Phân tích và cảm nhận về vẻ đẹp nhân vật viên quản ngục trong Chữ người tử tù

Bài văn mẫu dưới đây sẽ giúp các em phân tích và cảm nhận được về nhân vật viên quản ngục trong "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân. Đồng thời giúp các em trong việc rèn luyện kĩ năng viết văn và trao dồi thêm vốn từ phong phú. Chúc các em học thật tốt!

Phân tích và cảm nhận về vẻ đẹp nhân vật viên quản ngục trong Chữ người tử tù

1. Phân tích vẻ đẹp của nhân vật viên quản ngục trong "Chữ người tử tù"

Truyện ngắn “Chữ người tử tù” được xem là thiên truyện đặc sắc nhất của Nguyễn Tuân, qua ngòi bút của ông chúng ta thấy không chỉ riêng nhân vật Huấn Cao được khắc họa độc đáo mà bên cạnh đó, nhân vật viên quản ngục cũng được Nguyễn Tuân khắc họa một cách độc đáo. Nhân vật viên quản ngục tuy không phải là người làm nghệ thuật, nhưng viên quản ngục là người có một tâm hồn nghệ sĩ của kẻ liên tài, nghĩa là ông vô cùng quý trọng người có tài. Viên quản ngục vô cùng say mê và quý trọng cái tài, cái đẹp, vì thế khi gặp Huấn Cao là người có tài ông đã cung kính biệt đãi Huấn Cao một cách tử tế. Trước Huấn Cao, viên quản ngục tự thẹn với lòng và tự thấy mình là một “kẻ tiểu lại giữ tù” thấp hèn. Chính vì những điều đó đã làm nổi bật lên nét xuất hiện bên cạnh Huấn Cao - tử tù cho chữ, là nhân vật quản ngục - người xin chữ, hai nhân vật ấy đã được Nguyễn Tuân miêu tả một cách đặc sắc, đầy ấn tượng.

Ngục quan có một ngoại hình dễ nhìn: “Đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu”; “Bộ mặt tư lự, nhăn nheo, có một đời sống nội tâm sâu sắc, cả nghĩ”. Sau khi nhận được phiến trát của Sơn Hưng Tuyên đốc bộ đường về chuyện nhận sáu tên tử tù, trong đó có Huấn Cao "người đứng đầu bọn phản nghịch" lại "có tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp", ngục quan đăm chiêu nghĩ ngợi. Hình ảnh ngục quan thao thức giữa đêm khuya khi đĩa dầu sở đã "vợi lần mực dầu", lúc đầu thì "tư hỉ" càng vể khuya thì trên mặt ông "chỉ còn là mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ". Việc nhận tù sắp tới đã gây ra xao động ghê gớm trong tâm tư vị ngục quan này. Ông là một người từng trải, có "tính cách dịu dàng" khác hẳn với những kẻ "sống bằng tàn nhẫn bằng lừa lọc" trong chốn đề lao.

Quản ngục không phải là một hung thần với đôi bàn tay vấy máu. Ông cũng là một nhà nho "biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền" có nhiều đức tính tốt. Kín đáo và thận trọng trong cử chỉ, ngôn ngữ. Cách hỏi dò viên thư lại về tử tù: “Tôi nghe ngờ ngợ. Huấn Cao!...". Qua câu nói của viên thơ lại, ông nghĩ: "Có lẽ lão bát này cũng là một người khá đây (...). Một kẻ biết kính mến khí phách, một kẻ biết tiếc, biết trọng người có tài, hẳn không phải là kẻ xấu hay là vô tình". Ngục quan muốn biệt đãi Huấn Cao, nhưng vẫn sợ viên thơ lại cáo giác, nên ông rất cảnh giác, thận trọng: "Để mai ta dò ý tứ hắn lần nữa xem sao rồi sẽ liệu".

Viên quản ngục còn là một người có nhân cách đẹp, biểu tượng của cái đẹp đặt trên cái trần tục tầm thường. Nguyễn Tuân từng khẳng định: "Ông trời nhiều khi chơi ác, đem đày ải những cái thuần khiết vào giữa một đống cặn bã". Phải chăng, giữa đống cặn bã của ngục tù, hình ảnh viên quản ngục chính là viên ngọc trong trẻo, sáng rỡ. Vẻ đẹp nhân cách được thể hiện ở việc nhân vật này luôn lấy cái tài hoa, khí phách và nhân cách để làm thước đo giá trị con người. Đối với thầy thơ lại, viên quản ngục nghĩ rằng "hắn cũng như mình, cũng chọn nhầm nghề mất rồi". Một kẻ kính mến khí phách, con mắt nhìn người sâu sắc, lấy tiêu chí từ vẻ đẹp tài hoa chứ không xuất phát từ xuất thân hay vẻ ngoài. Vẻ đẹp tâm hồn còn được thể hiện qua khát vọng xin chữ, "sở nguyện" của cả đời người. Đó là hoài bão, khát vọng làm sao để xin được chữ của Huấn Cao. Trong lòng viên quản ngục chỉ băn khoăn rằng mai mốt đây, ông Huấn bị hành hình mà không kịp xin được mấy chữ thì ân hận suốt đời mất. Cho nên mặc dù bị từ chối nhiều lần nhưng viên quản ngục vẫn cố xin được chữ Huấn Cao.

Chơi chữ là một nghệ thuật, người chơi chữ phải là một người nghệ sĩ tài hoa có con mắt thẩm mĩ vượt lên trên cái tầm thường mới cảm nhận hết được vẻ đẹp ấy. Với quản ngục, nét chữ của Huấn Cao giống như một báu vật, trân trọng nét chữ hay chính là trân trọng nhân cách và giá trị con người. Tấm lòng của quản ngục với Huấn Cao là tấm lòng trân trọng cái tài, yêu mến cái đẹp. Khi nào vẫn có những con người sáng tạo ra cái đẹp, thì khi đó vẫn có những con người khát khao nâng giữ và vinh danh cái đẹp đó.

Trong cảnh cho chữ hùng vĩ, có một chi tiết đáng nhớ: “Người tù viết xong một chữ viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền xèng đánh dấu ô chữ đặt lên phiến lục ông”, “khúm núm” không phải chỉ vì nịnh bợ mà là vì cảm phục. Khi sự cảm phục lên đến đỉnh điểm cũng là lúc kết thúc truyện. “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Một nghệ thuật tài hoa, kết thúc truyện ở cao trào. Chính nghệ thuật độc đáo đó đã nêu bật cái đẹp toàn diện, toàn mĩ và rất đặc sắc của cả người xin chữ và người cho chữ.

Dọc theo suốt chiều dài của truyện, nhân vật quản ngục luôn tồn tại với một ý nghĩa nhất định. Nhân vật viên quản ngục không chỉ là một hình tượng độc đáo mà còn là nhân vật hội đủ những đặc điểm chung nhất của tập truyện “Vang bóng một thời” theo quan niệm và phong cách Nguyễn Tuân: Lãng mạn mà vẫn hiện thực, là tiếng nói của thiên lương, của tinh thần dân tộc, là biểu hiện của sự “yêu mến và than tiếc những cái đã qua và có sức làm sống lại một thời xưa cũ”.

2. Cảm nhận về vẻ đẹp của nhân vật viên quản ngục trong “Chữ người tử tù”

Nguyễn Tuân được biết đến là nhà văn có phong cách viết độc đáo, mỗi tác phẩm của ông in dấu đậm trong lòng người đọc bởi cách xây dựng nhân vật độc đáo, ấn tượng. Tập truyện ngắn “Vang bóng một thời” thể hiện cá tính sáng tác và phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân rất rõ nét. Đến với truyện ngắn “Chữ người tử tù”, ta bắt gặp một nhân vật quản ngục mang nhiều phẩm chất cao đẹp.

“Chữ người tử tù” là câu chuyện kể về nhân vật trung tâm tên là Huấn Cao. Huấn Cao là một người anh hùng khí chất, có tài viết chữ nổi danh xa gần. Vì động lòng dân vùng lên khởi nghĩa chống triều đình, Huấn Cao bị bắt và chờ ngày đưa về xét xử. Viên quan coi ngục lại là một người rất ngưỡng mộ tài viết chữ của Huấn Cao. Ông đã có ý biệt nhưỡng, ưu ái với Huấn Cao để thể hiện sự tôn trọng. Ban đầu, Huấn Cao tỏ thái độ khinh bỉ đối với viên quan coi ngục, nhưng khi hiểu ra tấm lòng chân thành của quan coi ngục, Huấn Cao đã đồng ý viết tặng chữ, và có lời khuyên chân thành với quản ngục, mong ông thoát khỏi nghề để giữ sạch thiên lương.

Nhân vật quản ngục xuất hiện với chức danh là viên quan coi ngục, một tiểu lại giữ tù, một tay sai của triều đình phong kiến. Chức năng của ông ta là áp chế và tiêu diệt tội phạm của triều đình- những người dám đứng lên chống lại triều đình và bảo vệ nhân dân. Quản ngục là kẻ thù của nhân dân, và tất nhiên là kẻ thù của Huấn Cao, là người tàn ác, tội lỗi, thuộc về thế giới của cái ác. Nhưng quản ngục vẫn giữ được bản chất tốt đẹp.

Quản ngục là người có phẩm chất nghệ sĩ: biết yêu cái đẹp và có sở thích cao quý là chơi chữ. Khi Huấn Cao đến trại giam, quản ngục đã thiết đãi rất nhiệt tình. Ông sai người quét dọn phòng giam sạch sẽ, sai người đem đồ ăn thức uống chu đáo đến cho Huấn Cao. Quản ngục còn mua sẵn một tấm lụa trắng, chờ ngày nào ông Huấn cao bớt tính nết để xin chữ. Quản ngục luôn thấy trong mình một nỗi khổ tâm và dằn vặt. Ông khổ tâm vì mình đang giữ trong tay tính mạng của Huấn Cao mà lại không giữ được lòng người. Cái khổ tâm thứ hai còn là vì ông giữ cái đẹp trong tay mà lại không có được cái đẹp. Nỗi khổ tâm nữa là nếu ngày Huấn Cao ra pháp trường mà không xin được chữ, ông sẽ có nỗi ân hận đến suốt cả cuộc đời.

Với sự chân thành và lòng biết giá người, tấm lòng của viên quan coi ngục cuối cùng cũng được Huấn Cao tỏ và chấp nhận cho chữ. Cảnh cho chữ diễn ra và được miêu tả là “cảnh tưởng xưa nay chưa từng có”. Hình ảnh quản ngục “khúm núm”, “cầm những đồng tiền kẽm đánh dấu vào các ô chữ” thể hiện được tình yêu và sự trân trọng của ông đối với cái đẹp. Đó còn là niềm khao khát của viên quan coi ngục, khao khát vươn tới cái đẹp. Sau khi xin chữ và nhận được lời khuyên của Huấn Cao, viên quan coi ngục đã vái lạy và khóc. Hành động thành khẩn đó thể hiện sự ăn năn, hối hận và dự báo sự hoàn lương.

Nhân vật viên quản ngục là người có thiên lương trong sáng. Ngay khi biết phạm nhân là Huấn Cao- một người chí khí anh hùng, tài viết chữ đẹp, ông đã có hành động và thái độ biệt nhưỡng nhân tài. Đầu tiên ông đã sai người quét dọn buồng giam để tỏ ý biệt đãi Huấn Cao. Khi đón tù nhân, ông nhìn Huấn Cao với cặp mắt hiền lành, kiêng nể, tỏ ra tiếc nuối khi phải chém một nhân tài như thế. Thời gian Huấn Cao ở buồng giam, ông cũng sai người đối xử rất tử tế. Khi được cho chữ và nhận được lời khuyên của Huấn Cao, viên quan coi ngục đã tỏ thái độ kính cẩn và nói “kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Đó chính là dấu hiệu của sự hoàn lương, dự báo sự thay đổi trong việc chọn nghề lương thiện sau này.

Việc xây dựng hình tượng ông quản ngục thể hiện được niềm tin của Nguyễn Tuân về đạo đức con người. Dù trong bất kì hoàn cảnh nào, chắc chắn vẫn sẽ có những con người giữ được nhân cách ngay cả khi sống trong môi trường toàn lừa lọc và dối trá. Và nhân vật viên quan coi ngục nghe lời khuyên của Huấn Cao chính là một minh chứng cho việc một cái đẹp, thiên lương trong sáng có thể cảm hóa được cái xấu.

3. Phân tích hình tượng nhân vật viên quản ngục trong “Chữ người tử tù”

Nhắc đến Nguyễn Tuân những năm 1930-1945, người đọc sẽ nhớ tới truyện ngắn lãng mạn nổi tiếng của ông “Chữ người tử tù". Một cuộc kì ngộ diễn ra nơi chốn nhà tù chật chội với những điều trái ngang. Nổi bật ở đó là hình ảnh nhân vật Huấn Cao - một người anh hùng một người nghệ sĩ tài hoa. Nhưng nhắc đến Huấn Cao thì không thể thiếu viên quản ngục: "Một thanh âm trong trẻo" giữa chốn lao tù.

Quản Ngục được giới thiệu ngay ở phần đầu tác phẩm trong cuộc trò chuyện với thầy thơ lại. Cái tên Huấn Cao xuất hiện trong phiến trát khiến Quản Ngục ngờ ngợ, ông hỏi thầy thơ lại về Huấn Cao với thái độ quan tâm, mến mộ một cách kín đáo. Nhân vật quản ngục với chức danh là quan coi ngục chức không cao, bổng không lộc nhưng cũng có thể coi là người có danh có phận, là người thay mặt cho luật lệ triều đình. Từ cách giới thiệu ban đầu, nhà văn đã giúp ta hiểu rõ hơn về nhân vật này. Trong đêm đầu tiên hình ảnh Quản Ngục được khắc hoạ với dáng ngồi tư lự "khuôn mặt băn khoăn ngồi bóp thái dương...". Có lẽ trong lòng viên quản ngục có một tâm sự kín đáo. Quản Ngục băn khoăn bởi sự xuất hiện của Huấn Cao trong nhà ngục cũng có nghĩa là một kẻ tài hoa sắp phải chịu án tử hình. Một nỗi tiếc nuối mơ hồ trước một ngôi sao chính vị sắp từ biệt vũ trụ. Nhưng là người có danh có phận, quản ngục lại sống trong nghịch cảnh, cô đơn. Ông có ước nguyện muốn xin chữ mà lại không dám nói. Thân phận "cá chậu chim lồng".

Một viên quan coi ngục, một cái tên khi được nhắc đến ngay cả ngày nay huống chi thời kì phong kiến, luôn có những định kiến nhất định về họ: Những kẻ xảo quyệt, ham tiền,… Nhưng Nguyễn Tuân lại xây dựng một hình tượng mới về quan coi ngục: Một quản ngục có lòng biệt nhỡn người người tài.

Viên Quản ngục có sở nguyện cao quý là xin được chữ Huấn Cao để treo ở nhà. "Viên quản ngục khổ tâm nhất là có một ông Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền mình mà không biết làm thế nào mà xin được chữ. Không can đảm giáp lại mặt một người cách xa y nhiều quá, y chỉ lo mai mốt đây, ông Huấn bị hành hình mà không kịp xin được mấy chữ, thì ân hận suốt đời mất". Một sở nguyện tao nhã thật cùng. Ông quan tâm đến Huấn Cao. Nghe tin Huấn Cao đến trại giam, ông sai Thơ lại dọn dẹp lại chu đáo "cần dùng đến". Rồi khi Huấn Cao đến, viên quản ngục tiếp đón bằng biệt lệ. Lính áp giải hỏi viên quan ngục, ý nhắc những biện pháp tra tấn như mọi khi, nhưng viên quan coi ngục trả lời đầy ung dung, khác hẳn mọi ngày khiến chúng giật mình, ngơ ngác. Ông nhìn Huấn Cao bằng ánh mắt "hiền lành" và thái độ khiêng nể không thể có của một người coi ngục với người bị tù đày. Viên quản ngục còn biệt đãi Huấn Cao khi ngày ngào cũng cho Thơ lại bữa bữa dâng rượt thịt, không chỉ với Huấn Cao mà với cả bạn bè của Huấn Cao.

Rồi một hôm quản ngục khép nép đến thăm Huấn Cao, bị Huấn Cao xẵng giọng mắng và tỏ ra khinh bạc: "Ta chí muốn một điều là ngươi đừng bao giờ đặt chân vào đây”. Quản ngục lễ phép, nhã nhặn, một mực thành kính đáp: "Xin lĩnh ý". Cách cư xử điềm đạm, thái độ nghiêm cung, mục đích bày tỏ tấm thị tình đúng mực này soi sáng một tâm hồn cao quý và sẵn lòng quỳ gối trước hoa mai.

Khi biết Huấn Cao đồng ý cho chữ, viên quản ngục chuẩn bị chu đáo lụa trằng, thoi mực, mực thơm. Sự chuẩn bị đó cho thấy viên quản ngục trân trọng cái đẹp vô cùng. Xin chữ Huấn Cao bằng thái độ "khúm núm" để thấy viên quản ngục coi trọng Huấn Cao, coi trọng cái đẹp. Trước cái đẹp của thư pháp, ngục quan đã trở thành tri âm, tri kỉ của tử tù. Ngục quan "khúm núm" cất những đồng tiền kẽm đánh dấu trên ô chữ... Ngục quan lắng nghe lời khuyên của tử tù "nên lui về quê nhà" để giữ lấy thiên lương rồi hãy "nghĩ đến chuyện chơi chữ...”. Ngục quan vái tử tù một vái và nói qua dòng nước mắt: "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh". Viên quản ngục coi Huấn Cao như đấng thiêng liêng, người đi truyền đạo. Tất cả đã thể hiện vẻ đẹp tâm hổn của ngục quan dưới ánh sáng của thư pháp và thiên lương, ánh sáng của cái đẹp.

Nguyễn Tuân thành công sử dụng bút pháp lãng mạn xây dựng hình tượng nhân vật Quản ngục khác hoàn toàn với những định kiến trươc giờ. Đó là viên quản ngục yêu cái đẹp, trân trọng người tài, trân trọng ánh sáng thiên lương. Một con người "sống gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".

Ngày:27/08/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM