Soạn bài Luyện tập thao tác lập luận so sánh Ngữ văn 11 đầy đủ

Nội dung bài soạn dưới đây nhằm giúp các em có thể vận dụng được thao tác lập luận so sánh để làm sáng tỏ một ý kiến, một quan điểm nào đó. Đồng thời, tài liệu dưới đây còn cung cấp cho các em những thao tác so sánh đa dạng giúp cho bài văn thêm sinh động. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Soạn bài Luyện tập thao tác lập luận so sánh Ngữ văn 11 đầy đủ

1. Soạn câu 1 trang 116 SGK Ngữ văn 11 đầy đủ

Phân tích tâm trạng của nhân vật trữ tình khi về thăm quê bằng thao tác lập luận so sánh:

- Điểm giống nhau:

+ Cả hai người đều rời quê hương ra đi lúc còn trẻ và trở về lúc tuổi đã cao.

+ Khi trở về, cả hai đều trở thành "người xa lạ" trên chính nơi mình đã sinh ra.

+ Qua thời gian, cảnh vật và con người đều biến đổi. Hai tác giả sống cách nhau hơn một ngàn năm nhưng tâm trạng khi hồi hương vẫn có nét tương đồng.

- Điểm khác nhau:

+ Bài thơ của Hạ Tri Chương:

  • Hạ Tri Chương viết: "Hỏi rằng: Khách à chốn nào lại chơi?", vì không còn ai nhận ra mình là người cùng quê cả.
  • Nghệ thuật đối: khi/ lúc, đi trẻ/ về già, chỉ có sáu chữ mà đã gói trọn vòng quay của một đời người. Dấu phẩy ngắt hai vế của câu thơ như là sự đối lập rạch ròi giữa hai nửa của cuộc đời người trẻ già. Dấu hiệu của năm tháng, sự phôi pha của đời người được thể hiện qua sự phôi phai của màu tóc “tóc đà khác bao".
  • Câu hỏi tu từ "Hỏi rằng khách ở chốn nào lại chơi?". Lời thơ ướm hỏi nhưng lại là sự khẳng định mạnh mẽ về những đổi thay của con người. "Khách” một từ phiếm chỉ, vừa gần vừa xa, quen mà lạ, cụ thể mà xa xôi,... như một sự tự trách trong tâm hồn. Ngược lại, trong tâm cảm nhà thơ quê hương vẫn như ngày nào.
  • "Giọng quê" đó là cả hồn quê, là sự mộc mạc dân dã, là vẻ đẹp chân chất của con người vẫn không bao giờ thay đổi "vẫn thế".
  • Thể thơ 6 - 8 góp phần thể hiện cái âm hưởng khúc nhạc lòng rười rượi, cái ngậm ngùi về tình quê thắm thiết của một người sống xa quê lâu ngày, trong khoảnh khắc vừa mới đặt chân trở về quê cũ.

+ Bài thơ của Chế Lan Viên:

  • Chế Lan Viên viết: Chẳng lẽ thăm quê lại hỏi người, vì quê hương đã biến đổi quá nhiều sau chiến tranh, không còn cảnh cũ, người xưa nữa.
  • Cũng là cảm nhận về sự thay đổi nhưng ở đây là sự thay đổi mạnh mẽ của quê hương xứ sở. Con người nơi quê, bạn bè nhà thơ mỗi đứa một phương: "Bạn chơi ngày nhỏ chẳng còn ai".
  • Cảnh vật quê hương cũng đã đổi thay:

"Nền nhà nay dựng cơ quan mới,

Chẳng lẽ thăm quê lại hỏi người".

=> Cảm xúc chung: ngậm ngùi, tiếc nuối, man mác buồn. Giọng điệu đầy chất hóm hỉnh, thể thơ bảy chữ thể hiện cảm xúc tươi tắn, rắn rỏi. Bài thơ thể hiện cái nhìn đầy xúc động niềm tự hào về quê hương xứ sở của người con sau bao năm xa đất mẹ.

2. Soạn câu 2 trang 116 SGK Ngữ văn 11 đầy đủ

Phân tích câu văn sau: "Học cũng có ích như trồng cây, mùa xuân được hoa, mùa thu được quả":

- Học cũng có ích như trồng cây, mùa xuân được hoa, mùa thu được quả. Trong câu văn này, mùa xuân và mùa thu là những hình ảnh ẩn dụ. Mùa xuân, mùa thu ở đây chỉ các giai đoạn khác nhau: ban đầu là lúc đơm hoa, cùng với thời gian sẽ thu hoạch được nhiều quả ngọt. Chuyện học hành cũng vậy, cùng với sự chăm chỉ tích lũy kiến thức chúng ta sẽ dần tiến bộ và rồi sẽ thành công.

3. Soạn câu 3 trang 116 SGK Ngữ văn 11 đầy đủ

So sánh ngôn ngữ trong thơ của Hồ Xuân Hương và Bà Huyện Thanh Quan như sau:

- Giống nhau: Cùng viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật.

- Khác nhau:

+ Bài thơ của Hồ Xuân Hương dùng nhiều từ ngữ trong ngôn ngữ hàng ngày (tiếng gà, văng vẳng, mõ thảm, chuông sầu, những tiếng rền rĩ, khắp mọi chòm...) kể cả những chữ rất khó dùng (cớ sao om, duyên mõm mòm, già tom).

+ Trong bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan lại dùng nhiều từ Hán Việt: hoàng hôn, ngư ông, viễn phố, mục tử, cô thôn, lữ thứ, hàn ôn,... Nhiều từ ngữ mang tính ước lệ, được dùng nhiều trong thơ cổ.

=> Tạo nên sự khác biệt về phong cách giữa hai nhà thơ.

+ Hồ Xuân Hương có phong cách gần gũi với đám đông, tuy có mang tâm trạng xót xa nhưng vẫn có những nét tinh nghịch, phá cách.

+ Bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan mang phong cách trang trọng, đài các.

4. Soạn câu 4 trang 117 SGK Ngữ văn 11 đầy đủ

Tự chọn đề tài, có thể là một danh ngôn hoặc thành ngữ, tục ngữ có nội dung so sánh để viết thành đoạn văn so sánh:

- Dân gian ta có câu: Quý như vàng, ý nói vàng là thứ quý giá. Chẳng vậy mà bao đời nay nhiều kẻ cứ chạy miết theo đồng tiền, thoi vàng: lao vào buôn bán thậm chí bất chấp pháp luật, hăm hở tìm vàng nhiều khi bỏ mặc mạng sống,... Có vàng quả quý thực vì có được nó con người sẽ trở nên giàu có sung sướng: có tiền mua tiên cũng được kia mà! Vàng đã quý nhưng có thứ còn quý giá hơn, đó là chữ nghĩa, tri thức. Cha ông ta từng đúc kết: Một kho vàng không bằng một nang chữ. Tại sao vậy? Có chữ nghĩa con người có khả năng làm việc tốt hơn mọi người, nhờ vậy sẽ thành đạt hơn, họ cũng sẽ có được vàng để sung túc, đủ đầy. Nhưng mặt khác, một kho vàng là có hạn, hết một kho vàng chỉ còn kho rỗng. Nhưng có chữ nghĩa thì vĩnh viễn không bao giờ lo đói khổ vì chữ còn, tiền đồ còn, cơm áo còn. Những vị Trạng nguyên, Thám hoa,... nhờ chữ nghĩa mà đời đời vinh hiển; bọn phú ông giàu có ngu dốt hay bị chơi khăm, chơi xỏ chẳng mấy chốc mà khuynh gia bại sản. Không chỉ vậy, nang chữ còn mang đến cho con người thứ mà kho vàng không bao giờ làm được, đó là sự yêu mến, kính nể của xã hội. Mọi người yêu quý, tôn trọng người có học, người hay chữ; ít ai thật lòng thật bụng yêu mến, trân trọng kẻ chỉ có tiền (có chăng chỉ là thái độ bợ đỡ, xu nịnh mà thôi). “Một kho vàng không bằng một nang chữ”, tư tưởng ấy đã góp phần xây đắp nên những tâm hồn Việt Nam trọng chữ nghĩa, hiếu học tôn sư trọng đạo mà khinh bạc vàng, căm ghét bọn tham quan, cường hào, ác bá.

Ngày:30/09/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM