Tổng hợp đoạn văn ngắn cảm nhận bài thơ Ánh trăng - Nguyễn Duy

Đoạn văn được dùng với ý nghĩa chỉ sự phân đoạn nội dung, phân đoạn ý của văn bản. Để viết được một đoạn văn ngắn hay cảm nhận về bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy. mời các em tham khảo một số đoạn văn dưới đây. Chúc các em học tập tốt.

Tổng hợp đoạn văn ngắn cảm nhận bài thơ Ánh trăng - Nguyễn Duy

1. Đoạn văn 1

Một trong những tác phẩm làm nên thành công vang dội trong sự nghiệp của Nguyễn Duy không thể không kể đến bài thơ Ánh trăng. Những hình ảnh gần gũi của vùng quê và những kí ức xa xưa chỉ còn vọng lại trong kí ức của tác giả. Đó là những hình ảnh mang những ý nghĩa riêng biệt đồng thời là đặc trưng cho những giai điệu nhẹ nhàng và lắng sâu. Hình ảnh về vầng trăng tình nghĩa đã được thể hiện sâu sắc trong tâm hồn của tác giả, những cảm nhận đó nhẹ nhàng và đã thấm vào từng trang giấy của nhà thơ, hình ảnh của vầng trăng tình nghĩa đã từng là người bạn tri âm tri kỉ nay bị mờ nhạt bởi những ánh điện cửa gương, những hình ảnh đó đã làm cho tác giả buồn thương, vương vấn. Những cảm nhận sâu sắc ấy đã làm rung động trái tim của mỗi con người. Khoảnh khắc đèn điện tắt, nhường chỗ cho vầng trăng cùng những kí ức thi nhau ùa về đủ để cho mỗi con người yêu thương và quý trọng. Ánh trăng của Nguyễn Duy là một bài thơ hay, nó đã để lại những ý nghĩa sâu sắc trong lòng người đọc bởi những hình ảnh mang lại nhiều tiếng vang lớn cho mỗi con người, hình ảnh vầng trăng đã xuất hiện với tần suất lớn và có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, đó không chỉ là ánh trăng đẹp của tự nhiên mà đó còn là thứ ánh sáng diệu kì soi rọi vào từng ngóc ngách của con người.

2. Đoạn văn 2

Trong bài thơ ” ánh trăng” của Nguyễn Duy, hình ảnh vầng trăng mang nhiều ý nghĩa trừu tượng, trước hết vầng trăng là hình ảnh của thiên nhiên, hồn nhiên tươi mát, là người bạn suốt thời nhỏ tuổi rồi thời chiến tranh ở rừng với con người, không chỉ vậy, vầng trăng còn là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, vẻ đẹp bình dị, vĩnh hằng của đời sống. Ở khổ cuối, ánh trăng tượng trưng cho quá khứ nguyên vẹn chẳng thể phai mờ, là người bạn, nhân chứng nghĩa tình mà nghiêm khắc nhắc nhở nhà thơ và mỗi chúng ta: con người có thể vô tình, có thể lãng quên, nhưng thiên nhiên nghĩa tình, quá khứ thì luôn tràn đầy, bất diệt. Với ý nghĩa như vậy nên ta hiểu được chủ đề của bài thơ, ánh trăng chính là tiếng lòng, là những suy nghĩ thấm thía, nhắc nhở ta về thái độ sống và những năm tháng quá khứ gian lao, tình nghĩa với thiên nhiên, đất nước bình dị, hồn hậu, bài thơ cũng nhắc nhở, củng cố người đọc thái độ sống ” uống nước nhớ nguồn”, thủy chung.

3. Đoạn văn 3

Chất thơ mộc mạc tự nhiên như lời kể chuyện tâm tình thủ thỉ điệp từ hồi cứ mỗi lần nhắc đến là một kỉ niệm thân thương lại hiện về trong miền kí ức của tác giả. Nguyễn Duy nhớ về tuổi thơ êm đềm hạnh phúc nơi ruộng đồng, nhớ về những năm tháng chiến tranh gian khổ nơi núi rừng - những thăng trầm, vui buồn cua cuộc sống, sự trưởng thành lớn lên của một con người ở mọi nơi, mọi lúc đều có sự chia sẻ của Trăng người bạn tri kỉ. Quỹ đạo của cuộc sống và dòng đời trong đục khiến con người cứ tất bật, hối hả, chìm trong nhịp sống gấp gáp làm ăn. Nhưng cuộc đời lại là một chuỗi những quy luật nhân - quả nối tiếp nhau, con người có lúc may, lúc rủi, lúc thành công, khi thất bại, lúc vui buồn và sự đổi ngôi là tất yếu để mỗi người tự hoàn thiện mình hơn: Thình lình đèn điện tắt/ Phòng buyn đinh tối om. Một sự kiện bình thường, ngẫu nhiên trong cuộc sống hiện đại được Nguyễn Duy đưa vào trong thơ và sử dụng tài tình thành điểm thắt nút, đẩy bài thơ lên đến cao trào: bởi nếu như không có cảnh hôm ấy chắc mấy ai đã nhìn lại mình mà suy xét bản thân để nhận ra sự thay đổi vô tình của mình. Một khoảng khắc im lặng trong hiện thực nhưng trong nội tâm con người nỗi xúc động trào dâng đến đỉnh điểm. Mọi ký ức của một thời xa xăm, một thời gian khó, gắn bó thuở nào bỗng dội về trước mặt. Nhà thơ Nguyễn Duy đã tìm được một điểm nhìn vừa thông minh vừa sắc sảo; tinh tế mà cụ thể, chi tiết. Tại sao không phải là trăng chênh chếch; trăng xa xa hay trăng lấp ló mà lại là trăng trên đỉnh đầu để phải ngửa mặt lên nhìn mặt? Lời thơ không triết lý, chau chuốt nhưng đã để lại trong lòng người đọc dòng suy nghĩ về nhân tình thế thái; quá khứ và hiện tại luôn song hành nhắc nhở hoàn thiện mỗi con người; chính nghệ thuật dùng sự hồi tưởng, tự đấu tranh, suy nghĩ trong nội tâm con người đã làm nên thành công, khiến bài thơ còn mãi với thời gian.

4. Đoạn văn 4

Nguyễn Duy là một trong những nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Phải chăng con người khi đã lớn lên thì gắn bó "với đồng" - biểu hiện của một tâm hồn trong sáng, điềm tĩnh. Rồi khi bước chân đi xa hơn đến "với sông", rồi "với bể" - biểu hiện của sự trưởng thành và khát vọng vươn xa? Do hoàn cảnh lịch sử của dân tộc, con người bước vào cuộc chiến máu lửa với kẻ thù, vầng trăng vẫn luôn kề cận, cùng con người đến mọi nẻo đường. Những người bạn rất thân, hiểu con người như hiểu chính mình nên mới gọi nhau là tri kỉ. Vầng trăng với người lính trong những năm tháng chiến đấu ở rằng là người bạn tri kỉ tâm giao. Sự ồn ã của phố phường, những công việc của mưu sinh tốt đẹp trước kia giờ đã phai mờ. "Vầng trăng tình nghĩa" năm nào giờ đã bị lãng quên. Sự cố bất ngờ khiến con người nhận ra sự vô tình của mình đã bỏ quên vầng trăng trong quá khứ. Trăng xưa như đã đến với người vẫn tròn, vẫn đẹp, vẫn thủy chung. "Ánh trăng" của Nguyễn Duy đã gây xúc động nhiều thế hệ độc giả bởi cách diễn đạt bình dị, chân thành. Giọng thơ trầm tĩnh, sâu lắng. Từ thơ bất ngờ, mới lạ. tác phẩm như một lời tâm sự, nhắc nhở về tình nghĩa thủy chung, bài học đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" sâu sắc, khiến người đọc phải giật mình, suy nghĩ nhìn lại bản thân.

5. Đoạn văn 5

Đất nước giải phóng được ba năm, những anh bộ đội cụ Hồ về với nhịp điệu của cuộc sống thời bình. Trước những tiện nghi hiện đại, trước những cám dỗ tầm thường, ngày hôm qua lắng lại trong những bận bịu, lo toan. Vâng, sự vô tình ấy không nên thanh minh mà rất cần thức tỉnh. Bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy, với lời thơ mộc mạc, chất trữ tình lại là tiếng lòng chân thật cất lên từ chất tự sự của một câu chuyện thơ. Bài thơ thể hiện một chủ đề truyền thống "Uống nước nhớ nguồn"mà thấm thía bởi nội tâm của nhà thơ từ cái giật mình đáng quý! Bài thơ có cấu tứ từ một câu chuyện ngắn, với cách kể linh hoạt của thể thơ năm chữ. chất trữ tình làm nền để lời tâm tình mộc mạc, chân chất ; lời độc thoại với lòng mình trước quá khứ, hiện tại; trước cái còn cái mất, trước cái hôm qua- hôm nay trở thành tiếng lòng của nhà thơ trước cuộc đời. Trăng và người chiến sĩ là thế đó! Trăng đã sống với nhau thân thiết, gần gũi đến trần trụi, hồn nhiên vô tư đến độ như cây cỏ. Vì vậy vầng trăng không chỉ tri kỉ mà còn ân tình biết bao! Thuỷ chung biết bao! Ngỡ rằng con người không bao giờ quên hình ảnh sâu đậm áy. Thế mà khi hoàn cảnh thay đổi, con người trở nên vô tình, trở thành kẻ "ăn ở bạc". Sự cố "đèn điện tắt" rất bình thường của nền văn minh hiện đại đã thức tỉnh con người trở về với những giá trị cao đẹp, vĩnh hằng. Có lẽ khi mất điện, con người cũng chỉ mở cửa để đón ngọn gió trời chứ không hình dung ra cái gì đó đang đợi mình ngoài kia. Đọc bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy viết sau ba năm đất nước thống nhất ta càng thấm thía với điều mà nhà thơ quan tâm.Với chúng ta, ánh trăng tình nghĩa của Nguyễn Duy là một ánh sáng thắp lên, soi rọi tâm hồn để mỗi người sống ngày càng đẹp hơn với truyền thống của dân tộc mình.

Ngày:29/10/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM