Bài 2: Ba vấn đề cơ bản và đường giới hạn khả năng sản xuất
Cùng tìm hiểu việc Ba vấn đề cơ bản; Các hệ thống tổ chức sản xuất; Đường giới hạn khả năng sản xuất (PPF) thông qua nội dung bài giảng Kinh tế vi mô: Bài 2 Ba vấn đề cơ bản và đường giới hạn khả năng sản xuất dưới đây nhé!
Mục lục nội dung
1. Ba vấn đề cơ bản
Nguồn tài nguyên quốc gia là có hạn. Những nguồn này có thể kết hợp bằng những cách khác nhau để sản xuất ra hàng hóa dịch vụ. Để quyết định phân chia nguồn tài nguyên khan hiếm đó, xã hội phải giải quyết 3 vấn đề cơ bản:
Trước nhất, xã hội quyết định là phải sản xuất cái gì? “Bao nhiêu thiết bị quân sự?” và “Bao nhiêu hàng tiêu dùng” trở thành sự chọn lựa chủ yếu của một quốc gia chiến tranh. “Bao nhiêu ngôi nhà mới” và “Bao nhiêu máy móc”, trở thành sự chọn lựa gay gắt của quốc gia công nghiệp mới. “Bao nhiêu sản phẩm công nghiệp?” là sự lựa chọn quan trọng nhất cho đất nước vừa bước vào thương trường quốc tế.
Cho dù xã hội lựa chọn sản xuất hàng hóa và dịch vụ nào, cùng lúc nó phải hy sinh những hàng hóa và dịch vụ khác mà nó có thể lựa chọn.
Thứ hai, xã hội phải quyết định nguồn tài nguyên sẽ được phân chia để sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ theo yêu cầu như thế nào? Nếu xã hội có nhiều đất đai như Arhentina và Úc, nó có thể quyết định nhấn mạnh lên sử dụng đất đai. Nếu công nhân dồi dào như ở Trung Quốc, thì quyết định có thể nhấn mạnh lên việc sử dụng lao động. Nếu xã hội giàu nguồn vốn, nó có thể nhấn mạnh lên việc sử dụng máy móc, thiết bị, như Nhật bàn ngày nay. Một quốc gia không có đất đai màu mỡ và ít nhân lực, có thể chọn lựa việc phát triển và thúc đẩy khả năng phụ trách thông qua đào tạo về quản lý kinh doanh. Cuối cùng, bất kỳ xã hội nào cũng phải quyết định sản lượng mà nó sản xuất ra cho ai? Ai đáng được hưởng khi phân phối hàng hóa và dịch vụ? Nhà phẫu thuật hay diễn viên ballet, nhà thơ hay họa sĩ? Thấy giáo hay người lính? Thông thường, sự thụ hưởng của cá nhân phản ảnh giá trị địa vị xã hội trên hàng hóa và dịch vụ mà cá nhân sản xuất ra. Sự thụ hưởng hào phóng sẽ thúc đẩy việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ mà xã hội cấn nhất.
Cũng cần nói rằng khi một cá nhân được xã hội quyết định cho hưởng thụ hào phóng, thì cùng lúc nó sẽ làm cho những người khác thụ hưởng ít hơn.
2. Các hệ thống tổ chức sản xuất
Hệ thống kinh tế là con đường mà quốc gia tự tổ chức để giải quyết 3 vấn đề cơ bản, tùy theo nguồn tài nguyên mà họ có, và tùy theo hệ thống giá trị của họ. Các hệ thống giá trị được phát triển từ năm này sang năm khác của lịch sử và ảnh hưởng lên sự chọn lựa hàng hóa và dịch vụ của đất nước. Những sự khác nhau trong nguồn tài nguyên và các hệ thống giá trị, dẫn tới những sự khác nhau trong các hệ thống kinh tế. Thực vậy, có 4 loại hệ thống kinh tế: hệ thống kinh tế truyền thống; hệ thống kinh tế mệnh lệnh; hệ thống kinh tế thị trường và hệ thống kinh tế hỗn hợp.
2.1 Hệ thống kinh tế truyền thống
Những xã hội quá đơn giản, nói chung thường giải quyết 3 vấn đề cơ bản thông qua khả năng kinh tế truyền thống - sự lặp lại trong nội bộ gia đình, từ thế hệ này sang thế hệ khác, các kiểu mẫu sản xuất kiểu gia đình cổ: các gia đình nông dân vẫn tiếp tục sống trên mảnh đất của mình. Các thợ săn, các thợ mộc và các thợ may truyền nghề của mình trong nội bộ gia đình, để họ tiếp tục sản xuất ra các sản phẩm tương tự như cách trước đây.
Các nền kinh tế truyền thống ngày nay vẫn tiếp tục tổn tại ở những vùng xa xôi, hẻo lánh của Châu Phi, Châu Á, và Châu Mỹ. Cộng đồng Amish ở Đông - Nam Hoa Kỳ là một ví dụ của một dân tộc vẫn còn tổ chức sản xuất theo cách giống như tổ tiên của họ đã từng làm nhiều năm về trước.
2.2 Hệ thống kinh tế mệnh lệnh (kế họach tập trung)
Trong nền kinh tế mệnh lệnh, Chính phủ giải quyết 3 vấn đề thông qua hệ thống các chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh do ủy ban Kế hoạch Nhà nước ban hành.
Do kế hoạch không thể dự đoán chính xác nhu cầu xã hội, nên thường xảy ra tình trạng cơ cấu sản phẩm sản xuất không phù hợp với cơ cấu sản phẩm tiêu dùng; thể hiện tài nguyên sử dụng không hợp lý, sản xuất kém hiệu quả.
2.3 Hệ thống kinh tế thị trường tự do
Ba vấn đề cơ bản được giải quyết bằng cơ chế thị trường, thông qua hệ thống giá cả. Giá cả là tín hiệu để giúp người sản xuất và người tiêu dùng điều chỉnh việc sản xuất và tiêu dùng một cách hợp lý, khiến cơ cấu sản phẩm sản xuất phù hợp với cơ cấu sản phẩm tiêu dùng, thể hiện nguồn tài nguyên được phân phối hợp lý trong nền kinh tế, sản xuất có hiệu quả.
Tuy nhiên nền kinh tế thị trường củng phát sinh những nhược điểm:
Phân hóa giai cấp, tạo ra sự chênh lệch thu nhập ngày càng lớn giữa các thành phần dân cư. Tạo ra chu kỳ kinh doanh: hiện tượng sản lượng quốc gia biến động liên tục, dẫn đến tình trạng lạm phát cao hay tỉ lệ thất nghiệp cao trong nền kinh tế. Tạo ra các ngoại tác tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Thiếu vốn đầu tư cho hàng hóa công:
Ngoại tác (Externality) là hành động của một chủ thể kinh tế này ảnh hưởng đến lợi ích của các chủ thể khác (hay người ngoài cuộc), mà không phản ánh trên thị trường. Ngoại tác tiêu cực (có hại): chất thải độc hại, khai thác tài nguyên bừa bãi, tiếng ồn, làm ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái. Ngoại tác tích cực (có lợi): biến vùng đầm lầy, cải táng nghĩa địa để xây dựng nhà máy, chung cư, công viên ...
Hàng hóa sản xuất ra được chia làm hai loại là hàng hóa tư (nhân) và hàng hóa công (cộng). Hàng hóa tư: là những hàng hóa có 2 tính chất là vừa có tính cạnh tranh và vừa có tính loại trừ.
Ví dụ: Đối với xem kịch, xem phim ở rạp: khi người này đã mua vé xem kịch có chỗ ngồi là A2, thì người khác không thể mua được và ngồi được vị trí A2 này nữa. Không có vé, chúng ta không thể vào rạp. Hàng hóa công: là những hàng hóa không có tính cạnh tranh và/hoặc không có tính loại trừ.
Ví dụ: Công viên thoáng mát là của tất cả người dân, ai cũng có quyền vào công viên đi dạo, vui chơi.
Trong nền kinh tế thị trường tự do, tư nhân không đủ vốn và không muốn đầu tư vào hàng hóa công; chẳng hạn tư nhân không đầu tư xây dựng đường sá, bến cảng, bệnh viện, công tác bảo vệ an ninh quốc phòng, công tác phòng chống dịch bệnh cho cộng đồng.
Tạo thế độc quyền ngày càng lớn trong nền kinh tế. Thông tin không cân xứng giữa người mua và người bán, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
2.4 Hệ thống kinh tế hỗn hợp
Chính phủ và thị trường cùng giải quyết 3 vấn đề kinh tế. Phần lớn ba vấn đề được giải quyết bằng cơ chế thị trường, chính phủ sẽ can thiệp vào nền kinh tế bằng các công cụ kinh tế để hạn chế các nhược điểm của nền kinh tế thị trường, nhằm đạt được nền kinh tế hoạt động có hiệu quả và trong chừng mực nào đó thực hiện được công bằng xã hội.
3. Đường giới hạn khả năng sản xuất (PPF)
Hầu hết các mô hình kinh tế, không giống như sơ đồ lưu chuyển, được xây dựng nhờ sử dụng các công cụ toán. Chúng ta chú ý một trong những sơ đồ đơn giản nhất, được gọi là đường giới hạn khả năng sản xuất và thấy được mô hình này minh họa như thế nào một số ý tưởng kinh tế cơ bản.
Mặc dù trong thực tế nền kinh tế sản xuất nhiều hàng hóa và dịch vụ, chúng ta thử tưởng tượng nền kinh tế đó sản xuất chỉ 2 hàng hóa: xe hơi và máy tính. Cũng vì vậy, ngành xe hơi và ngành máy tính sử dụng tất cả các yếu tố sản xuất của nền kinh tế.
Đường giới hạn khả năng sản xuất là tập hợp những phối hợp tối đa số lượng các sản phẩm và dịch vụ mà nền kinh tế có thể sản xuất, khi sử dụng toàn bộ các nguồn lực của nền kinh tế.
Biểu 1.1 và hình 1.1 là một thí dụ của đường giới hạn khả năng sản xuất. Trong nền kinh tế, nếu mọi tài nguyên đều được sử dụng cho ngành sản xuất xe hơi thì có thể sản xuất 50 xe và không có chiếc máy tính nào cả. Nếu mọi tài nguyên đểu được dùng cho sản xuất máy tính, thì nền kinh tế sản xuất được 1.000 máy tính và không có chiếc xe nào cả. Hai điểm cuối của đường giới hạn khả năng sản xuất tượng trưng cho 2 khả năng đặc biệt trên. Nền kinh tế chia tài nguyên cho 2 ngành sản xuất nó có thể sản xuất 20 xe và 750 máy tính, được thể hiện ở điểm C trên sơ đồ. Ngược lại, điểm U là không thể đạt được bởi vì nền kinh tế không có đủ tài nguyên để đảm bảo mức sản xuất đó. Nói cách khác, nền kinh tế có thể sản xuất ở bất kỳ phối hợp nào từ đường giới hạn khả năng sản xuất trở vào trong, nhưng nó không thể sản xuất ở những phối hợp nằm bên ngoài đường giới hạn này.
Biểu 1.1: Khả năng sản xuất
|
Một kết quả được xem là hiệu quả nếu nền kinh tế đạt được tối đa số lượng các sản phẩm có thể có từ nguồn tài nguyên khan hiếm. Những điểm nằm trên đường giới hạn khả năng sản xuất tượng trưng những mức độ hiệu quả của nền sản xuất. Khi nền kinh tế được sản xuất ở những điểm, thí dụ như điểm C, sẽ không có cách nào có thể sản xuất thêm 1 sản phẩm này mà không giảm bớt sản phẩm kia.
Điểm I tượng trưng cho một phối hợp không hiệu quả. Do một số nguyên nhân, có thể do số thất nghiệp đông, nền kinh tế sản xuất kém hơn khả năng của nó: chỉ 15 xe và 500 máy tính. Nếu không muốn tình trạng sản xuất kém hiệu quả, nên chuyển việc sản xuất từ điểm I đến điểm C, gia tăng sản xuất cả xe 20 và máy tính 750.
Đường giới hạn khả năng sản xuất cho chúng ta thấy sự đánh đổi đã đề cập trên. Một khi chúng ta đạt tới những điểm hiệu quả trên đường giới hạn, cách duy nhất để có thêm một hàng hóa này là giảm bớt đi một hàng hóa khác. Thí dụ trong nền kinh tế đi từ C đến B, xã hội phải sản xuất nhiều máy tính hơn khi sản xuất ít xe hơn.
Đường giới hạn khả năng sản xuất cũng cho thấy chi phí cơ hội của một hàng hóa này nhờ vào việc đo lường trong giới hạn của hàng hóa khác. Khi xã hội phân phối lại các yếu tố sản xuất từ ngành sản xuất xe sang sản xuất máy tính, bằng cách chuyển nền kinh tế từ C đến B, nó đã từ bỏ không sản xuất 10 xe để sản xuất thêm 150 máy tính. Nói cách khác khi nền kinh tế ở điểm c, chi phí cơ hội của 150 máy tính là 10 xe hơi.
Chi phí cơ hội của xe hơi là số lượng máy tính bị mất đi để sản xuất thêm 1 chiếc xe hơi. Đường hạn khả năng sản xuất cũng thể hiện chi phí cơ hội có xu hướng tăng dần, là do quy luật năng suất biên giảm dẩn chi phối. Đường giới hạn khả năng sản xuất cho thấy sự đánh đổi giữa việc sản xuất ra các sản phẩm khác nhau ở một thời điểm nào đó, nhưng theo thời gian sự đánh đổi đó có thay đổi.
Theo thời gian, các nguồn lực sản xuất của các quốc gia đều có khuynh hướng tăng lên; đường giới hạn khả năng sản xuất sẽ dịch chuyển ra phía ngoài, thể hiện nền kinh tế có thể sản xuất ngày càng nhiều hàng hóa & dịch vụ hơn so với trước.
Ví dụ: Do tiến bộ công nghệ trong ngành sản xuất máy tính, nên số lượng máy tính mà mỗi công nhân có thể sản xuất ra mỗi ngày tăng lên (năng suất lao động tăng), nền kinh tế có thể tạo ra nhiều máy tính hơn với các mức số lượng xe cho trước. Kết quả là đường giới hạn khả năng sản xuất dịch ra phía ngoài (hình 1.2). Từ sự tăng trưởng kinh tế này, xã hội có thể chuyển nền sản xuất từ điểm C đến điểm G, với nhiều máy tính và nhiều xe hơi hơn.
Hình 1.2: Khi nguồn lực sản xuất tăng, đường PPF sẽ dịch chuyển sang phái
Trên đây là nội dung bài giảng Bài 2: Ba vấn đề cơ bản và đường giới hạn khả năng sản xuất mà eLib chia sẻ đến các bạn sinh viên. Hy vọng đây sẽ là tư liệu hữu ích giúp các bạn nắm được nội dung bài học tốt hơn.
Tham khảo thêm
- doc Bài 1: Một số khái niệm và phương pháp nghiên cứu
- doc Bài 3: Thị trường và sơ đổ chu chuyển kinh tế