Về kinh tế, thông qua việc cho vay nợ lãi, tầng lớp quý tộc đã chiếm được nhiều ruộng đất của nông dân, đồng thời biến nhiều nông dân hoặc vợ con họ thành nô lệ vì nợ. Tình hình đó làm cho mâu thuẫn xã hội ở Aten ngày càng gay gắt. Đặc biệt do sự lũng đoạn vể pháp luật của tầng lớp quý tộc đến cuối thế kỉ VII TCN, quần chúng đã nổi dậy đấu tranh đòi tầng lớp quý tộc phải bãi bỏ lệ xét xử độc đoán dựa trên những tục lệ truyền miệng và phải ban hành luật thành văn.
Do sự đấu tranh của quần chúng, năm 621 TCN, tầng lớp quý tộc đã giao cho quan chấp chính đương thời là Đracông thảo ra một bộ luật gọi là luật Đracông. Nguyên văn của bộ luật này không được truyền lại, chỉ biết rằng đây là một bộ luật hết sức khắc nghiệt, ví dụ, chỉ phạm tội ăn cắp vặt như lấy trộm rau quả cũng bị xử tử. (Vì vậy về sau từ ngữ "luật Dracông" thường được dùng để chỉ những bộ luật hoặc các pháp lệnh hà khắc). Sau khi soạn thảo, bộ luật này được khắc lên bia đá đặt ở những nơi công cộng để cho mọi người đều biết.
1.2 Những pháp lệnh của Xôlông (Solon)
Việc ban bố luật Đracông không giải quyết được các mâu thuẫn trong xã hội vì đạo luật này không để cập đến vấn đề cải cách xã hội, do đó quần chúng lại tiếp tục đấu tranh, yêu cầu của quần chúng lúc bấy giờ là phải "làm thế nào để giải phóng con nợ khỏi những món nợ, chia lại ruộng đất, hơn nữa phải cải cách trật tự đang tồn tại".
Trước tình hình đó, năm 594 TCN, tầng lớp quý tộc phải nhượng bộ bằng cách cử Xôlông làm quan chấp chính và giao cho ông nhiệm vụ cải tổ lại chế độ chính trị của Aten.
Thực hiện trọng trách của mình, ngay sau khi lên cầm quyền, Xôlông đã ban hành các pháp lệnh sau đây:
- Pháp lệnh về ruộng đất: Trả lại cho nông dân những thửa ruộng trước đây đã làm vật thế chấp vì không trả được nợ cho quý tộc. Đồng thời quy định mức chiếm hữu ruộng đất tối đa. Pháp lệnh về nô lệ vì nợ: Trả lại tự do cho nô lệ vĩ nợ; cấm chỉ việc lấy thân mình hoặc vợ con mình để trừ nợ, thậm chí cấm cả việc kí kết những văn tự vay nợ lấy bản thân người vay nợ làm vật bảo đảm. Pháp lệnh về việc phân chia đẳng cấp và quyền lợi nghĩa vụ của mỗi đẳng cấp: Căn cứ theo tài sản, công dân Aten được chia thành bốn đẳng cấp:
- Đẳng cấp thứ nhất gồm những người có thu hoạch hàng năm từ 500 mê đim lúa mì trở lên (1 mê đim = 52,5 lít). Đẳng cấp thứ hai: 300 mê đim trở lên và có thể nuôi được một con ngựa chiến. Đẳng cấp thứ ba: 200 mê đim trở lên (trung nông). Đẳng cấp thứ tư: Dưới 200 mê đim (bần nông).
Về mặt quyền lợi và nghĩa vụ, đẳng cấp thứ nhất được giữ các chức vụ cao nhất như quan chấp chính, tham gia Hội đồng trưởng lão, được tham gia kị binh, đồng thời có nghĩa vụ phải cung cấp tiền để xây dựng hạm đội và tế lễ.
Đẳng cấp thứ hai được giữ các chức vụ (trừ quan chấp chính và thành viên Hội đồng trưởng lão) và cũng được tham gia kị binh.
Đẳng cấp thứ ba cũng được giữ một số chức vụ và được sung vào bộ binh trang bị bằng vũ khí nặng.
Đẳng cấp thứ tư được tham gia Đại hội nhân dân, có quyền bầu cử những người giữ các chức vụ công cộng nhưng không được ứng cử; về quân sự họ chỉ được sung vào bộ binh trang bị nhẹ.
- Pháp lệnh về việc thành lập "Hội đồng 400 người" và Tòa án nhân dân: Aten vốn có 4 bộ lạc. Giờ đây mỗi bộ lạc được cử 100 đại biểu thuộc đẳng cấp thứ ba trở lên lập thành tổ chức này. Hội đồng 400 người tồn tại song song với Hội đồng trưởng lão nhưng chức năng của nó là giải quyết những công việc hàng ngày giữa các kì Đại hội nhân dân, còn Hội đồng trưởng lão thì quản lí chung mọi công việc và là Tòa án tối cao. Còn Tòa án nhân dân là một cơ quan mà dân nghèo cũng được tham gia bồi thẩm. Ngoài ra còn có Pháp lệnh về việc thừa nhận quyền chuyển nhượng tài sản, về việc cấm xuất khẩu nông phẩm nhưng khuyến khích xuất khẩu rượu nho và dầu ôliu.
Như vậy những pháp lệnh của Xôlông đã hạn chế một phần quyền lợi của tầng lớp quý tộc, đem lại nhiều quyền lợi cho nông dân, chầm dứt vĩnh viễn việc biến nông dân thành nô lệ, thúc đẩy sự phát triển của công thương nghiệp và làm cho tính chất dân chủ của nhà nước Aten được hoàn thiện thêm một bước.
1.3 Những pháp lệnh của Clixten (Clisthènes)
Cuối thế kỉ VI TCN, tầng lớp quý tộc lại giành được chính quyền, mọi quyền dân chủ bị xóa bỏ. Quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Clixten nổi dậy khởi nghĩa lật đổ chính quyền của quý tộc. Clixten lên làm quan chấp chính số 1, năm 508 TCN, ông ban hành một số pháp lệnh để hoàn thiện hơn nữa chế độ dân chủ của Aten.
- Pháp lệnh chia lại khu vực hành chính: xóa bỏ 4 bộ lạc cũ, lập thành 10 bộ lạc mới. Nhưng đất đai của cái gọi là bộ lạc mới này không ở một chỗ mà ở rải rác khắp cả ba khu vực thành phố, nội địa và ven biển. Mục đích của pháp lệnh này nhằm triệt để xóa bỏ mọi tàn tích của chế độ thị tộc. Pháp lệnh thành lập Hội đồng 500 người và Hội đồng 10 tướng lĩnh: Pháp lệnh trục xuất qua việc bỏ phiếu bằng vỏ sò (ostracisme): Để ngăn ngừa mọi âm mưu đảo chính, hàng năm vào mùa xuân, một cuộc Đại hội công dân bất thường được triệu tập đế trưng cầu ý kiến xem trong công dân Atên có ai là kẻ nguy hiểm đối với nền tự do của công dân không. Nếu Đại hội này có nêu tên người nào thì phải triệu tập đại hội thứ hai và tiến hành bỏ phiếu kín bằng vỏ sò. Nếu người nào bị 6.000 phiếu trở lên ghi tên mình thì 10 ngày sau bị trục xuất khỏi Aten trong 10 năm nhưng không bị tịch thu tài sản. Mãn hạn, người đó lại được trở về Aten và lại được khôi phục quyền công dân. Pháp lệnh về việc mở rộng sô công dân và dân tự do: cho một số kiều dân có công trong quá trình đấu tranh chống chế độ chuyên quyền được trở thành công dân Aten và giải phóng một số nô lệ thành kiều dân.
- Hội đồng 500 người gồm đại biểu của 10 bộ lạc. Mỗi bộ lạc được cử 50 người. Tất cả công dân từ 20 tuổi trở lên đều có thể được bầu làm thành viên của Hội đồng. Hội đồng 500 người là cơ quan hành chính cao nhất của nhà nước. Công việc hàng ngày do một bộ phận thường trực 50 đại biểu của cùng một bộ lạc phụ trách. Nhiệm kì của bộ phận thường trực là 36 ngày mỗi năm, tức là mỗi năm cả mười bộ lạc thay phiên nhau trực công việc của hội đồng. Hội đồng 10 tướng lĩnh gồm 10 viên tướng do 10 bộ lạc cử ra. Hội đồng này lúc đầu chỉ nắm quyền chỉ huy quân sự. Người chỉ huy tối cao do 10 tướng lĩnh luân lưu đảm nhiệm, về sau Hội đồng này nắm cả quyển hành chính cao nhất của nhà nước.
2. Những pháp lệnh của Ephiantet (Ephialtès) và Piriclet (Périclès)
Đầu thế kỉ V TCN, ở Aten lại diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt và lâu dài giữa phái bảo thủ và phái dân chủ. Trong vòng 30 năm khi thì phái dân chủ thắng khi thì phái bảo thủ thắng. Đến năm 462 TCN, một lần nữa phái dân chủ lại được lên cầm quyền.
Thủ lĩnh của phái dân chủ là Ephiantet đã ban bố pháp lệnh thu hẹp quyền lực của Hội đồng trưởng lão. Từ quyền xét xử những vụ án tôn giáo, toàn bộ quyền hành của Hội đồng trưởng lão trước kia đều trao lại cho các cơ quan dân cử.
- Quyền lập pháp thuộc về Đại hội nhân dân. Quyền tư pháp thuộc về Tòa án nhân dân. Quyền hành pháp thuộc về Hội đồng nhân dân.
Những nhà lập pháp phải chịu trách nhiệm về hậu quả những dư luận mà họ đưa ra thông qua trước Đại hội nhân dân để đề phòng những chính sách phiêu lưu mạo hiểm của những kẻ đầu cơ chính trị mà trong một lúc quần chúng chưa có điều kiện suy nghĩ đã tán thành.
Năm 461 TCN, Ephiantet bị phái quý tộc ám sát. Périclès trở thành thủ lĩnh của phái dân chủ. Tiếp tục đường lối của Ephiantet, Périclès đã ban hành nhiều pháp lệnh để triệt để dân chủ hóa nền chính trị của đất nước:
Pháp lệnh bổ nhiệm các chức vụ bằng cách bốc thăm: trừ chức Tướng quân, các chức vụ lớn nhỏ kế cả quan chấp chính đều được bổ nhiệm bằng cách bốc thăm. Như vậy tất cả mọi công dân không phân biệt thuộc tầng lớp nào đều có thể đảm nhiệm các chức vụ trong bộ máy nhà nước. Pháp lệnh quy định chức năng của các cơ quan nhà nước và quyền dân chủ của công dân. Cũng như trước kia bộ máy nhà nước của Aten gồm 4 cơ quan chủ yếu: Đại hội nhân dân, Hội đồng 500 người, Tòa án nhân dân và Hội đồng 10 tướng lĩnh. Đại hội nhân dân là cơ quan quyền lực cao nhát trong nước, mỗi tháng họp từ 2 đến 4 lần. Trong các phiên họp ấy, đại hội thảo luận và quyết nghị những vấn đề lớn của nhà nước như chiến tranh và giảng hòa, bầu cử những người sung vào các cơ quan nhà nước, ban hành luật lệ, xét duyệt công việc của Tòa án, công nhận hoặc tước đoạt quyền công dân, cung cấp lương thực cho thành phố v.v... Trong đại hội, mọi công dân đều có quyền đề nghị thông qua bất kì dự án nào hoặc bãi bỏ một pháp lệnh hiện hành nào đó. Nếu đề nghị được Đại hội nhân dân thông qua nhưng sau xét thấy trái với hiến pháp cơ bản của Aten thì người đề nghị bị truy cứu trách nhiệm, có thể bị phạt tiền, thậm chí bị xử tử. Hội đồng 500 người gồm những người từ 30 tuổi trơ lên do 10 "bộ lạc" bầu ra bằng cách bỏ phiếu (phiếu là một hòn đá nhỏ). Mỗi bộ lạc bầu một nhóm 50 người, các nhóm luân lưu làm việc trong một năm. Trong thời gian trực (khoảng 36 ngày), các nhóm này đảm nhiệm các công việc ngoại giao, thi hành quyết định của Đại hội nhân dân, dự thảo đề án công việc để đưa ra Đại hội nhân dân thảo luận, truy tố trước tòa án hoặc tống giam những người phạm tội, giám sát công việc của các nhân viên nhà nước. Tòa án nhân dân là cơ quan tư pháp cao nhất của Aten. Cơ quan này gồm 6.000 người từ 30 tuổi trở lên được 10 bộ lạc bầu ra, mỗi bộ lạc 600 người, trong đó 500 người là ủy viên chính thức của Hội đồng thẩm phán. Trong khi xử án, vì không có công tố viên nên mọi ủy viên thẩm phán đều có quyền buộc tội và bị cáo cũng có quyền phát biểu ý kiến bào chữa. Hội đồng 10 tướng lĩnh được đại hội công dân bầu hàng năm bằng cách giơ tay, sau đó cũng bằng cách cử công khai để phân công trách nhiệm cho các vị tướng lĩnh: Tư lệnh bộ binh, Tư lệnh hải quân, Tư lệnh bảo vệ Aten, Tư lệnh quân cảng Pirê,... tướng quân số một có quyền lớn hơn quan chấp chính. Thực tế, đây là một tổ chức không những có quyền về mặt quân sự mà còn có quyền về mặt dân sự nữa, do vậy đây là cơ quan có quyền lực rất lớn trong bộ máy nhà nước ở Aten. Chính sách lương bổng và phúc lợi: Để cho những công dân thuộc tầng lớp dưới có thể thoát li sản xuất, đảm nhiệm các chức vụ và các nghĩa vụ đối vỏi nhà nước, lần đầu tiên trong lịch sử, Pêriclet ban hành chế độ trả lương cho các đối tượng như sau:
Thành viên của Hội đồng 500 người, mỗi ngày 5 ô bôn. Quan chấp chính, mỗi ngày 4 ô bôn. Ủy viên bồi thẩm, mỗi ngày 2 ô bôn. Thủy thủ, binh lính, sĩ quan cũng được cấp lương: Người chèo thuyền, mỗi ngày 2 đrátmơ. Sĩ quan được cấp nhiều gấp hai, ba lần.
Đồng thời, Pêriclet còn thi hành một số chính sách phúc lợi như cấp tiền cho công dân để mua vé xem kịch (mỗi lần 2 ô bôn, bằng sinh hoạt phí một ngày của một người) và cấp phát lương thực cho người nghèo.
Như vậy, từ Xôlông đến Pêriclet, tính chất dân chủ của luật pháp Aten ngày càng triệt để. Tuy vậy, hạn chế lớn nhất của nền dân chủ Aten là chỉ có những người có quyền công dân mới được hưởng quyền dân chủ, nhưng số người có quyền công dân rất ít, chỉ chiếm khoảng 20% tổng số cư dân. Còn phụ nữ, những người tự do, nhưng mẹ của họ không phải là người Aten, kiều dân và nô lệ đều không được hưởng quyền công dân.
Luật pháp của La Mã cổ đại
Luật 12 bảng
Khoảng năm 514 TCN, nhà nước cộng hòa của La Mã đã được thành lập, lúc đầu bộ máy nhà nước ở La Mã gồm có Viện Nguyên lão, Đại hội nhân dân và quan chấp chính (2 người). Tuy chế độ cộng hòa đã được thiết lập nhưng về quyền lợi kinh tế, chính trị và địa vị xã hội, bình dân không được bình đẳng với quý tộc, vì vậy bình dân đã đấu tranh lâu dài với quý tộc để giải quyết các vấn đề đó. Những thắng lợi đầu tiên của bình dân là giai cấp quý tôc phải đồng ý cho bình dân được cử quan Bảo dân để bênh vực quyền lợi cho bình dân, được chia ruộng đất, được tổ chức Đại hội bình dân. Đặc biệt, về mặt pháp luật, quý tộc phải đồng ý ban hành luật thành văn.
Năm 454 TCN, La Mã đã cử 3 người sang Hi Lạp để tìm hiểu luật pháp của Hi Lạp, nhất là của Xôlông. Năm 452 TCN, khi 3 người này trở về, La Mã thành lập ủy ban 10 người để soạn luật.
Sau một năm làm việc, ủy ban này soạn được một bộ luật, khắc trên 10 bảng đồng đặt ở quảng trường để mọi người đều biết sau đó mối giao cho hội nghị Bách nhẤn Đội, tổ chức quan trọng nhất trong Đại hội nhân dân phê chuẩn.
Do nội dung của 10 bảng chưa tập hợp hết mọi luật lệ trước đó của La Mã nên năm 450 TCN lại cử một ủy ban 10 người mới trong đó có 3 ủy viên là bình dân. Ủy ban này soạn thêm hai bảng nữa, vì vậy bộ luật này gọi là Luật 12 bảng. Văn bản bộ luật này tuy đã thất truyền, nhưng có thể khôi phục được nhờ những đoạn trích dẫn của các học giả La Mã ở thời kì sau đó.
Nội dung của bộ luật đề cập đến nhiều mặt trong đời sống xã hội như thể lệ tố tụng xét xử, việc kế thừa tài sản, việc cho vay nợ, quan hệ gia đình, địa vị phụ nữ v.v...
Tinh thần chủ yếu của bộ luật là bảo vệ tính mạng, tài sản và danh dự cho mọi người. "Những điều quy định của 12 bảng cấm sát hại một cách phi pháp một người, dù người đó là thế nào đi nữa" (điều 6 bảng IX). Nhưng "nếu đi ăn trộm ban đêm mà bị giết tại chỗ thì việc giết kẻ đó được coi là hợp pháp" (điều 12, bảng VIII). Các tội "người lớn mà đi phá hoại hay ban đêm cắt trộm hoa lợi ở trên ruộng làm bằng cày", "đốt nhà hay đốt đống rơm ở gần nhà", "ăn trộm bị bắt quả tang" đều bị xử tử. Tội tử hình cũng "áp dụng trong trường hợp một người nào đó đặt ra bài hát có nội dung vu khống hay lăng nhục người khác" (bảng VIII). Thẩm phán và những người làm chứng nếu ăn hối lộ hoặc làm chứng giả mạo cũng bị xử tử (điều 3 bảng IX và điều 23 bảng VIII). Bộ luật dành toàn bộ bảng III để bênh vực quyền lợi của chủ nợ. Nếu người mắc nợ không trả được nợ thì bị chủ nợ đưa ra tòa. Nếu người mắc nợ vẫn không thực hiện được sự phán xử của Tòa án và không có người bảo lãnh thì chủ nợ có quyền bắt người vay nợ về nhà mình giam cầm trong 60 ngày. Trong thời gian ấy, người vay nợ bị đưa ra chợ 3 lần để gặp quan hành chính và bắt người vay nợ phải trả nợ. Sau lần thứ ba, người mắc nợ có thể bị xử tử hoặc bán ra nước ngoài. Trong phiên chợ thứ ba, chủ nợ có quyền tùng xẻo người mắc nợ. Nếu xẻo nhiều hay ít chủ nợ không phải chịu trách nhiệm gì về việc ấy (đó là điều 2, 3, 4, 5, 6 bảng III). Về quan hệ gia đình, các điều luật thể hiện rõ tính chất của chế độ gia trưởng. Người cha có quyền bán con làm nô lệ 3 lần và chỉ sau lần thứ 3, người con mới thoát khỏi sự lệ thuộc vào người cha. Người chồng có quyền ra lệnh cho vợ cầm lấy những thứ của riêng của mình rồi đuổi vợ đi ra khỏi nhà (điều 2, 3 bảng IV). Luật 12 bảng cũng có một điều khoản quan trọng đề cập đến lĩnh vực chính trị. Đó là "Luật 12 bảng ra lệnh xử tử hình kẻ nào xúi giục quân thù của nhân dân La Mã tấn công nhà nước La Mã hay kẻ nào nộp một công dân La Mã cho kẻ thù”. (Điều 5 bảng IX).
Tóm lại, nội dung của luật 12 bảng chỉ mới đề cập đến một số mặt trong đời sống xã hội, nhiều mức hình phạt quy định quá khắc nghiệt, nhưng nó có tác dụng hạn chế sự xét xử độc đoán của quý tộc, đồng thời đặt cơ sở cho sự phát triển của luật pháp ở La Mã cổ đại.
Những pháp lệnh khác
Do luật 12 bảng có nhiều vấn đề chưa đề cập tới, nhiều yêu cầu của bình dân chưa được giải quyết, trái lại trong bảng XI lại ghi rõ "cấm bình dân kết hôn với quý tộc", nên cuộc đấu tranh của bình dân vẫn tiếp tục. Vì vậy từ giữa thế kỉ V TCN về sau, nhà nước La Mã phải ban hành nhiều pháp lệnh bổ sung.
Năm 445 TCN, ban bố luật Canulêiut cho phép bình dân được kết hôn với quý tộc. Tiếp đó bình dân được bầu làm Tư lệnh quân đoàn có quyền lực ngang với quan Chấp chính. Năm 367 TCN, lại thông qua 3 pháp lệnh quan trọng: Năm 326 TCN, thông qua pháp lệnh thủ tiêu chế đô nô lệ đối với công dân La Mã. Năm 287 TCN, ban hành pháp lệnh quy định quyết nghị của Đại hội bình dân, có hiệu lực như pháp luật đối với mọi công dân La Mã.
- Những món nợ mà bình dân vay, nếu đã trả lãi, phải được coi như đã trả gốc, số còn thiếu sẽ trả hết trong 3 năm. Không ai được chiếm quá 500 jujera đất công tức là bằng khoảng 125 ha. Bỏ chức Tư lệnh quân đoàn, khôi phục chế độ bầu quan Chấp chính hàng năm, trong 2 quan Chấp chính phải có 1 người là bình dân.
Thời cộng hòa, cơ quan lập pháp là Đại hội nhân dân, đồng thời Viện Nguyên lão cũng có vai trò rất quan trọng. Đến thời kì quân chủ, Đại hội nhân dân ngừng hoạt động nên quyết định của Viện Nguyên Lão và mệnh lệnh của nguyên thủ là luật pháp chủ yếu của La Mã. Nhưng đến cuối thế kỉ III, quyền lập pháp của Viện Nguyên lão cũng không còn nữa, nên mệnh lệnh của nguyên thủ tức là pháp luật.
Mệnh lệnh của nguyên thủ gồm có sắc lệnh, chỉ thị, dụ, quyết định... Sắc lệnh là mệnh lệnh ban bố đối với cư dân toàn đế quốc. Chỉ thị là mệnh lệnh đối với quan lại. Dụ là mệnh lệnh về một vấn đề cá biệt. Quyết định là ý kiến về một vấn đề gây nhiều tranh luận, nhất là về các vụ án.
Về mặt luật học, những người giải thích pháp luật đầu tiên là các thầy cúng. Nhưng đến cuối thế kỉ IV TCN, bắt đầu có những người thế tục chú ý giải thích pháp luật. Người đầu tiên được nhắc đến là Flaviút, một quan chức của La Mã. Ông công bố trước công chúng những ngày mở phiên tòa và những ngày không mở phiên tòa, đồng thời hướng dẫn cho mọi người biết cách thức và thủ tục kiện cáo.
Trong các thế kỉ tiếp theo, ở La Mã có khá nhiều nhà luật học, trong số đó, Giulianút và Gaiút sống vào thế kỉ II là những người tương đối tiêu biểu. Giulianút đã vâng lệnh hoàng đế Ađrianút tập hợp các sắc lệnh trước đó soạn thành một tập gọi là "Các sắc lệnh chung". Còn Gaiút thì viết một quyển sách giáo khoa về luật pháp và trình tự kiện cáo gọi là "Bậc thang luật học".
Luật La Mã đến thời trung đại và cận đại có ảnh hường rất lớn ở châu Âu.
3. Sự ra đời và phát triển của đạo Kitô ở La Mã cổ đại
Cho đến đầu Công nguyên, người La Mã vẫn tin đa thần. Tuy nhiên, từ năm 63 TCN, La Mã thôn tính vùng Palextin, nơi mà từ thế kỉ VI TCN, cư dân đã theo một tôn giáo nhất thần gọi là đạo Do thái. Người truyền bá tôn giáo này là Môidơ. Họ thờ chúa Giêhôva và tin rằng người Do thái là dân chọn lọc của chúa, do vậy một tương lai tươi đẹp sẽ đến với họ. Kinh thánh của đạo Do thái gồm có 3 phần là Luật pháp, Tiên tri và ghi chép Thánh tích, về sau, đạo Kitô kế thừa kinh thánh của đạo Do thái và gọi ba bộ phận ấy là kinh Cựu ước.
Sau khi bị La Mã thống trị, đời sống của nhân dân ở vùng phía Đông Địa Trung Hải càng cực khổ, trong khi đó tư tưởng của phái triết học khắc kỉ (Stoicism) với các nội dung như thần thống trị thế giới, sống nhẫn nhục chịu đựng là đức tính tốt đẹp, mọi người đều bình đẳng, đang được lưu hành ở La Mã.
Chính giáo lí của đạo Do thái, tư tưởng của phái khắc kỉ và đời sống cực khổ không có lối thoát của nhân dân bị áp bức là những yêu tố dẫn đến sự ra đời của đạo Kitô.
Theo truyền thuyết, người sáng lập ra đạo Kitô là chúa Giêsu Crit (Jesus Christ), con của chúa Trời đầu thai vào người con gái đồng trinh Maria và được sinh ra ở Bétlêem vùng Palextin (lúc bấy giờ nằm trong lãnh thổ của dế quốc La Mã) vào khoảng năm 5 hoặc 4 TCN. Đến năm 30 tuổi, chúa Giêsu vừa truyền đạo, vừa chữa bệnh, có thể làm cho người chết sống lại. Trong khi truyền đạo, chúa Giêsu khuyên mọi người phải nhẫn nhục chịu đựng mọi đau khổ ở đời, sau khi chết sẽ được hưởng hạnh phúc vĩnh viễn ở thiên đường. Đồng thời chúa Giêsu lên án sự giàu có, cho rằng người giàu muốn lên nước chúa cũng khó như con lạc đà muốn chui qua lỗ kim. Sau 3 năm truyền đạo, các giáo trưởng đạo Do thái cho chúa Giêsu là kẻ chống lại tôn giáo truyền thống của mình, chính quyền La Mã thì cho ông là kẻ tuyên truyền tư tưởng chống lại La Mã. Nhân đó, Giuđa (Judas), một trong 12 tông đồ của chúa đã bán chúa để lấy 12 đồng bạc trắng. Chúa Giêsu bị đưa đến trước Đại giáo trưởng Do thái Caiphơ rồi đưa đến tòa án La Mã ở Do thái do Pôngxơ Pilát (Ponce Pilate) làm đại diện. Tòa án La Mã xử tử chúa Giêsu bằng cách đóng đinh lên thập giá ở núi Canve (Calvaire) ở gần Giêrudalem. Sau khi chôn được 3 ngày, chúa Giêsu sống lại, tiếp tục thuyết giáo, 40 ngày sau, chúa bay lên trời. Sau đó các tông đồ của chúa tỏa đi truyền giáo khắp đế quốc La Mã.
Kế thừa nhiều quan niệm của đạo Do thái, đạo Kitô cho rằng Chúa Trời sáng tạo ra tất cả, kế cả loài người. Song họ lại đưa ra thuyết tam vị nhất thể tức là Chúa Trời (Chúa cha), Chúa Giêsu (Chúa con) và Thánh thần tuy là ba nhưng vốn là một. Đạo Kitô cũng có quan niệm về thiên đường, địa ngục, linh hồn bất tử, thiên thần, ma quỷ.
Kinh thánh của đạo Kitô gồm 2 phần là Cựu ước và Tân ước. Cựu ước là kinh thánh của đạo Do thái mà đạo Kitô tiếp nhận, còn Tân ước là kinh thánh thực sự của đạo Kitô. Kinh Tân ước vốn viết bằng tiếng Hi Lạp, gồm có 4 phần là Phúc âm, Hoạt động của các sứ đồ, Thư tín và Khải thi lục. Đạo Kitô có 7 nghi lễ quan trọng thường gọi là 7 bí tích. Đó là: Về tổ chức, lúc đầu các tín đồ của đạo Kitô bao gồm nô lệ, nô lệ được giải phóng, dân nghèo thành thị. Họ lập thành những công xã nhỏ. Đó không những là những đoàn thể của các giáo hữu mà còn là những tổ chức giúp đỡ lẫn nhau và làm việc từ thiện.
- Rửa tội: nghi thức vào đạo. Thêm sức: củng cố lòng tin. Thánh thể: ăn bánh thánh. Giải tội: xưng tội để được xá tội. Xức dầu: xoa nước thánh vào người sắp chết. Truyền chức: phong chức cho giáo sĩ. Hôn phối
Các công xã đều có quỹ chung để tiêu dùng và tổ chức những bữa tiệc chung. Mọi thành viên của công xã đều bình đẳng. Quyền lãnh đạo các công xã Kitô giáo trong thời kì này thuộc về các nhà truyền giáo lưu động, các sứ đồ. Họ đều là đại biểu của quần chúng nghèo khổ.
Do thái độ chống lại chính quyền La Mã, sau khi ra đời, đạo Kitô bị chính quyền La Mã thẳng tay đàn áp mà vụ tàn sát tín đồ Kitô giáo khốc liệt đầu tiên diễn ra năm 64 dưới thời hoàng đế Nêrôn.
Tuy bị đàn áp nhưng đạo Kitô vẫn tiếp tục phát triển. Đến thế kỉ II, các công xã Kitô giáo đã liên hiệp lại và tổ chức thành giáo hội. Từ đây giáo hội Kitô cũng có nhiều thay đổi. Trong hàng ngũ tín đồ không phải chỉ có người nghèo mà càng ngày càng có nhiều người khá giả và giàu sang cũng theo đạo. Quyền lãnh đạo giáo hội cũng chuyển dần sang tay những người thuộc tầng lớp trên. Những hình thức nhằm tăng thêm tình hữu ái trước kia như ăn tiệc chung, phân chia tài sản v.v... chấm dứt và được thay bằng việc bố thí từ thiện. Đồng thời, đạo Kitô còn nêu ra nguyên tắc "vương quốc thì trả cho vua, thiên quốc thì trả cho Chúa Trời", tức là tôn giáo không dính dáng đến chính trị. Do những thay đổi ấy, đến năm 311, các hoàng đế La Mã đã ra lệnh ngừng sát hại tín đồ đạo Kitô. Năm 313, hai hoàng đế Cônxtantinút và Lixiniút ban hành sắc lệnh Milanô, chính thức công nhận địa vị hợp pháp của đạo Kitô. Năm 325, Cônxtantinút triệu tập cuộc đại hội các giáo chủ đạo Kitô ở Nixê (Tiểu Á) để xác định giáo lí, chấn chỉnh tổ chức giáo hội. Năm 337, trước lúc chết, Cônxtantinút đã chịu phép rửa tội. Như vậy, ông là hoàng đế La Mã đầu tiên theo Kitô giáo. Đến cuối thế kỉ IV, đạo Kitô chính thức được thừa nhận là quốc giáo của đế quốc La Mã.
Sau đó, Gierôm (Jérome 847-420) đã dịch kinh Cựu ước và kinh Tân ước từ tiếng Hi Lạp ra tiếng Latinh. Tác phẩm này được coi là bộ kinh thánh chính thức của đạo Kitô.
Tóm lại, nền văn minh Hi Lạp và La Mã cổ đại vô cùng xán lạn. Những thành tựu rực rỡ thuộc các lĩnh vực khác nhau trong văn minh Hi-La, là cơ sở đầu tiên và cũng là mẫu mực của nền văn minh phương Tây sau này. Vì vậy Ăngghen nói: "Không có cơ sở văn minh Hi Lạp và đế quốc La Mã thì cũng không có châu Âu hiện đại được".
Trên đây là nội dung bài giảng Bài 4: Luật pháp, những pháp lệnh của Ephiantet và Piriclet được eLib tổng hợp lại nhằm giúp các bạn sinh viên có thêm tư liệu tham khảo. Hy vọng đây sẽ là tư liệu giúp các bạn nắm bắt nội dung bài học dễ dàng hơn.
Tham khảo thêm
- doc Bài 1: Tổng quan về Hi Lạp
- doc Bài 2: Những thành tựu chủ yếu của văn minh Hi-La cổ đại