Phân tích khổ thơ cuối bài thơ Ánh trăng - Nguyễn Duy

eLib xin giới thiệu đến các em một số bài văn mẫu phân tích khổ thơ cuối của bài thơ Ánh trăng - Nguyễn Duy. Ở khổ thơ cuối này các em sẽ nhận ra những triết lí và suy ngẫm mà nhà thơ gởi gắm vào đó. Mời các em tham khảo bài viết dưới đây nhé, chúc các em học tập tốt.

Phân tích khổ thơ cuối bài thơ Ánh trăng - Nguyễn Duy

1. Cảm nhận của em về khổ thơ cuối bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

Trăng là một đề tài quen thuộc trong thơ ca. Trăng như một biểu tượng thơ mộng gắn với tâm hồn thi sĩ. Nhưng có một nhà thơ cũng viết về trăng, không chỉ tìm thấy ở đấy cái thơ mộng, mà còn gửi gắm những nỗi niềm tâm sự  mang tính hàm nghĩa độc đáo. Đó là trường hợp bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy.

Vầng trăng đã từng gắn bó với tuổi thơ, với cuộc đời người lính, đã trở thành người bạn tri kỉ, ngỡ không bao giờ quên. nhưng hoàn cảnh sống đổi thay, con người cũng thay đổi, có lúc cũng trở nên vô tình. Sau chiến thắng trở về thành phố, quen ánh điện cửa gương, khiến cho vầng trăng tình nghĩa vô tình bị lãng quên. nhưng một tình huống đời thường xảy ra làm cho con người phải giật mình tỉnh ngộ, phải đối mặt với vầng trăng mà sám hối:

“Ngửa mặt lên nhìn mặt

Có cài gì rưng rưng

Như là đồng là bể

Như là sông là rừng.”

Rưng rưng là biểu hiện xúc động, nước mắt đang ứa ra, sắp khóc. Giọt nước mắt làm cho lòng người thanh thản lại, trong sáng lại. Bao kỉ niệm đẹp ùa về, tâm hồn gắn bó chan hoà với thiên nhiên, với vầng trăng xưa, với đồng với bể,với sông với rừng. Cấu trúc câu thơ song hành với các biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ cho thấy ngòi bút Nguyễn Duy thật tài hoa. Đoạn thơ hay ở chất thơ bộc bạch chân thành, ở tính biểu cảm, ngôn từ và hình ảnh thơ đi vào lòng người, khắc sâu một cách nhẹ nhàng mà thấm thía những gì nhà thơ muốn tâm sự với chúng ta.

Khổ thơ cuối mang hàm ý độc đáo và sâu sắc:

“Trăng cứ tròn vành vạnh

Kể chi người vô tình

Ánh trăng im phăng phắc

Đủ cho ta giật mình.”

Tròn vành vạnh là trăng rằm, một vẻ đẹp viên mãn. Trăng vẫn thuỷ chung mặc cho ai thay đổi, vô tình với trăng. Ánh trăng im phăng phắc, không một lời trách cứ. Trăng bao dung và độ lượng biết bao. Tấm lòng bao dung độ lượng ấy khiến cho ta phải giật mình. Sự giật mình để tự lột xác, để trở về. Trở về với chính mình tốt đẹp xưa kia. Đó là cái giật mình để tự hoàn thiện.

Tóm lại, với giọng thơ trầm tĩnh, sâu lắng, đoạn thơ trên đã gây nhiều xúc động cho người đọc. Nó như là lời tâm sự, lời tự thú, lời tự nhắc chân thành. Qua đoạn thơ, tác giả muốn nói rằng: phải thuỷ chung, trọn vẹn, phải nghĩa tình sắt son với nhân dân, với đất nước, và ngay với chính bản thân mình.

2. Phân tích khổ thơ cuối bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

Trong thi ca xưa, hình ảnh vầng trăng thường gắn liền với những mộng mơ, qua đó thể hiện được sự tinh tế và nhạy cảm trong tâm hồn của người nghệ sĩ. Viết về ánh trăng - mảng đề tài tưởng như quá quen thuộc ấy, nhà thơ Nguyễn Duy không những không bị chìm khuất trong những cái bóng quá lớn của tác phẩm thành công trước đó mà lại thể hiện được những sáng tạo nghệ thuật độc đáo rất Nguyễn Duy. Không chỉ thể hiện được những cái mộng mơ thường thấy mà thông qua hình ảnh của ánh trăng nhà thơ đã gửi gắm được những tâm sự, cảm xúc thầm kín, bởi ánh trăng trong thơ ông đã trở thành biểu tượng của những kí ức đã qua, của những kỉ niệm khó quên trong cuộc đời. Tư tưởng, nội dung này được thể hiện chi tiết thông qua khổ thơ cuối của bài thơ Ánh trăng.

"Trăng cứ tròn vành vạnh
Kể chỉ người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình"

Trăng là món quà tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cho con người, vẻ đẹp ấy không chỉ đến từ ánh sáng dịu dàng, vẻ đẹp tròn đầy của vầng trăng mà nó còn là tượng trưng cho những gì viên mãn nhất. Từ láy "vành vạnh" càng gợi cho ta cảm giác đủ đầy, không thiếu thốn cũng chẳng dư thừa, trăng lúc này đây chất chứa những yêu thương của quá khứ vẹn nguyên, những lòng bao dung của hiện tại và sự bất diệt của tương lai. Dấu ấn quá khứ với những kí ức tuổi thơ, những ngày đi lính cùng trăng đồng hành nếu ai đó đã vô tình quên thì trăng vẫn ở đó, vẫn lưu giữ đầy những yêu thương của kỉ niệm. Trăng không một lời trách móc "im phăng phắc", không một ánh mắt hờn giận, vẫn cứ thế toả sáng dịu dàng, toả sáng những ân tình cao đẹp. Trăng im lặng, dùng ánh sáng của mình mà thức tỉnh con người, thức tỉnh sự lặng im của những tâm hồn đang "dửng dưng" với quá khứ.

Vầng trăng vẫn tĩnh lặng, bao dung, tình nghĩa như vậy, thế nhưng lòng người đâu thể đứng yên như ánh trăng trên trời xa kia chứ, cái "giật mình" đáng sợ cũng chính là lúc mà người ta đang cảm thấy ăn năn, hối hận với quá khứ, với vầng trăng và với cả chính mình. Vòng xoáy của cuộc sống với những đổi thay, những tiện nghi hiện đại cuốn con người theo, họ chới với trong thực tại mà quên mất đi những kí ức đẹp đẽ, quên mất đi những "bạn đồng hành" cùng ta trước đây. Ánh trăng kia chẳng nói một lời mà lòng người vẫn thổn thức, xót xa và dằn vặt bởi sự vô tình của chính mình.

Có người thấy sự im lặng của vầng trăng chính là sự bao dung mà nghiêm khắc của trăng đối với con người, thế nhưng tôi lại thấy ẩn sâu trong sự tĩnh lặng ấy là tình nghĩa vẹn nguyên, là lòng bao dung, yêu thương chẳng hề vơi cạn của vầng trăng, dẫu con người vô tình mà lãng quên đi những kỉ niệm thì vầng trăng vẫn ở đó, bao dung, vị tha cho mọi lỗi lầm.

Đêm về khi bóng tối tràn tới, trăng vẫn sáng soi, toả rạng khắp mọi chốn, từ rừng già tới biển bạc, từ chốn làng quê yên bình đến nơi phố thị phồn hoa. Dù con người có cần, có chờ, có đợi hay không thì trăng vẫn ở đó, giúp đời, làm đẹp cho đời.

Mỗi con người chúng ta có thể đến một lúc nào đó sẽ lãng quên quá khứ, sẽ vô tình với mọi người nhưng rồi sự khoan dung và độ lượng của quê hương sẽ tha thứ tất cả. “Ánh trăng” của Nguyễn Duy sẽ mãi mãi soi sáng để đưa con người hướng tới tương lai tươi đẹp. Đạo lí sống thuỷ chung, nghĩa tình với quá khứ, với quê hương sẽ đưa lối mỗi chúng ta đến với cuộc đời hạnh phúc ở tương lai.

3. Viết đoạn văn ngắn cảm nhận khổ thơ cuối bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

Ánh trăng đã đi vào thơ với muôn ngàn ca từ mĩ lệ, đã chiếm trọn lòng yêu thương của biết bao thi sĩ. Đến với đề tài quen thuộc – ánh trăng, nhưng Nguyễn Duy đã thể hiện được tính triết lí và chiều sâu suy ngẫm quan bài thơ của mình, đặc biệt ở khổ thơ cuối bài. Từ những ngày thơ bé sống giữa đồng quê, trăng đã người bạn tâm tình với nhà thơ. Ánh sáng ấy theo chân người chiến sĩ trong cả những trận chiến đấu gian khổ. Giữa rừng hoang nước lạnh, ánh trăng chiếu rọi làm ấm lòng người ra trận, vầng trăng gắn bó với biết bao nghĩa tình. Vậy mà khi cuộc sống đủ đầy, nơi thành thị ngập tràn màu sắc của những ánh sáng điện lưới, vánh trăng bỗng trở nên nhạt nhòa trong tâm trí người xưa. Để rồi khi ánh điện vụt tắt. ta mới ngước nhìn lại cố nhân, vẫn âm thầm tỏa ánh sáng chan hòa trên bầu trời cao rộng. Cuộc hội ngộ trong hoàn cảnh bất ngờ như thế, đã khiến nhà thơ không khỏi bồi hồi, xúc động để rồi tự vấn lòng mình. Thế nhưng vầng trăng vẫn “cứ tròn vành vạnh”, “im phăng phắc”. Tác giả đã ử dụng hai từ láy để diễn tả tâm trạng của “cố nhân”. Trăng vẫn tròn đầy, trọn vẹn nghĩa tình thủy chung, nhân hậu, bao dung của thiên nhiên. Dù thời gian có trôi qua, tình cảm đó chẳng chút hư hao. Ánh trăng đang trách móc hay giữ sự tĩnh lặng để người đứng đó tự vấn lương tâm? Để rồi, người đứng nhìn phải “giật mình”, đó là phản xạ của người biết suy nghĩ chợt nhận ra sự vô tình  bạc bẽo. Sự nông nổi trong cách sống của mình.  Cái “giật mình” ở đây thật chân thành có sức cảm hóa lòng người. Hai tiếng “giật mình” cuối cùng bài thơ như một tiếng chuông rất khẽ nhưng ngân vang rất xa và đọng lại rất lâu. Cái giật mình của Nguyễn Duy thật đáng trân trọng, đó là cái giật mình khi tác giả tự ý thức về sự vô tâm của chính mình. Tự hỏi trong chúng ta, ai dám chắc rằng minh chưa bao giờ lãng quên những điều mà chúng ta cho là trân quý nhất và khi nhận ra sự lãng quên đó, có ai dám nhận lỗi với chính mình. Câu thơ của nhà thơ ngắn ngủi mà có sức lay động lòng người, nhắc nhở mỗi người phải sống có nghĩa tình với quá khứ, uống nước phải nhớ nguồn.

Ngày:29/10/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM