Tổng hợp 10 Kết bài hay tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa - Nguyễn Thành Long

Kết bài là phần kết của bài văn, có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá vấn đề đặt ra ở mở bài và đã giải quyết ở phần thân bài. Để có được một kết bài ấn tượng khi phân tích truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, eLib mời các em tham khảo một số kết bài dưới đây. Chúc các em học tập tốt.

Tổng hợp 10 Kết bài hay tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa - Nguyễn Thành Long

1. Kết bài 1

Trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, nhà văn Nguyễn Thành Long đã tập trung bút lực ca ngợi những con người lao động thầm lặng: dám nghĩ, dám làm, không ngại khó khăn gian khổ, hết mình cho đam mê. Trong truyện ngắn, chúng ta đã được làm quen với rất nhiều nhân vật, đó là anh thanh niên, ông họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ, họ có cuộc gặp gỡ tình cờ tại đỉnh Yên Sơn. Tuy mỗi người có một công việc, tính cách riêng nhưng cùng gặp gỡ trong thái độ nghiêm túc, say mê trong công việc, bởi vậy Lặng lẽ Sa Pa còn là bức tranh tuyệt đẹp về những con người lao động vô danh nhưng lại hữu danh trong chính công việc lao động của mình.

2. Kết bài 2

Qua câu chuyện về anh thanh niên làm công tác khí tượng sống một mình trên đỉnh Yên Sơn quanh năm mây mù tuyết phủ, ta chợt nhận ra rằng “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long không hề lặng lẽ, bởi ở đó vẫn có sự xuất hiện của những con người vô danh với những công việc lao động thầm lặng, họ sống hết mình với lí tưởng, nhiệt huyết với công việc, tuy sống ở nơi hoang vắng, điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng họ vẫn hạnh phúc làm những công việc ý nghĩa, vậy sao có thể coi là lặng lẽ. Truyện ngắn giúp chúng ta hiểu hơn về những con người thầm lặng, những công việc thầm lặng để từ đó tự nhắc nhở bản thân cần sống ý nghĩa, sống hết mình cho đam mê để tạo ra cái đẹp cho cuộc đời.

3. Kết bài 3

Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa là kết tinh cho tài năng và tấm lòng của nhà văn Nguyễn Thành Long với vùng đất Sa Pa và con người lao động nơi đây. Trong không gian lạnh lẽo, rộng lớn ở Sa Pa, nhà văn Nguyễn Thành Long đã có phát hiện quan trọng về những con người vẫn đang âm thầm, lặng lẽ làm việc, cống hiến cho đất nước, quê hương, đó là anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600 mét. Tình yêu nghề, sự nhiệt huyết trong công việc của anh thanh niên đã khơi dậy ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc xây dựng, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước.

4. Kết bài 4

Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” khép lại, đọng lại trong ấn tượng chúng ta không chỉ là khung cảnh Sa Pa rộng lớn, thơ mộng nhưng vắng lặng, thiếu vắng sự sống con người mà còn là hình ảnh sáng ngời của những con người lao động bình dị, vô danh mà trong tác phẩm này được gợi nhắc đến chính là anh thanh niên. Hình ảnh anh thanh niên cũng chính là biểu tượng cho những con người lao động vô danh có vẻ đẹp trí tuệ, lí tưởng sống cao đẹp, dẫu khó khăn đơn độc nhưng vẫn âm thầm đóng góp, cống hiến sức lực cho sự phát triển của đất nước.

5. Kết bài 5

Qua truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”, nhà văn Nguyễn Thành Long đã để lại một hình ảnh thật đẹp về nhân vật anh thanh niên hay cũng chính là những con người vô danh vẫn ngày đêm thầm lặng cống hiến cho đất nước. Cũng chính cái vô danh của của họ đã làm nên cái hữu danh của đất nước. Câu chuyện không chỉ mang đến một hình ảnh đẹp đẽ, xúc động về người lao động mà còn gợi nhắc ở mỗi chúng ta ý thức, trách nhiệm học tập để đóng góp, xây dựng đất nước, xã hội.

6. Kết bài 6

“Lặng lẽ Sapa” – ngân vang trong lòng ta những rung động nhẹ nhàng mà thú vị về những con người âm thầm lãng lẽ nhưng đáng yêu. Họ sống cống hiến cho nhân dân, cho dân tộc và đã dệt lên bài ca về tình yêu Tổ Quốc, tình yêu đất nước. Họ như những ngôi sao toả sáng trên bầu trời đêm, nhưng sáng bằng những đóng góp thầm lặng của họ. Phải chăng nhà văn muốn nhắn gửi đến cho mỗi chúng ta. Cuộc sống của chúng ta được làm nên từ bao phấn đấu, hy sinh lớn lao và thầm lặng như người thanh niên nơi Sapa lặng lẽ ấy, họ khiến cuộc sống này thật đáng trân trọng và đáng tin yêu. Là học sinh, chúng ta hãy cố gắng học tập để mai sau có thể góp công sức để xây dựng đất nước, là những chủ nhân tương lai của Tổ Quốc.

7. Kết bài 7

Qua ngòi bút của Nguyễn Thành Long, anh còn là một người rất tâm lý khi tặng hoa cho người con gái lần đầu tiên mà anh quen, trà cho họa sỹ già. Một con người như vậy sống giữa núi rừng bao la, hiểm trở thật khiến người khác ngưỡng mộ. Với câu từ đẹp đẽ, nhịp điệu chậm rãi, nhẹ nhàng và tình cảm tha thiết, Nguyễn Thành Long đã vẽ nên một cuộc sống bình lặng nhưng đẹp tuyệt vời về anh thanh niên. Đó là người sống và cống hiến không ngừng cho đất nước. Hình ảnh nhân vật để lại trong lòng người đọc nhiều suy nghĩ và bài học làm người cho thế hệ trẻ.

8. Kết bài 8

Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa được viết với lối viết kể chuyện, nhẹ nhàng như dụ dỗ người đọc lạc vào xứ sở mù sương của Sa Pa. Tác giả đã vô cùng tuyệt vời khi phác họa chân dung của những con người tuyệt vời bằng ngòi bút chân thực, mộc mạc gần gũi, khiến cho người đọc càng thêm ngưỡng mộ những con người thầm lặng này. Họ đúng là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay noi theo.

9. Kết bài 9

“Lặng lẽ Sa Pa” quả là một truyện ngắn đầy chất thơ của Nguyễn Thành Long. Nó ngân nga nhẹ nhàng thơ mộng trong ngòi bút tả cảnh với những bức tranh lung linh, kì ảo, nó đằm thắm ấm áp, lắng sâu trong câu văn tả tình với những mẩu chuyện xúc động, đáng yêu. Cảnh mơ màng lung linh, còn con người như ta đã thấy, mỗi chân dung, mỗi lời nói, ý nghĩ, hành động đều như ngân lên những vang âm ngọt ngào, êm ái. Tất cả như làm nên cái chất thơ của con người, của cuộc sống. Văn xuôi truyện ngắn mà giàu nhịp điệu, âm thanh, êm ái như một bài thơ…

10. Kết bài 10

Thế đấy, trong cái “lặng lẽ”của Sa Pa trên đỉnh Yên Sơn bốn mùa mây phủ mấy ai biết được có một chàng trai đang sống, đang âm thầm làm việc. Người cán bộ trẻ ấy được Nguyễn Thành Long xây dựng khá sắc nét với những đặc điểm, suy nghĩ, hành động tích cực, một mẫu người của một giai đoạn lịch sử có nhiều gian khổ hi sinh nhưng cũng thật trong sáng, đẹp đẽ. Những trang viết của Nguyễn Thành Long khiến ta thêm yêu con người và cuộc sống, thấy được trách nhiệm của mình với sự nghiệp chung của đất nước. Tâm hồn và những việc làm của anh thanh niên trong truyện đã gieo vào lòng em nhiều tình cảm, thôi thúc em muốn cống hiến, muốn làm gì đó có ích cho xã hội như như một nhà thơ đã nói: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Ngày:30/10/2020 Chia sẻ bởi:ngan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM