Bài 1: Xã hội học tội phạm

Bài giảng Xã hội học đại cương Bài 1: Xã hội học tội phạm cung cấp các nội dung chính khái quát về xã hội học tội phạm, đưa ra những khái niệm, đặc điểm, biểu hiện của lệch lạc xã hội và các lý thuyết giải thích về hành vi lệc lạc xã hội... Để nắm vững chi tiết nội dung bài học, mời các bạn cùng tham khảo bài giảng sau đây.

Bài 1: Xã hội học tội phạm

1. Khái quát xã hội học tội phạm

Xã hội học ngoài việc nghiên cứu xã hội với tính cách là một chỉnh thể được biểu hiện qua hệ thống các quan hệ xã hội, nhóm xã hội, xã hội học còn nghiên cứu những mặt cụ thể của xã hội. Từ đó, làm xuất hiện các xã hội học chuyên ngành. Cho đến nay đã có hơn 200 chuyên ngành xã hội học như xã hội học nông thôn, đô thị, gia đình, tôn giáo, chính trị, lối sống... trong đó có xã hội học tội phạm.

“Tội phạm học” được các ngành khoa học khác nhau tìm hiểu, nhưng chủ yếu là hai ngành luật học và xã hội học. Ở khía cạnh luật học khẳng định rằng: “Tội phạm học” là một thuật ngữ xuất phát từ tiếng Latinh “Crimen” (tội phạm), tiếng Hy Lạp “Logos” (học thuyết) và theo nghĩa đến là “khoa học về tội phạm”. Như vậy ngành khoa học này dùng nhiều phạm trù, qui luật, khái niệm và kiến thức của khoa học xã hội học. Điều đó có nghĩa chuyên ngành này nằm giáp ranh giữa khoa học pháp lý và xã hội học.

Ở góc độ một chuyên ngành của xã hội học thì tội phạm được xem là một hành vi lệch lạc xã hội (social diviance). Tội phạm học ra đời từ thế kỷ 18, người khởi xướng là nhà luật học người Ý tên Beccaria (1738 - 1794). Mặc dù thuật ngữ xã hội học ra đời từ thế kỷ 18 nhưng khoa học về tội phạm đã có từ rất lâu và hiện tượng tội phạm thì đã có từ xa xưa.

- Thời nguyên thuỷ các hiện tượng lệch lạc cũng như tội phạm hình thành cùng với sự xuất hiện của xã hội loài người. Song, trong thời kì này vẫn chưa xuất hiện các tư tưởng, con người trong thời kì này sống còn sơ khai, trí tuệ chưa phát triển, họ phải lo đấu tranh với thiên nhiên để tồn tại. Ví dụ: Con người di chuyển theo bầy đàn, vậy nếu một người nào đó không chịu đi theo bầy đàn (lệch chuẩn ra khỏi qui tắc của bầy đàn) thì người đó dễ bị thú dữ ăn thịt hoặc bị bầy đàn xa lánh.

- Thời kì thứ hai, thời kì cổ đại Hy Lạp (chiếm hữu nô lệ). Thời kì này đã xuất hiện một số tư tưởng đấu tranh với tội phạm và đã xuất hiện một số quan điểm sau:

  • Quan điểm Platon: Coi tội phạm là một bệnh tật, bệnh tật này của nhà nước. Chính nhà nước phải có trách nhiệm chữa trị bệnh tật này. Ông cho rằng các đạo luật ban hành phải có tác dụng kìm chế nguyên nhân thúc đẩy hành vi tội phạm.
  • Quan điểm Aristote: Cho rằng sự cưỡng chế về tâm lý có thể phòng ngừa về tội phạm, để cho tinh thần thống trị về thể xác, lí trí thống trị bản năng.

2. Lệch lạc xã hội

Xã hội học chuyên nghiên cứu sự bất bình thường trong quá trình xã hội hoá của mỗi cá nhân, trong quá trình đó cá nhân có những mối quan hệ với xã hội. Trong bất kì xã hội nào dù xã hội đó có hoàn hảo đến đâu thì chúng ta vẫn thấy không ít cá nhân hoặc bộ phận nào đó không làm theo qui tắc xã hội, không thực hiện theo sự mong đợi của xã hội, thậm chí còn gây tai hoạ lớn cho xã hội.

2.1 Khái niệm

Lệch lạc xã hội là một hiện tượng không có khuôn mẫu chung mà nó phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử của từng xã hội. Vì vậy, chúng ta không nên đưa ra một định nghĩa cứng nhắc về hiện tượng lệch lạc. Theo cách chung nhất, để kết luận về hành vi là lệch lạc người ta thường dựa trên kết quả hành động của cá nhân hoặc nhóm xã hội tỏ ra không phù hợp với mong đợi chung của toàn xã hội.

Lệch lạc xã hội là hành vi của con người đi lệch khỏi các qui định của luật pháp, đi lệch khỏi các giá trị, chuẩn mực và qui tắc, qui ước của xã hội.

Hiện tượng lệch lạc chỉ thể hiện qua sự tương tác giữa cá nhân và cá nhân, cá nhân và tập thể. Khi hành động của cá nhân không phù hợp với những qui định của tập thể, cá nhân đó được coi là lệch lạc. Như Becker (1961) đã nói: “Sự lệch lạc không phải là một đặc tính hiện diện trong một số loại hành vi mà nằm trong mỗi tác động qua lại giữa những ai có hành động và những ai đáp ứng lại chúng”.

Trong xã hội, mỗi tương tác lại thể hiện bằng nhiều cách thức khác nhau, nó tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện, lối sống, văn hoá, tôn giáo... cho nên hành vi lệch lạc không thể có khuôn mẫu chung, có khi hành vi đó trong môi trường này là lệch lạc nhưng trong môi trường khác lại là khuôn mẫu, chuẩn mực.

Con người luôn đi tìm cho mình một giá trị sống phù hợp nhưng nó chỉ được chấp nhận khi họ hành động theo những qui định chung. Có khi sự mâu thuẫn giữa qui luật chung và giá trị cá nhân tìm kiếm là tác nhân dẫn đến sự lệch lạc.

Để xác định một hành vi là lệch lạc bên cạnh sự qui chiếu vào luật pháp còn phải đặt hành vi đó vào những qui chuẩn của đạo đức xã hội. Một hành vi không bị luật pháp coi là một hình thức phạm tội nhưng cộng đồng xã hội không chấp nhận. Cá nhân vi phạm vào đạo đức xã hội đôi khi phải chịu hậu quả nặng nề hơn rất nhiều. Có thể thấy rằng có những toà án công chúng có thể bất chấp sự can thiệp của luật pháp, điển hình là những hình thức xử phạt của cộng đồng với những phụ nữ bị coi là ngoại tình ở xã hội phương Đông thời phong kiến. Hầu hết những hành động này bị coi là xúc phạm đến xã hội và không cần bất cứ một thứ luật pháp nào cộng đồng cùng tự xử phạt theo cách riêng của họ. Người ta không có một hình thức chung nhất nào để xác định rõ đâu là hành vi lệch lạc. Lệch lạc so với những qui định của pháp luật, lệch lạc so với đạo đức xã hội, lệch lạc so với văn hoá... tuỳ vào những bối cảnh không gian và thời gian mà những qui ước này khác nhau hoặc giống nhau.

Điều đó cho thấy lệch lạc xã hội chỉ mang tính tương đối. Chúng ta khó có thể xác định được ranh giới của lệch lạc nhất là những lệch lạc ở mức độ thấp.

Hiện tượng lệch lạc vẫn luôn tồn tại trong đời sống xã hội dù xã hội đó tồn tại và phát triển đến giai đoạn nào đi chăng nữa. Hành vi được xác định là lệch lạc vừa do sự qui chiếu vào qui ước của xã hội là có sẵn của xã hội, đó là những khuôn mẫu bên ngoài “ở đâu có luật pháp, ở đó có tội phạm”.

Bên cạnh đó hành vi lệch lạc còn nảy sinh trong quá trình sống của con người, trong những mối quan hệ của xã hội. Đứng trước một hành động, không phải ai cũng có những nhận thức giống nhau.

Ví dụ: Khi gặp ngã tư có đèn đỏ, nếu không có người đi từ hai hướng ở đèn xanh thì có người sẽ vượt đèn đỏ và cho đó là chuyện bình thường.

Sở dĩ lệch lạc vẫn tồn tại do con người có những cách đánh giá khác nhau về nó. Sự tồn tại ổn định là do các cá nhân biết tuân theo những qui định chung. Thế nhưng một số người lại dựa vào đó hoặc tách mình ra khỏi điều chung để phục vụ cho quyền lợi của riêng họ.

Tất cả những gì tồn tại đều có lí của nó. Con người còn tồn tại trong mối quan hệ với nhau thì lệch lạc còn xảy ra. Durkheim cũng lí luận như vậy đối với ngay cả hiện tượng tội phạm: “Trước hết tội ác là bình thường, bởi vì một xã hội hoàn toàn không có tội ác là không thể có được”.

  • Trong đời sống hàng ngày, lệch lạc được coi là một hiện tượng xấu, xã hội coi là bất thường. Nhưng xét cho cùng thì đây là một hiện tượng bình thường của xã hội. Vì sự lệch lạc là bước chuyển tiếp cho con người qua một hành động khác, có thể là tích cực, có thể là tiêu cực. Có những lệch lạc trở thành chuẩn mực và được mọi người chấp nhận theo tính hợp lí nhưng cũng có những lệch lạc đưa đến hành vi phạm tội. Hành vi lệch lạc không chỉ là sự đánh giá những hành động xảy ra bên ngoài mà còn có những ý thức lệch lạc tiềm ẩn bên trong con người.

Ví dụ: Trước đây phụ nữ mà tham gia đá bóng thì sẽ không được chấp nhận và bị coi là lệch lạc. Nhưng bây giờ phụ nữ đá bóng là chuyện bình thường, được đông đảo mọi người ủng hộ.

Như vậy chúng ta đã có được một cái nhìn tổng quan về khái niệm và sự tồn tại của hiện tượng lệch lạc. Có thể thấy rằng hiện tượng này không phổ biến bằng việc hàng ngày chúng ta đi học hay đi làm, nhưng nó lại là hành vi đặc biệt, gây sự chú ý khiến cho chúng ta không bao giờ cảm thấy đây là những hành vi mang tính thiểu số.

2.2 Đặc điểm của lệch lạc xã hội

Lệch lạc xã hội diễn ra ở phạm vi rất rộng, nó có ở mọi nơi trên thế giới, mọi “ngóc ngách” của xã hội. Lệch lạc xã hội có thể ở trong nhóm nhỏ xã hội, một quốc gia, một dân tộc.

Lệch lạc xã hội có thể mang tính rõ ràng, cụ thể. Cũng có thể mang tính mơ hồ. Hoặc giết người trong trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Lệch lạc xã hội diễn ra ở mọi góc độ, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, tinh vi.

Lệch lạc xã hội thay đổi theo thời gian, nỏ không phải là bất biến. Có những cái trước đây là chuẩn mực, nay thì không và ngược lại.

Lệch lạc xã hội không chỉ thay đổi theo thời gian mà còn thay đổi theo không gian. Ở đây có thể là chuẩn mực nhưng ở nơi khác thì có thể coi là lệch lạc (có thể do văn hoá, cũng có thể do quyền lực).

Lệch lạc xã hội thay đổi và khác nhau theo những hoàn cảnh khác nhau. Có những hành vi ở hoàn cảnh này người ta xem là tội phạm nhưng ở hoàn cảnh khác người ta lại coi là đúng, thậm chí còn tuyên dương, khen thưởng.

2.3 Biểu hiện của lệch lạc xã hội

Hiện tượng lệch lạc xã hội đa dạng, phong phú... song đây là khái niệm cần được phân loại.

Xã hội học tội phạm chia lệch lạc thành 3 loại:

Hành vi dị thường 

  • Là hành vi bất bình thường, không giống ai (so với đông đảo người xung quanh). Song không phải mọi hành vi dị thường đều tiêu cực. Ví dụ: Đi xem hát ngoài đường, không ai vỗ tay, chỉ một người vỗ tay, ai cũng nhìn người đó.
  • Hành vi dị thường không làm chết người, đe doạ tính mạng con người nhưng gây cho con người sự bực bội, khó chịu, thiếu thiện cảm, không cảm tình. Hành vi dị thường đồng hành với con người và là một phần của cuộc sống.
  • Ở những nơi khác nhau, những thời điểm khác nhau thì cũng có những quan điểm khác nhau về hành vi dị thường. Ví dụ: Đi xem bóng đá tại sân vận động, lúc loa gọi khán giả đứng dậy chào cờ. Bên khán đài A chỉ một người không đứng (dị thường). Nhưng ở khán đãi B chỉ một người đứng dậy (dị thường).
  • Như vậy hành vi dị thường là một trong những biểu hiện thấp của lệch lạc xã hội, bởi vì xã hội đa số đều có những hành vi phù hợp với pháp luật, phù hợp với qui phạm đạo đức, phù hợp với qui luật của sự phát triển. Nhưng cũng khẳng định rằng, hành vi dị thường là một biểu hiện tất yếu, một tồn tại tất yếu của cuộc sống. Hành vi dị thường còn phụ thuộc vào sự đánh giá của mỗi quốc gia. ​Ví dụ: Phụ nữ Nhật Bản trang phục kín nhưng hở cổ, họ quan niệm cổ đẹp. Còn phụ nữa Thái Lan thì để hở vai, họ cho rằng không gì đẹp bằng vài.

Tệ nạn xã hội 

  • Là hiện tượng tiêu cực của xã hội thể hiện qua những hành vi sai lệch xã hội có tính phổ biến. Bao gồm các vi phạm có tính nguyên tắc về lối sống, đạo đức, thuần phong mỹ tục và những qui tắc đã được thể chế hoá bằng pháp luật.
  • Tệ nạn xã hội do nhiều nguyên nhân khách quan (kinh tế, chính trị, xã hội...) hoặc do các nguyên nhân chủ quan gây nên (trình độ, học vấn, rèn luyện đạo đức...). Tệ nạn xã hội có các đặc điểm của lệch lạc xã hội như tính đa dạng, sự khác nhau về thời gian, không gian.
  • Tệ nạn xã hội gây ra những hậu quả nghiêm trọng về đời sống, kinh tế, văn hoá, xã hội, cuộc sống của nhân dân. Tệ nạn xã hội có rất nhiều loại như đua xe, mại dâm, cờ bạc, trộm cắp, mê tín dị đoan...

Tội phạm

  • Khái niệm tội phạm theo Luật Hình sự Việt Nam: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được qui định trong bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm những gì mà pháp luật bảo vệ”.
  • Tội phạm là hình thức, mức độ cao nhất của lệch lạc xã hội.
  • Tội phạm là sự vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực của xã hội. Ví dụ: Tội phạm hiếp dâm, tội phạm cướp tài sản, tội phạm giết người...

Ở mỗi quốc gia khác nhau thì có qui định về tội phạm khác nhau, nhưng nhìn chung thì cách phân loại tội phạm thường dựa trên đối tượng tác động, chủ thể của tội phạm hoặc mức độ nguy hiểm của hành vi.

2.4 Cơ sở của lệch lạc

Mọi hành vi lệch lạc luôn được định hướng bởi xã hội, lệch lạc xã hội chỉ tồn tại trong mối quan hệ với các chuẩn mực xã hội mà các chuẩn mực này gắn liền và phụ thuộc vào nền văn hoá. Không có suy nghĩ hay hành động nào vốn hữu là lệch lạc, nó chỉ trở thành lệch lạc trong mối quan hệ với các chuẩn mực văn hoá cụ thể.

Người ta chỉ trở thành kẻ lệch lạc khi người khác xác định họ bằng cách như vậy. Một người bị coi là lệch lạc hay không phụ thuộc vào việc người khác nhận thức, phản ứng với hành động của người đó như thế nào.

Việc xác định hành vi lệch lạc còn dựa trên quyền lực của giai cấp thống trị.

2.5 Chức năng của lệch lạc xã hội

Lệch lạc giúp khẳng định giá trị của chuẩn mực xã hội. Ví dụ: Mọi người đều nhận thấy rằng lưu thông vào đường cấm là sai. Như vậy, giá trị chuẩn mực được khẳng định ở đây là không được phép lưu thông vào đường cấm.

Phản ứng lại lệch lạc làm rõ hơn ranh giới của đạo đức. Ví dụ: Một hành vi đánh đập phụ nữ bị phản ứng, như vậy đánh đập phụ nữ là hành vi bạo hành, vi phạm đạo đức.

Phản ứng lại lệch lạc làm tăng sự đoàn kết hay sự thống nhất trong xã hội. Ví dụ: Một sinh viên quay bài được điểm cao. Mọi người coi thường người đó, như vậy lớp đó sẽ hạn chế được rất nhiều vấn đề quay bài. Phong trào học tập được nâng cao.

Lệch lạc khuyến khích sự chuyển biến xã hội, thay đổi quan điểm xã hội. Ví dụ: Thể loại nhạc Pop, Rock ở Mỹ trước đây không được xã hội Mỹ chấp nhận. Nhưng bây giờ nó đã trở thành một loại hình giải trí không thể thiếu ở Mỹ cũng như nhiều nơi trên thế giới.

3. Các lý thuyết giải thích về hành vi lệch lạc xã hội

Các quan điểm về tội phạm rất đa dạng và có từ rất xa xưa. Từ thời rất xa xưa các lý thuyết duy tâm cho rằng loài người do một đấng thần linh tối cao sinh ra chứ không phải là sự tiến hoá từ loài động vật. Kinh thánh nói rằng, người đàn ông trên trái đất đầu tiên là Adam và người đàn bà đầu tiên trên trái đất là Eva, Thượng để đã bắt Adam ngủ và đồng thời nặn ra Eva từ một chiếc xương sườn của Adam. Khi bị một con rắn cám dỗ, mê hoặc, Eva đã hái một quả cấm trong vườn của Thượng để và đã xúi giục, lôi cuốn Adam vào vòng tội lỗi. Do đó cả hai đã buộc phải từ bờ thiên đường xuống nơi trần tục là trái đất và đã sinh con, đẻ cái trong sự đau đớn ê chề...

Thời cổ đại, khi ở vùng Babilon (Ai Cập) và một số nơi khác, kỹ nghệ làm đồ gốm và nghệ thuật điêu khác phát triển, người ta đã đưa ra truyền thuyết là con người thần tiên được thượng để nặn ra từ một cục đất sét đỏ. Sau thượng để hà hơi và san sẻ một phần hồn bất tử của mình trong con người đất sét đó. Từ đó hình thành nên con người có những đặc điểm nhân dạng và tính cách riêng.

Dần dần, từ những quan niệm này, trong xã hội hình thành nên các học thuyết khác nhau giải thích về vấn đề tội phạm, như các học thuyết sinh học, nhiễm sắc thể, hình dạng, giai cấp... dưới góc độ xã hội học thì các quan niệm, lý thuyết trên được chia thành hai nhóm:

3.1 Lý thuyết phi xã hội

Đi đầu và có ảnh hưởng rất lớn trong nhóm các lý thuyết phi xã hội này là các lý thuyết của các nhà nhân chủng học và các nhà sinh vật học. Các lý thuyết này giải thích con người phạm tội thông qua cơ thể, hình dáng của họ. Tương ứng với mỗi loại cơ thể thì có những tội phạm đặc trưng riêng.

Vào những năm 70 của thế kỷ XIX, Giáo sư Lombroso (ông là một bác sĩ người Ý, nhiều năm làm việc trong các nhà tù, là một trong những nhà nhân chủng học nhiệt tình nhất với lý thuyết về tố chất con người). Ông nhận thấy kẻ phạm tội thường không có sự hoàn thiện về sinh học cơ thể. Ông xem những người phạm tội là những người lai “giống” so với những người khác trong giai đoạn đầu của quá trình tiến hoá của loài người. Họ trông giống động vật hơn là giống người.

Loại người này có các đặc điểm như: Mũi gãy, xương gò má rất to nhô ra trước, răng rất to, cằm thụt sâu. Loại người này thường có khuynh hướng bạo lực nên thường phạm các tội phạm về bạo lực như gây thương tích, giết người.

Loại người có những đặc điểm như xương cánh tay dài, xương ngón tay, ngón chân thường to bè, mắt nhỏ, thường nhìn lơ láo, tai sệ xuống, mặt quắp. Loại người này thường có khuynh hướng trộm cắp, lừa đảo.

Wiliam Sheldon là nhà nhân chủng học người Mỹ, ông phân ra ba loại cơ thể:

  • Người Endomorph: Là dạng người có đặc điểm chung là mập, tròn, thấp. Loại người này có khôn mặt tròn, má tròn, mũi to, môi to.
  • Người Mensomorph: Đây là người phát triển mạnh về cơ bắp, có sức mạnh. Loại người này có khuôn mặt gồ ghề, cằm bành to, cổ to.
  • Người Ectomorph: Đại diện là các đặc điểm yếu ớt, cơ thể mong manh.

Ông cho rằng loại người thứ 2 rất dễ có hành vi tội phạm. Loại thứ 2 thường hăng hái đến mức hung hăng, dễ dàng nổi nóng, dễ bị rơi vào trạng thái thần kinh căng thẳng. Loại thứ 3 thì tính tình thường nhạy cảm, hay lo lắng, dễ bị dằn vặt, dễ nản chí. Loại thứ 1 thì thường có những phản ứng nhanh với bên ngoài, kiên trì, thường thích thuyết phục người khác nếu có thực hiện hành vi tội phạm thì thường là các tội phạm “cổ áo trắng”.

Trong xã hội, không chỉ ở xã hội phương Tây mà ở xã hội phương Đông, cùng như Việt Nam thì cũng có những quan điểm dựa trên đặc điểm cơ thể để suy đoán về tội phạm “nhìn mặt mà bắt hình dong”. Đó là các quan điểm được dân gian truyền tụng từ đời này sang đời khác, nó được thể hiện thông qua nhiều loại hình văn hoá khác nhau như việc khắc hoạ các nhân vật trong các tác phẩm văn học: Huyện Hĩnh (Đồng hào có ma), Thuý Kiểu, Thuý Vân, Từ Hải...(Truyện Kiều), Lão trọc phú... qua đó thấy được rằng trong dân gian cũng đã khắc họa hình ảnh của những người với đặc trưng của những cá tính khác nhau và có thể có những hành vi tội phạm tương ứng. Nó có đôi nét trùng với quan điểm phi xã hội của phương Tây.

  • Giải thích hành vi tội phạm theo quan điểm thần học: Cho rằng thiện và ác thường đối lập nhau. Biểu tượng của tính thiện là thần thánh, ác là ma quái. Thiện là ánh sáng, ác là bóng tối. Thiện nằm trong linh hồn, ác nằm trong thể xác. Và theo quan niệm này thì thế gian chỉ tồn tại hai loại người: Thiện - ác.
  • Theo lý thuyết nhiễm sắc thể: Các nhà nghiên cứu tìm ra mối liên hệ giữa tội phạm và nhiễm sắc thể. Nhiễm sắc thể ở một người nam bình thường là XY và ở người nữ là XX. Nhưng qua nghiên cứu người ta phát hiện ở một số người có những bộ nhiễm sắc thể khác thường, ví dụ: Người nam có nhiễm sắc thể là XYY (trội một nhiễm sắc thể) rất hay dùng bạo lực, có tính tàn bạo. Dễ dẫn đến giết người.
  • Lý thuyết về tính di truyền: Họ nghiên cứu sự di truyền của tội phạm thông qua nghiên cứu cả gia đình, thậm chí nghiên cứu cả gia phả. Ở Việt Nam cũng có quan niệm này. Ví dụ: “Cha nào con nấy”, “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”.
  • Lý thuyết về bệnh lý tâm thần học: Những người nghiên cứu tội phạm theo hướng này thì xem tội phạm là một bệnh thái nhân cách. Bệnh thái này thường do sự kém phát triển trí tuệ. Thường được dùng để giải thích các tội phạm về tình dục.

3.2 Các lý thuyết, quan điểm xã hội học

Nổi tiếng nhất là Robert Merton với lý luận bổ sung cho lý thuyết phi chuẩn mực của Durkhem. ông cho rằng tội phạm xuất hiện do việc không đồng nhất giữa việc chọn phương tiện để đạt được mục đích đó và bản thân mục đích đó. Ví dụ: Có thể mục đích tốt nhưng việc thực hiện, không được chấp nhận.

Trên cơ sở mục đích và phương tiện, ông đưa ra 4 loại có thể dẫn đến tội phạm.

  • Loại 1 (canh tân): Khi người ta chấp nhận mục đích và từ chối phương tiện. Ví dụ: Buôn lậu để làm giàu...
  • Loại 2 (nghi thức chủ nghĩa): Khi người ta từ chối mục đích và chấp nhận phương tiện (lệch lạc nghi thức chủ nghĩa, chỉ quan trọng nghi thức, không quan trọng nội dung). Ví dụ: Một số bác sĩ làm việc rất quan liêu, từ chối người bị nhiễm HIV, để mặc cho người đó chết.
  • Loại 3 (chủ nghĩa thoát li hay chủ nghĩa xuất thế): Khi người ta phủ định cả mục đích lẫn phương tiện. Ví dụ: Đua xe, uống rượu say quậy phá, nghiện ngập...
  • Loại 4 (nổi loạn): Khi người ta từ chối mục đích lẫn phương tiện, nhưng lại thiết lập ra mục đích mới và phương tiện mới. Ví dụ: Chứng minh thay đổi xã hội, gây rối xã hội.

Ngoài ra trong lý thuyết về tội phạm dưới góc độ khoa học xã hội thì các nhà khoa học còn dựa trên các đặc điểm về nhân khẩu học xã hội như: Giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn, địa vị xã hội, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình, thành phần xuất thân trong xã hội (thị dân hay nông thôn) và một số đặc điểm khác (đời sống vật chất, nhà ở...). Các dấu hiệu này không thể coi một người là phạm tội được nhưng nó tác động qua lại với các điều kiện khác hình thành nên nhân cách của con người.

Trên đây là nội dung bài giảng Xã hội học đại cương Bài 1: Xã hội học tội phạm được eLib tổng hợp lại nhằm giúp các bạn sinh viên có thêm tư liệu tham khảo. Chúc các bạn học tốt!

Ngày:26/11/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM