Soạn bài Câu cầu khiến Ngữ văn 8 đầy đủ

Nội dung bài soạn dưới đây nhằm giúp các em nắm được khái niệm, đặc điểm của câu cầu khiến. Từ đó, các em có thể nhận diện và phân tích câu cầu khiến trong một văn bản cụ thể. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Soạn bài Câu cầu khiến Ngữ văn 8 đầy đủ

1. Soạn câu 1 trang 30 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

Liệt kê câu cầu khiến trong những ngữ liệu sau:

a. Ông lão chào con cá và nói:

- Mụ vợ tôi lại nổi cơn điên rồi. Nó không muốn làm bà nhất phẩm phu nhân nữa, nó muốn làm nữ hoàng.

Con cá trả lời:

- Thôi đừng lo lắng. Cứ về đi. Trời phù hộ lão. Mụ già sẽ là nữ hoàng.

(Ông lão đánh cá và con cá vàng)

-> Câu cầu khiến là: “Thôi đừng lo lắng”; “Cứ về đi” dùng để khuyên bảo và yêu cầu.

b. Tôi khóc nấc lên. Mẹ tôi từ ngoài đi vào. Mẹ vuốt tóc tôi và nhẹ nhàng dắt tay em Thuỷ:

- Đi thôi con.

(Khánh Hoài, Cuộc chia tay của những con búp bê)

-> Câu cầu khiến là: “Đi thôi con” dùng để yêu cầu.

2. Soạn câu 2 trang 30 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

a.

- Anh làm gì đấy?

 - Mở cửa. Hôm nay trời nóng quá.

b. Đang ngồi viết thư, tôi bỗng nghe tiếng ai đó vọng vào:

- Mở cửa!

-> Lưu ý khi đọc những câu cầu khiến ở ngữ liệu (a) và ngữ liệu (b). Khi đọc câu “Mở cửa!” trong ngữ liệu (b), đọc phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn vì đây là một câu cầu khiến (khác với câu “Mở cửa!” trong ngữ liệu (a) - câu trần thuật, đọc với giọng đều hơn). Trong ngữ liệu (a), câu “Mở cửa!” dùng để trả lời cho câu hỏi trước đó. Trái lại, trong ngữ liệu (b), câu “Mở cửa!” dùng để yêu cầu, sai khiến.

3. Soạn câu 1 luyện tập trang 31 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

- Các câu trên là câu cầu khiến vì có chứa các từ mang ý nghĩa cầu khiến: hãy, đi, đừng.

- Chủ ngữ trong các câu trên đều chỉ người tiếp nhận câu nói hoặc chỉ một nhóm người có mặt trong đối thoại. Cụ thể:

+ Trong ngữ liệu (a) chúng ta thấy rằng câu không có chủ ngữ hoặc có thể hiểu là chủ ngữ đã vắng mặt (ở đây ngầm hiểu là Lang Liêu, căn cứ vào những câu trước đó).

+ Trong ngữ liệu (b): Chủ ngữ là Ông giáo.

+ Trong ngữ liệu (c): Chủ ngữ là chúng ta.

- Có thể thêm, bớt hoặc thay đổi chủ ngữ của các câu trên, về cơ bản nghĩa của các câu ít nhiều đều có sự thay đổi. Ví dụ:

+ Con hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên vương (nghĩa của câu tuy không thay đổi nhưng đối tượng tiếp nhận câu nói được xác định rõ hơn, lời yêu cầu cũng nhẹ nhàng và tình cảm hơn).

+ Hút trước đi (nghĩa của câu thay đổi và lời nói kém lịch sự hơn).

+ Nay các anh đừng làm gì nữa, thử xem lão Miệng có sống được không? (nghĩa của câu có sự thay đổi, ở đây, người nói đã được loại ra khỏi những đối tượng tiếp nhận lời đề nghị).

4. Soạn câu 2 luyện tập trang 32 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

a. Thôi, im cái điệu hát mưa dầm sùi sụt ấy đi. Đào tổ nông thì cho chết!

(Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí)

-> Câu cầu khiến: "Thôi, im cái điệu hát mưa dầm sùi sụt ấy đi". Câu này đã khuyết hoàn toàn chủ ngữ, từ ngữ cầu khiến là từ "đi".

b. Ông đốc tươi cười nhẫn nại chờ chúng tôi:

- Các em đừng khóc. Trưa nay các em được về nhà cơ mà. Và ngày mai lại được nghỉ cả ngày nữa.

(Thanh Tịnh, Tôi đi học)

-> Câu cầu khiến: "Các em đừng khóc". Ở câu này chủ ngữ là Các em (ngôi thứ hai, số nhiều), từ ngữ cầu khiến là từ đừng.

c. Có anh chàng nọ tính tình rất keo kiệt. Một hôm đi đò qua sông, anh chàng khát nước bèn cúi xuống, lấy tay vục nước sông uống. Chẳng may quá đà, anh ta lộn cổ xuống sông. Một người ngồi cạnh thấy thế, vội giơ tay hét lên:

- Đưa tay cho tôi mau!

Anh chàng sắp chìm nghỉm nhưng vẫn không chịu nắm tay người kia. Bỗng một người có vẻ quen biết anh chàng chạy lại, nói:

- Cầm lấy tay tôi này!

Tức thì, anh ta cố ngoi lên, nắm chặt lấy tay người nọ và được cứu thoát […].

(Theo Ngữ văn 6, tập một)

-> Câu cầu khiến: "Đưa tay cho tôi mau! Cầm lấy tay tôi này!". Câu này đặc biệt hơn là chỉ có giọng điệu cầu khiến chứ không có từ ngữ cầu khiến.

5. Soạn câu 3 luyện tập trang 32 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

So sánh hình thức và ý nghĩa của hai câu sau:

a. Hãy cố ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột!

-> Câu (a) vắng chủ ngữ, ngược lại sự xuất hiện chủ ngữ (Thầy em).

b. Thầy em hãy cố ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột.

(Ngô Tất Tố, Tắt đèn)

-> Câu (b) giúp cho câu văn có nội dung cầu khiến tinh tế và nhẹ nhàng, tình cảm của người nói cũng được thể hiện rõ hơn.

6. Soạn câu 4 luyện tập trang 32 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

- Câu nói của nhân vật Dế Choắt thực chất là câu cầu khiến nhưng được sử dụng với giọng điệu nhẹ nhàng. Sở dĩ Dế Choắt nói một cách khiêm nhường như vậy vì Dế Choắt tự coi mình là vai dưới, có vị thế thấp so với Dế Mèn. Bên cạnh đó, Dế Choắt lại là người yếu đuối, nhút nhát nên đã chọn cách nói như vậy.

7. Soạn câu 5 luyện tập trang 32 SGK Ngữ văn 8 đầy đủ

- Nhìn chung, cách nói của hai ngữ liệu trên khác nhau về ý nghĩa. Cụ thể câu "Đi đi con!" và "Đi thôi con", ta thấy ở câu thứ nhất, chỉ có người con đi. Còn ở câu thứ hai, cả người con và người mẹ đều cùng đi. Hai câu này không thể thay thế cho nhau được, vì có nội dung khác nhau.

Ngày:22/12/2020 Chia sẻ bởi:Phuong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM