Trong lòng mẹ Ngữ văn 8

Mời các em cùng tham khảo nội dung bài học Trong lòng mẹ do eLib tổng hợp và biên soạn dưới đây. Bài học giúp các em nắm được những nét chính về tác giả, tác phẩm, từ đó, làm cơ sở để đi sâu phân tích, cảm nhận văn bản. Tin rằng, đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tập hiệu quả hơn.

Trong lòng mẹ Ngữ văn  8

1. Tác giả

  • Nguyên Hồng (1918 – 1982) sinh trưởng trong một gia đình nghèo, sớm mồ côi cha, ngay từ nhỏ đã phải cùng mẹ lần hồi kiếm sống trong các xóm chợ nghèo ở Hải Phòng. Ông viết văn và tham gia hoạt động Cách mạng từ rất sớm (những năm 1937 – 1939).
  • “… Với gần năm chục năm lao động nghệ thuật bền bỉ, dẻo dai, Nguyên Hồng có một vị trí quan trọng trong văn học Việt Nam hiện đại. Ông xứng đáng được coi là nhà văn chân chính của “những người khốn khổ”. Một tình cảm. nhân đạo thiết tha đối với quần chúng lao động nghèo thấm đượm trong toàn bộ sáng tác của nhà văn. Là cây bút hiện thực phê phán đã bước đầu vươn tới lí tưởng Cách mạng, ông đã đem đến cho trào lưu văn học này những yếu tố mới mẻ, tích cực”
  • Những tác phẩm chính: “Bỉ vỏ” (tiểu thuyết, 1938), “Bảy Hựu” (truyện ngắn, 1941); “Những ngày thơ ấu” (hồi kí, 1938), “Quán nải” (tiểu thuyết, 1943), “Hơi thở tàn” (tiểu thuyết, 1943), “Hai dòng sữa” (truyện ngắn, 1943), “Đêm giải phóng” (truyện vừa, 1951), “Giọt máu” (truyện ngắn, 1956), “Trời xanh” (thơ, 1960), “Sóng gầm” (tiểu thuyết, 1961), “Sức sống của ngòi bút” (tập văn, 1963), “Bước đường viết văn” (hồi kí, 1971), “Khi đứa con ra đời” (tiểu thuyết, 1976), “Núi rừng Yên Thể’ (bộ tiểu thuyết lịch sử gồm nhiều tập chưa hoàn thành trước khi ông qua đời).

2. Tác phẩm

2.1. Hoàn cảnh sáng tác

Trong lòng mẹ là chương thứ IV của tác phẩm Những ngày thơ ấu (gồm 9 chương), tập hồi kí về tuổi thơ ít niềm vui, nhiều cay đắng của tác giả.

2.2. Tóm tắt

Bé Hồng sinh ra là kết quả của cuộc hôn nhân miễn cưỡng giữa người bố nghiện ngập và người mẹ trẻ trung luôn khao khát có được tình yêu thương nhưng đành ngậm ngùi chôn vùi tuổi xuân bên người chồng nghiện ngập. Khi bố Hồng mất, người mẹ bỏ hai anh em Hồng lại để đi tha hương cầu thực, anh em Hồng luôn sông trong sự ghẻ lạnh của nhà nội. Nhất là bà cô, luôn gieo rắc vào đầu Hồng những rấp tâm tanh bẩn để Hồng ghét bỏ mẹ của mình. Nhưng Hồng không những không ghét mẹ mà còn thông cảm và yêu mẹ nhiều hơn, em căm thù những hủ tục đã đày đọa mẹ mình. Chiều hôm đó khi vừa tán học, em thoáng thấy bóng dáng mẹ, em liền gọi theo với hi vọng và giọng bối rối. Khi mẹ em quay đầu lại, Hồng sà vào lòng mẹ, trong lòng mẹ, Hồng chẳng còn mảy may đến những lời nói thâm độc của bà cô mà chỉ cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng, chan chứa.

2.3. Bố cục

  • Phần 1: Từ đầu đến “Người ta hỏi đến chứ”: Cuộc đối thoại giữa người cô và chú bé Hồng.
  • Phần 2: Còn lại: Cuộc gặp gỡ giữa bé Hồng và mẹ.

2.4. Đọc - hiểu văn bản

a. Hoàn cảnh của bé Hồng

  • Gần đến ngày gỗ đầu của thầy
  • Mẹ ở Thanh Hóa chưa về.
  • Ở với họ hàng.

⇒ Hoàn cảnh đáng thương mồ côi bố, sống xa mẹ

b. Cuộc đối thoại giữa người cô và chú bé Hồng

- Thái độ của người cô:

  • Gọi Hồng đến bên cười hỏi: "Hồng mày có muốn vào Thanh Hóa với mẹ mày không?".
  • Giọng ngọt: "Mợ mày phát tài lắm, có như dạo trước đâu".
  • Vỗ vai Hồng cười mà nói rằng: "Bắt mợ mày may vá sắm sửa cho và thăm em bé chứ".
  • Đổi giọng nghiêm nghị…chập chừng nói tiếp "Tháng tám là giỗ đầu cậu mày, mợ mày về dù sao cũng đỡ tủi cho cậu mày, và mày còn phải có họ, có hàng, người ta hỏi đến chứ".

⇒ Giả dối, mỉa mai, cay độc

- Thái độ của bé Hồng khi nghe câu chuyện của bà cô về mẹ:

  • Toan trả lời…cúi đầu không đáp.
  • Nước mắt tôi ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hòa ở cằm và ở cổ.
  • Cười dài trong tiếng khóc.
  • Cổ họng nghẹn ứ khóc không ra tiếng.

⇒ Tâm trạng đau đớn tủi cực

- Cảm nhận của bé Hồng về câu chuyện của bà cô:

  • Nhận ra những ý nghĩa cay độc trong giọng nói và trên nét mặt khi cười rất kịch của cô.
  • Những rắp tâm tanh bẩn.
  • Những cổ tục.

⇒ Hiểu rõ bản chất của người cô, đó là con người có tính cách hẹp hòi, tâm địa cay độc tàn nhẫn  

c. Tình cảm của bé Hồng đối với mẹ

- Khi nghe những lời cay độc từ bà cô:

  • Nhưng đời nào tình yêu thương và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến ⇒Tình yêu thương và sự kiên định trong suy nghĩ về mẹ.
  • Chỉ vì tôi thương mẹ tôi và căm tức sao mẹ tôi lại vì sợ hãi những thành kiến tàn ác mà xa lìa anh em tôi, để sinh nở một cách dấu giếm ⇒Sự trưởng thành trong suy nghĩ.
  • "Giá những cổ tục…..vồ lấy, mà cắn, mà nhai, mà nghiến" ⇒ Tình yêu thương và  lòng căm phẫn ⇒ mong muốn hành động được đấu tranh bảo vệ cho mẹ.

- Khi gặp mẹ:

  • Khi thấy thoáng một bóng người ngồi trên xe kéo giống mẹ, Hồng liền đuổi theo, gọi bối rối "Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ ơi!..." ⇒ Tiếng gọi tha thiết khát khao tình mẹ “cái lầm đó không những làm tôi thẹn mà còn tủi cực nữa, khác gì cái ảo ảnh của một dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước con mắt gần rạn nứt của người bộ hành ngã gục giữa sa mạc” ⇒ Đây là một giả thiết mà cậu bé tự đặt ra - giả định là một hình ảnh so sánh độc đáo ⇒ hi vọng tột cùng - thất vọng - tuyệt vọng tột cùng.
  • "Tôi thở hồng hộc, trán đẫm mồ hôi, và khi trèo lên xe, tôi ríu cả chân…..òa khóc nức nở".

⇒ Tình yêu thương, nỗi xúc động bàng hoàng, niềm sung sướng và cả sự tủi thân nghẹn ngào vỡ òa trong tiếng khóc nức nở

  • Được nhìn thấy mẹ: Gương mặt mẹ…tươi sáng, đôi mắt trong và nước da mịn, màu hồng của hai gò má
  • Được ngồi trong lòng mẹ: đùi áp đùi mẹ, đầu ngả vào cánh tay mẹ, cảm giác ấm áp… mơn man khắp da thịt…. hơi thở thơm tho
  • Cảm nhận về tình mẹ: Người mẹ có một êm dịu vô cùng

⇒ Cảm nhận niềm hạnh phúc, thiêng liêng của tình mẫu tử.

2.5. Giá trị nội dung

- Đoạn văn “Trong lòng mẹ” trích hồi kí “ Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng đã kể lại một cách chân thực và cảm động những cay đắng và tủi cực cùng tình yêu thương cháy bỏng của nhà văn thời thơ ấu đối với người mẹ bất hạnh, đáng thương của mình

2.6. Giá trị nghệ thuật

  • Lời văn nhẹ nhàng, tình cảm, giàu hình ảnh và chan chứa cảm xúc.
  • Mạch truyện, mạch cảm xúc tự nhiên, chân thực.
  • Kết hợp lời văn kể chuyện với miêu tả, biểu cảm.
  • Khắc họa thành công hình tượng nhân vật bé Hồng thông qua lời nói, hành động, tâm trạng sinh động chân thật.

3. Luyện tập

Câu 1: Viết đoạn văn ngắn cảm nhận về chú bé Hồng trong trích đoạn Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng.

Gợi ý làm bài

Chú bé Hồng là một cậu bé có một tuổi thơ bất hạnh nhưng cậu có một tâm hồn vô cùng trong sáng và dạt dào tình yêu thương. Bố cậu ăn chơi, nghiện ngập mất sớm, mẹ cậu phải tha hương cầu thực. Còn cậu, cậu phải sống với bà cô cay nhiệt, ghẻ lạnh, luôn gieo rắc vào đầu óc non nớt của đứa cháu những hình ảnh xấu về người mẹ để cậu ruồng rẫy mẹ của mình. Nhưng Hồng đã ruồng bỏ những lời nói thâm độc của bà cô, cậu đặt một niềm tin mãnh liệt vào người mẹ của mình, cậu căm hận những thành kiến tàn ác đã khiến cho mẹ con Hồng phải xa lìa. Hơn ai hết, cậu luôn muốn sống trong tình yêu thương, được mẹ vỗ về, được làm nũng được chiều chuộng,... như bao đứa trẻ khác. Giờ đây mẹ là niềm hạnh phúc, là khát khao duy nhất của cậu. Và rồi, vào hôm giỗ đầu thầy cậu. Mẹ đã về. Hồng sung sướng vô bờ. Dạt dào, miên man khi được nằm trong lòng mẹ, được mẹ âu yếm vỗ về. Tất cả những khổ đau, những lời nói của bà cô đều bị lãng quên - trôi đi nhẹ như một đám mây. Trong lòng cậu lúc này chỉ còn niềm hạnh phúc. Qua đây, ta thấy được Hồng là một chú bé hiếu thảo, có tâm hồn trong sáng và hơn nữa cậu có một tình yêu thương cháy bỏng dành cho người mẹ bất hạnh của mình: hay là biểu hiện rõ nhất của tình mẫu tử thiêng liêng.

Câu 2: Phân tích người mẹ trong đoạn trích Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng.

Gợi ý làm bài

Mở Bài

  • Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyên Hồng (đặc điểm con người, các sáng tác tiêu biểu, đặc điểm sáng tác,...).
  • Giới thiệu khái quát về đoạn trích Trong lòng mẹ (xuất xứ, khái quát về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật,...)
  • Nêu vấn đề: Nhân vật người mẹ trong đoạn trích.

Thân Bài

- Người mẹ là một người phụ nữ bất hạnh, sống cuộc sống không có hạnh phúc và phải chịu những định kiến, dèm pha của xã hội.

  • Mẹ bé Hồng là người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp, có khát khao yêu thương và hạnh phúc mãnh liệt nhưng rồi người phụ nữ ấy đã phải chôn vùi tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc của mình "bên người chồng nghiện ngập", "trong một cuộc hôn nhân miễn cưỡng" không tình yêu.
  • Sống trong sự ích kỉ, những hủ tục, định kiến của nhà chồng, đặc biệt là sau khi chồng bà chết.

- Tuy nhiên, ở người phụ nữ ấy ta cũng nhận thấy một cá tính mạnh mẽ, muốn vượt thoát, bước ra khỏi những định kiến, lề lối, hủ tục lạc hậu.

- Người mẹ trong đoạn trích còn là người phụ nữ hết mực yêu thương, quan tâm và lo lắng cho con.

  • Người mẹ ấy xa con, phải đi "tha hương cầu thực" nhưng tận sâu trong trái tim, trong nỗi lòng mình lúc nào bà cũng nghĩ về con, lo lắng con sống với gia đình nhà chồng sẽ bị bơ vơ, ghẻ lạnh, hắt hủi.
  • Vì yêu con hơn tất thảy mọi thứ, bà đã bất chấp những lời gièm pha, những định kiến mọi người dành cho mình để về thăm con trong ngày giỗ đầu của chồng.
  • Tình yêu thương của mẹ được thể hiện một cách rõ nét và chân thực hơn cả qua cảm nhận của bé Hồng khi cậu sà mình vào vòng tay yêu thương ấm nồng của mẹ

Kết Bài

Khái quát về nhân vật người mẹ trong đoạn trích và nêu cảm nghĩ của bản thân.

Câu 3: Phân tích giá trị nhân đạo trong trích đoạn Trong lòng mẹ.

Gợi ý làm bài

Mở Bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

  • Nguyên Hồng - nhà văn của phụ nữ và trẻ em. Văn của ông luôn mang giá trị nhân đạo sâu sắc, bày tỏ tình yêu thương và sự kính trọng đối với những mảnh đời bất hạnh, thấp cổ bé họng trong xã hội.
  • "Trong lòng mẹ" là đoạn trích từ tập truyện "Những ngày thơ ấu", như một cuốn tự sự về cuộc đời nhà văn. Giá trị nhân đạo của tác phẩm thể hiện qua tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả giữa hai mẹ con bé Hồng.

Thân Bài

- Giá trị nhân đạo thể hiện ở cách xây dựng hình tượng cuộc đời nhân vật bé Hồng và mẹ: Một người phụ nữ bất hạnh, phải bỏ nhà đi tha hương cầu thực; một đứa trẻ tội nghiệp mồ côi cha, sống cùng bà cô độc đoán, khắc nghiệt.
- Giá trị nhân đạo qua cảnh gặp lại mẹ của bé Hồng:

  • Tác giả bày tỏ sự yêu quý, tôn trọng những người phụ nữ, yêu thương trẻ em, gạt bỏ mọi hủ tục phong kiến trong xã hội cũ.
  • Lên án những hủ tục bất công đã đày đọa biết bao con người.

Kết Bài

Khẳng định giá trị nhân đạo và bút pháp nghệ thuật của tác giả.

4. Kết luận

Qua bài học, các em cần:

  • Nắm được những kiến thức cơ bản về thể văn hồi kí, thấy được đặc điểm của thể văn hồi kí qua ngòi bút Nguyên Hồng.
  • Nắm cốt truyện, nhân vật, sự kiện trong đoạn trích “Trong lòng mẹ”.
  • Ngôn ngữ truyện thể hiện niềm khát khao tình cảm ruột thịt cháy bỏng của nhân vật.
  • Có kỹ năng vận dụng kiến thức về sự kết hợp các phương thức biểu đạt trong văn bản tự sự để phân tích tác phẩm truyện.
  • Biết yêu thương thông cảm, kính trọng cha mẹ.
Ngày:28/07/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM