Bài 1: Dư luận xã hội

Cùng eLib.VN tham khảo bài giảng Xã hội học đại cương Bài 1: Dư luận xã hội để tìm hiểu sâu hơn về khái niệm, thuộc tính, quá trình hình thành và chức năng của dư luận xã hội nhé.

Bài 1: Dư luận xã hội

1. Khái niệm

Từ khi con người xuất hiện với tư cách là một thành viên cộng đồng xã hội cho đến nay, dư luận luôn được đặt vào một vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Bất cứ cá nhân, tổ chức hay tập đoàn xã hội nào muốn duy trì địa vị của mình đều phải quan tâm đến dư luận xã hội. Lênin trong tác phẩm “V.I.Lênin toàn tập” đã từng viết “Chúng ta có thực hiện được hoạt động quản lý chỉ khi mà chúng ta phản ánh đúng những điều nhân dân nhận thức”.

Dư luận là một hiện xã hội tồn tại từ rất lâu trong lịch sử, nhưng phải đến thế kỷ XII nó mới được gắn cho một khái niệm, và được khởi xướng bởi J.Solsbery nhà văn và cũng đồng thời là nhà hoạt động nhà nước người Anh. Theo đó, quan điểm về dư luận xã hội của ông được nghiên cứu thông qua việc đề cao vị thế và ý kiến của người dân, từ đó vai trò của dư luận xã hội cũng được đề cao.

Trải qua một thời gian phát triển thì đến thế kỷ XVIII, Jacques Rousseau mới là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ “dư luận xã hội” đúng với khái niệm về dư luận xã hội ngày nay, trong đó ông nhấn mạnh sự xem xét các khía cạnh chính trị của dư luận xã hội hơn là coi dư luận xã hội với tư cách là một hiện tượng xã hội.

Sau này, K.Marx cho rằng dư luận xã hội là kết quả của sự biến đổi ý thức xã hội và xem dư luận xã hội là dư luận của nhân dân.

Như vậy, các quan niệm về “dư luận xã hội” trên thế giới đã có lịch sử phát triển lâu dài với những công trình nghiên cứu, những bài viết chuyên sâu ngày càng hoàn thiện hơn về vấn đề này. Tại Việt Nam hiện nay thuật ngữ dư luận xã hội đang được gọi với những thuật ngữ như công luận, dư luận công chúng, ý kiến công chúng, quần chúng.

Mặc dù thuật ngữ “dư luận xã hội” được sử dụng rộng rãi trong đời sống xã hội, cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa thống nhất được một định nghĩa chung nhất về “dư luận xã hội”. Tuy nhiên, các ý kiến và quan điểm này đều giống nhau ở những điểm nhất định và do đó ta có thể khái quát về “dư luận xã hội” như sau:

Dư luận xã hội là một hiện tượng xã hội đặc biệt biểu thị trong sự đánh giá, phán xét, nhận xét của một số đông người về những vấn đề gì đó có liên quan đến lợi ích vật chất hoặc tinh thần của họ (xã hội) và họ dành cho nó sự quan tâm nhất định.

Phân biệt dư luận xã hội và tin đồn

  • Tin đồn cũng là một hiện tượng xã hội, một trạng thái tâm lý xã hội và có những điểm tương tự như dư luận xã hội: Cả dư luận xã hội và tin đồn đều là những kết cấu tinh thần, tâm lý đặc trưng cho những nhóm xã hội nhất định, có cả thành phần trí tuệ lẫn cảm xúc; đều bị chi phối mạnh bởi các yếu tố như nhu cầu, lợi ích của cá nhân, của một nhóm người, của một cộng đồng, giai cấp... và đều lan truyền nhanh chóng.
  • Tuy nhiên, tin đồn có những điểm khác biệt cơ bản so với dư luận xã hội:
    • Thứ nhất, dư luận xã hội thường xuất phát từ sự thật hoặc một phần của sự thật, từ chính chủ thể có liên quan tuyên bố, được truyền đi thông qua hệ thống truyền thông và các cơ quan chức năng trong trạng thái rõ ràng, chính xác và là những thông tin chính thức; còn tin đồn thường không có nguồn gốc cụ thể, chỉ được truyền miệng hoặc có thể qua hệ thống truyền thông trong trạng thái còn mơ hồ, không được rõ ràng và không phải là thông tin chính thức.
    • Thứ hai, trong quá trình lan truyền bằng miệng, để thu hút người nghe hoặc do người kể không nhớ rõ chi tiết thông tin nên tin đồn đã có sự thêm thắt, hư cấu theo suy nghĩ chủ quan của người kể. Vì vậy tin đồn càng lan xa thì càng trái với sự thật; còn dư luận xã hội vì là thông tin chính thức, được truyền đi trong trạng thái rõ ràng nên qua quá trình trao đổi, tranh luận, tính thống nhất của dư luận xã hội ngày càng tăng lên khi nó lan xa.
    • Thứ ba, mục tiêu của dư luận xã hội là buộc các cơ quan chức năng làm sáng tỏ vấn đề, hiện tượng mà xã hội quan tâm; còn tin đồn thường mang ý đồ xấu, phao tin, bịa đặt... gây mất trật tự xã hội, làm suy giảm uy tín của các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Tin đồn thường xuất hiện trước dư luận xã hội. Tin đồn cũng có thể trở thành dư luận xã hội nếu tính xác thực và thống nhất của nó được làm rõ và chính xác hóa.

Ngoài ra, tin đồn cũng có mặt tích cực của nó. Tin đồn nhiều khi mang trong nó một phần của sự thật nên cung cấp thông tin và giải thích cho hiện tượng, vấn đề mà xã hội quan tâm; giải tỏa tinh thần cho người đưa tin. Tin đồn cũng là thước đo phản ứng của xã hội.

2. Chủ thể và khách thể của dư luận xã hội

Chủ thể của dư luận xã hội: Chủ thể của dư luận xã hội là cộng đồng người hay nhóm người tham gia vào các cuộc tranh luận, trao đổi ý kiến về một vần đề nào đó mà họ quan tâm. Mặc dù trên thực tế có những vấn để chỉ tác động đến sự quan tâm của nhóm người này mà không tác động đến sự quan tâm của nhóm người khác hay toàn xã hội nhưng toàn thể cộng đồng xã hội và cả những nhóm người dù lớn hay nhỏ đều có thể trở thành chủ thể của dư luận xã hội.

Khách thể của dư luận xã hội: Khách thể của dư luận xã hội là những vấn đề xã hội, những hiện tượng, sự kiện, quá trình xã hội có tính thời sự cao, liên quan trực tiếp đến lợi ích vật chất và tinh thần, đến mối quan tâm của cộng đồng xã hội hay các nhóm xã hội. Đó có thể là những vấn đề ở tầm vĩ mô như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... hay chỉ là một vấn đề thuộc về cá nhân nào đó như đời tư của một ca sĩ, diễn viên hay một người nổi tiếng nào đó.

3. Các thuộc tính của dư luận xã hội

Tính khuynh hướng của dư luận xã hội mang tính chất mở. Dư luận xã hội luôn tỏ thái độ, có thể là đồng tình, không đồng tình hoặc vừa đồng tình, vừa không đồng tình nhưng nhất thiết là phải có ý kiến về một vấn đề gì đó. Dư luận xã hội không bắt buộc người ta phải theo một quan điểm duy nhất và mãi mãi, ngược lại người ta có thể thay đổi quan điểm theo thời gian, theo quá trình theo dõi sự kiện đó.

Tính cường độ của dư luận xã hội phụ thuộc vào sức “nóng”, tính thời sự của vấn đề và sự thế hiện quan điểm của các nhóm xã hội đối với vấn đề đó. Tùy vào đó mà mỗi luồng ý kiến sẽ có một cường độ khác nhau: mạnh mẽ, gay gắt, dịu nhẹ hay bình thường.

Phạm vi biểu hiện qua số lượng cá nhân, nhóm xã hội mà dư luận xã hội có chung khuynh hướng, nghĩa là trong cùng một vấn đề xã hội được quan tâm, đại diện cho từng luồng dư luận khác nhau là từng nhóm từng cá nhân khác nhau. Đối với từng sự việc cụ thể tính chất của chúng cũng khác nhau vì thế phạm vi của dư luận cũng nhiều ít khác nhau. Những vấn đề càng phức tạp, càng “nóng”, ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều người chắc chắn sẽ hình thành nhiều khuynh hướng khác nhau, từ đó phạm vi của dư luận cũng được mở rộng và ngược lại những vấn đề càng đơn giản thì các khuynh hướng sẽ giảm đi, dẫn đến phạm vi của dư luận bị thu hẹp.

Tính bền vững của dư luận xã hội rất yếu. Nó thay đổi theo thời gian, theo tính thời sự của vấn đề, theo cách đánh giá và nhìn nhận của công chúng trong quá trình vấn đề đó được đề cập.

Sự tìm ẩn của dư luận xã hội là rất lớn. Nó có thể bùng nổ dữ dội, hoặc lặng lẽ âm thầm. Tầm ảnh hưởng của dư luận xã hội cũng mang sự tìm ẩn mạnh mẽ. Dư luận xã hội có thể nâng một người bình thường thành một người nổi tiếng và ngược lại.

4. Quá trình hình thành dư luận xã hội

Dư luận xã hội là sự phán xét đánh giá của các chủ thể xã hội đối với một vấn đề xã hội đang được quan tâm. Nó không phải tự nhiên xuất hiện một cách hoàn chỉnh mà phải trải qua các bước hình thành và phát triển.

Thông thường, việc hình thành dư luận xã hội trải qua các giai đoạn sau:

  • Giai đoạn 1: Xuất hiện những sự kiện, hiện tượng có nhiều người quan tâm thông qua kênh liên cá nhân (truyền miệng) hoặc kênh truyền thông đại chúng, từ đó hình thành nên những suy nghĩ, ý kiến ban đầu.
  • Giai đoạn 2: Có sự trao đổi cảm nghĩ, ý kiến giữa người này với người khác về các sự kiện, hiện tượng đó. Trong giai đoạn này có sự chuyển đổi từ ý thức cá nhân sang ý thức xã hội.
  • Giai đoạn 3: Qua quá trình trao đổi, bàn bạc diễn ra trực tiếp hoặc không trực tiếp, có tổ chức hoặc không tổ chức v.v... có thể có xung đột mâu thuẫn nhưng qua sự phân tích từ nhiều hướng khác nhau, các quan điểm cơ bản được hình thành và được đại đa số chấp nhận. Giai đoạn 4: Từ sự phán xét đánh giá chung đi đến quan điểm nhận thức và hành động thống nhất hình thành nên dư luận chung. Dư luận chung đó chính là dư luận xã hội.

Sự phân chia quá trình hình thành dư luận xã hội thành bốn giai đoạn nêu trên không có nghĩa là mọi dư luận xã hội đều phải trải qua đủ bốn giai đoạn ấy. Sự tuân thủ của bốn giai đoạn trên chỉ diễn ra khi đối tượng của dư luận xã hội là các sự kiện xã hội mới và phức tạp.

Dư luận xã hội là một sản phẩm của giao tiếp xã hội. Không có giao tiếp xã hội thì không có dư luận xã hội. Muốn nắm được dư luận xã hội, sử dụng nó như một phương tiện giáo dục, thuyết phục quần chúng, phải nắm được quá trình nảy sinh, hình thành của nó, biết điều chỉnh theo hướng lợi cho sự phát triển của xã hội.

Những yếu tố tác động đến dư luận

  • Dư luận xã hội là một hiện tượng xã hội đặc biệt trong đời sống, thể hiện sự quan tâm của mọi người đối với những vấn đề, sự kiện của cuộc sống và xã hội. Không phải vấn đề nào xuất hiện cũng tạo thành sóng dư luận mà cũng có những sự kiện hiện tượng bắt đầu rồi chìm dần vào quên lãng và không để lại một dấu vết nào trong nếp suy nghĩ của người dân. Muốn hình thành và phát triển được dư luận xã hội phải trải qua nhiều “biến cố”. Chính vì vậy, dư luận xã hội chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi sự tác động chủ quan và khách quan.
  • Dư luận xã hội được hình thành phụ thuộc nhiều vào tính chất, quy mô của các sự kiện, hiện tượng xã hội. Trong đó, vấn đề lợi ích và số lượng công chúng là quan trọng nhất. Dư luận xã hội hình thành nhanh hay chậm, mạnh hay yếu, tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào tác động thực tế của nó đối với nhu cầu, lợi ích của người mang dư luận.
  • Dư luận xã hội cũng phụ thuộc mạnh vào trình độ văn hóa, hệ tư tưởng, trình độ hiểu biết v.v... của chủ thể dư luận xã hội. Nó tác động trực tiếp đến khả năng tiếp nhận và xử lý các thông tin nhận được theo chiều hướng nào, mức độ nông sâu ra sao...
  • Dư luận xã hội còn phụ thuộc vào điều kiện chính trị và mức dân chủ hóa của cá nhân hay là khả năng người dân được tham gia thực tế vào lĩnh vực của mỗi quốc gia. Dư luận xã hội khi xuất hiện cần có chỗ đứng và vị thế riêng cho mình. Một quốc gia có đời sống chính trị rối reng, không dân chủ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hình thành dư luận. Ngược lại, đời sống chính trị ổn định, người dân được công khai lên tiếng đối với một sự kiện xảy ra thì dư luận xã hội sẽ được hình thành một cách tích cực và kèm theo đó là những phán xét chân thật và khách quan.
  • Trạng thái tâm thế xã hội cũng có tác động đến sự hình thành dư luận xã hội. Tâm thế xã hội có thể biểu hiện tích cực hay tiêu cực, lạc quan hay chán nản, nồng nhiệt hay ức chế. Tâm thế xã hội không phản ứng trước những sự kiện mà nó biểu đạt trạng thái tâm lý của người dân đối với vấn đề đang được hình thành.
  • Ngoài ra còn có nhiều yếu tố khác có tác động đến sự hình thành dư luận xã hội như: nhân tố tâm lý như truyền thống đạo đức, tinh thần lao động, thói quen; tâm lý xã hội của các cộng đồng người; công tác tuyên truyền vận động của chính quyền v.v...

5. Chức năng của dư luận xã hội

Chức năng phản hồi:  

  • Dư luận xã hội là tấm gương phản hồi lại đường lối chính sách của một tổ chức, một đảng phái hay một chính phủ. Một đường lối chính sách, một chủ trương cho dù được nghiên cứu kỹ tới đâu cũng không thể hoàn toàn phù hợp với hiện thực xã hội. Vì vậy để điều chỉnh kịp thời nội dung của đường lối, chủ trương sau khi ban hành, các nhà quản lý cần thiết phải lắng nghe tiếng nói của công chúng và có như thế mới đưa ra được những đối sách hợp lý.

Chức năng điều tiết các mối quan hệ xã hội:

  • Đánh giá của số đông thường chính xác hơn nhóm và tác động đến hành vi, các mối quan hệ giữa cá nhân - cá nhân, cá nhân - tập thể để điều tiết các mối quan hệ xã hội, dẫn đến xu hướng làm theo số đông.
  • Chức năng điều tiết sẽ xuất hiện và phát huy khi xã hội có những xáo trộn ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng. Từ đó dư luận xã hội thúc đẩy cá nhân hành động theo xu hướng có lợi hoặc phản đối, gây sức ép với những hành vi tổn hại đến lợi ích của cộng đồng.

Chức năng giáo dục: 

  • Để điều chỉnh hành vi của cá nhân hay nhỏm, xã hội nói chung thường sử dụng sức mạnh của pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tế không phải lúc nào, tình huống nào pháp luật cũng can dự vào được. Trong nhiều trường hợp sự đánh giá, nhận xét của dư luận xã hội khuyến khích mọi người hành động theo cái đúng, cái tốt, đồng thời tránh xa cái xấu, cái sai. Quá trình này có tính lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đe sống hòa hợp với những người xung quanh và xã hội thì cá nhân đó phải hành động và suy nghĩ theo một guồng máy được dư luận xã hội vận hành. Dư luận xã hội còn tồn tại dưới dạng thành kiến, định kiến hoặc các giá trị đạo đức được tất cả mọi người coi trọng.
  • Dư luận xã hội xuất hiện sẽ dần đến các luồng dư luận khác nhau cũng xuất hiện. Trong đó một luồng dư luận dược đại đa số ủng hộ khuyến khích và ngược lại một luồng dư luận trái chiều sẽ không được ủng hộ thậm chí phản đối hay bị lên án. Như vậy, xã hội sẽ khuyến khích và tạo điều kiện cho luồng dư luận phù hợp và cản trở các luồng dư luận không phù hợp. Vậy, với chức năng giáo dục của dư luận xã hội, luồng dư luận được ủng hộ sẽ lấn át những luồng dư luận khác. Từ đó hướng các cá nhân hành động theo luồng dư luận phù hợp và vận dụng dư luận xã hội để quản lí xã hội.

Chức năng tư vấn giám sát:

  • Dư luận xã hội có thể xuất phát từ bộ máy chính quyền. Nó có thể là vấn đề xã hội hoặc quá trình xã hội có liên quan đến chính phủ hoặc nhóm công chúng. Dư luận xã hội cũng ít nhiêu chịu sự chi phối của yếu tố kiểm duyệt của phương tiện truyền thông đại chúng. Qua đó sự ảnh hưởng của nó được phát huy thông qua dư luận xã hội, truyền tải thông tin từ dư luận xã hội về các vấn đề, sự kiện xã hội. Từ đó lấy thái độ của đám đông điều chỉnh thái độ của thiểu số, giám sát hoạt động và thái độ của nhóm thiểu số.
  • Dư luận xã hội giám sát các hoạt động của cơ quan quyền lực, tổ chức xã hội đế phù hợp với lợi ích của đa số. Mặt khác, ý kiến số đông người dân là nguồn tham khảo quý báu cho các hoạt động của giai cấp cầm quyền, vấn đề xã hội được bàn bạc cả trong các tầng lớp cư dân nhưng các vấn đề chỉ được bàn bạc khi ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Vì vậy trưng cầu dân ý là một việc làm cần thiết.

6. Ý nghĩa của việc nghiên cứu dư luận xã hội

Dư luận xã hội có nhiều ý nghĩa trong thực tế. Dư luận xã hội là thước đo bầu không khí chính trị, xã hội; là tấm gương phản hồi đường lối, chính sách, pháp luật của Chính phủ; phản ánh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân; đánh giá năng lực, phẩm chất của người lãnh đạo. Có thể dựa vào dư luận xã hội để dự báo những diễn biến sắp tới của đời sống xã hội; phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, tăng cường mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân, ngăn ngừa tệ quan liêu, xa rời quần chúng v.v... Vì vậy, người làm công tác quản lý phải biết điều tra dư luận xã hội, biết thu thập, xử lý và phân tích thông tin để có quyết định đúng đắn, chấn chỉnh kịp thời các khiếm khuyết trong đường lối, chính sách, đáp ứng yêu cầu của quần chúng nhân dân.

Dư luận xã hội có ý nghĩa rất lớn trong việc thể hiện tính dân chủ của nhân dân. Thông qua dư luận xã hội có thể biết được thái độ, quan điểm của nhân dân trước một vấn đề gì đó. Ví dụ: biện pháp trưng cầu dân ý là một biện pháp hiệu quả cho những vấn đề như bầu cử; quyết định các chủ trương, chính sách, điều luật do nhà nước ban hành. Qua dư luận xã hội ta có thể thấy được sự lựa chọn hay những mong đại của nhân dân trong những vấn đề trên.

Dư luận xã hội còn góp phần tăng cường mối liên hệ giữa chính quyền và quần chúng. Trong quá trình quản lý xã hội, không tránh khỏi đôi lúc những chính sách của nhà nước không phản ánh, đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân. Dư luận xã hội lúc đó trở thành một công cụ để người dân có thể nêu lên quan điểm của mình đến nhà nước. Bên cạnh đó, dư luận xã hội có ý nghĩa trong việc định hướng ngược trở lại hành động của nhân dân, vì thế ta có thể thấy sự hình thành của dư luận xã hội cũng bị chi phối một phần bởi nhà nước.

Dư luận xã hội có ý nghĩa quan trọng trong quản lý nhà nước. Nắm bắt dư luận xã hội bằng hình thức thu thập thông tin phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong xã hội, qua đó Đảng, Nhà nước có thể đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Vì vậy, thông qua việc nắm bắt dư luận xã hội sẽ khắc phục các biểu hiện chủ quan, duy ý chí, quan liêu xa rời quần chúng của những người lãnh đạo chính quyền.

Những người làm công tác vận động quần chúng cần nắm dư luận xã hội, một mặt góp phần nâng cao ý thức giác ngộ chính trị trong quần chúng, mở rộng dân chủ; động viên quần chúng tham gia vào xây dựng Nhà nước và quản lý xã hội. Mặt khác, hành động này góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân ngày càng gắn bó hơn.

Trên đây là nội dung bài giảng Xã hội học đại cương Bài 1: Dư luận xã hội mà eLib chia sẻ đến các bạn sinh viên. Hy vọng đây sẽ là tư liệu hữu ích giúp các bạn nắm được nội dung bài học tốt hơn.

Ngày:25/11/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM