Thao tác lập luận bình luận Ngữ văn 11

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em nắm được mục đích, yêu cầu của thao tác lập luận và cách bình luận một vấn đề. eLib đã biên soạn bài học này một cách đầy đủ và dễ hiểu nhất. Mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé, chúc các em học tập tốt.

Thao tác lập luận bình luận Ngữ văn 11

1. Mục đích, yêu cầu của thao tác lập luận bình luận

- Khái niệm: Bình luận là bàn bạc đánh giá về sự đúng sai, thật giả, lợi hại của các hiện tượng đời sống như ý kiến, chủ kiến, việc làm.

- Mục đích của bình luận: Là đánh giá ( xác định phải trái, đúng sai, hay dở) và bàn bạc (trao đổi ý kiến)

- Yêu cầu của bình luận

+ Trình bày rõ ràng, trung thực vấn đề được bình luận.

+ Lập luận để khẳng được nhận xét, đánh giá của mình là đúng đắn.

+ Bàn bạc, mở rộng vấn đề một cách sâu sắc và có sức thuyết phục.

2. Cách bình luận

Một bài bình luận thường có các bước sau:

- Bước 1: Nêu vấn đề cần bình luận.

+ Nêu rõ được thái độ và sự đánh giá của người bình luận trước vấn đề đưa ra.

+ Trình bày rõ ràng, trung thực

- Bước 2: Đánh giá vấn đề cần bình luận

+ Đứng hẳn về một phía mình cho là đúng để bác bỏ cái sai.

+ Kết hợp phần đúng của mỗi phía và loại bỏ phần sai để tìm ra tiếng nói chung trong sự đánh giá.

+ Đưa ra cách đánh giá của riêng mình.

- Bước 3: Bàn về vấn đề cần bình luận.

+ Bàn về thái độ, hành động, cách giải quyết trước vấn đề đang được xem xét.

+ Bàn về những điều rút ra khi liên hệ với thời đại, hoàn cảnh, lứa tuổi …

+ Bàn về những vấn đề sâu xa hơn mà vấn đề được bình luận gợi ra.

3. Luyện tập

Câu 1. Đọc kĩ đoạn trích sau đây rồi trả lời câu hỏi ghi bên dưới:

Có nhiều người học ngoại ngữ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Sau một thời gian, vì những lí do khác nhau, nhiều người quay lại với chuyện học ngoại ngữ ở những trường có tiếng tăm hẳn hoi. Nhưng rồi họ phải nhai đi nhai lại những đề tài cũ và nhồi vào đầu các quy tắc ngữ pháp cũ rích. Không có gì tẻ nhạt hơn. Nhiều người bỏ học, sau đó lên dây cót tinh thần và lại bắt đầu khoá học mới. Nhưng thường là thời gian tham gia khoá học sau ngắn hơn khoá học trước. Khi xuất hiện những hình thức học qua băng đĩa, qua in-tơ-nét, nhiều người hào hứng lao vào với hi vọng mọi thứ sẽ dễ dàng hơn. Nhưng thất bại vẫn hoàn thất bại. Họ không sao gò mình vào việc làm bài tập ở nhà và những công việc đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ. Họ tự hỏi: Tại sao mình không gặp được một phương pháp phù hợp giúp mình có động lực mạnh mẽ để học tốt ? Phải chăng học ngoại ngữ luôn là công việc tẻ nhạt thế này ?

[…] Tìm cho mình một phương pháp học tốt nhất, phù họp với tính cách con người mình, là việc nên làm. Tuy nhiên, người học đừng bao giờ ảo tưởng vào một phương pháp siêu việt, nhờ đó, ngôn ngữ nước ngoài tự động chảy vào đầu mình. Những yếu tố như kiên nhẫn, cố gắng liên tục, duy trì tính kỉ luật cao… bao giờ cũng rất cần thiết. Nếu người học mắc bệnh “cả thèm chóng chán” thì không khi nào anh ta có thể đạt tới mục tiêu đề ra. Ai đó đã nói câu : “Đối với một nữ diễn viên ba-lê tồi thì cái gấu váy cũng là vật cản”. Câu nói này cũng có thể đúng với người học ngoại ngữ. Một khi anh ta không dám khắc phục một khó khăn nhỏ mà chỉ lo bới lông tìm vết trong những nguyên nhân vụn vặt thì thất bại là điều không tránh khỏi. Cho nên, điều quan trọng nhất là xem lại động cơ học tập của mình và tạo ra hứng thú học hành.

(Theo 5 trở ngại thường gặp khi học ngoại ngữ, báo Giáo dục và Thòi đại, ngày 19 – 2 – 2005)

Câu hỏi:

a) Nhận xét về cách triển khai lập luận bình luận trong đoạn trích.

b) Anh (chị) thấy còn có thể bàn luận thêm những điều gì về vấn đề trên ?

Gợi ý làm bài:

a) Trong đoạn trích, tác giả đã triển khai lập luận bình luận theo cách :

– Đề tài là: Nhiều người đã học ngoại ngữ trong nhiều khoảng thời gian khác nhau, với nhiều hình thức khác nhau, “nhưng thất bại vẫn hoàn thất bại”.

– Phê phán quan niệm cho rằng, có tình trạng trên là vì người ta chưa tìm ra được một phương pháp học tập phù hợp.

– Nêu ra quan niệm của người viết: cần xem lại động cơ học tập, để từ đó tạo ra hứng thú học tập chân chính, vì ý chí, tinh thần học tập mới là điều quan trọng nhất.

b) Còn có thể bàn luận thêm những điều như:

– Tinh thần, ý chí là điều quan trọng nhất, không chỉ riêng với việc học ngoại ngữ mà còn với sự học tập, sống và làm việc nói chung.

– Nhưng không thể vì thế mà coi thường phương pháp. Người ta chỉ có thể học tập, sống và làm việc thực sự có kết quả khi ý chí, tinh thần cao gặp gỡ được một phương pháp tốt.

Câu 2. Hãy xây dựng một lập luận bình luận để nêu ý kiến riêng của bản thân về một hiện tượng (vấn đề) đang được quan tâm trong nhà trường (hoặc trong đời sống) hiện nay.

Gợi ý làm bài:

Lời bình luận của Lê-nin về hiện tượng nghệ thuật mà một nhà cách mạng người Đức thời ấy – bà Cla-ra Xét-kin – đã nêu ra : “Tôi (C. Xét-kin – NBS) không thể không thú nhận rằng chính tôi cũng thiếu khả năng lĩnh hội có thể làm cho tôi thấy rõ tại sao nguồn cảm hứng trong nghệ thuật lại phải thể hiện bằng cách thay các lỗ mũi bằng những hình tam giác, và tại sao cái khuynh hướng cách mạng đi vào hành động lại phải biến hình thể con người thành một cái bao tải mềm nhũn và chả ra hình thù gì cắm trên hai cái chân cà kheo và có hai cái chĩa có năm càng.”:

Mà phải rồi, chị Cla-ra thân mến ạ, không thể nói gì được nữa , chị và tôi, chúng ta đều đã già rồi. Đối với nghệ thuật mới, chúng ta không thể đi theo được nữa, chúng ta chịu lệt bệt và ở sau vậy.

Nhưng điều quan trọng không phải là ý kiến của chúng ta về nghệ thuật. Điều quan trọng cũng không phải là những cái mà nghệ thuật đang đem đến cho vài trăm người, ngay cả cho vài nghìn người, trong một dân số, như dân số của chúng tôi, đông kể đến hàng triệu và hàng triệu người. Nghệ thuật là của nhân dân. Nó phải bắt rễ rất sâu xa trong quảng đại quần chúng lao động. Có nên cung cấp những bánh bích-quy ngọt dịu và ngon lành cho một số người tối thiểu, trong lúc mà quần chúng công nông còn thiếu đến cả bánh mì đen không ? Tôi nói đây không những chỉ theo nghĩa đen, mà cả theo nghĩa bóng nữa, trong tâm trí lúc nào cũng phải nghĩ đến công nhân và nông dân. Trong lĩnh vực nghệ thuật và văn hoá cũng như trong các lĩnh vực khác đều như thế cả.

Muốn cho nghệ thuật gần gũi nhân dân, và nhân dân gần gũi nghệ thuật, trước hết chúng ta phải nâng cao trình độ văn hoá chung lên. Trong khi ởMát-xcơ-va hiện nay một vạn người, và ngày mai một vạn người khác, sẽ say sưa thưởng thức ở rạp hát một vở kịch đặc sắc, thì hàng mấy triệu người đang gắng sức đánh vần tên mình và học tính, đang gắng sức tiếp thụ cái môn văn hoá sẽ dạy cho họ biết rằng quả đất tròn chứ không phẳng, và vũ trụ là do các quy luật tự nhiên chi phối chứ không phải do “ Thượng đế”, do các mụ phù thuỷ và ông phù thuỷ chi phối.

(Lược trích từ C. Mác – Ph. Ăng-ghen – V. Lê-nin, về văn học và nghệ thuật, NXB Sự thật, Hà Nội, 1977)

4. Kết luận

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Hiểu được mục đích, yêu cầu và tầm quan trọng của thao tác lập luận bình luận.

- Nắm được những nguyên tắc và cách thức cơ bản của thao tác lập luận bình luận.

Ngày:14/12/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM