Phương pháp tả người Ngữ văn 6

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em nắm được các phương pháp tả người. Từ đó, các em có thể vận dụng phương pháp ấy để viết bài văn tả người hay và đặc sắc. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Phương pháp tả người Ngữ văn 6

1. Phương pháp viết một đoạn văn, bài văn tả người

- Muốn tả người cần:

+ Xác định được đối tượng cần tả (tả chân dung hay tả người trong tư thế làm việc).

+ Quan sát, lựa chọn các chi tiết tiêu biểu.

+ Trình bày kết quả quan sát theo một thứ tự.

- Bố cục bài văn tả người thường có ba phần:

+ Mở bài: Giới thiệu người được tả.

+ Thân bài: Miêu tả chi tiết (ngoại hình, cử chỉ, hành động, lời nói,...).

+ Kết bài: Nhận xét hoặc nêu cảm nghĩ của người viết về người được tả.

2. Luyện tập

Câu 1: Em hãy lập dàn ý cho bài văn miêu tả về cô giáo của em.

Gợi ý trả lời:

a. Mở bài:

- Dẫn dắt và giới thiệu thầy giáo.

- Như người gieo nắng âm thầm và bền bỉ, thầy mang đến cho chúng em những hạt sáng của tri thức, đốt lên trong em ngọn lửa của đam mê và khát vọng. Cảm ơn thầy, người thầy mà em yêu quý, thầy Thanh.

b. Thân bài:

- Giới thiệu chung:

+ Thầy Thanh là người dạy em môn Văn năm lớp 4 và lớp 5.

+ Năm nay thầy cũng đã ngoài bốn mươi tuổi song thầy còn rất trẻ và tràn đầy lòng nhiệt huyết với nghề.

- Ngoại hình:

+ Dáng người thầy dong dong cao, dáng đi nhẹ nhàng khoan thai như chính con người thầy, chẳng thể lẫn với ai.

+ Gương mặt hình chữ điền, song đâu đây đã xuất hiện những nếp nhăn. Phải chăng những đem ngồi soạn bài, những lo toan cuộc sống, những băn khoăn với học sinh đã in hằn lên gương mặt ấy.

+ Em vẫn yêu quý nhất là nụ cười của thầy. Một nụ cười luôn nở, ấm áp và hiền hậu, gần gũi và thân thương biết bao nhiêu.

+ Đôi mât thầy, đôi mât ngày càng yếu đi, nhìn học sinh không còn tinh tường như ngày nào song vẫn ẩn chưa cả một biển trời yêu thương, bao dung, che chở cho những đứa học trò còn nhỏ bé và thơ ngây.

+ Thầy là người rất giản dị. Hằng ngày, trên chiếc xe đạp đã cũ và con đường làng đã quen, thầy mang tri thức đến cho lũ trò nhỏ.

- Cách thầy dạy bài:

+ Có lẽ, cho đến bây giờ, thầy là người truyền cảm hứng văn chương cho em nhiều nhất.

+ Thầy luôn mang đến một không khí rất riêng cho lớp học với vô vàn những câu chuyện từ đời, dạy chúng em biết bao bài học quý giá.

+ Môn Văn trở nên gần gũi hơn bao giờ hết qua lời giảng của thầy, khi trầm, lúc bổng, những trang văn là cuộc sống ngoài kia chứ nhất định không phải là mực đen trên tờ giấy trắng.

c. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của bản thân.

Câu 2: Em hãy viết bài văn tả về một em bé đang tuổi tập đi.

Gợi ý trả lời:

Bé Na là con của dì Năm em, bé vừa tròn mười hai tháng. Khi em đến chơi, bé đang đứng trên chiếc nôi gỗ, giậm chân, nũng nịu giơ tay ra đòi bế. Em dang tay đón bé vào lòng.

Hôm nay bé được mặc một chiếc váy đầm ngắn màu xanh da trời, trước ngực có kết ren trắng và thêu hoa rất xinh. Da bé trắng hồng, mịn màng. Đôi má bầu bĩnh trông rất dễ thương. Em thích hôn thật nhẹ vào chiếc má phúng phình ấy để bé cười lên như nắc nẻ. Cặp mắt bé lúc nào cũng mở to, tròn đen lay láy như hai hạt nhãn. Chiếc miệng với đôi môi hồng tươi tắn luôn nhoẻn cười để lộ mấy chiếc răng sữa nhỏ xíu, trắng muốt trông dễ yêu làm sao! Nhìn xa, trông bé như con búp bê biết khóc biết cười trong tủ kính ở hiệu bán đồ chơi ngoài phố.

Nhiều khi em lại thấy bé giống chú hề lật đật không lúc nào yên một chỗ. nhất là lúc tập lật, tập ngồi. Đến khi bé được hơn mười tháng, bắt đầu bập bẹ tập nói, bé thường bắt chước các chị làm đủ các động tác, cử chỉ, kể cả nói từng tiếng rất ngộ nghĩnh dễ yêu. Bé rất hay cười mà cũng lại hay khóc nhè! Chiều chiều em hay bồng bé đi chơi, tập cho bé đi từng bước chập chững. Chưa đi vững mà lại thích đi nhanh nên cứ té hoài. Bây giờ em đã tập cho bé đi được năm bước rồi. Ngày nào đi học về em cũng ghé chơi với bé một chút, khi em đi bé khóc sướt mướt đòi theo, thương làm sao!

Em rất yêu bé, cố gắng dạy bé nói, tập bé đi cho vững, chơi đùa với bé để bé không nhõng nhẽo với dì và mau chóng biết thêm nhiều điều khác nữa.

(Sưu tầm)

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm cách tả người, hình thức, bố cục của độan văn, một bài văn tả người.

- Quan sát, lựa chọn, trình bày khi viết bài văn tả người.

Ngày:11/12/2020 Chia sẻ bởi:Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM