Soạn bài Ông lão đánh cá và con cá vàng Ngữ văn 6 đầy đủ

Nội dung bài soạn dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được truyện cổ tích "Ông lão đánh cá và con cá vàng", truyện thể hiện cái thiện luôn chiến thắng cái ác. Truyện còn ca ngợi lòng biết ơn đối với những người nhân hậu. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Soạn bài Ông lão đánh cá và con cá vàng Ngữ văn 6 đầy đủ

1. Soạn câu 1 trang 96 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

Nhận xét những lần ông lão đi ra biển gọi cá vàng và nêu hiệu quả nghệ thuật của chi tiết này:

- Trong truyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng" có năm lần ông lão ra biển gọi cá vàng:

+ Lần 1: Thế là ông lão đi ra biển.

+ Lần 2: Thế là ông lão lại đi ra biển.

+ Lần 3: Ông lão lại lóc cóc ra biển.

+ Lần 4: Ông lão đành lủi thủi ra biển.

+ Lần 5: Ông lại đi ra biển.

- Việc kể lại những lần ông, lão ra biển gọi cá vàng là biện pháp lặp lại có chủ ý của truyện cổ tích. Biện pháp này có mấy tác dụng sau:

+  Tạo nên tình huống, gây hồi hộp cho người nghe.

+  Sự lặp lại ở đây không phải là sự lặp lại nguyên xi mà có những chi tiết thay đổi, tăng tiến (cảnh biển thay đổi, lòng tham của mụ vợ tăng lên). Vì vậy, mỗi lần truyện lặp lại là mỗi lần có chi tiết mới xuất hiện. Đây là sự lặp lại tăng tiến.

+  Qua những lần lặp lại, tính cách các nhân vật (ông lão, mụ vợ, cá vàng) và chủ đề của truyện được tô đậm dần.

2. Soạn câu 2 trang 96 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

Nhận xét những lần thay đổi của biển cả khi ông lão gọi cá vàng:

- Sự thay đổi cảnh biển trong mỗi lần ông lão ra cầu xin cá vàng:

+ Lần 1: Biển gợn sóng yên ả.

+ Lần 2: Biển xanh nổi sóng.

+ Lần 3: Biển xanh nổi sóng dữ dội.

+ Lần 4: Biển nổi sóng mù mịt.

+ Lần 5: Một cơn dông tố kinh khủng kéo đến, mặt biển nổi sóng ầm ầm.

-> Việc liệt kê tăng tiến, cho thấy rõ phản ứng của biển tương ứng với những đòi hỏi ngày càng vô lý, quá quắt của mụ vợ ông lão đánh cá.

- Biểu hiện của biển chính là thái độ của nhân dân trước lòng tham của con người bội bạc.

3. Soạn câu 3 trang 96 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

- Lòng tham không đáy và sự bội bạc của mụ vợ ngày càng quá quắt:

+ Lần 1: đòi máng lợn mới => đòi hỏi vật chất.

+ Lần 2: đòi một cái nhà rộng => đòi hỏi vật chất (tăng lên).

+ Lần 3: muốn làm nhất phẩm phu nhân => đòi hỏi của cải và danh vọng.

+ Lần 4: muốn làm nữ hoàng => đòi hỏi của cải, danh vọng và quyền lực.

+ Lần 5: muốn làm Long Vương, bắt cá vàng hầu hạ và làm theo ý muốn của mụ => đòi hỏi một địa vị đầy quyền uy nhưng không có thật và một quyền phép vô hạn.

- Lòng tham của mụ vợ cứ tăng mãi không có điểm dừng. Mụ muốn có tất cả mọi thứ: của cải, danh vọng, quyền phép vô hạn.

- Đốì với chồng, thái độ bội bạc của mụ ngày càng tăng lên:

+ Mụ mắng chồng là đồ ngốc (đòi máng lớn).

+ Mụ quát to hơn: đồ ngu (đòi nhà).

+ Mụ mắng như tát nước vào mặt: "Đồ ngu, ngốc sao ngốc thế" (đòi làm nhất phẩm phu nhân).

+ Mụ giận dữ, nổi trận lôi đình tát vào mặt ông lão: "mày dám cãi...” (đòi làm nữ hoàng).

+ Mụ lại nổi cơn thịnh nộ, sai người đi bắt ông lão đến (đòi làm Long Vương).

=> Những chi tiết ấy chứng tỏ: lòng tham càng lớn thì tình nghĩa vợ chồng càng nhỏ lại, rồi tiêu biến. Sự bội bạc của mụ đến đây đã đi tới tột cùng, người và trời đều không dung tha.

4. Soạn câu 4 trang 96 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

Sau khi đọc xong câu chuyện, chúng ta thấy cách kết thúc truyện như sau:

- Hai vợ chồng lại trở về cuộc sống như xưa.

- Ý nghĩa của cách kết thúc: Đây là sự trừng phạt, cái giá phải trả cho sự tham lam bội bạc.

5. Soạn câu 5 trang 96 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

Nhận xét và nêu ý nghĩa về hình tượng cá vàng trong truyện:

- Cá vàng trừng trị mụ vợ vì cả hai tội: tham lam và bội bạc: Lòng tham khiến mụ mù quáng, mất lương tri. Sự bội bạc có ý nghĩa quyết định lòng tham trở nên vô hạn độ dẫn đến việc bị trừng trị thích đáng của cá vàng đối với mụ.

- Hình tượng cá vàng trong truyện thể hiện chủ đề của truyện:

+ Cá vàng thể hiện sự biết ơn đối với tấm lòng nhân hậu.

+ Cá vàng thể hiện ước mơ công lí về sự trừng phạt đối với kẻ vong ân bội nghĩa, ích kỷ, tham lam vô độ.

6. Soạn câu luyện tập trang 97 SGK Ngữ văn 6 đầy đủ

Nhận định về ý kiến nên đặt tên cho truyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng" thành "Mụ vợ ông lão đánh cá và con cá vàng":

- Có thể đặt tên "Mụ vợ ông lão đánh cá và con cá vàng". Vì mụ vợ và cá vàng là nhân vật chính của truyện, ông lão là nhân vật phụ. Mạch truyện triển khai theo mức độ lòng tham của mụ vợ.

- Nhan đề "Ông lão đánh cá và con cá vàng" tô đậm tính thiện con người. Hai nhân vật biểu tượng cho công lí, cho lòng tốt - phương diện đặc trưng của truyện cổ tích.

Ngày:29/09/2020 Chia sẻ bởi:Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM