Phân tích nhân vật Việt và Chiến trong Những đứa con trong gia đình

Chiến và Việt là hai nhân vật có lòng yêu nước và lòng căm thù giặc sâu sắc. Để giúp các em có thể dễ dàng phân tích được hai nhân vật này hơn eLib đã tổng hợp và biên soạn những bài văn mẫu về phân tích nhân vật Việt và Chiến trong Những đứa con trong gia đình. Cùng eLib tham khảo nhé!

Phân tích nhân vật Việt và Chiến trong Những đứa con trong gia đình

1. Dàn ý phân tích nhân vật Việt và Chiến

a. Mở bài:

- Giới thiệu khái quát về tác phẩm: “Những đứa con trong gia đình” là một trong những tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Thi. Thành công của truyện chủ yếu là nghệ thuật xây dưng tình cách nhân vật. Trong đó tác giả tập trung phần lớn ở hai nhân vật Việt và Chiến.

- Hai nhân vật có rất nhiều nết giống nhau vì họ la hai chị em ruột. Tuy nhiên ở mỗi nhân vật có nét riêng của mỗi người.

b. Thân bài:

- Những nét tính cách chung:

+ Thương cha thương mẹ, căm thù giặc sâu sắc, cùng một ước nguyện được cầm súng đánh giặc trả thù cho ba, má. Tình cảm này thể hiện rõ nhất trong đêm hai chị em giành nhau ghi tên tòng quân, cùng khiêng bàn thờ má sang gửi nhà chú Năm “ đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về” “mối thù thằng Mĩ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng ở trên vai”.

+ Hai chị em đều là những chiến sĩ dũng cảm, gan góc và từng lập được nhiều chiến công; bắn tàu chiến giặc, Chiến là tiểu đội trưởng của đội nữ địa phương. Việt thì tiêu diệt được một xe tăng địch trong một trận đánh giáp lá cà. Vì cha mẹ là dũng sĩ nên dường như họ sinh ra là để cầm súng đánh giặc.

+ Hai chị em còn rất trẻ , hơn nhau 1 tuổi (chị 18, em 17). Vì thế ở hai nhân vật này có những nét rất trẻ con: chẳng hạn, tuy thương yêu nhau nhưng lại hay giành nhau, giành phần bắt ếch nhiều hay ít, giành nhau thành tích bắn tàu chiến Mĩ, giành nhau ghi tên tòng quân đánh giặc…

- Những nét riêng giữa hai chị em:

+ Tài nghệ của Nguyễn Thi trong xây dựng nhân vật là đã tạo ra những nét riêng của hai nhân vật này. Mỗi người một vẻ, không lẫn với nhau được. Những nét tính cách của Việt và Chiến xét đến cùng là do một người là gái, một người là trai, một người là chị, một người là em.

+ Nhân vật Chiến có cái gan góc riêng của phụ nữ. Việt có thể dũng cảm trong chiến đấu nhưng không thể có cái gan kiên trì ngồi đánh vần cuốn sổ gia đình của chú Năm như Chiến.

+ Việt hiếu động, chỉ thích bắt ếch, câu cá, bắn chim, lúc nào cũng có cái ná thun trong mình. Là chị nên Chiến tuy chưa hết tính trẻ con , có lúc cũng tranh với em, nhưng cũng có lúc lại biết nhường nhịn em, như khi tranh công bắt ếch. 

+ Như vậy ở Chiến có sự hòa lẫn giữa tính trẻ con và niềm khát khao đánh giặc, có tấm lòng thương em của một người chị biết suy nghĩ chính chắn. Không chịu nhường em ở những nơi đạn bom nguy hiểm.

+ Chiến là cô gái đảm đang tháo vát, sớm biết lo nghĩ. Vả lại cha mẹ mất cả, là người chị lớn, phải sớm làm chủ gia đình. Vì thế ở Chiến có cái gì đó tỏ ra khôn ngoan, già dặn trước tuổi.

+ Ngoài ra Chiến là cô gái mới lớn nên bắt đầu thích soi gương, thích làm duyên làm dáng, đi đánh giặc mà vẫn có cái kiềng trong túi…

+ Còn ở Việt thì trẻ con hơn, hiếu thắng. Vả lại là em nên không cần phải nhường nhịn ai. Công việc trong gia đình Việt đều phó mặc tất cả cho chị Chiến, nghe chị bàn việc gia đình thì cứ ừ ào cho qua, vừa nghe vừa “chụp một con đom đóm úp trong lòng bàn tay” “rồi ngủ quên lúc nào không biết”.

+ Việt còn trẻ con quá nên đã đi bộ đội rồi mà vẫn dắt theo ná thun, yêu quý chị mà cứ giữ kín vì sợ mất chị, đánh giặc không sợ chết mà lại sợ ma, khi gặp lại đồng đội thì vừa khóc vừa cười…Tuy nhiên khi xung trận thì Việt là một chiến sĩ dũng cảm, tinh thần cảnh giác và chiến đấu rất cao.

c. Kết bài:

- Tóm lại hai nhân vật Việt và Chiến đúng là có nhiều đức tính giống nhau, nhưng đồng thời lại là hai cá tính khác nhau. Tuy thế cả hai đều rất đáng yêu, dễ mến. Hai nhân vật để lại ấn tượng đậm nét trong lòng người đọc.

- Nhận xét: Nguyễn Thi rất tinh tế, sắc sảo trong bút pháp xây dựng nhân vật, tạo được sự lôi cuốn hấp dẫn người đọc.

2. Cảm nhận của em về Việt và Chiến

Trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Nguyễn Thi là một trong những cây bút tiêu biểu cho văn học Việt Nam. Tuy quê ở Nam Định nhưng ông lại được mệnh danh là nhà văn của người nông dân Nam Bộ. Trong sáng tác của ông có những tác phẩm tiêu biểu: Trăng sáng, Đôi bạn, Những đứa con trong gia đình…Nhưng tiêu biểu hơn cả là tác phẩm được viết ngay trong những ngày chiến đấu ác liệt –“Những đứa con trong gia đình”. Qua tác phẩm, nhà văn cho ta thấy được vẻ đẹp, phẩm chất của nhân vật Việt và Chiến: giàu lòng yêu nước, căm thù giặc. Họ như đi lên từ tuổi thơ đau thương, mất mát mà đến với cuộc chiến.

Không phải ngẫu nhiên mà tác giả lại đặt cho tác phẩm của mình là “Những đứa con trong gia đình”. Nhan đề ấy gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ: phải chăng những đứa con trong gia đình là những người con được sinh ra, lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, đấu tranh kiên cường. Những đứa con ấy đã sống, chiến đấu để xứng đáng với truyền thống ấy? “Những đứa con trong gia đình” là sự khẳng định, ngợi ca mối liên hệ bền chặt, thiêng liêng giữa các thế hệ trong gia đình.

Việt và Chiến còn là những chiến sĩ xông xáo trên mặt trận, gan dạ dũng cảm lập được nhiều chiến công. Chị Chiến mặc dù là con gái song chị mang trong mình ý chí, quyết tâm rất cao. Ra đi đánh giặc, chị chỉ mang theo một tâm nguyện: “Ta là thân gái, ra đi chỉ một câu này: Nếu giặc còn thì ta mất”. Tinh thần quyết tâm chiến đấu đến cùng với giặc ngoại xâm, đồng thời còn cho thấy sự mạnh mẽ, kiên cường của người phụ nữ nông dân Nam Bộ. Đây cũng là ý nguyện của toàn bộ thanh niên miền Nam lúc bấy giờ: “Ra đi chỉ một lời thề/ Chưa giết hết giặc chưa về quê hương”. Còn Việt, anh tham gia chiến đấu khi chưa đủ tuổi tòng quân, nhưng Việt đã chứng tỏ mình là một chiến sĩ vô cùng dũng cảm. Sự dũng cảm ấy được thể hiện trong lần anh ôm cả bầu pháo lao vào xe tăng địch; thể hiện trong lần Việt bị thương nằm giữa rừng, dù các giác quan gần như tê liệt, chỉ duy nhất một ngón tay còn cử động anh vẫn để sẵn vào cò sũng, luôn trong tư thế sẵn sang chiến đấy. Sự dũng cảm của Việt không chỉ thể hiện rõ trong chiến đấu mà còn thể hiện trong quan niệm về cái chết: “Chết là đau gấp mấy lần bị thương; chết là người thật bay lên nóc nhà còn người giả nằm dưới đất”, Qua niệm có phần ngây thơ, trẻ con, nhưng lại cho thấy cái chết đối với Việt không phải là điều khủng khiếp nhất với anh. Từ đó làm toát lên tình thần dũng cảm ở Việt. Sự gan dạ, dũng cảm ở hai chị em đã tạo nên hình ảnh đẹp đẽ, tiêu biểu cho những chiến sĩ giải phóng quân trong những năm kháng chiến chống Mĩ.

Theo dòng hồi tưởng của Việt, chị Chiến - người chị mà Việt hết sức thương yêu quí trọng- đã xuất hiện trước mắt người đọc với nét trẻ con và cả tính người lớn. Chiến dẫu sao cũng chỉ là một cô gái mới lớn, vẫn thích được khen, tranh công bắt ếch với em. Rồi đến cái ngày hai chị em đăng kí đi bộ đội, Chiến đã tranh đi với em-một lẽ vì thương em còn nhỏ nhưng một lẽ Chiến vẫn còn trẻ con: “Tao lớn tao mới đi, mày còn nhỏ, ở nhà phụ làm với chú Năm, qua năm hãy đi”, “Đề nghị mấy anh xét lại cho. Nó là em tôi mà cái gì nó cũng giành”.

Nhưng ở phương diện khác Chiến lại tỏ ra là một cô gái rất gan góc, đảm đang, tháo vát. Và trong cảm nhận của em, Chiến giống mẹ đến lạ lùng. Chiến lo lắng cho em từng chút, đi đâu Chiến cũng xem chừng em, yêu thương em. Đặc biệt Chiến là một cô gái tháo vát, đảm đang: trước khi lên đường chiến đấu, Chiến đã thu xếp việc nhà chu đáo: “thằng Út sang ở với chú Năm, chú nuôi. Còn cái nhà này ba má làm ra thì cho các anh ở xã mượn mở trường học”. Cả cái giường ván, Chiến cũng cho xã mượn làm ghế để ngồi học. Cái nồi, cái lu, chén, dĩa…Chiến đều gửi cho chú Năm. Nhà có năm công ruộng, Chiến giao lại cho chú Năm và bà con trong xóm làm. Hai công mía thì nhờ chú Năm thu hoạch để giỗ má. Bàn thờ ba má thì hai chị em cũng đem sang chú cho thằng Út trông coi.

Chị Chiến mang vẻ đẹp khỏe khoắn, bắp chân lúc nào cũng tròn lẳn, bước chân đi rất nhanh và mạnh, khiến Việt có thể cảm nhận rõ bước chân bình bịch khi cùng chị khiêng bàn thờ má sang nhà chú Năm. Đó là sức vóc đặc trưng của những người phụ nữ nông dân Nam Bộ, họ sinh ra để lo toan, thu vén cho gia đình. Là chị cả trong gia đình, chị Chiến sớm tỏ ra là người con gái đảm đang, tháo vát, chị lo toan công việc chu toàn. Trước khi lên đường ra mặt trận chị đã sắp xếp tươm tất mọi việc: chuyển bàn thờ má, cho mượn nhà làm trường học, trả lại ruộng cho xã,… Chị luôn suy nghĩ, lo toan chu đáo mọi việc.

Cùng với nhân vật Chiến, nhà văn đã khắc họa thành công nhân vật Việt. Việt đúng là một chàng trai mới lớn, hết sức hiếu động: thích bắt ếch, bắn chim, câu cá… và rất vô tư. Trong cái đêm trước ngày lên đường nhập ngũ khi nghe chị bàn việc nhà, Việt “lăn ra ván cười khì khì”, chụp một con đom đóm trong lòng tay rồi ngủ quên lúc nào không biết. Đến lúc đã thành một người lính, Việt vẫn mang theo cái ná thun bên mình. Khi bị thương giữa chiến trường, thất lạc đồng đội Việt không hề nao núng sợ hãi mà anh lại sợ ma. Việt thương chị mình theo một cách cũng rất trẻ con là giấu chị như giấu của riêng vì sợ mất chị.

Tuy chỉ mới mười tám tuổi nhưng Việt lại chiến đấu rất gan dạ và dũng cảm, kiên cường bởi lẽ dòng máu trong người Việt là dòng máu anh hùng, dòng máu của “những người con trong gia đình” có truyền thống cách mạng. Ngay từ khi còn rất nhỏ, Việt đã dám xông vào thằng giặc đã giết cha mình. Khi chiến đấu Việt lập chiến công là đã hạ được một xe bọc thép của giặc. Dù cận kề cái chết Việt vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu: “đạn đã lên nòng, ngón tay còn lại sẵn sàng chiến đấu”.

Xây dựng chân dung hai nhân vật Việt và Chiến, tác giả Nguyễn Thi đã làm nổi bật chân dung của những con người anh hùng trong thời đại mới. Trong họ trong chỉ đơn thuần là yêu căm chiến lạc, mà ở họ còn có những cung bậc cảm xúc khác nhau, khi mơ hồ, tinh tế, khi sắc nét, rõ ràng. Chính những yếu tố đó đã góp phần tạo nên sự thành công khi xây dựng chân dung nhân vật.

3. Em hãy phân tích hai nhân vật Việt và Chiến

Chiến có những nét giống mẹ: gan góc, đảm đang tháo vát. Nguyễn Thi có ý thức tô đậm nét kế thừa người mẹ nhân vật Chiến. Chiến là một tính cách đa dạng: vừa là một cô gái mới lớn, tính khi còn rất trẻ con, vừa là người chị biết nhường em,.,biết lo toan, đảm đang, tháo vát. So với người mẹ, Chiến không chỉ khác ở cái vẻ trẻ trung thích làm duyên làm dáng. Vận hội mới của cách mạng đã tạo điều kiện cho Chiến được trực tiếp cầm súng đánh giặc để trả thù nhà, thực hiện lới thề như dao chém đá của mình: “Đã lăm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất” .

Trong tác phẩm, Việt là nhân vật xuất hiện nhiều lần nhất. Việt đã hiện lên cụ thể và sinh động trước mắt ta, vừa là cậu con trai mới lớn, vừa là một chiến sĩ gan góc, dũng cảm, kiên cường. Việt có cái nét riêng dễ mến của một cậu con trai lộc ngộc vô tư, tính anh còn rất trẻ con, rất ngây thơ, hiếu động.

Nếu Chiến luôn biết nhường nhịn em, thì trái lại, Việt lại hay tranh giành phần hơn với chị. Việt rất thích đi câu ca, bắn chim, và đến khi đi bộ đội vẫn còn đem theo cả cái súng cao su ở trong túi. Mọi công việc trong nhà, Việt đều phó thác cho chị. Đêm trước ngày lên đường, Chiến lo toan thu xếp chu đáo việc nhà, từ Út em, nhà cửa, ruộng nương đến nơi gửi bàn thờ má, bàn bạc với em một cách trang nghiêm còn Việt thì vô tư “lăn kềnh ra ván cười khì khì”, vừa nghe vừa chụp một con đom đóm úp trong lòng tay rồi ngủ quên lúc nào không biết. Cách thương chị của Việt cũng rất trẻ con, “giấu chị như giấu của riêng” vì sợ mất chị trước những lới tán tỉnh đùa tếu của anh em. Việt bị thương nằm lại ở chiến trường, đến khi gặp được đồng đội thì cũng giống hệt như thằng Út em ở nhà “khóc đó rồi cười đó”.

Trong chị Chiến có lòng căm thù giặc sâu sắc. Dù là một người con gái bé nhỏ, nhưng chị sẵn sang xung phong đi bộ đội. Khi khiêng bàn thờ ba má: “Chúng con đi đánh giặc trả thù ho ba má…”, “mối thù thằng Mĩ có thể rờ thấy được”. Đêm trước ngày ra chiến trường: dặn em và cũng là dặn chính mình phải quyết tâm trả thù giặc bằng xong với về. Tự hứa: “Đã là thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à!”. Bằng những lời nói thật giản dị nhưng chất chứa lòng căm thù giặc sâu sắc của chị. Trong cuộc sống hàng ngày chị là một người con gái đảm đang, tháo vát. Trước khi đi, chị thu xếp việc nhà chu toàn: viết thư cho chị Hai, cho xã mượn nhà làm trường học.

Xây dựng hai nhân vật Việt và Chiến, tác giả đã cho thấy lòng căm thù giặc, cùng ý chí quyết tâm đánh giặc cứu nước, lòng trung thành tuyệt đối với cách mạng của những người con trong các gia đình nông dân Nam Bộ. Đồng thời cũng khẳng định sự gắn bó, hòa quyện giữa tình cảm gia đình với tình yêu đất nước, truyền thống gia đình với truyền thống dân tộc đã làm nên chiến thắng vẻ vang.

Vẻ đẹp của hai nhân vật chính là bắt nguồn từ thế hệ trước. Gia đình Chiến có lòng dũng cảm và lòng căm thù giặc sâu sắc. Bên cạnh đó mỗi thế hệ lại mang những nét đẹp riêng, chú Năm luôn có ý thức gánh vác việc gia đình, tạo cơ hội cho các thế hệ sau được ra chiến trường trực tiếp cầm súng chiến đấu, lập chiến công trả thù. Má Tư Năng, chồng mất, can trường bất khuất, một mình nuôi con. Thế hệ sau có Việt và Chiến với lòng căm thù giặc sâu sắc, khúc sông sau chảy mạnh hơn, đi xa hơn, đã hòa vào biển lớn. Truyền thống gia đình đã cho thấy sự gắn bó, hòa quyện giữa tình cảm gia đình với tình yêu đất nước, truyền thống gia đình với truyền thống dân tộc đã làm nên chiến thắng vẻ vang.

Bằng ngòi bút sắc sảo của mình, Nguyễn Thi đã thành công trong việc khắc họa tính cách nhân vật một cách tinh tế sâu sắc, ngôn ngữ mang đậm sắc thái Nam bộ giàu chất tạo hình, góc cạnh.

Tóm lại, “Những đứa con trong gia đình” đã thành công trong việc khắc họa hình tượng nhân vật Chiến và Việt - những thanh niên một thời hào hùng của dân tộc. Thông qua hai nhân vật này nhà văn đã cho thấy chính sự gan góc, kiên cường đã tạo nên sức mạnh dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược.

Ngày:23/01/2021 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM