Soạn bài Thạch Sanh Ngữ văn 6 đầy đủ

Nội dung bài soạn dưới đây sẽ cung cấp cho các em những kiến thức về người dũng sĩ trong truyện cổ tích. Đồng thời, các em sẽ hiểu hơn về chi tiết tưởng tượng thần kì thông qua truyện Thạch Sanh. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Soạn bài Thạch Sanh Ngữ văn 6 đầy đủ

1. Soạn câu 1 trang 66 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

- Tác giả đã xây dựng nhân vật Thạch Sanh vô cùng khác thường, kể cả sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh cũng vô cùng khác thường: Chàng là thái tử, được Ngọc Hoàng sai xuống đầu thai. Bà mẹ mang thai nhiều năm mới sinh ra Thạch Sanh. Sau đó, Thạch Sanh lại được các vị thần xuống truyền cho võ nghệ và các phép thần thông.

- Sự ra đời và lớn lên như vậy của Thạch Sanh đã cho thấy nhân dân rất thông cảm với hoàn cảnh nghèo khổ và mồ côi của chàng. Tuy nhiên điều đó không làm người ta hèn nhát mặc cảm mà Thạch Sanh đã mang trong mình dòng máu nam nhi của người dũng sĩ. Nghèo khổ vẫn nghĩa hiệp là điều nhân dân muốn gửi gắm ở Thạch Sanh.

2. Soạn câu 2 trang 66 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

- Qua những thử thách của Thạch Sanh trước khi được lấy công chúa, chứng tỏ Thạch Sanh có những phẩm chất vô cùng tốt đẹp như sau:

+ Bị mẹ con Lý Thông lừa đi canh miếu thế mạng → dùng võ công giết chết chằn tinh.

⇒ Thật thà tình nghĩa thủy chung, giỏi võ nghệ và dung cảm.

+ Bị Lý Thông lừa xuống hang sâu cứu công chúa → dùng sức mạnh giết chết đại bàng, cứu công chúa, cứu con vua thủy tề.

⇒ Can đảm dũng mãnh, tốt bụng, nghĩa hiệp.

+ Bị bắt vào ngục, hồn chằn tinh đại bàng hãm hại → dùng cây đàn cứu công chúa khỏi bệnh → vạch mặt kẻ vong ân bội nghĩa.

⇒ Khẳng định niềm tin của nhân dân vào các giá trị đạo đức của con người và ước mơ đổi đời.

3. Soạn câu 3 trang 66 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

- Trong truyện Thạch Sanh, tác giả đã khắc họa hai nhân vật Thạch Sanh và Lí Thông hoàn toàn đối lập nhau về tính cách và hành động, thể hiện ở các chi tiết như sau: về tính cách, Thạch Sanh vô tư, thật thà, vị tha, dũng cảm trong khi Lí Thông lừa lọc, xảo trá, vụ lợi (kết nghĩa với Thạch Sanh chỉ để lợi dụng) và vô cùng độc ác; về hành động, Thạch Sanh giết chằn tinh, đại bàng, cứu công chúa, Lí Thông hèn nhát đẩy Thạch Sanh thế mạng cho mình nhưng khi Thạch Sanh lập được công lớn thì lại tìm cách cướp công.

-> Đó là sự đối lập giữa thiện và ác, chính nghĩa và gian tà. Sự chiến thắng của Thạch Sanh đối với Lí Thông là sự chiến thắng của cái đẹp, cái thiện đối với cái ác, cái xấu.

4. Soạn câu 4 trang 67 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

Ý nghĩa chi tiết thần kì, đặc sắc nhất trong truyện là tiếng đàn và niêu cơm của Thạch Sanh:

- Chi tiết tiếng đàn:

+ Giúp Thạch Sanh được giải oan, vạch mặt được kẻ xấu là Lý Thông

+ Tiếng đàn là biểu trưng của công lý và công bằng xã hội.

- Chi tiết niêu cơm:

+ Thể hiện sự hòa ái, khoan dung của Thạch Sanh.

+ Đây cũng chính là tấm lòng nhân đạo, ưa chuộng hòa bình của nhân dân ta.

5. Soạn câu 5 trang 67 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

- Truyện kết thúc: Lý Thông chết, Thạch Sanh hạnh phúc là cái kết có hậu trong hầu hết các truyện cổ tích. Qua cách kết thúc câu chuyện, nhân dân ta đã thể hiện khát vọng về một cuộc sống công bằng (ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác), những người hiền lành sẽ được sung sướng, hạnh phúc; những kẻ ác tất yếu sẽ bị trừng trị.

- Kết thúc này thường rất phổ biến trong các câu truyện cổ tích. Ví dụ như: truyện cổ tích Tấm Cám (Tấm được sống lại và hưởng hạnh phúc bên nhà vua, còn mẹ con Cám thì phải chết trong đau đớn).

6. Soạn câu 1 luyện tập trang 67 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

- Nếu vẽ một tranh minh họa cho truyện Thạch Sanh, em sẽ chọn chi tiết Thạch Sanh lên làm vua vì: Chi tiết này thể hiện sự công bằng và niềm tin vào công lí trong xã hội, người tốt, dù có trải qua nhiều thử thách chông gai thế nào cũng sẽ được hưởng hạnh phúc.

- Tên: Hạnh phúc.

Ngày:17/09/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM