Phân tích và cảm nhận bài thơ Hầu trời của Tản Đà

eLib xin gửi đến các em nội dung bài văn mẫu dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được tác phẩm đầy thi vị trong phong trào thơ mới: "Hầu trời" của Tản Đà. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Phân tích và cảm nhận bài thơ Hầu trời của Tản Đà

1. Dàn ý phân tích bài thơ Hầu trời của Tản Đà

a. Mở bài:

- Nêu vài nét về cuộc đời và sự nghiệp của Tản Đà.

- Giới thiệu bài thơ Hầu trời và nêu nội dung để phân tích.

b. Thân bài:

- Phân tích bài thơ hầu trời:

+ Mở đầu bằng cách giới thiệu câu chuyện:

  • Câu chuyện xảy ra vào đem qua, một khoảnh khắc yên lặng, yên tĩnh.
  • Câu chuyện kể về giấc mơ muốn lên cõi tiên của tác giả, thể hiện tâm trạng và cảm xúc của người thi nhân.
  • Tâm trạng nữa thực nữa mơ của thi nhân.

+ Thi nhân đọc thơ cho trờ và Chư tiên nghe

  • Đọc thơ một cách hào hứng.
  • Thi nhân kể về cuộc sống và công việc của mình.
  • Giọng thơ của thi nhân hóm hỉnh, ngông.

+ Thái độ của người nghe:

  • Trời tỏ ra rất tâm đắc và khen ngợi thi nhân.
  • Chư Tiên nghe thơ rất xúc động và tâm đắc.

+ Thi nhân trò chuyện với trời:

  • Khẳng định cái tôi của mình.
  • Cuộc sống nghèo khó nhưng thư thái của tác giả.
  • Cảm hứng nghệ thuật bao trùm nguyên bài thơ.

c. Kết bài:

- Nêu cảm nhận của em về bài thơ Hầu trời.

2. Em hãy cảm nhận về tác phẩm Hầu trời

Khi chốn nước non này còn lặng lẽ vào những năm đầu thế kỉ XX, người ta bỗng thấy một nhà thơ đã làm xao động cả giới văn đàn. Ông được gọi là người “nằm vắt mình qua hai thế kỉ”, “gạch nối giữa hai thế kỉ”, người đặt nền móng đầu tiên cho thơ mới. Ông chính là Tản Đà. Điều ông mang tới là một hồn thơ lãng mạn, bay bổng mà vẫn đầy cảm thương, phong cách tài hoa, độc đáo mà vẫn giữ được cốt cách thơ ca dân tộc. Một trong những bài thơ tiêu biểu nhất cho cái tôi trong thơ ấy là Hầu Trời. Thi phẩm được in trong tập Còn chơi xuất bản vào năm 1921 đã tạo nên ấn tượng đặc biệt và khẳng định tài năng của nhà thơ.

Được viết theo thể thơ thất ngôn trường thiên khá phóng khoáng, tự do, lại thêm cách thể hiện đậm chất tự sự với các yếu tố cốt truyện, tình huống, nhân vật, lời kể… đã tạo nên một cấu tứ rất đặc biệt của tác phẩm này. Đó là một câu chuyện “hầu Trời” của nhân vật chính là tác giả - một thi sĩ, hoàn toàn hư cấu, tưởng tượng, nhưng lại được kể với một giọng điệu say mê, tự nhiên và rất bình dị. Kết hợp giữa cảm hứng lãng mạn và hiện thực, câu chuyện ấy có thể tóm tắt lại qua ba sự việc theo trật tự thời gian: trình bày lí do được lên Trời đọc thơ, cảnh đọc thơ hào hứng của tác giả và thái độ ngợi ca, tán thưởng của Trời và các chư tiên, và cuộc chia tay đầy lưu luyến, xúc động.

Câu thơ đầu tiên là nỗi băn khoăn hết sức chân thật, liệu đêm qua có là thực, hay chỉ là hư. Hỏi đấy rồi để câu thơ 2,3,4 ông đã tự trả lời cho chính những băn khoăn ấy: Tản Đà khẳng định giấc mơ đêm qua bằng cách phủ định liên tiếp, từ “thật” được lặp lại bốn lần: thật hồn, thật phách, thật thân thể, thật được lên tiên để nhấn mạnh những cung bậc cảm xúc mà đêm qua chính ông đã được trải nghiệm, đó là nỗi “sướng lạ lùng”. Đây chính là cách Tản Đà dìu dắt người đọc vào thế giới mộng tưởng, vào giấc mơ đêm qua của ông.

Trong đêm trăng thanh gió mát, giữa lúc canh ba yên ắng, tĩnh mịch, Tản Đà nằm buồn uống nước và ngâm văn thì bỗng thấy có hai cô tiên xuống đón ông lên trời. Chuyện dường như hoàn toàn hư cấu, khó lòng có thể tin được nhưng bằng cách giải thích dí dỏm, hài hước, Tản Đà đã khiến cho lí do đó trở nên chân thực, đồng thời còn khẳng định được tài năng của bản thân: “Trời nghe hạ giới ai ngân nga/ Tiếng ngân vang cả sông Ngân Hà/ Làm Trời mất ngủ, Trời đương mắng/ Có hay lên đọc, Trời nghe qua”.

Ngay sau đó, thi sĩ trình bày lý do được lên tiên cũng đầy lạ lùng. Trong đêm khuya trăng sáng, lúc canh ba, nằm buồn một mình, tác giả ngồi dậy đun nước uống rồi ngâm nga văn thơ. Bỗng thấy hai cô tiên xuống, vì tiếng ngâm vang cả sông Ngân Hà khiến Trời không ngủ được nên Trời mời lên đọc để nghe qua. Đúng là có vẻ khó tin nhưng cách giải thích đầy hóm hỉnh và tự nhiên như thế khiến người đọc thấy được sự thú vị, đời thường và cũng đáng tin. Câu chuyện vì thế càng gợi thêm sự tò mò, hấp dẫn. Vậy đối diện với Trời, thi sĩ sẽ thể hiện mình như thế nào?

Hàng loạt hình ảnh so sánh đẹp đẽ nhất, tinh khiết nhất: sao băng, mây chuyển, tinh như sương, đầm như mưa sa, lạnh như tuyết, đã diễn tả những vẻ đẹp đa dạng, phong phú trong thơ văn Tản Đà. Đồng thời cho thấy niềm sây mê ngưỡng mộ của họ đối với thi nhân. Niềm đam mê văn chương đã xóa nhòa khoảng cách giữa một người trần mắt thịt với những người của nhà Trời. Dường như đến với nghệ thuật, chính cái hay, cái đẹp là sợi chỉ kết nối những tâm hồn nghệ sĩ với nhau, giữa chiếu văn chương không còn người nhà Trời với người trần, không còn người bề trên với kẻ bề tôi, mà chỉ còn quan hệ giữa tác giả và độc giả.

Bằng thể thơ thất ngôn trường thiên, với ngôn ngữ trong sáng, giọng điệu tự nhiên Tản Đà đã mạnh dạn thể hiện cái tôi của bản thân. Đó là cái tôi: ngông ngạo, phóng túng, tự ý thức sâu sắc về tài năng, giá trị đích thực của mình, khao khát được khẳng định giá trị của mình trước cuộc đời.

3. Phân tích bài Hầu trời của Tản Đà

Tản Đà được coi là “người nằm vắt mình qua hai thế kỉ”, là gạch nối giữa thơ mới và thơ cũ, là người đặt nền móng cho thơ mới. Những đánh giá ấy đã xác nhận vị trí quan trọng của Tản Đà đối với văn học Việt Nam giai đoạn giao thời. Ông là đại diện tiêu biểu của văn học Việt Nam giai đoạn này, giai đoạn văn học dân tộc có những bước chuyển mình, bắt đầu cho giai đoạn hiện đại hoá mau lẹ. Hầu trời là một bài thơ có rất nhiều điểm mới. Bài thơ thể hiện đậm nét cá tính sáng tác của Tản Đà. Mạch thơ được triển khai theo logic một câu chuyện với các chi tiết cụ thể, rành mạch, khiến cho bài thơ hấp dẫn và có sức thuyết phục: Nằm một mình, buồn nên dậy đun nước uống rồi ngâm văn, động đến Trời, tiên xuống hỏi rồi đưa lên gặp Trời, Trời cùng chư tiên đón tiếp long trọng, mời đọc thơ, giới thiệu về mình rồi đọc thơ và giãi bày cảnh ngộ cùng Trời, Trời giải thích, khen ngợi rồi cho đưa về trần giới. Nhà thơ đã chọn một cách rất độc đáo để thể hiện tâm sự của mình.

Bài thơ "Hầu trời" gây ấn tượng sâu sắc với người đọc bằng cách vào đề, cách dẫn dắt khá bất ngờ và thú vị, cuốn hút người đọc vào câu chuyện mà tác giả sắp kể.

Chính tác giả là chủ thể của giấc mơ cũng không dám khẳng định là giấc mơ đó có hay không, thực hay hư ảo. Nhưng ở các câu thơ tiếp theo với việc dùng ngữ điệu mãnh mẽ như để khẳng định yếu tố thực của giấc mơ. Từ "thật" được lặp lại bốn lần cũng như để nhấn mạnh sự thật của các chi tiết, hình ảnh trong giấc mơ.

Câu chuyện hoàn toàn hư cấu mà giống như một câu chuyện có thật vì có đủ tình huống, không gian, thời gian diễn ra sự việc và tác giả là nhân vật chính. Tác giả giải thích lí do của buổi "hầu trời" là do "tiếng ngâm vang cả sông Ngân Hà" khiến Trời mất ngủ. Trời bèn sai tiên nữ xuống gọi thi sĩ lên đọc văn cho Trời nghe. Lí do của buổi "hầu trời" mà tác giả đưa ra như một khẳng định rằng: Cái may mắn được lên hầu trời gắn liền với những phút cao hứng trong thơ văn của nhà thơ.

Những câu thơ góp phần thể hiện "Cái tôi" phóng khoáng, tác giả đã cố ý mượn lời của Trời để ca ngợi thơ văn của mình. Nó không những chứng tỏ Tản Đà rất có ý thức về tài năng văn chương vượt trội của bản thân mà còn như khẳng định chính Tản Đà là người khơi nguồn cho một cuộc cách mạng về thơ ca, đúng với cái tên "người của hai thế kỉ" mà Hoài Thanh đã gọi. Cái hay, cái đẹp trong thơ ca của Tản Đà được tác giả đem so sánh với vẻ đẹp tuyệt vời của các hiện tượng, sự vật trong vũ trụ như: sao băng, mây, gió, sương, tuyết..., qua đây cũng thấy được thái độ của tác giả tỏ ra rất tự hào, kiêu hãnh về tài năng văn chương của mình. Theo yêu cầu của Trời, thi sĩ tự xưng tên tuổi và thân thế.

Từ một câu chuyện dường như không có thật, "hầu trời" đã phản ánh khá rõ tính cách của Tản Đà, ông đã mạnh dạn tự biểu hiện "cái tôi" cá nhân, một "cái tôi" ngông, phóng túng. Qua đó tác giả cũng ý thức rất rõ về tài năng, dám công khai cái tài văn chương hơn người của mình. Bài thơ "Hầu trời" là một bài thơ hay và độc đáo, tiêu biểu cho tính chất giao thời giữa cái mới và cái cũ trong nghệ thuật thơ Tản Đà, một trong những tác phẩm tiêu biểu cho cả hồn thơ Tản Đà và cả phong trào thơ mới.

Ngày:18/01/2021 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM