Phân tích tác phẩm Mẹ tôi của Ét-môn-đô-đơ A-mi-xi

eLib xin gửi đến các em nội dung bài văn mẫu dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được tình cảm mà cha mẹ dành cho đứa con của mình. Từ đó, các em có thái độ yêu thương, lễ phép với cha mẹ hơn. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Phân tích tác phẩm Mẹ tôi của Ét-môn-đô-đơ A-mi-xi

1. Dàn ý phân tích tác phẩm "Mẹ tôi"

a. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả:

+ Ét-môn-đô-đơ A-mi-xi (1846 -1908) là nhà văn Ý.

+ Là một nhà hoạt động xã hội, nhà văn lỗi lạc, giàu lòng nhân ái.

- Nêu sơ lược về tác phẩm: Văn bản Mẹ tôi được trích trong tác phẩm Những tấm lòng cao cả (1886).

b. Thân bài:

- Nội dung của văn bản: En-ri-cô ăn nói thiếu lễ độ với mẹ. Bố biết chuyện, viết thư cho En-ri-cô với lời lẽ vừa yêu thương vừa tức giận. Trong thư, bố nói về tình yêu, về sự hi sinh to lớn mà mẹ đã dành cho En-ri-cô. Trước cảnh ứng xử khéo léo và tế nhị nhưng kiên quyết, gay gắt của bố, En-ri-cô đã vô cùng hối hận.

- Tình thương của người mẹ dành cho En-ri-cô:

+ Thức suốt đêm, quằn quại, khóc nức nở vì sợ mất con.

+ Người mẹ sẵn sàng bỏ hết hạnh phúc để tránh đau đớn cho con.

+ Có thể đi ăn xin để nuôi con, hi sinh tính mạng để cứu con.

+ Yêu thương con sâu sắc.

+ Dịu dàng và hiền hậu.

+ Giàu đức hi sinh và hết lòng tận tụy vì con.

-> Dành hết tình yêu thương cho con, quên mình vì con. Mẹ là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con suốt cuộc đời. Phẩm chất cao đẹp, xứng đáng để chúng ta tôn thờ, kính trọng. - Tâm trạng, thái độ của người bố đối với En-ri-cô.

- Cảnh cáo nghiêm khắc lỗi lầm của En-ri-cô:

+ Sự hỗn láo của con như một nhát dao đâm vào tim bố vậy. Bố không thể nén cơn tức giận.

+ Con mà lại xúc phạm đến mẹ ư? Thật đáng xấu hổ và nhục nhã.

+ Gợi lại hình ảnh lớn lao và cao cả của người mẹ và làm nổi bật vai trò của người mẹ trong gia đình.

-> Vừa dứt khoát như ra lệnh vừa mềm mại như khuyên nhủ, mong muốn con hiểu được công lao, sự hi sinh vô bờ bến của mẹ.

- Lời khuyên của bố:

+ Yêu cầu con sửa lỗi lầm.

+ Không bao giờ thốt ra một lời nói nặng với mẹ.

+ Con phải xin lỗi mẹ.

+ Con hãy cầu xin mẹ hôn con.

-> Lời khuyên chân thành, sâu sắc. En-ri-cô có một người cha mẫu mực, sâu sắc, thấu hiểu đạo lí.

c. Kết bài:

- Với giọng văn tha thiết nhưng nghiêm khắc cùng với cách diễn đạt độc đáo, nhà văn đã giúp chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp cap cả, giàu đức hi sinh của người mẹ, vẻ đẹp mẫu mực của người cha và cho ta bài học sâu sắc về đạo làm con.

- Lựa chọn hình thức viết thư để thể hiện những tình cảm, thái độ của người cha đối với En-ri-cô.

2. Viết bài văn cảm nhận văn bản "Mẹ tôi"

Trong cuộc đời của mỗi chúng ta, người mẹ có vai trò lớn lao và tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng nhất, nhưng không phải khi nào ta cũng ý thức được điều đó. Bài văn Mẹ tôi của nhà văn Ét-môn-đô đờ A-mi-xi trích trong cuốn sách Những tấm lòng cao cả được viết dưới hình thức một bức thư là một bài học sâu sắc và cảm động về đạo làm con.

Truyện kể về chú bé En-ri-cô đã tỏ ra thiếu lễ độ với mẹ khi cô giáo đến thăm nhà. Buồn bã và tức giận, bố chú đã viết cho chú lá thư này. Bức thư thể hiện thái độ, tình cảm và suy nghĩ của người bố. Đó là thái độ bất bình trước lỗi lầm của đứa con và tình cảm trân trọng mà ông dành cho vợ mình nói riêng và những người mẹ nói chung. Qua đó, tác giả khẳng định sự thiêng liêng của tình mẫu tử. Dù ở bất cứ đâu, bất cứ thời đại nào, tình mẫu tử cũng làm cho cuộc sống nhân loại trở nên bất diệt.

Người cha đã "để ý" đến điều đó và ông vô cùng tức giận. Ngay ở phần đầu bức thư, ông đã răn đe: "Việc như thế không bao giờ con dược tái phạm nữa". Rồi ông bày tỏ tâm trạng: "Sự hỗn láo của con như một nhát dao đâm vào tim bố vậy". Nỗi đau tinh thần - sự buồn bã và tức giận – được ví với một tình huống khốc liệt: "nhát dao đâm vào tim", chứng tỏ nỗi lòng người cha vô cùng đau đớn, vừa buồn vừa giận con, vừa xót xa, thất vọng vì đứa con đã không xứng với tình yêu và niềm trông đợi của ông. Trái tim ông như rỉ máu. Ông đau đớn tưởng chừng không sống nổi.

Thật hạnh phúc cho những đứa con được ấp ủ, khôn lớn trong vòng tay nâng niu của mẹ. Mẹ là người che chở, đùm bọc, là chỗ dựa đáng tin cậy nhất của các con trong mọi thành công hay thất bại trên đường đời. Nếu đứa con nào đó vô tình hay cố ý chà đạp lên tình mẫu tử thì không xứng đáng làm người và chắc chắn sẽ phải ân hận suốt đời.

Văn bản "Mẹ tôi" đã cho thấy chân dung của một người mẹ có tình yêu thương con tha thiết, sâu nặng. Qua hình ảnh người mẹ của En-ri-cô, ta thấy người mẹ với tình yêu thương bao la, cao cả có vai trò quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Bởi vậy, mỗi chúng ta cần phải yêu quý, kính trọng cha mẹ, đền đáp công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ đối với mình. Qua bức thư của người bố gửi En-ri-cô, ta thấy lời giáo huấn không hề khô khan mà vô cùng xúc động, chứa chan tình phụ – tử, tình mẫu – tử. Bố vừa giận vừa thương con; bố đã dạy con bài học về lòng hiếu thảo, biết kính trọng và biết ơn cha mẹ. Lòng mẹ bao la và mênh mông. Con không được vô lễ, không được vong ân bội nghĩa với mẹ cha. Chúng ta cảm thấy mình “lớn lên” cùng trang nhật ký của En-ri-cô.

3. Viết bài văn phân tích tác phẩm "Mẹ tôi"

Mẹ tôi là văn bản được trích trong cuốn truyện dành cho thiếu nhi Những tấm lòng cao cả của Ét-môm-đô đơ A-mi-xi, đây đồng thời cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Văn bản thể hiện tấm lòng cao cả của người mẹ đối với đứa con thân yêu của mình.

Bức thư do bố En-ri-cô viết trong hoàn cảnh En-ri-cô đã có thái độ vô lễ với mẹ, người bố viết thư này giúp En-ri-cô suy nghĩ, nhận ra và sửa chữa lỗi lầm của mình.

Để En-ri-cô nhận ra lỗi lầm của mình trước hết người cha thể hiện thái độ đau buồn, giận dữ và có phần thất vọng. Thái độ đó được thể hiện rõ qua những lời văn gay gắt, từ ngữ mạnh mẽ: “Con đã thiếu lễ độ với mẹ”, “bố không thể nén cơn tức giận”. Trong đoạn đầu bức thư ông đã hết sức nghiêm khắc trước những lỗi lầm của con, thậm chí ông còn cảnh cáo: “Việc như thế con không bao giờ được tái phạm nữa”. Lời lẽ nghiêm khắc, thái độ dứt khoát dù có đôi chút nặng nề nhưng đã tác động phần nào đến nhận thức của En-ri-cô.

Cảm động nhất là khi bố chỉ cho con thấy nỗi bất hạnh “buồn thảm nhất” của một đời người là “ngày mà con mất mẹ”. Mồ côi mẹ là nỗi đau khổ nhất của tuổi thơ. Cho dù khi đã lớn khôn, trưởng thành, dũng cảm,... đứa con vẫn không bao giờ tìm lại được bóng dáng yêu thương của mẹ hiền. Một tiếng nói dịu hiền của mẹ. Một cử chỉ thân thương của mẹ “được mẹ dang tay ra đón vào lòng”. Nỗi cô đơn của đứa con (dù lớn khôn, khỏe mạnh) không thể nào kể xiết, vì thiếu tình thương ấp ủ của mẹ hiền, “con sẽ vẫn tự thấy mình chỉ là một đứa trẻ tội nghiệp, yếu đuối và không được chở che”. Lúc ấy, "con sẽ cay đắng...”, “con sẽ không thể sống thanh thản”, “con sẽ không một phút nào yên tĩnh”) vì lương tâm cắn rứt, con nhớ lại “những lúc đã làm cho mẹ đau lòng”, “đã làm cho mẹ buồn phiền”. Lúc ấy dù có “hối hận”, dù con có "cầu xin linh hồn mẹ tha thứ” thì cũng chỉ vô ích mà thôi, vì mẹ đã mất từ lâu rồi. Một nỗi đau ghê gớm là thời gian năm tháng sẽ không bao giờ làm nguôi quên những hình ảnh, những kỉ niệm vui, buồn về người mẹ hiền yêu quý, “lương tâm con sẽ không một phút nào yên tĩnh”. Và lúc ấy, “hình ảnh dịu dàng và hiền hậu của mẹ sẽ làm tâm hồn con như bị khổ hình”.

Người cha dường như muốn nhấn mạnh rằng tình cảm cha mẹ đối với con cái là thiêng liêng cao cả. Sẽ thật xấu hổ, nhục nhã cho những ai không hiểu và chà đạp lên tình cảm đó.

Giọng văn dường như dịu lại, người cha dần nguôi giận và ông muốn người con hãy: "Từ nay, không bao giờ con được thốt ra một lời nói nặng với mẹ. Con phải xin lỗi mẹ, không phải vì sợ bố, mà do sự thành khẩn trong lòng. Con hãy cầu xin mẹ hôn con, để cho chiếc hôn ấy xóa đi cái dấu vết vong ân bội nghĩa trên trán con. Bố rất yêu con, En-ri-cô ạ, con là niềm hi vọng tha thiết nhất của đời bố, nhưng thà rằng bố không có con, còn hơn là thấy con bội bạc với mẹ. Thôi, trong một thời gian con đừng hôn bố: Bố sẽ không thể vui lòng đáp lại cái hôn của con được”.

Qua bức thư của người bố gửi cho con, chúng ta hiểu hơn về tình yêu của cha mẹ dành cho con cái. Những lời dạy bảo không khô khan cứng nhắc mà chan chứa yêu thương. Yêu thương, kính trọng hiếu thảo với cha mẹ chính là thông điệp mà tác giả muốn gửi đến tất cả những người làm con trên khắp thế gian này.

  • Tham khảo thêm

Ngày:04/11/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM