Bài 1: Một số khái niệm và phương pháp nghiên cứu
Bài giảng Kinh tế vi mô: Bài 1 Một số khái niệm và phương pháp nghiên cứu cung cấp cho người học các kiến thức: Khái niệm về kinh tế học; Kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô; Kinh tế học thực chứng và kinh tế học chuẩn tắc; Một số nguyên tắc để ra quyết định; Phương pháp khoa học dùng trong kinh tế học. Để nắm nội dung chi tiết bài giảng, mời các bạn cùng eLib tham khảo!
Mục lục nội dung
1. Khái niệm về kinh tế học
Ở bất kỳ thời kỳ nào thì các nguồn lực sản xuất của mỗi quốc gia như: nguồn tài nguyên thiên nhiên (bao gồm đất đai, khoáng sản, rừng, sông, biển..,), nguồn lao động (bao gồm: số lượng người lao động, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của người lao động), nguồn vốn (bao gồm số lượng máy móc thiết bị, nhà xưởng, nguyên vật liệu...), trình độ kỹ thuật sản xuất v.v... là luôn luôn khan hiếm so với nhu cầu vô hạn của con người; nghĩa là với nguồn lực sản xuất hiện có, không thể sản xuất đủ mọi thứ mà con người mong muốn.
Mặc dù các nguồn lực sản xuất đều khan hiếm, nhưng có nhiều cách phân bổ, nhiều cách sử dụng nguồn lực khác nhau. Mỗi cách sử dụng nguồn lực sẽ tạo ra những khối lượng hàng hoá và dịch vụ khác nhau, đem lại những mức thỏa mãn khác nhau cho con người chúng ta.
Vấn đề đặt ra là trong nhiều cách sử dụng nguồn lực, phải lựa chọn cách sử dụng nguồn lực nào là hợp lý nhất, hiệu quả nhất, nghĩa là sản xuất được nhiều hàng hoá và dịch vụ nhất, thoả mãn cao nhất nhu cầu cho xã hội. Và làm thế nào để nguồn lực sản xuất của mỗi quốc gia ngày càng gia tăng, để ngày càng có khả năng sản xuất được nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn, để ngày càng nâng cao mức sống của mọi công dân? Đây là những vấn đề mà môn Kinh tế học sẽ nghiên cứu và giải quyết.
Kinh tế học là môn khoa học xã hội, nghiên cứu việc lựa chọn cách sử dụng hợp lý các nguồn lực khan hiếm để sản xuất ra những hàng hoá và dịch vụ, nhằm thoả mãn cao nhất nhu cầu cho mọi thành viên trong xã hội.
2. Kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô
Theo giác độ nghiên cứu, kinh tế học được chia thành 2 ngành nhỏ là kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô.
Kinh tế vi mô nghiên cứu nền kinh tế ở giác độ chi tiết, riêng lẻ. Nó nghiên cứu cách thức mà các hộ gia đình, các doanh nghiệp ra quyết định và tác động lẫn nhau trong một thị trường sản phẩm hay dịch vụ nào đó, để lý giải sự hình thành và vận động của giá cả sản phẩm trong mỗi dạng thị trường.
Những nhà nghiên cứu vi mô có thể nghiên cứu ảnh hưởng của việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân đối với mua bán, chuyển nhượng đất đai, nhà cửa đến giá đất, giá nhà ở, đến việc xây dựng nhà ở thành phố; ảnh hưởng của cạnh tranh quốc tế đến ngành sản xuất hàng may mặc xuất khẩu....
Kinh tế vĩ mô nghiên cứu nền kinh tế ở giác độ tổng thể, toàn bộ, thông qua các biến số kinh tế như: Tổng sản phẩm quốc gia, tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỉ lệ lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, cán cân thương mại V..V... trên cơ sở đó đề ra các chính sách kinh tế nhằm ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Những nhà nghiên cứu vĩ mô có thể nghiên cứu ảnh hưởng của việc vay mượn của chính phủ, sự thay đổi tỷ lệ thất nghiệp qua thời gian, hoặc những chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống của người dân.
Kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô có quan hệ chặt chẽ với nhau. Vì những thay đổi trong nền kinh tế nói chung, bắt nguồn từ những quyết định của hàng triệu cá nhân, khó có thể để hiểu kinh tế vĩ mô phát triển mà không quan tâm đến nhung quyết định kinh tế vi mô liên quan. Thí dụ, một nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô có thể nghiên cứu ảnh hưởng của sự cắt giảm thuế thu nhập đối với việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ nói chung. Để phân tích vấn đề này, họ phải nghiên cứu sự giảm thuế ảnh hưởng như thế nào đối với quyết định của các hộ gia đình trong việc tiêu dùng.
Mặc dù kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô có mối quan hệ chặt chẽ với nhau như thế, nhưng chúng còn có những khác biệt, bởi vì chúng nhằm giải đáp những câu hỏi khác nhau, và nhiều khi chúng nghiên cứu theo hướng khác nhau và do vậy chúng thường được dạy riêng.
Trong nghiên cứu kinh tế học, chúng ta cán phân biệt hai khái niệm: kinh tế học thực chứng và kinh tế học chuẩn tắc
3. Kinh tế học thực chứng và kinh tế học chuẩn tắc:
Kinh tế học thực chứng là việc sử dụng các lý thuyết và mô hình để mô tả, giải thích và dự báo các hiện tượng kinh tế đã, đang và sẽ xảy ra như thế nào. Nó mang tính khách quan và khoa học
Ví dụ 1: Khi chính phủ quy định giá sàn (hay giá tối thiểu) về lúa, sẽ gây ra hiện tượng dư thừa lúa trên thị trường. Sự phân tích thực chứng là trung tâm của kinh tế vi mô.
Kinh tế học chuẩn tắc đưa ra những chỉ dẫn, những quan điểm cá nhân về cách giải quyết các vấn đề kinh tế. Nó bao hàm sự đánh giá, cho biết nên như thế nào, mang tính chủ quan. Đây chính là nguồn gốc bất đồng quan điểm và dẫn đến bất đồng về các chính sách can thiệp vào nền kinh tế giữa các nhà kinh tế học.
Ví dụ 2: Nên khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo; nên miễn thuế nông nghiệp để cải thiện đời sống nông dân, góp phần giảm cách biệt giữa mức sống ở nông thôn và thành thị.
Điếm chủ yếu có thể phân biệt kinh tế học chuẩn tắc hay thực chứng là cách chúng ta phán đoán tính xác thực của chúng.
Cho rằng một chính sách này xấu, chính sách kia tốt thì không rõ ràng như một vấn đề khoa học. Nó phụ thuộc vào những quan điểm của chúng ta về dân tộc, tôn giáo, thẩm định chủ quan...
Tất nhiên, kinh tế học chuẩn tắc và kinh tế học thực chứng có quan hệ với nhau. Sự hiểu biết thực tế của chúng ta về sự vật ảnh hưởng đến quan niệm có tính chuẩn tắc về những chính sách mong muốn. Tuy nhiên, những kết luận chuẩn tắc không phải chỉ dựa trên những phân tích thực chứng, mà nó còn dựa trên những phán đoán giá trị nữa.
Trong khi học kinh tế học, chúng ta thường phân biệt kinh tế học chuẩn tắc và kinh tế học thực chứng, cố gắng giải thích một nền kinh tế hoạt động như thế nào và mục tiêu của chúng ta là cải thiện những hoạt động của nền kinh tế.
4. Một số nguyên tắc để ra quyết định
Khi chúng ta nói đến nền kinh tế của nước này, nước kia hay cả thế giới, thì nền kinh tế củng chỉ là tập hợp những người có hoạt động trong cuộc sống. Hoạt động của một nền kinh tế phản ảnh hành vi của những cá nhân, những người đã tạo nên nền kinh tế. Những hành vi đó được thể hiện qua cách thực hiện các quyết định dựa trên các nguyên tắc sau:
4.1 Sự đánh đổi
Bài học đầu tiên của việc thực hiện quyết định là“ Được cái này, thì mất cái kia”, "để có được một điều mà ta thích, thường ta phải từ bỏ một điều khác. Khi thực hiện một quyết định, đòi hỏi phải đánh đổi mục tiêu này cho một mục tiêu khác”.
Để ý một sinh viên, anh ta phải quyết định sử dụng của cải có giá trị nhất của mình - thời gian như thế nào. Anh ta có thể dành thời gian để học toán, tin học hoặc chia thời gian cho 2 môn đó. Mỗi giờ dành cho học tập là một giờ anh ta không đi chơi, hoặc không xem tivi hay không làm thêm kiếm tiền.
Quan sát các bậc cha mẹ trong một gia đình, thường phải quyết định xem nên tiêu dùng số tiền mà họ kiếm được như thế nào. Họ có thể mua thực phẩm, quần áo hay du lịch hoặc họ để dành một phần thu nhập cho lúc về già hay cho học tập của con cái. Khi họ quyết định tiêu dùng thêm 1 đồng cho thực phẩm, cũng đồng thời giảm di 1 đồng vào những thứ khác.
Khi hợp thành xã hội, người ta phải đứng trước nhiều đánh đổi khác nhau. Đánh đổi thường được nói đến là giữa “súng và bơ”. Có nghĩa là chúng ta phải chọn lựa giữa chi tiêu cho quốc phòng (súng) hay nâng cao mức sống của người dân (bơ).
Một vấn đề quan trọng trong xã hội hiện tại là sự đánh đổi giữa một môi trường sạch với một mức thu nhập cao. Luật pháp bắt buộc các doanh nghiệp phải giảm ô nhiễm, nên làm tăng chi phí sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Với chi phí sản xuất cao hơn làm cho lợi nhuận thu được càng ít đi, tiền lương giảm thấp, giá cả sản phẩm cao. Vì vậy trong khi quyết định về chống ô nhiễm môi trường, nhằm mang lại cho chúng ta một môi trường trong lành hơn, để cải thiện sức khỏe, thì đồng thời chúng ta phải trả giá bằng sự giảm thu nhập của những người chủ doanh nghiệp, của công nhân và thiệt hại cho người tiêu dùng hàng hóa (giá cả cao).
Xã hội còn đương đầu với một đánh đổi khác, đó là giữa hiệu quả và công bằng. Hiệu quả có nghĩa là xã hội nhận được lợi ích nhiều nhất từ nguồn của cải (tài nguyên) có hạn của mình. Công bằng có nghĩa là lợi ích thu được từ nguồn tài nguyên đó được phân phối cho các thành viên trong xã hội một cách tốt đẹp. Nói cách khác, hiệu quả dược so sánh với kích thước của một cái bánh, còn công bằng được xem là cách chia cái bánh đó như thế nào. Thông thường khi những chính sách của chính phủ được xây dựng thì 2 mục tiêu trên thường mâu thuẫn nhau.
4.2 Chi phí cơ hội
Bởi vì chúng ta luôn đứng trước sự đánh đổi, nên khi thực hiện một quyết định đòi hỏi chúng ta phải so sánh giữa chi phí và lợi ích của những hoạt động khác nhau. Trong nhiều trường hợp, chi phí của nó thật khó nhận biết.
Ví dụ, khi quyết định vào học ở trường đại học thì lợi ích mang lại là làm cho chúng ta có thêm kiến thức và có cơ hội tìm được việc làm tốt hơn. Nhưng chi phí của nó là gì? Thoạt đầu chúng ta sẽ kể ra đó là học phí, chi phí sách vở, nhà ở... Nhưng đó không thể hiện những gì mà chúng ta mất đi để được vào học đại học. Thật ra chi phí đáng kể chúng ta cân nhắc khi vào học đại học, đó là thời gian. Khi chúng ta dùng thời gian vào việc học, thì chúng ta không thể dùng thời gian để đi làm kiếm tiền. Với một người trưởng thành ở một xã hội có công ăn việc làm tương đối tốt, thì đối với hầu hết sinh viên, tiền lương mà họ có thể kiếm được đã bị họ bỏ qua khi quyết định đi học đại học là một khoản chi phí lớn nhất cho việc học tập.
Chi phí cơ hội là giá trị của một quyết định tốt nhất còn lại bị mất đi, khi chúng ta lựa chọn quyết định này.
Khi cân nhắc bất kỳ một quyết định nào, người thực hiện quyết định nên biết về chí phí cơ hội đi cùng với mỗi hành động lựa chọn.
4.3 Những thay đổi biên
Những quyết định trong đời sống gắn liền với những điều chỉnh nhỏ đối với một hoạt động. Các nhà kinh tế học gọi những điều chỉnh nhỏ là những thay đổi biên. Trong nhiều trường hợp, người ta thực hiện những quyết định tốt nhất dựa vào suy nghĩ về biên.
Thí dụ: để tính giá vé cho những người đang chờ đi một chuyến máy bay, giả sử chuyến máy bay có 200 chỗ ngồi với chi phí tổng cộng là 300 triệu đồng. Trong trường hợp này, giá vé trung bình cho một chỗ ngồi là 1,5 triệu đồng (300 triệu đồng /200 chỗ). Tất nhiên có những người sẵn lòng trả với giá đó nên hãng bay không cần hạ giá vé. Tuy nhiên, nếu máy bay sắp cất cánh mà còn 10 chỗ trống, trong khi có người sẵn lòng trả 1 triệu đồng/một chỗ để được đi. Trong trường hợp để nâng cao lợi nhuận, hãng hàng không phải tính đến những thay đổi biên.
Nếu bán thêm 1 vé giá 1 triệu đồng, thì lợi ích biên (doanh thu tăng thêm) là 1 triệu đồng, còn chi phí biên (chi phí tăng thêm) phục vụ thêm 1 hành khách, giả dụ là 100 ngàn đồng (gồm chi phí bảo hiểm, đồ ăn thức uống phục vụ cho mỗi hành khách trên chuyến bay). Như vậy, lợi ích biên lớn hơn chi phí biên là 900 ngàn, nghĩa là lợi nhuận tăng thêm 900 ngàn đồng khi bán thêm 1 vé giá 1 triệu đồng. Trong trường hợp này, nên bán vé cho người đó dù với giá 1 triệu đồng.
Trong thực tế, những cá nhân hay doanh nghiệp có thể thực hiện những quyết định tốt hơn dựa vào những lập luận về thay đổi biên. Một người có quyết định hợp lý cho hành động khi lợi ích biên lớn hơn chi phí biên.
4.4 Những khuyến khích
Vì người ta thực hiện các quyết định dựa trên sự so sánh chi phí và lợi ích, hành vi của họ thay đổi khi chi phí hay lợi ích thay đổi. Như vậy con người phản ứng với những khuyến khích. Khi giá cam tăng, làm người ta mua cam ít đi và ăn nhiều trái cây khác hơn, vì giá cam bây giờ đã cao hơn. Trong khi đó, những chủ vườn cam quyết định thuê thêm lao động để trồng và thu hoạch nhiều cam hơn, bởi lợi ích thu được do bán cam mang lại sẽ cao hơn. Khi giá xăng tăng cao, người tiêu dùng sẽ tìm mua những chiếc xe tiết kiệm xăng. Để bán được xe, các nhà sản xuất phải sản xuất những chiếc xe ngày càng tiết kiệm xăng hơn.
Những vấn đề trên giải thích cho chúng ta biết từng cá nhân đã thực hiện quyết định như thế nào.
4.5 Thương mại làm tăng lợi ích cho mọi người
Tiếp theo chúng ta nên biết người này ảnh hưởng đến người khác ra sao. Thương mại làm tăng lợi ích cho mọi người nhiều hơn. Nhờ chuyên môn hóa sản xuất và thương mại, mà hiệu quả sử dụng nguồn lực sản xuất của các cá nhân và các quốc gia tăng lên, sản lượng các loại hàng hóa sản xuất ra dồi dào hơn, mọi người đều được tiêu dùng nhiều loại hàng hóa đa dạng hơn với chi phí thấp hơn.
Chúng ta biết rằng Nhật và Mỹ là 2 đối thủ cạnh tranh nhau trong nền kinh tế thế giới. Điều này đúng trên nhiều mặt, vì các doanh nghiệp của Nhật và Mỹ sản xuất ra nhiều mặt hàng giống nhau như 2 hãng sản xuất xe hơi Ford của Mỹ và Toyota của Nhật, sẽ đáp ứng được sở thích đa dạng của người tiêu dùng ở cả 2 quốc gia.
Tuy nhiên, rất dễ nhầm lẫn khi nghĩ về một cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia. Thương mại giữa Mỹ và Nhật không giống như một cuộc đua tài thể thao, ở đó có một bên thắng và một bên thua. Trong thực tế thì thương mại giữa 2 quốc gia có thể làm cho cả hai nước đều được lợi hơn.
5. Phương pháp khoa học dùng trong kinh tế học
Các nhà kinh tế cố gắng xác định các hiện tượng với tính khách quan của một nhà khoa học. Họ thực hiện việc nghiên cứu một nền kinh tế với cách thức giống như một nhà vật lý thực hiện việc nghiên cứu vật chất, hay một nhà sinh vật học nghiên cứu cuộc sống: họ nêu ra lý thuyết, thu thập dữ kiện, phân tích các dữ kiện đó trong cố gắng đạt đến chân lý hoặc điều chỉnh lại lý thuyết.
Mặc dù những nhà kinh tế quan sát thực tế và xây dựng lý thuyết như những nhà khoa học khác, nhưng họ gặp phải một trở ngại lớn là những thực nghiệm thường khó có thể thực hiện trong kinh tế học. Một nhà kinh tế nghiên cứu đề thực nghiệm lý thuyết về lạm phát, thì không được phép điều khiển chính sách tiền tệ của một quốc gia chỉ nhằm để thu thập dữ liệu. Họ chỉ có thể làm việc với những dữ kiện có thể thu thập từ những gì xảy ra trong xã hội. Do đó những nhà kinh tế từ những quan sát thực tế, xây dựng lý thuyết rồi tiếp tục quan sát, điều chỉnh lý thuyết. Đó là phương pháp của các nhà kinh tế.
Trên đây là nội dung bài giảng Bài 1: Một số khái niệm và phương pháp nghiên cứu được eLib tổng hợp lại nhằm giúp các bạn sinh viên có thêm tư liệu tham khảo!
Tham khảo thêm
- doc Bài 2: Ba vấn đề cơ bản và đường giới hạn khả năng sản xuất
- doc Bài 3: Thị trường và sơ đổ chu chuyển kinh tế