Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh Ngữ văn 10 đầy đủ

Để rèn luyện kĩ năng viết một bài văn thuyết minh hay, các em có thể tham khảo bài soạn Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh dưới đây nhé. Nội dung bài này đã được biên soạn một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Mời các em tham khảo bài soạn dưới đây nhé, chúc các em học tập tốt.

Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh Ngữ văn 10 đầy đủ

1. Đoạn văn thuyết minh

1.1. Soạn câu 1 trang 62 SGK Ngữ văn 10 đầy đủ

a. Đoạn văn là một phần của văn bản, được tính từ chỗ viết hoa lùi vào đầu dòng chấm xuống dòng, hoàn chỉnh về nội dung, hoàn chỉnh về hình thức.

b. Một đoạn văn cần đảm bảo các yêu cầu :

- Tập trung làm rõ một ý chung, một chủ đề chung thống nhất và duy nhất.

- Liên kết chặt chẽ với các đoạn văn đứng trước và sau nó.

- Diễn đạt chính xác và trong sáng.

- Gợi cảm và hấp dẫn.

1.2. Soạn câu 2 trang 62 SGK Ngữ văn 10 đầy đủ

So sánh đoạn văn tự sự và đoạn văn thuyết minh

- Giống nhau: đảm bảo cấu trúc một đoạn văn

- Khác nhau:

  • Đoạn văn tự sự giàu yếu tố miêu tả và biểu cảm

  • Đoạn văn thuyết minh thiên về cung cấp tri thức nên ít có yếu tố miêu tả và biểu cảm

=> Có sự khác nhau đó là do chúng có mục đích biểu đạt khác nhau: tự sự là kể chuyện, thuyết minh là giới thiệu và trình bày

1.3. Soạn câu 3 trang 62 SGK Ngữ văn 10 đầy đủ

- Đoạn văn thuyết minh gồm có 3 phần:

  • Mở đoạn

  • Thân đoạn

  • Kết đoạn

Nhưng cũng có thể chỉ có phần mở đoạn và thân đoạn hoặc thân đoạn và kết đoạn

Các ý được sắp xếp theo trình tự thời gian, không gian, nhận thức, phản bác - chứng minh để tăng sức thuyết phục và tính hấp dẫn

2. Viết đoạn văn thuyết minh

2.1. Soạn câu 1 trang 62 SGK Ngữ văn 10 đầy đủ

- Dàn ý đại cương thuyết minh về một tác phẩm văn học

a. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm

b. Thân bài

- Giới thiệu chung

  • Tiểu sử tác giả

  • Hoàn cảnh sáng tác

  • Bố cục

  • Thể loại

  • Chủ đề

- Giới thiệu nội dung tác phẩm

  • Ý nghĩa nhan đề

  • Vai trò của hiền tài đối với đất nước

  • Tác dụng của việc khắc bia tiến sĩ đối với đương thời và các thế hệ sau

  • Bài học lịch sử rút ra từ việc khắc bia ghi tên tiến sĩ

- Giới thiệu nghệ thuật

+ Lối kết cấu chặt chẽ, nhấn mạnh vai trò của hiền tài

+ Lập luận đối lập

c. Kết bài: Nêu cảm nghĩ về tác phẩm đó

2.2. Soạn câu 2 trang 62 SGK Ngữ văn 10 đầy đủ

Nhắc đến tác phẩm Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi không thể không nhắc đến nghệ thuật đặc sắc của " áng thiên cổ hùng văn" - bản tuyên ngôn độc lập thứ 2 của dân tộc. Tác phẩm được viết theo thể cáo, một thể văn có nguồn gốc từ Trung Quốc, viết bằng chữ Hán, thuộc thể văn chính luận, nhằm thông báo chính sách, một sự kiện trọng đại liên quan đến quốc gia dân tộc, công báo trước công chúng thiên hạ. bố cục được sắp xếp chặt chẽ, mạch lạc, viết theo lối biền ngẫu, vận dụng thể tứ lục cùng hệ thống hình tượng sinh động. Bài cáo có sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa yếu tố chính luận sắc bén với yếu tố văn chương truyền cảm, kết hợp giữa lí luận chặt chẽ và hình tượng nghệ thuật sinh động. Tất cả đã tạo nên sự thành công cho tác phẩm.

3. Luyện tập

3.1. Soạn câu 1 trang 63 SGK Ngữ văn 10 đầy đủ

Tác phẩm Bình Ngô Đại Cáo là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố chính luận và cảm hứng trữ tình sâu sắc, kết cấu rõ ràng, rành mạch, lập luận chặt chẽ, lý luận sắc bén. Hơn nữa là các bằng chứng xác thực, từ như hình ảnh chọn lọc đắt giá. Bình Ngô Đại Cáo được mệnh danh là " áng thiên cổ hùng văn" , là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc. Tác phẩm phơi bày cho mọi người thấy được bộ mặt xấu xa, lật lọng, những tội ác không thể dung tha của bọn quân xâm lược, khơi dậy lên trong nhân dân tinh thần yêu nước, đoàn kết chống giặc ngoại xâm.

3.2. Soạn câu 2 trang 63 SGK Ngữ văn 10 đầy đủ

Thuyết minh về Hồ Gươm

Hà Nội! Không chỉ là thủ đô của nước Việt Nam. Không chỉ là trung tâm chính trị của nước nhà. Nó là một địa danh lịch sử gắn với nhiều đau thương mất mát của chiến tranh, gắn với những mốc son không thể xóa nhòa. Nói đến Hà Nội, người dân Hà Nội, luôn có những hình ảnh đẹp đẽ trong mắt mỗi người dân Việt Nam. Những địa danh, những hình ảnh, những địa điểm tại đất Thăng Long ai ai cũng muốn tham quan, được đi đến. Trong đó có Hồ Gươm.

Hồ Gươm không chỉ là danh lam thắng cảnh đẹp của Hà Nội, nó còn là di tích lịch sử của nước ta. Trước hết, Hồ Gươm được gắn với truyền thuyết Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn cùng thần kim quy đã giúp nước ta thoát khỏi ách đô hộ của giặc Minh xâm lược. Sự tích trả gươm rùa thần của Lê Lợi đã làm nên cái tên "Hồ Gươm" hay "Hồ Hoàn Kiếm" ngày nay thay cho tên "Hồ Lục Thủy" ngày xưa. Trên hồ có hai hòn đảo: đảo Ngọc và đảo Rùa. Đầu thế kỷ 19, người ta dựng một ngôi chùa trên đảo Ngọc gọi là chùa Ngọc Sơn. Ít lâu sau chùa không thờ Phật mà thờ thánh Văn Xương và Trần Hưng Đạo nên đổi tên thành Đền Ngọc Sơn. Năm 1864, trên gò Ngọc Bội đối diện với đảo Ngọc, Tháp Bút được xây dựng.

Hồ Gươm là hồ nước ngọt tự nhiên của Hà Nội. Với diện tích 12ha, nước hồ quanh năm xanh ngắt. Hồ có vị trí kết nối giữa khu phố cổ gồm các phố: Hàng Ngang, Hàng Đào, Cầu Gỗ... với các khu phố Tây do người Pháp quy hoạch như: Tràng Thi, Bảo Khánh, Nhà Thờ, Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền, Hàng Khay, Bà Triệu... Đến thăm Hồ Gươm, không thể không thấy hình ảnh tượng trưng của nó. Đó là tháp Rùa. Tháp Rùa được xây dựng nằm ở trung tâm hồ chịu ảnh hưởng của đặc trưng kiến trúc Pháp. Tháp hình chữ nhật, có bốn tầng. Kiến trúc từng tầng khá giống nhau. Các mặt được xây dựng đều có cửa uốn thon gọn. Tháp Rùa được coi là kiến trúc có tính chất lịch sử và thiêng liêng đối với không chỉ người dân Hà Nội mà còn là cả con người Việt Nam. Đặc biệt, đến với Hồ Gươm thì hầu như ai cũng dành chút thời gian để bước chân lên chiếc cầu Thê Húc màu son dẫn vào đền Ngọc Sơn. Sự kết hợp giữa đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm đã tạo thành một tổng thể kiến trúc Thiên - Nhân hợp nhất tạo vẻ đẹp cổ kính hài hòa cho đền và hồ, gợi nên những cảm giác chan hòa giữa con người và thiên nhiên. Ngoài ra, Hồ Gươm còn gắn liền với các địa danh khác như Tháp Bút, Đài Nghiên, Đền thờ vua Lê....

Hồ Gươm đã cùng với thời gian trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử. Biết bao đời vua trị vì đã đến đây để thực hiện những nghi thức long trọng. Cũng bởi giá trị lịch sử của nó đối với Hà Nội và cả đất nước Việt Nam, mà Hồ Gươm đã trở thành điểm đến của biết bao du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân đến Thủ đô. Không ai có thể phủ nhận giá trị kiến trúc cũng như giá trị lịch sử của Hồ Gươm.

Đối với người dân Hà Nội, Hồ Gươm không chỉ là điểm đến dừng chân, ngắm cảnh hữu tình hay hóng gió. Hồ Gươm đã cùng với người dân Hà Nội trải qua biết bao thời kỳ đổi thay, chuyển mình của đất nước. Nó mang một giá trị tinh thần hết sức to lớn đối với người dân Hà Nội. Nó như một người bạn, một người tri kỷ, một chứng nhân lịch sử quan trọng của người dân Hà Nội. Cũng giống như cầu Long Biên hay bất kì một địa danh nào khác của Hà Nội, Hồ Gươm là dấu ấn riêng của Hà Nội mỗi khi nhớ về. Không chỉ bởi lẽ đó, Hồ Gươm còn có một vị trí địa lý hết sức quan trọng đối với Hà Nội. Nằm ở trung tâm Hà Nội lại nối các khu phố quan trọng với nhau đã khiến cho Hồ Gươm càng trở nên quan trọng đối với đất Thủ đô phồn hoa rực rỡ này.

Bởi vậy mà các sự kiện quan trọng của đất nước thường được tổ chức và diễn ra tại đây. Chưa hết, do nước hồ trong xanh tạo một cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái mỗi khi hè đến. Ai cũng biết cái nóng của Hà Nội. Nhưng khi dừng chân ở bờ hồ Hoàn Kiếm, mọi cái nắng không thể làm vơi đi sự mát mẻ cũng như thoải mái nơi đây. Đây cũng là lý do vì sao, mỗi khi mùa hè đến, xung quanh Hồ Gươm thường rất đông người. Ngày nay, Hồ Gươm còn là điểm đến lý tưởng của các bạn trẻ đặc biệt là sinh viên. Bởi lẽ, ở đây tập trung rất nhiều du khách nước ngoài. Chính vì thế, các bạn sinh viên năng động ngày nay thường đến đây để nâng cao khả năng giao tiếp với người nước ngoài của bản thân mình.

Ngày:25/12/2020 Chia sẻ bởi:An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM