Phân tích cái ngông của Tản Đà trong tác phẩm Hầu trời
Bài văn mẫu dưới đây nhằm giúp các em bước đầu hiểu được cái ngông của các nhà thơ trung đại và hiện đại. Đồng thời, bài văn mẫu này còn giúp các em hiểu hơn về Tản Đà. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Mục lục nội dung
1. Dàn ý phân tích cái ngông của Tản Đà
a. Mở bài:
- Giới thiệu sơ lược về tác giả, sự nghiệp thơ văn của Tản Đà.
- Khái quát về nội dung của văn bản Hầu trời.
- Dẫn dắt đi vào phân tích cái ngông của nhân vật trữ tình.
b. Thân bài:
- Nền tảng của cái "ngông" trong Hầu trời:
+ Giấc mơ được lên hầu trời, đọc thơ cho Trời và chư tiên nghe.
+ Nỗi cô đơn trước cuộc đời, khao khát được thể hiện, được thấu hiểu nhưng khổ nỗi "Hạ giới văn chương rẻ như bèo", nên đành lòng ông phải tìm kiếm chốn cực lạc trong mơ cho thỏa nỗi lòng của thi sĩ.
- Tản Đà "ngông" trong lúc đọc thơ cho chư tiên cùng Trời nghe:
+ Phong thái ung dung, thích chí và vô cùng tự tin, ông đọc những vần thơ của mình một cách say sưa, mê đắm, đọc như chưa từng được đọc bao giờ "Đọc hết văn vần sang văn xuôi/Hết văn thuyết lí lại văn chơi".
+ Thi sĩ tự nâng cao giá trị và tầm vóc bản thân ngang bằng với việc được nhà trời săn sóc, châm trà cho "nhấp giọng" để lấy tinh thần đọc thơ.
+ Tự khen thứ văn chương của mình bằng những lời mà đôi lúc tôi nghĩ là có phần hơi tự phụ, kiêu căng một chút "Văn dài hơi tốt ran cung mây", đắc chí vì thần tiên cũng phải tấm tắc khen "Trời nghe, Trời cũng lấy làm hay".
- Cái "ngông" trong khi trò chuyện cùng Trời:
+ Lối nói của ông không hề có sự e dè sợ hãi, mà thay vào đó là phong thái tự tin, thành thực, xen lẫn chút hóm hỉnh, vui tươi vô cùng thoải mái.
+ Xem chư tiên và Trời là những người bạn tâm giao, kể lể về cuộc sống nghèo khó, khiến những nhà trí thức phải nhiều phen khốn đốn.
+ Cho mình vốn là một trích tiên bị đày xuống hạ giới vì tội "ngông", rồi lại được Trời giải thích rằng sai Tản Đà xuống làm việc "thiên lương".
+ Vinh hạnh được thiên đình ưu ái cho xe Khiên Ngưu đưa tiễn, chúng tiên thì lũ lượt tiễn đưa.
c. Kết bài:
- Tổng kết giá trị nội dung nghệ thuật của tác phẩm hoặc nêu cảm nghĩ cá nhân.
2. Cảm nhận cái ngông của Tản Đà - Bài văn mẫu số 1
Nam Cao đã từng nói: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” chính điều đó làm nên cái tôi cá nhân có dấu ấn riêng biệt của mỗi tác giả. Tản Đà là một nhà văn có cái tôi ngông khác người nên thơ văn ông để lại một nét đặc sắc không thể lẫn với bất kì nhà văn nhà thơ nào. Đặc biệt cái tôi ngông ấy được thể hiện xuất sắc trong bài thơ “Hầu trời” với lối viết phóng khoáng, tự do khẳng định tài năng của bản thân.
Khái niệm “ngông” trong dùng để chỉ thái độ ứng xử xã hội và nghệ thuật khác thường với mọi người của các nhà văn, nhà thơ có ý thức cao về tài năng và phẩm chất cá nhân. Trong văn học trung đại ta đã từng bắt gặp cái tôi ngông của Nguyễn Công Trứ trong “Bài ca ngất ngưởng” hay Cao Bá Quát nay ta lại gặp Tản Đà dù không phải là cái ngông duy nhất nhưng vẫn có những điểm đặc thù do quy định thời đại thi sĩ sống là lúc giao thời Đông Tây, Hán học suy tàn và Tây học bắt đầu phát triển. Thơ văn Tản Đà được coi là dấu gạch nối giữa hai thế kỉ: trung đại và hiện đại.
Ngông vốn không phải là khái niệm xa lạ trong văn học, ta có thể kể đến những tác giả tiêu biểu cho lối sống đó như cái tôi rất ngông của Nguyễn Công Trứ:
"Vũ trụ nội mạc phi phận sự
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng"
Hay Tú Xương:
"Ông trông lên bảng thấy tên ông
Ông tớp rượu vào ông nói ngông
Trên bảng năm ba thầy cử đội
Bốn kì mười bảy cái ưu thông"
Đến Tản Đà, cái ngông tiếp tục được phát triển và được khẳng định một cách mạnh mẽ. Cái ngông trong bài Hầu trời trước hết được thể hiện trong hành động muốn được lên trời, bởi ông cho rằng chỉ có Trời mới đánh giá đúng tài năng của mình:
"Đêm qua chẳng biết có hay không,
Chẳng phải hoảng hốt, không mơ màng
Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể!
Thật được lên tiên sướng lạ lùng"
Thơ Tản Đà hay thơ ca cùng thời cũng có nói về việc lên tiên, để thoát li khỏi cuộc sống “trần thế em nay chán nửa rồi”. Nhưng Tản Đà thoát li lên trời lần này là để đọc thơ, ngâm văn. Chốn thiên môn đế khuyết ấy tưởng chỉ để rong chơi, hưởng thụ, nhưng nhà thơ đã tự hóa thân mình thành một thi sĩ biểu diễn tài năng. Mà cái cớ lên trời ấy người ta nghe tưởng chừng phi lý nhưng rồi cũng thấy rất tự nhiên và đáng tin. Chỉ là một đêm mất ngủ, uống trà, chơi trăng và ngâm văn, ấy vậy mà tiếng ngâm vang cả đến sông Ngân Hà khiến Trời phải sai người xuống đón lên để đọc cho nghe. Rõ ràng là một câu chuyện không có thật, quá lạ lùng nhưng cái cách dẫn dắt, trình bày lại khiến người ta thấy thú vị, hóm hỉnh. Phải bằng cái tôi cá tính như Tản Đà mới nghĩ ra được một câu chuyện như thế.
Táo bạo hơn, thi nhân còn được động viên: Anh gánh lên đây bán chợ Trời. Trong âm hưởng của sự say mê, hứng khởi, người ta không thấy một Tản Đà đang phô diễn, khoe khoang tài năng mà đó chỉ là một dịp để người nghệ sĩ thăng hoa trên tài năng của chính mình. Phải ý thức về tài năng cao độ, phải tự hào, kiêu hãnh về giá trị bản thân đến mức như thế nào mới dám bộc lộ đầy táo bạo như thế. Cái đó người ta gọi là ngông, cũng chỉ có Tản Đà mới ngông đầy nghệ sĩ và tài hoa như thế.
Thể thơ thất ngôn trường thiên, đã cho phép tác giả thể hiện một cách thoải mái cảm xúc của bản thân. Bài thơ Hầu trời đã thể hiện một cách đầy đủ cái tôi đầy ngông ngạo của Tản Đà trước cuộc đời. Ông ý thức sâu sắc về tài năng của bản thân, ông thời cũng ý thức hiện thực xã hội thối nát lúc bấy giờ. Qua đó cũng cho người đọc thấy một cái tôi ngông nhưng cũng đầy cô đơn, bế tắc trước thời cuộc.
3. Cảm nhận cái ngông của Tản Đà - Bài văn mẫu số 2
Người ta nói nhiều về Tản Đà vào những năm ấy, thời khắc chuyển giao của văn chương truyền thống và văn chương hiện đại. Đó là nhà thơ của hai thời đại, “dấu gạch nối giữa hai thế kỉ” bởi nhiều lý do. Ông tiêu biểu cho kiểu nhà nho tài tử, là người đầu tiên mang văn chương ra bán phố phường. Đó là những đóng góp mới mẻ của ông về hình thức thơ, diện mạo thơ vừa lãng mạn vừa cảm thương, vừa mới mẻ vừa giữ cốt cách hồn thơ dân tộc. Nhưng có lẽ không ai phủ nhận được, điều mà Tản Đà ghi dấu ấn trong lòng độc giả lại chính là cá tính trong thơ, còn gọi là cái tôi ngông mà ông đã bộc lộ. Và một trong những thi phẩm thể hiện được đó, là Hầu Trời. Bài thơ được in trong tập Còn chơi, năm 1921 thể hiện được đậm nét cái tôi ngông của nhà thơ.
Nét ngông trong thơ vốn không phải là một điều xa lạ. Nhắc đến cá tính này phải kể đến Nguyễn Công Trứ trước đó, và lớp sau này là Nguyễn Tuân. Và đến đây, chúng ta có Tản Đà. Khi những cốt cách nghệ sĩ tài hoa này bộc lộ cái ngông là khi họ ý thức rất cao về tài năng và giá trị của bản thân mình trước cuộc đời. Họ bộc lộ điều đó để tự tin, để hãnh diện nhưng cũng là để thách thức trước cuộc đời. Và từ đó họ tạo cho mình một phong cách, một cá tính riêng, độc đáo không pha lẫn được. Tản Đà trong Hầu Trời đã có một cái tôi ngông độc đáo như thế.
Trong sáng tác văn học, không phải ai cũng thể hiện được cái tôi của mình trên trang viết. Cái tôi gắn liền với cá tính sáng tạo của một người cầm bút. Điều đó đòi hỏi người viết phải thể hiện được cái riêng có giá trị thẩm mĩ cao, có khả năng đóng góp tích cực cho nền văn học chung.
Tản Đà nhắc đến thi nhân là nhắc đến "xê dịch, ngông và đa tình”. Ba yếu tố đủ để làm nên một cái tôi riêng trong làng thơ Việt Nam. Nhưng có lẽ, cái tôi độc đáo của nhà thơ đã thể hiện trong "Hầu Trời” là một cái tôi ngông rất lạ. "Ngông” không phải chỉ định một kiểu ứng xử xã hội và nghệ thuật khác. Cái ngông ở đây được nói đến là ngông dựa trên khả năng mình có, nghĩa là chỉ những người tài năng, tự tin bởi cái tài của mình, tự tin để khẳng định nó với đời mới là cái ngông được người đời chấp nhận. Người ngông tạo cho mình những phong cách riêng, khác người nhưng để lại những ấn tượng sâu đậm.
Bài Hầu Trời in trong tập Còn chơi, xuất bản năm 1921, nằm trong mạch cảm hứng lãng mạn đậm chất ngông của thi sĩ Tản Đà - một vị trích tiên như tác giả tự nhận, vì đánh vỡ chén ngọc mà bị Thượng đế đày xuống hạ giới. Có lúc chán chường trước cảnh đời nhiễu nhương, đen bạc, thi sĩ than thở.
Qua bài thơ này, Tản Đà đã mạnh dạn thể hiện “cái tôi” cá nhân - một“cái tôi”ngông nghênh, phóng túng lạ kỳ! Đó cũng là cách thể hiện ý thức về tài năng, giá trị đích thực của bản thân và khao khát được khẳng định mình giữa cuộc đời. Có thể tóm tắt nội dung bài thơ như sau: Đêm khuya thanh vắng, thi sĩ buồn nên đun nước pha trà uống rồi cất tiếng ngâm văn.Tiếng ngâm sang sảng vọng tới trời cao. Hai tiên nữ xuống truyền lệnh Trời đòi thi sĩ lên hầu chuyện. Thi sĩ được đón tiếp trọng vọng, được mời đọc văn thơ. Trời và chư tiên hết lời khen ngợi, tán thưởng. Trời truyền hỏi danh tính, thi sĩ kể lể tình cảnh khốn khó của kẻ theo đuổi nghề văn dưới hạ giới. Trời an ủi, khuyên nhủ, thi sĩ cảm kích lạy tạ ra về. Cuối cùng là cuộc chia tay đầy xúc động của thi sĩ với Trời và chư tiên.
Lối kể bịa mà như thật và nụ cười hóm hỉnh tạo nên nội dung trữ tình của bài thơ, giúp người đọc hiểu sâu hơn về con người thi sĩ. Những yếu tố nêu trên là một phần tất yếu của bài thơ, hoàn toàn xứng hợp với câu chuyện Hầu Trời mà tác giả hư cấu. Ngôn ngữ trong bài thơ rất gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày. Từ dùng nôm na, bình dị, lại được đặt trong ngữ điệu nói nên càng ý vị:Văn dài hơi tốt ran cung mây! Văn đã giàu thay, lại lắm lối… Trời nghe Trời cũng bật buồn cười… Chư tiên ao ước tranh nhau dặn,… Đặc biệt, dưới ngòi bút của tác giả, Trời và chư tiên không có một chút gì là đạo mạo. Họ biểu hiện cảm xúc theo một cung cách rất đỗi… bình dân:lè lưỡi, chau mày, lắng tai đứng, vỗ tay, bật buồn cười, tranh nhau dặn,… Cứ tưởng tượng ra hình ảnh của các đấng cao siêu mà có những cử chỉ, điệu bộ ngộ nghĩnh, rất “người” như thế, ai mà chẳng buồn cười và khâm phục cách kể chuyện tự nhiên, sinh động của thi sĩ Tản Đà. Các đoạn đối thoại và miêu tả phản ứng tâm lý của từng nhân vật đan xen với nhau khiến người đọc có cảm tưởng mình đang được chứng kiến hoặc tham gia vào câu chuyện, cùng nếm trải, chia sẻ những phút sung sướng lạ lùng và đắc ý tột bậc của người kể chuyện.
Hầu Trời là bài một thơ hay, độc đáo, có nhiều nét mới mẻ về mặt thi pháp, tiêu biểu cho tính chất giao thời giữa cái mới và cái cũ trong nghệ thuật thơ Tản Đà. Qua bài thơ, người đọc có thể nhận ra đôi điều về xu hướng phát triển của thơ ca Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỉ XX.