Soạn bài Lão Hạc đầy đủ

Lão Hạc là một trong những truyện ngắn xuất sắc viết về người nông dân của Nam Cao. Truyện ngắn Lão Hạc đã thể hiện một cách chân thực, cảm động số phận đau thương của người nông dân trong xã hội cũ. Bài học này sẽ giúp các em nắm được giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Chúc các em học tập tốt!

Soạn bài Lão Hạc đầy đủ

1. Soạn câu 1 trang 48 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

- Tình cảm của lão Hạc dành cho cậu Vàng:

  • Trân trọng gọi con chó là cậu Vàng.

  • Làm bạn với cậu Vàng để khuây khỏa.

  • Đối xử với cậu Vàng như đối xử với con cháu: cho ăn trong bát, gắp thức ăn cho, chửi yêu, cưng nựng…

- Tình thế khốn cùng buộc lão Hạc phải bán cậu Vàng:

  • Sau trận ốm cộng với cơn bão đi qua tình cảnh của lão Hạc "đói deo đói dắt".

- Diễn biến tâm lý sau khi bán cậu Vàng:

  • Cố làm ra vui vẻ, nhưng "đôi mắt ầng ậng nước", "mếu máo như con nít".

  • Lão Hạc đau đớn, dằn vặt vì quá thương cậu Vàng và cảm thấy tội lỗi, tệ bạc khi lừa một con chó.

⇒ Lão Hạc là người hiền lành, sống tình nghĩa nên lão cảm thấy đau xót, dằn vặt lương tâm khi bán cậu Vàng.

2. Soạn câu 2 trang 48 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

Lão Hạc rất nghèo, lại già yếu, ốm đau, không thể làm thuê để kiếm ăn được nữa. Tuy có mảnh vườn và dành dụm được món tiền nhỏ từ việc bòn vườn nhưng lão quyết định dành cả cho đứa con trai, lão chỉ ăn củ khoai, chuối, ... sống qua ngày.

  • Trong hoàn cảnh ấy lão quyết định tự tử, một quyết định âm thầm và quyết liệt. Trước khi tự tự lão đã nhờ cậy ông giáo đứng tên trông nom mảnh vườn để không ai tơ tưởng, nhòm ngó, sau sẽ trao lại cho con trai,... Vậy là lão Hạc chết để bảo vệ mảnh vườn cho anh con trai mà lão tin sớm sẽ trở về. Đó là sự hi sinh cảm động của người cha.

  • Vì rất tự trọng, lão dù có chết đói cũng không chịu nhận sự giúp đỡ của bất cứ ai. Khi quyết định tự tử, cũng với lòng tự trọng rất cao và nhân cách hết sức trong sạch, lão không muốn phải phiền lụy hàng xóm nên đã gửi ông giáo tiền làm ma chay sau khi ông chết.

⇒ Qua quyết định tự tử để rồi chết một cách đau đớn, có thể thấy những phẩm chất cao đẹp của lão: yêu thương con hết mực, lòng tự trọng hiếm có, thể hiện ý thức nhân phẩm cao.

3. Soạn câu 3 trang 48 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

  • Khi nghe chuyện lão Hạc muốn bán chó thì dửng dưng, thờ ơ.

  • Khi lão Hạc khóc vì bán chó thì cảm thông, chia sẻ "muốn ôm choàng lấy lão mà khóc", muốn giúp đỡ.

  • Khi nghe Binh Tư kể lão Hạc xin bả chó: nghi ngờ, thoáng buồn.

  • Khi chứng kiến cái chết của lão Hạc thì kính trọng nhân cách, tấm lòng của con người bình dị.

⇒"Ông giáo" trở thành người bạn tâm giao của lão Hạc, ông hiểu sâu sắc và đồng cảm, kính trọng lão Hạc.

4. Soạn câu 4 trang 48 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

- Khi nghe Binh Tư nói, nhân vật "tôi" bất ngờ, hoài nghi, cảm thấy thất vọng:

  • Nhân vật "tôi" nhanh chóng cảm thấy chán ngán: người trung thực, nhân nghĩa như lão Hạc lại "nối gót" Binh Tư.

  • Buồn vì cái đói nghèo có thể làm tha hóa nhân cách con người ( cái đói nghèo có thể biến lão Hạc trở nên tha hóa như Binh Tư).

- Sau đó chứng kiến cái chết dữ dội của lão Hạc, ông giáo lại thấy buồn ở khía cạnh khác:

  • Hóa giải được hoài nghi trong lòng nhưng lại thấy buồn.

  • Xót xa vì người sống tử tế và nhân hậu, trung thực như lão Hạc phải chọn cái chết đau đớn, dữ dội.

5. Soạn câu 5 trang 48 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

- Cái hay, hấp dẫn ở truyện nằm ở việc miêu tả tâm lý nhân vật và cách kể chuyện:

  • Diễn biến tâm lý của lão Hạc xung quanh chuyện bán chó.

  • Sự thay đổi thái độ, tình cảm của ông giáo từ dửng dưng đến cảm thông, chia sẻ, kính trọng.

- Cả hai nhân vật đều có vẻ đẹp của nhân cách, phẩm giá dù họ có nỗi khổ riêng:

  • Lão Hạc giàu tình thương, lòng tự trọng, trung thực.

  • Ông giáo tử tế, biết chia sẻ, đồng cảm.

- Nhân vật "tôi" kể, dẫn dắt câu chuyện nhưng lại nhập vai vào các nhân vật khác nên tác phẩm có nhiều giọng điệu chứ không đơn điệu.

6. Soạn câu 6 trang 48 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

- Đây là phát hiện sâu sắc mang tính triết lý:

  • Phải thực sự am hiểu, trân trọng con người, khám phá những nét tốt đẹp của con người.

  • Con người chỉ bị những đau khổ che lấp đi bản tính tốt đẹp, cần phải "cố tìm hiểu".

  • Cần phải đặt mình vào hoàn cảnh và vị trí của người khác để hiểu, cảm thông và chấp nhận họ.

- Là cách ứng xử nhân hậu, tình nghĩa xuất phát từ tinh thần yêu thương con người. Tránh những mâu thuẫn bằng sự thấu hiểu và vị tha.

7. Soạn câu 7 trang 48 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

- Cuộc sống của người nông dân trước cách mạng tháng Tám:

  • Bị bóc lột, bần cùng hóa, đói nghèo, thiếu thốn.

  • Cuộc sống eo hẹp dần tới kiệt quệ, bế tắc.

- Họ có những phẩm chất đáng quý:

  • Trong sạch, lương thiện , giàu tình yêu thương.

  • Họ sẵn sàng chết, phản kháng lại để giữ phẩm giá cao quý của mình.

  • Trong người nông dân luôn tiềm tàng sức mạnh của tình cảm, có thể phản kháng lại những bất công.

Ngày:03/08/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM