20 cuốn sách hay về Triết học làm thay đổi người đọc
Các nhà tư tưởng lớn từ cổ chí kim như Aristotle, Plato, Descartes Kant, Hegel, Wittgenstein, Sartre… với ta không còn quá xa cách; siêu hình học, siêu triết học, nhận thức luận, triết học tôn giáo hay đạo đức học… với ta sẽ không còn nằm ngoài tầm hiểu với 20 cuốn sách hay về Triết học làm thay đổi người đọc được eLib chia sẻ sau đây. Cùng tham khảo ngay bạn nhé!
Mục lục nội dung
1. Cửa hiệu Triết học
Rất nhiều cuốn sách được viết ra với mục đích giới thiệu triết học đến người đọc đều mang tính truyền dạy. Hoặc đúng nghĩa truyền dạy ở chỗ những cuốn sách đó giải thích các vấn đề triết học, rồi đưa người đọc đi qua các cuộc tranh luận truyền thống, hoặc chúng truyền dạy dưới diện mạo của một khám phá.
Cửa hiệu triết học thì khác, nó hồi đáp vấn đề triết học đó trong tinh thần trao đổi kiểu triết học Plato. Những câu hỏi được nêu lên thông qua cuộc tranh luận xuất phát từ một câu chuyện hay một kịch bản, một bài thơ hay một hoạt động; nhưng cuộc đối thoại không chỉ được viết ra mà còn dùng để khiến cho người đọc hay lớp học tập trung vào vấn đề rồi tự họ động não suy nghĩ.
Cửa hiệu Triết học là một cửa hàng thực sự của những câu đố và thách thức triết học để phát triển tư duy trong và ngoài lớp học. Triết gia Socrates đã bày ra một kiểu trao đổi hoàn toàn khác, tiền của ông là các ý tưởng. Cửa hiệu sẽ đóng vai trò như Socrates đang nói chuyện với người đọc: có lúc lôi cuốn, khôi hài và hứng khởi; có lúc chọc ngoáy như một kẻ ưa châm chích, khiến chúng ta không yên; cũng có lúc nói lòng vòng phát ngán hay bỏ lửng, nhưng luôn kích thích suy nghĩ của mọi người.
Link download sách: Tại đây
2. Triết học – Khái lược những tư tưởng lớn
Vũ trụ khởi đầu như thế nào? Chân lí là gì? Làm thế nào để ta có thể sống một cuộc đời tốt đẹp?
Xuyên suốt chiều dài lịch sử, loài người đã tự hỏi mình những điều này cùng những câu hỏi lớn lao khác về bản chất của đời sống và tồn tại và các tư tưởng gia vĩ đại đã đưa ra những lời giải đáp mà cho đến nay vẫn đang tiếp tục định hình thế giới của chúng ta.
Với văn phong dễ hiểu và sáng sủa, Triết học – Khái Lược Những Tư Tưởng Lớn là tập hợp những bài viết ngắn gọn hàm súc giải thích rõ những điều khó hiểu, những sơ đồ từng bước một giúp làm sáng tỏ những lí thuyết rối rắm, những trích dẫn kinh điển giúp triết học trở nên dễ nhớ và những hình ảnh minh họa dí dỏm giúp chúng ta chơi đùa với những tư tưởng của chính mình.
Link download sách: Tại đây
3. Những tìm sâu Triết học
Ngay sau khi xuất bản vào năm 1953, Những Tìm Sâu Triết Học của Ludwig Wittgenstein đã được ca ngợi là một kiệt tác, và những năm tiếp theo đó đã xác nhận đánh giá ban đầu này. Ngày nay nó được thừa nhận rộng rãi là tác phẩm triết học quan trọng nhất của thế kỷ XX.
Bản dịch tiếng Việt này đã dựa trên ấn bản lần tư, do hai chuyên gia chuyên về Wittgenstein là Peter Hacker và Joachim Schulte, họ đã thêm những thay đổi biên tập quan trọng vào trong các ấn bản trước của tác phẩm này nhằm thể hiện ý định ban đầu của Wittgenstein: sắp xếp lại các nốt của Wittgenstein, chỉnh sửa cho bản gốc Đức, và đánh số lại tất cả các nhận xét trong Phần 2 đồng thời đặt tên lại là “Triết học Tâm lý – Một phân đoạn”. Các thay đổi, chỉnh sửa sâu rộng cũng áp dụng cho cả bản dịch tiếng Anh ban đầu của G. E. M. Anscombe.
Được coi là một triết gia vĩ đại nhất của thế kỷ 20, Ludwig Wittgenstein đóng vai trò trung tâm, gây tranh cãi, trong triết học phân tích thế kỷ 20. Hiện nay, ông vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến tư tưởng triết học trong các chủ đề đa dạng như logic và ngôn ngữ, nhận thức và ý định, đạo đức và tôn giáo, mỹ học và văn hóa.
Link download sách: Tại đây
4. Sự an ủi của Triết học
“Gần gũi và dễ đọc… Độc đáo một cách thú vị, tràn ngập những…. câu chuyện ngụ ngôn hiện đại dí dỏm.”
Chúng ta sống ngày này qua ngày khác cùng những nỗi bận tâm: không tiền, thất tình, thiếu thốn vật chất và tinh thần, lo lắng, sợ thất bại và giảm áp lực phải hành xử theo chuẩn mực… Nỗi bận tâm nhỏ khiến ta dằn vặt. Nỗi bận tâm lớn có thể huỷ hoại cả đời người. Alain de Botton viết về cách mà các bộ óc vĩ đại nhất trong lịch sử triết học bàn về những nỗi bận tâm, niềm đau khổ trong cuộc sống thường ngày ấy. Khi không được ưa thích, khi chịu áp lực phải hành xử theo chuẩn mực…, ta có thể tìm đến Socrates. Khi không có tiền, ta có thể hỏi ý kiến Epicurus. Còn khi thất tình, ta hoàn toàn có thể chia sẻ với Schopenhauer.
Qua tư tưởng của sáu triết gia vĩ đại, de Botton đã đưa triết học trở lại với mục đích giản dị và quan trọng nhất của nó: giúp chúng ta sống cuộc đời của mình.
Link download sách: Tại đây
5. Nhập môn Triết học Đông phương
Nhập môn triết học Đông phương không phải là một cuốn sách giáo khoa về triết học. Ở đây, học giả Nguyễn Duy Cần bàn về những điểm đặc sắc và cốt lõi của triết học phương Đông: về khái niệm âm dương, triết học Phật – Lão – Trang. Trong sách, Nguyễn Duy Cần đề cao triết học nhất nguyên, coi những sự đối lập là bề mặt và bề trái của một chỉnh thể thống nhất. Đọc Nhập môn triết học Đông phương, ta nhìn thấy được một khía cạnh khác ít gai góc và khô khan hơn của triết học cũng như tìm thấy được vẻ đẹp muôn màu của triết học Đông phương.
Link download sách: Tại đây
6. Chính trị luận
Tác phẩm nổi tiếng viết về các khái niệm mà từ đó định hình các quốc gia và chính phủ. Mặc dù, Aristotle cổ vũ mạnh mẽ cho chế độ nô lệ lạc hậu, quan điểm của ông về Hiến pháp và cách điều hành chính phủ lại rất kinh điển. Dù chỉ thảo luận về nhà nước và các định chế thời Hy Lạp cổ nhưng tác phẩm này của ông đã đặt nền tảng cho khoa học chính trị hiện đại
Tác phẩm này được xem là căn bản cho Chính trị học Tây phương. Chính trị luận nghiên cứu các vấn đề cơ bản về nhà nước, chính quyền, chính trị, tự do, công bằng, tài sản, quyền, luật và việc thực thi luật pháp của các cơ quan thẩm quyền.
Aristotle là biểu tượng của trí tuệ tư duy triết học. Mặc dù nội dung rất sâu sắc nhưng cách trình bày của ông lại rất dễ hiểu. Ông viết những suy nghĩ của mình một cách rõ ràng với độ chính xác siêu phàm. Học thuyết của ông có ảnh hưởng lớn đến những lĩnh vực hiện đại như : khoa học, chủ nghĩa duy thực và logic học.
Link download sách: Tại đây
7. Cộng hòa
Cuốn sách được xem là cột mốc lớn của triết học phương Tây. Tác phẩm được trình bày dưới dạng đối thoại giữa Plato và những người khác. Mặc dù chủ đề chính là về một nhà nước lý tưởng nhưng nó cũng xoay quanh giáo dục, tâm lý, đạo đức và chính trị.
Trong các đoạn chính của Cộng hòa, Plato sử dụng những huyền thoại để khám phá bản chất tự nhiên của thực tế, truyền đạt cái nhìn về sự tiên đoán của con người và vai trò của triết học trong việc thiết lập tự do. Ông tưởng tượng ra một cái hang mà những con người bị xiềng xích từ khi mới sinh ra làm bạn với cái bóng của mình và mang họ đến thực tế. Vai trò của triết học, cụ thể là những gì Plato gọi là biện chứng, là đưa con người ra khỏi cái bóng và hướng bản thân họ tới thực tế. Đây là bản chất của việc theo đuổi sự khôn ngoan mà không có nhà nước lý tưởng nào không làm. Độc giả hiện đại có thể đồng ý với mọi điều Plato nói, cũng như lập luận chặt chẽ, cái nhìn đầy chất thơ vẫn có sức mạnh trong việc kích thích và thách thức. Sức mạnh lâu dài này đã làm của Cộng hòa trở thành một trong những nền tảng của văn hóa phương Tây.
Link download sách: Tại đây
8. Suy tưởng
Nghe nói Marcus Aurelius thích trích dẫn câu nói trên của Plato, và những ai đã từng viết về ông khó cưỡng lại vận nó vào bản thân Marcus. Và tất nhiên, nếu là đi tìm ông vua-triết gia của Plato bằng xương bằng thịt thì chúng ta cũng khó tìm được ai tốt hơn Marcus, người cai trị Đế quốc La Mã gần hai thập niên, và là tác giả cuốn Meditation (Suy tưởng) bất hủ. Thế nhưng danh hiệu này chắc chắn bản thân Marcus sẽ bác bỏ. Ông không bao giờ nghĩ mình là một triết gia. Ông chỉ tự nhận là một học trò cần mẫn và người thực hành chưa hoàn hảo của một triết thuyết do những người khác lập ra. Còn về ngôi vua, nó đến một cách gần như tình cờ. Khi Marcus Annius Verus sinh ra, năm 121 CN, những người có mặt đã tiên đoán một sự nghiệp sáng chói trong Viện Nguyên lão của bộ máy cầm quyền. Họ không thể nào đoán được số phận đã dành cho ông ngôi hoàng đế, và trong trí tưởng tượng của họ không thể nào có cảnh tượng người kị sĩ đồng cô độc giơ tay vẫy chào chúng ta từ trên đỉnh đồi Capitol La Mã qua hai nghìn năm.
Link download sách: Tại đây
9. Quân vương
“Khiến cho người sợ mình hơn khiến cho người yêu mến mình” (Niccolò Machiavelli).
Ít có quyển sách nào gây nhiều tranh cãi trong lần xuất bản đầu tiên như Quân vương, và số sách có thể duy trì những cuốc tranh cãi đó trong suốt hơn năm thế kỉ sau lại càng ít hơn. Có nhiều luồng ý kiến về những mưu đồ chính trị xấu và và vô lương tâm được nêu trong tuyệt tác của Niccolò Machiavelli, nhưng những luận thuyết này lại rất thực dụng và sâu sắc. Là một trong những tác phẩm có tầm ảnh hưởng nhất, Quân vương đến nay vẫn đang làm kim chỉ nam cho tư tưởng và hành động của nhiều chính trị gia và doanh nhân trong thời hiện đại.
Link download sách: Tại đây
10. Triết học hiện sinh
Cuốn sách “Triết học hiện sinh” (tập hợp từ các bài viết của GS. Trần Thái Đỉnh đăng trên tạp chí Bách Khoa (Sài Gòn) từ tháng 10/1961 đến tháng 9/1962) mở cửa cho chúng ta vào nền tư tưởng chủ yếu của thế kỷ XX, vào sự tìm hiểu con người. Vì vậy, nếu muốn tìm hiểu tiến trình tư tưởng của con người trong thế kỷ XX, tìm một cách sống, một cách suy nghĩ, tìm hiểu chính mình để vượt mình; hãy tìm đọc cuốn sách này, đặc biệt là các bạn trẻ và các văn nghệ sĩ muốn cách tân thơ văn.
Sách gồm 10 chương, tạm chia thành 2 phần:
3 chương đầu tìm hiểu về: Triết học hiện sinh là gì? (Lập trường của triết học hiện sinh, Triết học về con người); Những đề tài chính của triết học hiện sinh; Hai ngành của phong trào triết học hiện sinh.
7 chương sau viết về bảy triết gia hiện sinh lừng danh:
– Kierkergaard, ông tổ hiện sinh chính thực;
– Nietzsche, ông tổ hiện sinh vô thần;
– Husserl, ông tổ văn chương triết lý hiện tượng học;
– Jaspers, hiện sinh và siêu việt;
– Marcel, hiện sinh và huyền nhiệm;
– Sartre, hiện sinh phi lý;
– Heidegger, hiện sinh và hiện hữu.
Link download sách: Tại đây
11. Friedrich Nietzsche - Và những suy niệm bên kia thiện ác
Friedrich Nietzsche là một nhà triết học, nhà văn, nhà tư tưởng hiện đại nổi tiếng của nước Đức. Mặc dù các tác phẩm mà ông để lại không nhiều và không đồ sộ về số lượng và dung lượng như của nhiều nhà triết học, nhà tư tưởng lớn khác, nhưng cũng đã gây một tiếng vang lớn, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tinh thần xã hội hiện đại trước hết là ở châu Âu – phương Tây, kéo dài cho đến hiện thời và có thể sẽ còn tiếp tục. Theo F. Challaye – tác giả của bài “Nietzsche – Cuộc đời và triết lí” thì nhà bình chú hay nhất của Pháp về F. Nietzsche là Charles Andler đã đưa F. Nietzsche lên hàng triết gia nổi tiếng nhất của chúng ta ngày nay khi ông viết: “Nietzsche đã chứng tỏ, cùng với Henn Bergson, một hệ thống triết học có thể có của thời đại chúng ta”.
Cuốn sách Friedrich Nietzsche và những suy niệm bên kia thiện ác là kết quả nghiên cứu riêng của tác giả về tác phẩm Bên kia thiện ác, một tác phẩm rất quan trọng của F. Nietzsche, của một nhà tư tưởng, một triết gia lớn mà trước đây tác giả còn biết rất ít. Nhưng càng đọc ông, tác giả càng thấy khâm phục và có nhiều thiện cảm đối với những tư tưởng, quan điểm của ông, cả với bản thân ông, càng bị những tư tưởng, quan điểm của ông lôi cuốn, thuyết phục. Cho nên, với sản phẩm nghiên cứu trên tay, mặc dù người đọc sẽ thấy những khiếm khuyết, hạn chế rất đáng nói ở ông (nhưng chưa hẳn đã đồng tình với những đánh giá này của tác giả), nhưng tác giả cho rằng những giá trị, sự ảnh hưởng sâu sắc, rộng lớn của F. Nietzsche không đơn giản ở tầm bao quát rộng lớn các vấn đề của ông, mà căn bản ở chỗ trong ông, trong các tác phẩm của ông chứa đựng, biểu hiện một nội dung tư tưởng, một lối suy niệm sâu sắc, lớn lao, một phong cách, ngôn ngữ độc đáo, đặc sắc và cả một con tim đầy nhiệt huyết, thấm đẫm khát vọng làm người, khát vọng hướng đến một đời sống mới của kiếp người - đời sống bên kia thiện ác mà nhà triết học là kẻ phải đi đầu trong việc minh định đời sống ấy.
Link download sách: Tại đây
12. Zarathustra đã nói như thế
“Zarathustra đã nói như thế” viết về cuộc hóa thân của tinh thần con người. Tinh thần biến thành con lạc đà, lạc đà hóa thành con sư tử và sau cùng, sư tử biến hóa thành đứa trẻ. Lạc đà biểu trưng cho thời kì tôn sùng và gửi gắm niềm tin vào các lí tưởng, kiên nhẫn tiếp nhận những giá trị lưu truyền, sư tử là biểu trưng cho sự đỗ vỡ niềm tin, cho thời kỳ của tinh thần tự do và sự trải nghiệm của chủ nghĩa hư vô; đứa trẻ biểu trưng cho thời kì tinh thần tìm cách khắc phục chủ nghĩa hư vô, cất lên tiếng vâng thuận mệnh đối với cuộc sống và sự khởi đầu cho một niềm tin mới.
Trong “Zarathustra đã nói như thế” nêu ra hai luận thuyết về con người siêu nhiên và về sự qui hồi vĩnh hằng mà cho tới nay vẫn luôn là đối tượng của mọi cuộc tranh luận khoa học gay gắt và quyết liệt, là đề tài của nhiều công trình nghiên cứu triết học hiện đại. Đây là một tác phẩm thơ – văn xuôi độc đáo mà chính tác giả của nó đã coi đó là cuốn Phúc âm thứ năm, chứa đựng những điều kỳ tuyệt vô song mà từ trước tới nay chưa có ai nói đến, chưa có ai làm được như thế.
Link download sách: Tại đây
13. Dẫn luận về Triết học
Dẫn luận về Triết học gồm 4 cuốn:
Dẫn Luận Về Foucault
Từ mỹ học đến hệ thống hình phạt, từ sự điên rồ và nền văn minh đến lịch sử tính dục, các tác phẩm của Michel Foucault (1926-1984) đã tác động mạnh mẽ đến tư duy hiện đại cuối thế kỷ XX. Tuy nhiên, những tác phẩm của ông cũng nổi tiếng là khó đọc và khó hiểu không kém gì ảnh hưởng rộng lớn của chúng.
DẪN LUẬN VỀ FOUCAULT của Gary Gutting cung cấp một giới thiệu hấp dẫn về các tư tưởng của Michel Foucault trong văn học, chính trị, lịch sử và triết học, khám phá một loạt chủ đề quan trọng vốn thu hút bất kỳ ai muốn hiểu sâu hơn về nhân dạng, tri thức, và quyền lực trong xã hội hiện đại.
Dẫn Luận Về Schopenhauer
Schopenhauer được xem là tác gia đáng đọc nhất trong các triết gia Đức. Cuốn DẪN LUẬN VỀ SCHOPENHAUER này đưa ra một giải thích ngắn gọn về hệ thống siêu hình của ông, tập trung vào các khía cạnh độc đáo, gây cảm hứng mạnh mẽ nhất đến nhiều nghệ sĩ và nhà tư tưởng bao gồm Nietzsche, Wagner, Freud và Wittgenstein.
Sách của tác giả Christopher Janaway bình luận quan điểm bi quan của Schopenhauer cho rằng cá nhân không tồn tại thì tốt hơn. Và tuyên bố của Schopenhauer rằng chỉ có sự chối bỏ thánh thiện cái tôi – thoát khỏi ý chí – mới có thể mang lại giá trị cuộc sống cho thấy ông là một tư tưởng gia đầy thách thức, tiến bộ và có ảnh hưởng lớn.
Dẫn Luận Về Kierkegaard
Soren Kierkegaard là một trong những triết gia độc đáo nhất của thế kỷ 19, với các tác phẩm về tôn giáo, tâm lý học và văn học. Những di sản sách triết học gây ấn tượng của ông đã là nguồn cảm hứng cho nhiều khuynh hướng tư tưởng của thế kỷ 20, đặc biệt là sự trỗi dậy của chủ nghĩa hiện sinh.
Sách DẪN LUẬN VỀ KIERKEGAARD của Patrick Gardiner mang đến cho chúng ta một toàn cảnh về đời sống và suy tư của triết gia người Đan Mạch và ảnh hưởng của ông lên những dòng chảy của tư tưởng hiện đại.
Dẫn Luận Về Nietzsche
Triết gia Đức Friedrich Nietzsche (1844-1900) là nhân vật mà tên tuổi vẫn được những người theo các quan điểm đa dạng và trái ngược nhất viện đến để tìm cách biện minh cho mình, những người tìm được nguồn cảm hứng từ các tác phẩm của ông, những người vô chính phủ, những nhà nữ quyền, những kẻ quốc xã, những người sùng bái tôn giáo, những người ăn chay, những nghệ sĩ tiền phong, những tín đồ của văn minh vật chất, những người bảo thủ và nổi loạn trong chính trị và triết học… nhưng danh sách này chắc chắn không dừng lại ở đó. Hầu như không có một nhân vật văn hóa hay nghệ thuật nào ở Đức và nói chung toàn bộ thế giới phương Tây trong chín mươi năm qua lại không thừa nhận đã chịu ảnh hưởng từ ông, kể từ Thomas Mann cho đến Jung và Heidegger.
Trong sách DẪN LUẬN VỀ NIETZSCHE, Michael Tanner đã trình bày một bức chân dung của triết gia lừng lẫy này với nhiều mảng sáng tối tương phản và gợi mở nhiều suy nghĩ về hành trạng con người ở thế kỷ của Nietzsche cũng như trong hiện tại.
Link download sách: Tại đây
14. Thần thoại Sisyphus
Tập sách là các tiểu luận triết học kinh điển của triết gia Albert Camus, bàn về phi lý, sự tự sát và các yếu tố xoay quanh.
Trong Thần thoại Sisyphus, Camus cũng không có câu trả lời rốt ráo, nhưng những suy tư sâu sắc của ông trong việc tìm câu trả lời khiến cuốn sách này rất đáng đọc với bạn đọc thuộc mọi lứa tuổi, nhưng nhất là các bạn đọc trẻ. Ra đời năm 1942, Thần thoại Sisyphus cũng như các tác phẩm văn học của Camus (tiểu thuyết Người Lạ, Dịch Hạch, v.v…) nằm trong trào lưu triết học hiện sinh với những đại diện như Soren Kierkegaard, Jean Paul Satre, Heidegger… Đây có thể coi là một cơn động tâm chung của châu Âu trong giai đoạn sau Chiến tranh thế giới I và trước Chiến tranh thế giới II, khi tôn giáo (Chúa) ngày càng không thể thỏa mãn những câu hỏi của con người hiện đại về mục đích, ý nghĩa cuộc sống của mình; khi châu Âu phải chứng kiến sự tiêu vong đột ngột và khả năng tiếp tục tiêu vong, dấn thân, hy sinh (vô nghĩa?) của hàng triệu người trong những chuyển động lịch sử mà không ai có thể cam đoan là những chuyển động có sắp đặt và có ý nghĩa. Triết học phi lý của Camus, cùng với trào lưu triết học hiện sinh, có thể được hiểu như một nỗ lực cắt nghĩa câu hỏi “Sống để làm gì?” nhằm tránh biến mình thành nạn nhân vô ý thức trong cơn lốc xoáy của lịch sử.
Tuy nhiên, khác với các tác phẩm triết học, Thần thoại Sisyphus là một cuốn tiểu luận triết của một nhà văn thông thái và thông minh; do đó nó chứa những biện luận triết lý trong cái vỏ của những khám phá trực tâm, nhạy cảm, được viết dễ hiểu và đẹp. Trong cuốn sách chỉ hơn 100 trang, Camus trình bày các luận điểm của ông về một thứ triết học mà ông gọi là triết học phi lý (Tư duy phi lý, Con người phi lý, Sáng tạo phi lý); đồng thời xem xét sự áp dụng của triết học đó vào những ca cụ thể, ví dụ Don Juan. Nếu như ta kết luận rằng cả hành trình lẫn đích của hành trình sống – là cái chết – đều phi lý, thì có gì khác nhau nếu một người cư xử như Don Juan hay như Magnum? Don Juan điên rồ hay khôn ngoan tuyệt vời? Don Juan phù phiếm hay thông thái? Don Juan coi thường cuộc sống hay nhìn xuyên qua được tính phi lý (vô thường?) của cuộc sống?
Link download sách: Tại đây
15. Bàn về tự do
Khác với việc tiếp cận các học thuyết tư tưởng phương Đông, việc tiếp cận các trào lưu tư tưởng tinh hoa của phương Tây đối với độc giả Việt Nam đã và vẫn đang gặp phải không ít khó khăn. Không nói tới các nhà tư tưởng cổ đại như Socrates, Plato, Aristotle, v.v… mà ngay cả các nhà tư tưởng cận đại của phong trào Khai sáng, độc giả cũng hiếm có cơ hội để có được bản dịch các tác phẩm kinh điển quan trọng. Nhìn tổng thể, có thể nói các sách biên khảo khoa học và các học thuyết quan trọng của phương Tây vẫn chưa được giới thiệu một cách nghiêm túc và hệ thống ở Việt Nam.
Khoảng trống về đề tài quan trọng này là điều bất lợi lớn với một đất nước đang muốn xây dựng nền kinh tế tri thức và mở rộng quan hệ kinh tế, khoa học kỹ thuật và văn hoá với các nước phát triển. Trên tinh thần mong muốn truyền tải những tư tưởng đó, bồi đắp thêm những khoảng trống về tri thức còn thiếu hụt, chúng tôi xin giới thiệu với độc giả bản dịch luận văn Bàn về tự do (On Liberty – 1859) của John Stuart Mill qua bản dịch của Nguyễn Văn Trọng.
Mặc dù được viết ra cách đây đã gần 150 năm nhưng Bàn Về Tự Do vẫn còn nguyên giá trị và là tác phẩm giữ vị trí quan trọng trong tư duy lý luận và tư tưởng phương Tây. Thời Canh tân Minh Trị ở Nhật Bản và thời Phong trào Ngũ Tứ ở Trung Quốc, hai nước đã cho dịch và phát hành rộng rãi cuốn sách này để mở mang tri thức cho dân tộc.
Link download sách: Tại đây
16. Câu truyện Triết học – Đời sống và quan điểm của những triết gia lớn phương Tây
Thật tài tình và thú vị khi Will Durant (1886-1981) đặt tên cho công trình lịch sử triết học của mình là “The Story of Philosophy”. Lịch sử triết học vốn khét tiếng là khô khan và nhức đầu! Will Durant có cái nhìn khác: nó rất hấp dẫn, lôi cuốn, nhất là với những ai có tính tò mò, “ham chuyện” như chúng ta. Với ông, ở đây ta có một câu chuyện thật gay cấn và đáng được kể lại cho nhiều người nghe dưới hình thức một câu chuyện!
Viết lịch sử như một câu truyện là một nghệ thuật cao cường của tác giả. Dễ hiểu tại sao “Câu truyện” này lại thành công ngoạn mục đến thế. Từ khi ra mắt vào năm 1926, trong vòng 50 năm (1976) tác phẩm đã được tái bản đến 28 lần, và đến nay (đầu 2008) không biết đã đến lần thứ bao nhiêu!…
Tuy nhiên, Will Durant, xuất thân là một ông nghè triết học của đại học Columbia, Hoa kỳ từ năm 1917, không chỉ khéo léo về phương pháp viết lịch sử triết học như một Câu truyện mà còn có đủ thẩm quyền chuyên môn để hiểu bản chất của lịch sử triết học (Tây Phương) như một câu chuyện. Đó là một câu chuyện đúng nghĩa vì đầy những tình tiết éo le, những thăng trầm kịch tính, những đường chim nẻo nguyệt của tâm thức con người được chưng cất ở mức độ đậm đặc nhất.
... Vì thế, với tấm lòng chân thành và cởi mở của một học giả đích thực, W. Durant xác định rõ mục đích của quyển sách này là làm cho người bình thường hiểu được những ý tưởng cao xa của triết học. Ông xem khoa học như là sự "phân tích", còn triết học như là sự "tổng hợp". Vì thế, ông kết luận: "Khoa học là sự mô tả kiểu phân tích, trong khi triết học là sự lý giải kiểu tổng hợp. Vì lẽ một sự kiện không bao giờ là hoàn chỉnh trừ khi được đặt vào mối quan hệ với một mục đích và với cái toàn bộ. Khoa học mang lại cho ta kiến thức, nhưng chỉ có triết học mới có thể cho ta sự hiền minh".
Link download sách: Tại đây
17. Tôn tử binh pháp
Được xưng tụng là tuyệt tác binh thư hàng đầu của thế giới cổ đại, binh thư kinh điển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, Tôn Tử Binh Pháp là một cuốn cổ thư “kỳ quái”, “để trong vườn sẽ tỏa mùi thơm của hoa quý, ném xuống đất sẽ vang tiếng kêu của bạc vàng”.
Nó không chỉ được các vua chúa từ đông sang tây xem như sách gối đầu giường, bí kíp quân sự không thể thiếu, mà còn được nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực như triết học, kinh doanh, tâm lý học, ngôn ngữ học, thể dục thể thao,… ứng dụng để nghiên cứu và đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
Tôn Tử Binh Pháp với văn từ gọn ghẽ, nghĩa lý sâu xa, âm điệu bay bổng, nhờ đó sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng của “thánh điển binh học” này vô cùng rộng lớn, được dịch ra trên 100 thứ tiếng và xuất bản hầu khắp trên toàn thế giới.
“Biết người biết mình, trăm trận không nguy.
Không biết người chỉ biết mình, một được một thua.
Không biết người không biết mình, hễ đánh là nguy.”
- Thiên Mưu công, Tôn Tử Binh Pháp
Link download sách: Tại đây
18. Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản
Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản là văn bản tốc kí, được Sartre sửa lại, buổi thuyết trình được tổ chức ở Paris vào thứ Hai ngày 29 tháng Mười năm 1945 theo yêu cầu của Câu lạc bộ Maintenant, do Jacques Calmy và Marc Beigbeder lập ra trong thời kì Giải phóng, với mục đích “thúc đẩy hoạt động văn học và trí tuệ”; văn bản này được Nhà xuất bản Nagel ấn hành sau đó một năm. Tại sao tác giả của Tồn tại và Hư vô (1943) lại muốn người ta chấp nhận chủ nghĩa nhân bản trong học thuyết của mình?
Ta cần nhớ rằng hai tập đầu tiên của bộ Những con đường của Tự do ngay lần đầu xuất bản đã gây được tiếng vang cũng như xì-căng-đan về chúng. Chúng ta không cần bàn nhiều về chi tiết của bộ sách, trong tập Tuổi trưởng thành và trong Ân xá, đã khiến cho các nhà tư tưởng chính thống thời đó khó chịu. Nhân vật chính bị đánh giá là nhu nhược hay khờ khạo. Sartre viết: “Tôi nghĩ rằng điều gây khó chịu nhất về các nhân vật của tôi là sự sáng suốt của họ. Họ biết họ là ai và đó là điều họ chọn để tồn tại.” Dù thiếu bến đỗ và không tự tin, Mathieu rõ ràng ít có nét chung với mẫu nhân vật sử thi hay nhân vật tích cực; cái quý giá duy nhất của anh, trong cuộc tìm kiếm bền bỉ một đời sống tự do đích thực – mang âm hưởng của cuộc truy tầm triết học trong Tồn tại và Hư vô- chính là sự sáng suốt khô khan ấy, cũng là nỗi khổ của anh ta. Điều xảy ra đối với anh, hay điều anh làm không mấy thực tế; anh không bắt đầu từ cuộc sống thực. Điều mà người ta chưa thấy đầy đủ đó là tấn kịch của trí tuệ và luân lí của một ý thức đang hình thành, mà sự tiến triển của nó vẫn chưa dừng ở cuối quyển thứ hai…
Link download sách: Tại đây
19. Thiền và nghệ thuật bảo dưỡng xe máy
Rùng mình vì cảm xúc cho đến trang cuối cùng. Thiền và nghệ thuật bảo dưỡng xe máy một trong những tác phẩm best-seller cực kỳ quan trọng của thời đại chúng ta. Đây là hành trình tuyệt diệu của một người đi tìm lại chính mình. Một thiên sử thi hiện đại, chuyển hóa cả một thế hệ và tiếp tục truyền cảm hứng cho hàng triệu người – một ví dụ thấm thía về cách chúng ta sống và làm thế nào sống tốt hơn.
Câu chuyện kể về một chuyến đi mùa hè bằng xe máy của hai cha con, Thiền và nghệ thuật bảo dưỡng xe máy trở thành cuộc phiêu lưu triết học vào những câu hỏi nền tảng. Mối quan hệ của người kể chuyện với đứa con dẫn đến một sự xem xét bản thân sâu sắc; công việc bảo dưỡng xe máy khiến tiến trình khảo sát khoa học, tôn giáo và nhân văn trở nên cực kỳ cuốn hút.
Cộng hưởng với những khắc khoải nhân sinh, tác phẩm kinh điển này là một cuốn sách siêu nghiệm về cuộc đời vô cùng xúc động.
Link download sách: Tại đây
20. Walden – Một mình sống trong rừng
Walden – Một Mình Sống Trong Rừng là một hồi tưởng đầy chiêm nghiệm suy tư về quãng đời “hai năm hai tháng hai ngày” sống một mình trong một mảnh đất rừng bên cạnh đầm Walden, “Giọt nước của Trời”, “đáng yêu hơn kim cương” trong một ngôi nhà tự xây lấy, và bằng lao động của chính đôi tay mình.
Ở Walden, ông đã số́ng nhiệt thành say mê đầy tỉnh thức “Tôi đi vào rừng bởi vì tôi muốn sống thong dong, chỉ đối diện với những sự kiện tinh tuý nhất của cuộc sống, và xem thử tôi có thể học được những gì nó phải dạy tôi hay không, và không để đến khi tôi gần chết mới khám phá ra rằng mình chưa hề sống”. Ông chủ trương sống đơn giản vì “Phần lớn những xa xỉ và cái được gọi là tiện nghi không chỉ không tuyệt đối cần thiết, mà còn rõ ràng cản trở việc nâng cao phẩm giá con người”. Ông mang vào rừng giấc mơ về một cuộc sống vô ưu đầy vui thú.
Link download sách: Tại đây
Tham khảo thêm
- doc Giáo trình Triết học Mác-Lênin
- pdf Bài giảng Triết học Mác-Lênin
- doc 10 cuốn sách nhập môn Triết học hay gần gũi và giản dị