Bài 3: Phân tích trong dài hạn

Cùng tìm hiểu việc Thiết lập quy mô sản xuất nhỏ hơn quy mô sản xuất tối ưu; Thiết lập quy mô sản xuất bằng qui mô sản xuất tối ưu; Thiết lập quy mô sản xuất lớn hơn quy mô sản xuất tối ưu thông qua nội dung bài giảng Kinh tế vi mô: Bài 3: Phân tích trong dài hạn dưới đây nhé!

Bài 3: Phân tích trong dài hạn

Mục tiêu cơ bản trong dài hạn của doanh nghiệp độc quyền là tối đa hóa lợi nhuận.

Tùy thuộc vào quy mô tiêu thụ của thị trường và điều kiện sản xuất trong dài hạn của doanh nghiệp độc quyền, doanh nghiệp độc quyền có thể thiết lập các loại quy mô khác nhau để tối đa hóa lợi nhuận:

Quy mô sản xuất nhỏ hơn quy mô sản xuất tối ưu.

Quy mô sản xuất bằng qui mô sản xuất tối ưu.

Quy mô sản xuất lớn hơn quy mô sản xuất tối ưu.

Ta lần lượt nghiên cứu từng trường hợp.

1. Thiết lập quy mô sản xuất nhỏ hơn quy mô sản xuất tối ưu

Khi quy mô tiêu thụ của thị trường quá nhỏ, đường doanh thu biên cắt đường chi phí trung bình dài hạn (LAC) về bên trái điểm cực tiểu. Để tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp độc quyền phải thiết lập qui mô sản xuất nhỏ hơn qui mô tối ưu và sản xuất một mức sản lượng nhỏ hơn sản lượng tối ưu (hình 6.8).

Để đạt lợi nhuận tối đa, doanh nghiệp sẽ quyết định sản xuất ở sản lượng Q1, tại đó:

LMC = MR                                                      (6.10)

Ấn định giá bán là P1, chi phí trung bình dài hạn là C1.

Lợi nhuận: \(\Pi_\text{max}\) = TR - TC = P1Q1 - CQ1 = (P1 - C1)Q1

Để tối thiểu hóa chi phí ở sản lượng Q1, doanh nghiệp độc quyền sẽ thiết lập qui mô sản xuất (SAC1) tiếp xúc với đường LAC tại sản lượng Qj, tại Q1:

SAC1 = LAC = C1                                             (6.11)

SMC1 = LMC = MR                                          (6.12)

Qui mô SAC1 là quy mô nhỏ hơn quy mô sản xuất tối ưu.

Sản lượng Q1 cũng là sản lượng nhỏ hơn sản lượng tối ưu.

2. Thiết lập quy mô sản xuất bằng qui mô sản xuất tối ưu

Khi quy mô tiêu thụ của thị trường tương đối lớn, đường MR cắt đường LAC tại điểm cực tiểu, khi đó doanh nghiệp có thể thiết lập qui mô sản xuất tối ưu, sản xuất mức sản lượng tối ưu (hình 6.9).

Để tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp độc quyền sẽ sản xuất ở sản lượng Q2 sao cho:

LMC = MR = LACmin

Doanh nghiệp sẽ thiết lập qui mô tối ưu (SAC2) tiếp xúc với đường (LAC) tại sản lượng Q2 (điểm cực tiểu của đường LAC), ấn định giá bán là P2 và thu được lợi nhuận tối đa là diện tích hình chữ nhật P2AMC2.

3. Thiết lập quy mô sản xuất lớn hơn quy mô sản xuất tối ưu

Khi quy mô thị trường rất lớn, đường MR cắt đường LAC về bên phải điểm cực tiểu. Doanh nghiệp phải thiết lập qui mô sản xuất lớn hơn qui mô tối ưu và sản xuất mức sản lượng lớn hơn sản lượng tối ưu (hình 6.10).

Để đạt lợi nhuận tối đa, doanh nghiệp độc quyền nên sản xuất ở sản lượng Q3, ấn định giá bán là P3, thu được lợi nhuận tối đa là diện tích hình chữ nhật P3C3BA. Qui mô phù hợp để sản xuất sản lượng Q3 là đường SAC3 tiếp xúc với đường LAC tại sản lượng Q3, tại đó:

SAC3 = LAC = C3

SMC3 = LMC = MR

Quy mô sản xuất SAC3 là qui mô sản xuất lớn hơn quy mô sản xuất tối ưu.

Qua phân tích 3 trường hợp trên, ta thấy trong dài hạn doanh nghiệp độc quyền luôn thiết lập được quy mô sản xuất tương thích với quy mô tiêu thụ của thị trường, giá bán độc quyền luôn lớn hơn chi phí trung bình dài hạn, do đó doanh nghiệp độc quyền luôn thu được lợi nhuận kinh tế trong dài hạn: P > LAC, Pr > 0.

Nhằm giúp các bạn sinh viên có thêm tư liệu tham khảo, eLib đã tổng hợp nội dung bài giảng Bài 3: Phân tích trong dài hạn và chia sẽ đến các bạn trên đây. Hy vọng tư liệu này giúp các bạn nắm bắt nội dung bài học dễ dàng hơn.

Ngày:08/10/2020 Chia sẻ bởi:Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM