Phân tích và cảm nhận bài thơ Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu

Tài liệu dưới đây nhằm giúp các em thấy được niềm tự hào dân tộc cùng với lòng yêu nước sâu sắc của tác giả Trương Hán Siêu. Đồng thời, tài liệu này còn giúp các em hiểu hơn về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Phân tích và cảm nhận bài thơ Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu

1. Dàn ý phân tích tác phẩm Phú sông Bạch Đằng

a. Mở bài:

- Nêu vài nét về cuộc đời và sự nghiệp của tác giả Trương Hán Siêu.

- Nêu được nội dung chính và hoàn cảnh ra đời của văn bản Phú sông Bạch Đằng.

b. Thân bài:

- Cảm xúc của nhân vật khách trước sông Bạch Đằng:

+ Nhân vật "khách": Là sự tự xưng của tác giả, tạo nên lối chủ-khách đối đáp thường dùng trong thể phú.

+ Tâm thế du ngoạn: Giương buồm, giong gió, lướt bể, chơi trăng, mải miết.

- Hành trình du ngoạn của tác giả:

+ Các địa danh Trung Quốc: Nguyên Tương, Vũ Huyệt, Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt, đầm Vân Mộng.

+ Các danh lam thắng cảnh Đại Việt: Đại Than, Đông Triều và dừng chân ở Bạch Đằng - dòng sông của chiến công lịch sử vẻ vang của dân tộc.

- Cảnh sắc thiên nhiên trên sông Bạch Đằng:

+ Hùng vĩ, tráng lệ.

+ Thơ mộng, trữ tình.

+ Hoang vu, hiu hắt.

- Tâm trạng của khách:

+ Buồn thương, tiếc nuối trước cảnh vật đổi thay, cho những người đã ngã xuống.

+ Tư thế "đứng lặng giờ lâu" cho thấy nhà thơ đang đắm chìm vào thế giới nội tâm với sự tiếc nuối ngậm ngùi.

- Các bô lão kể về những chiến tích trên sông Bạch Đằng.

- Thái độ của các bô lão với khách: "vái", "thưa"- hiếu khách, tôn kính khách.

- Không khí chiến trường xưa.

- Lời suy ngẫm, bình luận của các bô lão về những chiến công

+ Nguyên nhân thắng lợi: đất trời cho nơi hiểm trở, nhân tài giữ được cuộc điện an, đại vương coi thế giặc nhàn.

+ Gợi lên hình ảnh Trần Quốc Tuấn và so sánh với những người xưa.

- Suy ngẫm về hưng vong của đất nước:

+ Hình tượng sông Bạch Đằng: mênh mông, rộng lớn, hùng vĩ, hiểm trở.

+ Ca ngợi sông Bạch Đằng dòng sông lịch sử, dòng sông anh hùng.

+ Ca ngợi đức độ, tài năng hai vị thánh quân Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông.

+ Ca ngợi cuộc sống thanh bình của dân tộc.

- Nghệ thuật:

+ Bố cục chặt chẽ, cách kể tả sinh động

+ Xây dựng các hình tượng nhân vật sinh động, đặc sắc mang ý nghĩa triết lí.

+ Ngôn ngữ cô đọng, trong sáng, hào hùng.

c. Kết bài:

- Khái quát nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

- Mở rộng: Sông Bạch Đằng là đề tài, niềm cảm hứng lớn trong văn chương với rất nhiều tác phẩm nổi tiếng khác.

2. Em hãy cảm nhận bài thơ Phú sông Bạch Đằng

Trương Hán Siêu là một danh sĩ đời Trần, sau lúc qua đời được vua Trần truy phong là Thiếu Bảo.Ông còn để lại bốn bài thơ và ba bài văn "Dục Thuý sơn khắc thạch","Linh Tế Tháp ký","Khai Nghiêm tự bi","Bạch Đằng giang phú",...Trong thơ văn cổ Việt Nam có một số tác phẩm lấy đề tài sông Bạch Đằng nhưng"Bạch Đằng giang phú" của Trương Hán Siêu được xếp vào hạng kiệt tác. Chưa rõ Trương Hán Siêu viết "Bạch Đằng giang phú"vào năm nào, nhưng qua giọng văn cảm hoài "Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá-Tiếc thay dấu vết luống còn lưu", ta có thể đoán định được, bài phú này chỉ có thể ra đời sau khi Trần Quốc Tuấn đã mất, tức là vào khoảng 1301-1354.

"Bạch Đằng giang phú" được viết bằng chữ Hán. Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đổng Chi, Bùi Văn Nguyên... đã dịch khá thành công áng văn này. Bài cảm nhận về "Bạch Đằng giang phú" dựa trên văn bản dịch của giáo sư Bùi Văn Nguyên.

Qua hàng loạt các hình ảnh đậm chất ước lệ, có tính phóng đại giương buồm giong gió, lướt bể chơi trăng, sớm gõ thuyền, chiều lần thăm gợi lên cả không gian, thời gian đều rộng mở. Lại thêm các từ láy chơi vơi, mải miết diễn tả thật đậm nét tâm hồn của một bậc mặc khách, tao nhân đang vi vu cùng với đất trời, thỏa chí mà phóng khoáng, ngao du. Khách xuất hiện như thể mang theo một giấc mộng hải hồ, đắm mình cùng thiên nhiên. Kẻ lãng du ấy kéo theo cả hàng loạt những địa danh, những phong cảnh đẹp của Trung Hoa vốn chỉ biết trong sách vở. Nào là Nguyên, Tương, Vũ Huyệt, nào là Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt, Đầm Vân Mộng… nơi có người đi, đâu mà chẳng biết, chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều. Có cả một trình độ hiểu biết sâu rộng hay là cách để đấng mặc khách ấy thực hiện khát vọng thỏa cái tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết? Sao cũng phải, bởi trước hết cái trang trí ấy mang trong mình tâm thức của một bậc thi nhân đầy lãng mạn, ưa thích ngao du. Cho nên việc học Tử Trường đâu có phải học cách của một sử ký gia, mà là học thú tiêu dao, cái thú thưởng ngoạn để giữa dòng chừ buông chèo không nỡ bỏ lỡ cảnh đẹp nên thơ, lại thêm mở mang hiểu biết.

Phải chăng khách nói đến Tử Trường để bày tỏ tâm hồn đồng điệu của mình với người xưa. Đi xa, đâu phải chỉ để tiêu dao, ngắm hoa vọng nguyệt, mà quan trọng hơn là tìm đến nơi cha ông ta đã lập chiến công to lớn đã làm vẻ vang cho lịch sử để chiêm ngưỡng, ngợi ca và suy ngẫm.

Điều này, chứng tỏ vị thế vị khách thật cao đẹp, chí khí thật hào hùng. Người đọc có thể nhận thấy vẻ đẹp ấy trong chính lời kể đầy tự hào của khách. Khách nhắc tới nhiều địa danh quen thuộc trong sách vở tàu, chúng cách xa nhau hàng ngàn dặm, làm sao có thể đi được trong một sớm, một chiều (Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương - Chiều lần thăm Vũ Huyệt - Cửu Giang, Ngũ Hồ - Tam Ngô, Bách Việt). Đấy chỉ là cách phô diễn ý tưởng có tính chất ước lệ mà thôi. Điều quan trọng là nó đã đưa đến cho người đọc ấn tượng khá rõ về những khung cảnh thiên nhiên rộng lớn, góp phần thể hiện niềm ham thích tự do, phóng khoáng của nhân vật khách. Cảm hứng về cuộc viễn du mở đầu bài phú, thực ra chỉ là sự chuẩn bị một không khí thích hợp trước khi đi vào thế giới hùng vĩ của sông Bạch Đằng lịch sử.

Khung cảnh dữ dội, oai hùng trên sông Bạch Đằng ngày ấy, bây giờ khi độc lập đã giành được thì con sông dường như trở nên lặng lẽ hơn, thậm chí còn có chút gì đó đìu hiu, hoang vắng, khung cảnh ven bờ thì um tùm bởi cỏ lau “Bờ lau san sát, bến lác đìu hiu”, nhà thơ bỗng man mát buồn vì khung cảnh đìu hiu, hoang sơ đó “Buồn vì cảnh thảm, đứng lặng giờ lâu”, tâm trạng buồn xen lẫn chút nuối tiếc khiến cho nhà thơ đứng lặng người ra hồi lâu. Sự yên lặng đó như để tưởng nhớ về, hoài niệm về quá khứ đã xa, đó là cái quá khứ hào hùng của nhân dân Đại Việt khi chống quân Nguyên - Mông: “Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá”, đó chính là sự hồi cố về sự oai hùng, mạnh mẽ của nhà thơ trước chặng đường lịch sử dữ dội nhưng đầy sức mạnh oai nghiêm đó. Thời gian vô tình trôi mà làm phai mờ đi những dấu vết của lịch sử, dấu vết của một thời đại anh hùng trên dòng sông Bạch Đằng huyền thoại đó: “Tiếc thay dấu vết luống còn lưu”.

Vẫn trong dòng hồi tưởng về quá khứ đấu tranh oai hùng của dân tộc, nhà thơ Trương Hán Siêu đã mô tả lại một cách chân thực không khí dữ dội khi chiến đấu, đó là sự hùng hậu của các thuyền bè chiến đấu “thuyền bè muôn đội”, và cùng với đó là những lá cờ tình kỳ tung bay phấp phới trên đỉnh mỗi con thuyền, mỗi chiếc bè”tinh kỳ phấp phới”. Đó là đội quân tinh nhuệ của ta với tinh thần chiến đấu hừng hực cùng ánh sáng chói của những đao gươm “Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói”. Và cuộc chiến đấu diễn ra trong khung cảnh ác liệt nhất khi hai bên giao chiến cân tài ngang sức, chưa phân thắng bại cuối cùng “Trận đánh được thua chửa phân”.

3. Phân tích văn bản Phú sông Bạch Đằng

Tình yêu thiên nhiên, cảnh vật non sông gấm vóc quê hương vốn không phải là một đề tài mới mẻ. Trong các trang thơ đã có rất nhiều những nhà văn, nhà thơ thể hiện rất thành công đề tài này. Nhưng ở trong mỗi tác phẩm thơ văn thì các nhà văn, nhà thơ lại thể hiện với những sắc thái hoàn toàn mới mẻ, với những đối tượng miêu tả, sắc thái miêu tả hoàn toàn khác nhau, mang đặc trưng riêng của phong cách mỗi nhà thơ. Cũng viết về cảnh sắc của thiên nhiên đất trời, nhà thơ Trương Hán Siêu đã thể hiện tình yêu cũng như niềm tự hào trước vẻ đẹp của đất nước, mà đối tượng ở đây là con sông lịch sử, con sông hào hùng của dân tộc Việt Nam, con sông Bạch Đằng. Tình yêu ấy, niềm tự hào ấy của nhà thơ được thể hiện rõ nét qua bài phú “Phú sông Bạch Đằng”.

Vào thời kì nhà Trần suy yếu, các vua đời hậu Trần mải mê với chiến thắng của cha ông, chỉ lo ăn chơi, hưởng thụ mà lãng quên trách nhiệm chấn hưng đất nước. Trong một dịp du ngoạn Bạch Đằng, một nhánh sông Kinh Thầy đổ ra biển nằm giữa Quảng Ninh và Hải Phòng, di tích lịch sử lừng danh, nơi quân ta đã hai lần đánh tan quân xâm lược Mông – Nguyên, Trương Hán Siêu vừa nhớ tiếc các bậc anh hùng xưa, vừa cảm khái, tự hào mà viết nên bài Phú sông Bạch Đằng bằng chữ Hán. Tác phẩm này được đánh giá là hay vào bậc nhất trong văn chương thời trung đại.

Nội dung bài Phú sông Bạch Đằng thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc của tác giả trước những chiến thắng lẫy lừng của quân dân nhà Trần trên sông Bạch Đằng, đồng thời ca ngợi truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc Việt Nam. Thông qua việc đề cao vai trò và vị trí của con người trong lịch sử, đề cao đạo lí chính nghĩa, tác phẩm chứa đựng tư tưởng nhân văn sâu sắc. Bài phú vừa chứa chan niềm tự hào dân tộc, vừa thấm thía nỗi niềm hoài cổ, vừa thể hiện triết lý về sự biến thiên và xoay vần của tạo hoá.

Âm hưởng của những câu văn đến đây không còn là phơi phới hào khí, tràn đầy tráng chí nữa mà trầm lại, lắng xuống đầy bâng khuâng. Có lẽ trước sông Bạch Đằng một tâm hồn phóng khoáng như khách cũng bồi hồi về quá khứ oanh liệt của cha ông. Qua hình tượng nhân vật “khách” được tác giả thổi hồn trở thành chân dung vô cùng sinh động, ta có thể thấy được cái “tôi” của tác giả - một hồn thơ phóng khoáng, trác biệt, một kẻ sĩ nặng lòng ưu hoài về lịch sử dân tộc.

Hình ảnh người khách cuối phần một như sự gợi ý, cách đặt vấn đề để dẫn đến sự xuất hiện của các bô lão ở phần hai. Các bô lão là chủ, là nhân dân địa phương đại diện cho thế hệ đi trước hiện thân của quá khứ. Với lòng nhiệt tình, hăm hở các bô lão đã kể cho “khách” nghe câu chuyện về những chiến công đã diễn ra trên dòng sông lịch sử với các sự kiện liệt kê, các hình ảnh đối nhau người kể đã làm hiện lên không khí chiến trận và thế giằng co quyết liệt.

Hai vị “Thánh quân” được nhắc đến ở đây là Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông, đã lãnh đạo cuộc kháng chiến lần thứ 2 và lần thứ 3 đánh thắng giặc Nguyên - Mông. Họ là những vị vua sáng suốt, anh minh, yêu nước thương dân đã khơi dậy sự đoàn kết, sức mạnh dân tộc để đem lại bài học giữ nước cho muôn đời sau.

Qua bài “Bạch Đằng giang phú”, Trương Hán Siêu mượn hình ảnh con sông Bạch Đằng lưu dấu bao vết tích lịch sử oai hùng để thể hiện tình yêu quê hương đất nước của mình. Từ đó, ông bày tỏ niềm tự hào dân tộc, đồng thời như một lời nhắc nhở những thế hệ mai sau phải biết tiếp nối truyền thống cha anh để lại.

Ngày:18/01/2021 Chia sẻ bởi:Denni

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM