Phân tích hình tượng cây xà nu trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
Hình tượng cây xà nu được xem là linh hồn của tác phẩm Rừng xà nu, đây là loài cây hiện thân cho tinh thần chiến đấu mạnh mẽ của dân tộc ta, đó còn là một loài cây đầy sức sống mạnh mẽ. Để giúp các em có thể hiểu được một cách đầy đủ về loài cây đặc biệt này, eLib xin gửi đến các em tài liệu dưới đây. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Mục lục nội dung
1. Dàn ý phân tích hình tượng cây xà nu
a. Mở bài:
- Giới thiệu một số nét về tác giả: Nguyễn Trung Thành là nhà văn gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên, ông có nhiều tác phẩm viết về con người và mảnh đất này.
- Rừng xà nu được đánh giá là khúc sử thi của Tây Nguyên thời kì chống Mĩ, tái hiện con đường đấu tranh của dân làng Xô Man.
- Bên cạnh hình tượng con người anh dũng, nổi bật là hình tượng cây xà nu.
b. Thân bài:
- Đây là hình ảnh trung tâm xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm.
- Gợi màu sắc, không gian núi rừng Tây Nguyên, gắn với cuộc sống sinh hoạt và những sự kiện trọng đại của dân làng Xô Man:
+ Dân làng Xô Man lấy gỗ xà nu, khói xà nu nhuộm đen bảng để học chữ, lửa xà nu chiếu sáng mỗi gian nhà.
+ Đuốc xà nu chiếu sáng cho nhân dân chuẩn bị vũ khí để đồng khởi.
+ Cả rừng xà nu ưỡn thân mình để bao bọc, bảo vệ buôn làng khỏi những trận bom của địch, hàng vạn cây, không có cây nào là không thương tích.
- Hình tượng cây xà nu mang vẻ đẹp tương ứng, song hành với các thế hệ cách mạng tiếp nối của dân làng Xô Man:
+ Những cây cổ thụ đại diện cho lớp người già như cụ Mết: chúng không thể bị quật ngã bởi gió bão, như cụ Mết chính là chỗ dựa tinh thần cho cả buôn làng.
+ Những cây xà nu trưởng thành như Tnú, Mai, Dít: vết thương bom đạn mau lành như trên thân thể cường tráng (hình ảnh lưng Tnú bị chém ngang dọc nhưng cũng lành lại thành sẹo rất nhanh).
+ Những cây xà nu mới mọc tượng trưng cho hình ảnh thiếu niên như bé Heng: “cây xà nu mới mọc lên khỏi mặt đất đã nhọn như mũi tên, mũi lê”, như bé Heng tuy còn nhỏ đã dũng cảm bước tiếp cha anh.
- Nhận xét: thế hệ này ngã xuống đã có thế hệ khác đứng lên đấu tranh giành tự do “bên cạnh một cây xà nu ngã gục đã có 4,5 cây con mọc lên”.
- Là kiểu ẩn dụ độc đáo về sức sống bất diệt, tinh thần bất khuất, sức mạnh vùng dậy của dân làng Xô Man trong phong trào đấu tranh vũ trang:
+ Cả ngọn đồi xà nu hàng trăm cây gắn bó với nhau như cộng đồng người Tây Nguyên đoàn kết đánh giặc.
+ Cả cánh rừng bạt ngàn không bao giờ sẽ bị khuất phục: “cây mẹ ngã xuống, cây con mọc lên, đố nó giết hết cánh rừng này”.
+ Cây xà nu sinh sôi nảy nở, ham ánh sáng mặt trời như người Tây Nguyên chân chất khao khát tự do.
- Kết cấu đầu cuối tương ứng: ở đầu và kết thúc câu chuyện đều là hình ảnh rừng xà nu bạt ngàn, tạo ra không gian sử thi cho tác phẩm.
c. Kết bài:
- Cảm nhận hình tượng cây xà nu.
- Khái quát giá trị nghệ thuật: ngòi bút giàu chất sử thi, ngôn ngữ giản dị, đậm chất Tây Nguyên, âm hưởng trang trọng,...
- Khái quát giá trị nội dung: Rừng xà nu là một khúc sử thi văn xuôi hiện đại tái hiện vẻ đẹp tráng lệ, hào hùng của núi rừng, con người và truyền thống văn hóa Tây Nguyên.
2. Bình giảng về hình ảnh cây xà nu
Tây Nguyên - mảnh đất hùng vĩ và thơ mộng, với những con người nồng hậu yêu thương mà kiên cường bất khuất, từ lâu đã là nguồn cảm hứng cho biết bao văn nhân nghệ sĩ. Mỗi người đều tìm thấy ở mảnh đất này một biểu tượng đẹp cho tâm hồn cất cánh, ngòi bút thăng hoa. Ngọc Anh có Bóng cây Kơ nia như nỗi lòng thổn thức thiết tha của tình yêu thủy chung son sắt, Thu Bồn có Bài ca chim Chơ-rao, ngân vang khúc hát trong trẻo nồng đượm tình người chiến thắng... Còn Nguyễn Trung Thành lại đem đến cho ta hình tượng những Rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời như sức sống bền và bất diệt của nhân dân Tây Nguyên trong công cuộc chống Mĩ cứu nước
Đọc Rừng xà nu, không chỉ những nhân vật như cụ Mết, Tnú, Dít, Mai tạo nên ấn tượng sâu sắc trong chúng ta, mà còn là cây xà nu - một hình đặc sắc bao trùm toàn bộ thiên truyện ngắn này. Chính hình tượng cây xà nu tạo nên vẻ đẹp hùng tráng, chất sử thi lãng mạn cho câu chuyện về làng Xô Man bất khuất, kiên cường. Đó là hình tượng hàm chứa nhiều ý nghĩa tượng trưng. Qua hình tượng này, người đọc có thể thấy rõ sức sống kiên cường, sức sống mãnh liệt của con người Tây Nguyên nói riêng, của con người Việt nói chung trong những ngày đánh Mĩ. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Trung Thành lại miêu tả thật cụ thể, thật chi tiết rừng xà nu bằng một thứ ngôn ngữ giàu chất thơ, bằng những “lời có cánh” với một cảm xúc say mê mãnh liệt như đã thấy trong tác phẩm. Gần hai mươi lần nhà văn đã viết về xà nu, dường như cây xà nu tham dự vào tất cả những sinh hoạt, những tâm tình, những buồn vui của con người Tây Nguyên trong cuộc chiến đấu anh dũng của họ.
Cây xà nu gắn bó mật thiết với cuộc sống con người Tây Nguyên. Cây xà nu hiện lên trong tác phẩm là một loài cây đặc thù, tiêu biểu cho vùng đất Tây Nguyên. Qua hình tượng cây xà nu, nhà văn đã tạo dựng được hình ảnh hùng vĩ và hoang dã mang đậm màu sắc Tây Nguyên cho câu truyện. Cây xà nu luôn gắn bó gần gũi với đời sống của dân làng Xô man, có mặt trong đời sống hàng ngày của dân làng. Lửa xà nu cháy giần giật trong mỗi bếp, trong đống lửa của nhà ưng tập hợp dân làng, khói xà nu xông bảng nứa để Tnú và Mai học chữ. Khi Tnú trở về đơn vị, cụ Mết và Dít đưa anh ra đến rừng xà nu cạnh con nước lớn. Cây xà nu còn tham gia vào những sự kiện trọng đại của dân làng: ngọn đuốc xà nu dẫn đường cho cụ Mết và dân làng vào rừng lấy giáo, mác, dụ, rựa đã giấu kĩ chuẩn bị nổi dậy. Mười ngón tay Tnú bị đốt vì giẻ tẩm nhựa xà nu, và chính vì cảnh tượng đau thương ấy dân làng đã nổi dậy để “ đống lửa xà nu lớn giữa nhà” soi rõ “xác mười tên lính giặc nằm ngổn ngang”. Cây xà nu cũng đã thấm sâu vào nếp cảm, nếp nghĩ của người Tây Nguyên. Tnú cảm nhận về cụ Mết “ ngực cụ căng như cây xà nu lớn”. Trong câu chuyện về Tnú, cụ Mết cũng nói về cây xà nu với tất cả tình cảm yêu thương, gần gũi xen lẫn tự hào: “không có gì mạnh bằng cây xà nu nước ta”, cây xà nu đã trở thành máu thịt trong đời sống vật chất và tinh thần của con người Tây Nguyên.
Cây xà nu tượng trưng cho số phận và phẩm chất con người Tây Nguyên trong chiến tranh cách mạng. Ta có thể thấy ý đồ nghệ thuật này khi tác giả miêu tả song hành hai hình tượng cây xà nu và những con người Tây Nguyên. Thứ nhất, thương tích của rừng xà nu do đại bác của giặc gây ra tượng trưng cho những mất mát đau thương vô bờ mà người dân Tây Nguyên phải chịu đựng. Nếu rừng xà nu hàng vạn cây không cây nào không bị thương thì con người Tây Nguyên cũng vậy. Những cây xà nu non bị đại bác chặt đứt làm đôi thì tượng trưng cho những đứa con của Tnú và Mai. Còn những cây xà nu trưởng thành đại bác không giết nổi chúng thì cũng giống như Tnú và Dít, những con người trưởng thành từ những đau thương mất mát của chiến tranh.
Cây xà nu còn là người chứng kiến sự giác ngộ, sự hi sinh thầm lặng, lòng dũng cảm, ý chí quật cường của dân làng Xô Man: “Đứng trên đồi xà nu gần con nước lớn. Suốt đêm nghe cả rừng Xô Man ào ào rung động. Và lửa cháy khắp rừng.”. Ánh lửa xà nu soi sáng lời căn dặn của anh Quyết: “Người còn sống phải chuyển đáo, mác, dụ. rựa, tên, ná... Sẽ có ngày dùng tới”. Lửa xà nu thử thách ý chí cũng như lòng can đảm của Tnú: “không có gì đượm bằng nhựa xà nu.. Mười đầu ngón tay đã thành mười ngọn đuốc... Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi...”. Căm thù trong anh cháy giần giật như nhựa xà nu bén nhạy để “bàn tay hận thù” thành “bàn tay trả thù” bóp chết tên ác ôn dưới ngách hầm.
Câu chuyện cụ Mết kể phảng phất phong vị anh hùng ca. Đêm kể chuyện dưới ánh lửa xà nu chắc cũng giống như đêm già làng thường kể về các bài: anh hùng ca truyền thông của Tây Nguyên. Giọng điệu sử thi của Rừng xà nu bắt nguồn từ đó. Cây xà nu gắn với quá khứ, hiện tại anh hùng, gắn bó với mọi sinh hoạt, phong tục và đời sống văn hóa của dân tộc Tây Nguyên, khiến cho câu chuyện làng Xô Man đánh Mĩ lung linh sắc màu huyền thoại như Đam Săn, Xinh Nhã thuở nào...
Tác giả đã kết hợp miêu tả bao quát lẫn cụ thể, phối hợp cảm nhận của nhiều giác quan khi miêu tả cây xà nu tạo nên hình ảnh cây xà nu đầy sức lực, tràn trề sức sống. Tác giả luôn miêu tả hình tượng cây xà nu với con người, các hình thức nhân hóa, ẩn dụ, tượng trưng đều được vận dụng nhằm thể hiện sống động vẻ hùng vĩ của thiên nhiên và gợi ra những liên tưởng về con người. Nhờ thế những đoạn văn miêu tả rừng xà nu giống như một bài thơ trữ tình với giọng văn đầy biểu cảm.
Hình tượng cây xà nu là hình tượng xuyên suốt suốt tác phẩm tượng trưng cho vẻ đẹp hào hùng đầy sức sống của thiên nhiên và con người Tây Nguyên. Qua đó chất thơ và chất sử thi hòa làm một thể hiện rõ phong cách văn xuôi Nguyễn Trung Thành: vừa say mê, vừa trầm tư, vừa giỏi tạo hình vừa giàu tính khái quát.
3. Giá trị của cây xà nu trong tác phẩm Rừng xà nu
“Rừng xà nu” là truyện ngắn của Nguyễn Trung Thành , tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn của văn học Việt Nam thời kì 1945-1975. Chủ đề của tác phẩm được bộc lộ sâu sắc do ý nghĩa khái quát và giàu chất lãng mạn, tạo hình của hình tượng cây xà nu.
Đi suốt chiều dài tác phẩm, xà nu là hình tượng bao trùm là mạch sống mạch hồn của tác phẩm. Khi cầm bút sáng tác thiên truyện này, hình ảnh đầu tiên hiện về trong tâm trí ông là cây xà nu, những cánh rừng xà nu. Hình tượng thiên nhiên ấy đã trở thành chủ âm của tác phẩm, nó chiếm giữ những vị trí quan trọng nhất của truyện ngắn : nhan đề, mở đầu và kết thúc. Hình ảnh cây xà nu còn trở đi trở lại nhiều lần tạo nên không gian đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên.
Trước hết, cây xà nu chính là một biểu tượng của núi rừng Tây Nguyên, gắn liền với cuộc sống của Tây Nguyên. Cây xà nu gắn liền với đời sống của dân làng Xô man, sự trưởng thành của từng thế hệ người Tây Nguyên đều gắn liền với hình ảnh cao quý này. Đó là Tnú, chị Mai, cụ Mết, bé Heng. Những con người đó, để bảo vệ lây dân làng, bảo vệ Tây Nguyên đã phải đánh đổi và hi sinh rất nhiều. Xà nu là loại cây mọc thẳng, vươn ra ánh sáng, cũng giống như con người Tây Nguyên vẫn luôn hướng về phía trước, dù là khó khăn, thử thách như thế nào. Dường như xà nu chính là linh hồn của Tây Nguyên, nó ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người.
Không những thế cây xà nu còn tham gia đánh dấu nhiều sự kiện lịch sử của dân làng Xô man. Ngọn đuốc xà nu dẫn đường cho dân làng tây nguyên, mười ngón tay của Tnú bị đốt cũng được tẩm nhựa của xà nu. Cây xà nu ăn sâu vào trong tâm niệm của mỗi con người, biểu tượng cho tinh thần và ý chí quật cường của người Tây Nguyên. Cây xà nu vẫn được nhắc đi nhắc lại trong mỗi câu chuyện “không có gì mạnh bằng cây xà nu”, mặc dù bị thiêu rụi bao nhiêu thì cây xà nu vẫn kiên cường vượt qua bão giông.
Cây xà nu còn là người chứng kiến sự giác ngộ, sự hi sinh thầm lặng, lòng dũng cảm và ý chí quật khởi của dân làng Xô-man. “Đứng trên đồi cây xà nu gần con nước lớn, cả vùng Xô-man ào ào rung động. Và lửa cháy khắp rừng”. Ánh lửa xà nu soi sáng lời căn dặn của anh Quyết: “Người còn sống phải chuẩn bị dao, mác, vụ, rựa, tên, ná… Sẽ có ngày dùng tới”. Lửa xà nu thử thách ý chí cũng như lòng can đảm của Tnú: “Không có gì đượm bằng nhựa cây xà nu… Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc… máu anh mặn chát ở đầu lưỡi…”.
Cũng như con người, cây này ngã xuống, cây khác lại tiếp nối đứng lên, quật khởi vượt qua thương đau. “Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng thẳng tắp, lóng lánh về vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng…”. Xà nu hướng về phía nắng trời hay là khát vọng của người dân Xô Man hướng về cuộc sống tươi đẹp tràn đầy ánh sáng, chứ không chịu khuất mình trong bóng tối đây? Cứ thế, cây lặng lẽ vút lên trời. Cái màu xanh tươi đẹp như tiếng nói yên lặng mà thiết tha và đầy kiêu hãnh, thể hiện một sức sống mãnh liệt bất khuất mà không một bạo lực nào có thể đè bẹp: “Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh thay thế những cây đã ngã”. Nhìn cây Xà nu sinh sôi vượt lên sự đau thương chết chóc, người Xô-man không khỏi tự hào về vùng đất quê hương - một vùng đất mà đất hết lòng với cây, còn cây cũng trọn tình với đất với người: “Không có cây gì mạnh bằng cây Xà nu đất ta. Cây mẹ ngã, cây con mọc lên. Đố nó giết hết rừng xà nu này!”.
Hình tượng xà nu có khi hiện ra cả rừng, có khi là đồi, có khi là cây và nhựa rồi lửa Xà nu. Bọn Mỹ ngụy có lần đã tẩm nhựa Xà nu vào giẻ, quấn đốt mười đầu ngón tay Tnú “Không có gì đượm bằng nhựa xà nu, lửa bắt rất nhanh. Mười đầu ngón tay đã trở thành mười ngọn đuốc. Kẻ thù đã dùng ngọn lửa xà nu để đốt lòng đốt dạ những con người gắn bó thân thiết với ngọn lửa ấy. Song ngọn lửa như có tình, nó đã truyền sức mạnh của hơi nóng vào bên trong để đốt cháy lòng Tnú: “Trời ơi! Cha mẹ ơi! anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Tnú thét lên một tiếng. Cái tiếng thét mang lửa ấy đã đốt cháy lòng người Xô-man để rồi hóa thành nhiều tiếng thét, tiếng “giết” và tiếng chân đạp ào ào lên đầu giặc.
Cây xà nu là hình tượng mang đậm chất lý tưởng, tiêu biểu cho phẩm chất, số phận của người dân Tây Nguyên. Hình tượng cây xà nu trong tác phẩm mang đậm chất sử thi, tính hào hùng, nó làm rõ chủ đề tư tưởng của truyện ngắn “Rừng xà nu”. Để xây dựng một hình tượng xà nu như thế, Nguyễn Trung Thành đã sử dụng những câu văn miêu tả, những từ ngữ, hình ảnh chọn lọc đặc sắc, cùng nghệ thuật so sánh, nhân hoá, ẩn dụ, giọng văn miêu tả trong tác phẩm rất linh hoạt.
4. Cảm nhận của em về hình tượng cây xà nu
Nguyễn Trung Thành là nhà văn có duyên nợ gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên. Qua hai cuộc kháng chiến cùng vào sinh ra tử với những người dân nơi đây đã cung cấp cho Nguyễn Trung Thành một vốn hiểu biết vô cùng sâu rộng về mảnh đất âm vang rộn tiếng cồng chiêng trong mùa lễ hội, nơi có những người con trung dũng, kiên cường.
Nếu trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Trung Thành - bút danh Nguyên Ngọc nổi tiếng cùng “Đất nước đứng lên”; thì trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là những năm 1965 khi cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam đang diễn ra gay go ác liệt thì Nguyễn Trung Thành cho ra mắt người đọc truyện ngắn “Rừng xà nu”. Tác phẩm này đã là một bản hùng ca, ca ngợi cuộc sống và con người Tây Nguyên trong cuộc chiến tranh vĩ đại. Và nổi bật hơn cả trong tác phẩm chính là hình tượng cây xà nu.
Hình tượng cây xà nu vừa là chứng nhân, nạn nhân của chiến tranh, vừa là biểu tượng cho những đau thương mà người dân Tây Nguyên phải gánh chịu. Trước hết, rừng xà nu là chứng nhân, nạn nhân của chiến tranh. Mở đầu tác phẩm, tác giả đã mở ra khung cảnh bất bình thường “làng trong tầm đại bác của đồn giặc” tức làng liên tục bị giặc ném bom phá hoại. Nhưng điều không bình thường ấy đã trở thành bình thường quen thuộc với con người nơi đây: “Chúng nó bắn đã thành lệ, mỗi ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và buổi xế chiều hoặc đứng bóng và sẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy”. Đặt trong hoàn cảnh bất thường ấy tác giả đã ghi lại hình ảnh đầy sức ám ảnh về những đau thương mà rừng xà nu phải gánh chịu: “Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu, cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương”. Với con mắt quan sát tinh tường, Nguyễn Trung Thành đã bao quát được những đau thương, mất mát mà rừng xà nu phải oằn mình gánh chịu. Đó không chỉ dừng lại ở nỗi đau riêng lẻ, cá thể mà đó là nỗi đau của cả tập thể, cộng đồng. Sau khi đã quan sát toàn cảnh ông dùng cái nhìn cận cảnh để ghi lại những hình ảnh đau xót, kinh hoàng nhất: “Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão” hình ảnh vô cùng đau đớn, xót xa. Cây xà nu đang sinh sôi, phát triển mạnh mẽ bỗng bị bom đạn chiến tranh chặn đứng lại. Đặc biệt ông nhấn mạnh vào hình ảnh: “Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn”. Bằng hình ảnh hết sức chân thực, cụ thể, tác giả đã biến rừng xà nu thành những sinh thể sống. Chúng phải gánh chịu nỗi đau đớn như con người. Chỉ bằng những chi tiết ít ỏi mà đắt giá tác giả đã làm cho nỗi đau, những mất mát mà rừng xà nu phải gánh chịu được thể hiện rõ ràng cả trên bề mặt và bề sâu. Dường như không chỉ con người mà thiên nhiên Tây Nguyên của phải gồng mình để chống chọi lại bom đạn chiến tranh.
Có lúc rừng xà nu được miêu tả dưới cặp mắt của Tnú trong hai thời điểm chiều và sáng, lúc anh về thăm làng và lúc anh lại ra đi. Sau ba năm trời anh đi "lực lượng", đi tìm những thằng Dục ác ôn để trả thù, anh về thăm quê, thăm lũ làng, gặp lại rừng xà nu như gặp lại người bạn chiến đấu, anh bồi hồi tự hào và say mê ngắm nhìn: "Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa, đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời". Và buổi sáng anh lên đường, cùng cụ Mết và Dít còn có rừng xà nu trùng điệp tiễn anh với bao trìu mến và lưu luyến. Anh đã mang theo hình bóng quê hương để ra đi với một sức mạnh mới: "Ba người đứng ở đấy nhìn ra xa. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời".
Hình tượng rừng xà nu đem đến cho ta nhiều liên tưởng sâu sắc về thế trận chiến tranh nhân dân, về người người lớp lớp, về biểu tượng rừng một về sự hi sinh và đóng góp xương máu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong kháng chiến. Chính vì thế mà trong lúc gặp lại Tnú, cụ Mết đã hào hùng khẳng định với tất cả niềm kiêu hãnh và thách thức: "Mày có đi qua chỗ rừng xà nu gần con nước lớn không? Nó vẫn sống đấy, không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta. Cây mẹ ngã, cây con mọc lên. Đố nó giết hết rừng xà nu này!".
Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn" cũng có khi "có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã".
Nhựa sống của rừng xà nu dường như đã truyền sang tới khắp cơ thể của người dân Xô man. Họ luôn vững vàng, luôn sẵn sàng chiến đấu trước mưa bom bão đạn quân thù. Họ mãi mãi sát cánh bên nhau như những lứa xà nu ông, bà, bố, mẹ, con, cháu... Nhựa sống ấy tiếp thêm cho dân làng sinh lực để chiến đấu, để mơ ước về một ngày mai tươi sáng trong tương lai.
Nguyễn Trung Thành đã miêu tả một cách xuất sắc và thành công về hình tượng cây xà nu. Cây xà nu đã trở thành linh hồn của tác phẩm, là hiện thân cho tinh thần chiến đấu bất khuất của người dân Tây Nguyên. Nhà văn đã thổi hồn cho loài cây ấy trường tồn mãi mãi, không bao giờ khuất phục trước mưa bom bão đạn, khiến kẻ thù phải nghiêng mình kính nể. Chắc chắn dù mười năm hay ngàn năm sau đi nữa loài cây mang tên xà nu ấy còn tồn tại mãi mãi trong trái tim độc giả.
Tham khảo thêm
- docx Phân tích tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
- docx Phân tích nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
- docx Phân tích tính sử thi trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
- docx Phân tích hình ảnh đôi bàn tay Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
- docx Cảm nhận về nhân vật cụ Mết trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
- docx Top 10 bài tóm tắt về tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
- docx Tổng hợp những mở bài về tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành hay và ấn tượng nhất
- docx Top 10 kết bài về truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành