Tổng kết về ngữ pháp (tiếp theo) Ngữ văn 9

Tài liệu dưới đây nhằm giúp các em nắm được những thành phần câu và các kiểu câu đã học trong chương trình Ngữ văn 9 học kì 2. Đồng thời, tài liệu này còn giúp các em trau dồi thêm vốn từ phong phú cho bản thân. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Tổng kết về ngữ pháp (tiếp theo) Ngữ văn 9

1. Thành phần câu

a. Thành phần tình thái:

- Thành phần tình thái được dùng để thể hiện cách nhìn nhận đánh giá của người nói đối với sự việc được nói đến trong câu.

- Các thành phần tình thái là những bộ phận không tham gia vào việc diễn đạt nghĩa sự việc của câu nên được gọi là thành phần biệt lập.

b. Thành phần gọi - đáp:

- Thành phần gọi - đáp cũng là thành phần biệt lập.

- Thành phần gọi - đáp dùng để tạo lập hoặc để duy trì quan hệ giao tiếp.

c. Thành phần phụ chú:

- Thành phần phụ chú cũng là thành phần biệt lập.

- Thành phần phụ chú được dùng để bổ sung một số chi tiết cho nội dung chính của câu. Thành phần phụ chú thường được đặt giữa hai dấu gạch ngang, hai dấu phẩy, hai dấu ngoặc đơn hoặc giữa một dấu gạch ngang với dấu phẩy. Nhiều khi thành phần phụ chú còn được đặt sau dấu hai chấm.

2. Các kiểu câu

a. Câu nghi vấn:

- Đặc điểm hình thức:

+ Câu nghi vấn là câu: Có các từ nghi vấn: ai, gì, nào, tại sao, đâu, bao giờ, bao nhiêu, à, ư, hả, chứ, (có)… không, (đã)… chưa hoặc có từ “hay” (nối các quan hệ lựa chọn).

+ Khi viết, câu nghi vấn thường kết thúc bằng dấu chấm hỏi (?)

+ Nếu không dùng để hỏi thì có thể kết thúc bằng dấu chấm (.), dấu chấm than (!) hoặc dấu chấm lửng (…)

- Chức năng chính dùng để hỏi. Ngoài ra còn dùng để cầu khiến, khẳng định, phủ định, đe dọa, bộc lộ tình cảm, cảm xúc… không yêu cầu người đối thoại trả lời.

b. Câu cầu khiến:

- Câu cầu khiến là câu có những từ cầu khiến như: hãy, đừng, chớ, đi, thôi, nào,... hay ngữ điệu cầu khiến dùng để ra lệnh, yêu cầu, đề nghị, khuyên bảo,...

- Khi viết câu cầu khiến thường kết thúc bằng dấu chấm than, nhưng khi ý câu cầu khiến không được nhấn mạnh thì có thể kết thúc bằng dấu chấm.

c. Câu cảm thán:

- Câu cảm thán là câu có các từ cảm thán: ôi, than ôi, hỡi ơi, chao ơi (ôi), trời ơi, thay, biết bao, xiết bao, biết chừng nào… dùng để bộc lộ trực tiếp cảm xúc của người nói (người viết): vui, buồn, mừng, giận… Thường xuất hiện trong ngôn ngữ nói hằng ngày hay ngôn ngữ văn chương.

- Khi viết, câu cảm thán thường kết thúc bằng dấu chấm than (!).

d. Câu trần thuật:

- Câu trần thuật không có đặc điểm hình thức của các kiểu câu nghi vấn, cầu khiến, cảm thán.

- Câu trần thuật còn dùng để yêu cầu, đề nghị hay bộc lộ tình cảm, cảm xúc…(vốn là chức năng chính của những kiểu câu khác).

- Khi viết, câu trần thuật thường kết thúc bằng dấu chấm (.).

- Đôi khi nó được kết thúc bằng dấu chấm than (!) hoặc dấu chấm lửng (…).

- Đây là kiểu câu cơ bản và được dùng phổ biến nhất trong giao tiếp.

e. Câu phủ định:

- Câu phủ định là câu có các từ ngữ phủ định: không, chẳng, chả, chưa, không phải (là), chẳng phải (là), đâu có phải (là), đâu (có)…

- Câu phủ định dùng để:

+ Thông báo xác nhận không có sự vật, sự việc, tính chất, quan hệ nào đó (câu phủ định miêu tả).

+ Dùng để bác bỏ một ý kiến, một nhận định (câu phủ định bác bỏ).

3. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết một đoạn văn ngắn với chủ đề tự chọn có sử dụng câu có thành phần tình thái.

Gợi ý trả lời:

Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ đến nhân vật Vũ Nương trong văn bản "Chuyện người con gái Nam Xương", Vũ Nương là người phụ nữ có tài sắc vẹn toàn nhưng số phận lại bất hạnh, chắc chắn người đọc chúng ta đều cảm thương cho nhân vật Vũ Nương - người phụ nữ xinh đẹp hiền lành nhưng có cuộc đời bất hạnh. Vũ Nương là hình ảnh đại diện cho những người phụ nữ trong xã hội xưa với nét đẹp hiền hậu thùy mị nết na, công, dung, ngôn hạnh. Thế nhưng một con người hiền hậu ấy lại chẳng thể có số phận cuộc đời tốt đẹp. Bi kịch từ cuộc hôn nhân không trọn vẹn đã đẩy nàng đến bước đường cùng gieo mình xuống sông để chứng minh cho tấm lòng son sắc thủy chung của mình. Bi kịch ấy đã vạch trần ra hiện thực xã hội phong kiến mà người đàn ông có quyền có tiếng nói còn người phụ nữ lúc nào cũng phải cam chịu, không được bênh vực che chở đối xử một cách bất công, vô lí. Đó chính là giá trị hiện thực mà Nguyễn Dữ muốn vạch ra để từ đó xây dựng lên giá trị nhân đạo, cảm thương cho những người có số phận bất hạnh như nàng.

Câu 2: Trong những câu văn dưới đây em hãy cho biết chúng thuộc những kiểu câu nào?

(1) Hôm qua em thấy anh ấy mua một cái áo mới.

(2) Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc!

(3) Tại sao hôm ấy cậu không đến?

(4) Xin anh đừng hút thuốc nữa.

(5) Tôi không có thói quen ngủ trưa.

Gợi ý trả lời:

(1) Hôm qua em thấy anh ấy mua một cái áo mới.

-> Câu văn trên là câu trần thuật.

(2) Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc!

-> Câu văn trên là câu cảm thán.

(3) Tại sao hôm ấy cậu không đến?

-> Câu văn trên là câu nghi vấn.

(4) Xin anh đừng hút thuốc nữa.

-> Câu văn trên là câu cầu khiến.

(5) Tôi không có thói quen ngủ trưa.

-> Câu văn trên là câu phủ định.

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hệ thống kiến thức đã học về từ loại thông qua các hiện tượng cụ thể theo kiểu bài tập thực hành.

- Rèn kĩ năng vận dụng phân tích các bài tập ngữ pháp.

- Giáo dục ý thức sử dụng và vận dụng vào bài viết khi tạo lập văn bản.

Ngày:14/01/2021 Chia sẻ bởi:Phuong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM