Phân tích bài thơ Nỗi oán của người phòng khuê của Vương Xương Linh

eLib xin gửi đến các em nội dung bài văn mẫu dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được những nỗi đau mà chiến tranh phong kiến để lại. Từ đó, các em có thái độ lên án những cuộc chiến tranh phi nghĩa. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Phân tích bài thơ Nỗi oán của người phòng khuê của Vương Xương Linh

1. Dàn ý phân tích bài "Nỗi oán của người phòng khuê"

a. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

- Vương Xương Linh (698-757), là nhà thơ nổi tiếng thời đường Trung Quốc.

- Tác phẩm ra đời khi đất nước phát triển nhưng chiến tranh nổ ra liên miên, nhiều người ra trận lập công, để vợ con ở nhà chịu nỗi bất hạnh.

- Bài thơ ra đời để phản kháng chiến tranh.

b. Thân bài: Phân tích bài thơ:

- Câu thứ nhất: tâm trạng bình thản của người phụ nữ khi chồng đi chiến đấu “thiếu phụ chẳng biết sầu”.

- Câu thơ thứ hai: Hòa vào mùa xuân, khát vọng ngày chồng trở về “ngày xuân chải chuốt, bước lên lầu”.

- Câu thơ thứ ba: Chuyển biến tâm trạng, hoảng hốt khi nhìn màu dương liễu, màu của mùa xuân, tuổi trẻ và ly biệt.

- Câu kết: sự hối hận của người khuê phụ khi để chồng ra trận.

- Nghệ thuật:

+ Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt.

+ Miêu tả tâm lí nhân vật theo diễn biến nội tâm.

-> Lên án chiến tranh sâu sắc.

c. Kết bài:

- Nội dung, nghệ thuật được sử dụng trong bài thơ -> Nét đặc sắc mang đến thành công, để lại dấu ấn cho bạn đọc.

- Nhận định lại bài thơ, đánh giá khách quan về bài thơ của Vương Xương Linh.

2. Viết đoạn văn nêu cảm nhận về tác phẩm "Nỗi oán của người phòng khuê"

Bốn câu thơ thất ngôn tứ tuyệt trong bài "Nỗi oán của người phòng khuê" có cấu trúc ngắn gọn nhưng nội dung hàm súc, ngôn ngữ gợi nhiều hơn tả. Trong mỗi câu thơ, tình và điệu hòa quyện với nhau, tạo nên âm hưởng nhịp nhàng, du dương, dễ đi sâu vào lòng người. Bằng bút pháp miêu tả và phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, nhà thơ Vương Xương Linh đã mượn tâm trạng của một khuê phụ trẻ để thông qua đó lên án chiến tranh phi nghĩa gây đau thương, mất mát cho mọi gia đình, cướp đi tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc của bao người. Trải qua hàng ngàn năm, bài thơ vẫn sống mãi trong lòng những thế hệ yêu mến và hâm mộ phong cách thơ trữ tình thanh tao, sâu nặng của Vương Xương linh – một trong những thi sĩ nổi tiếng thời Thịnh Đường.

3. Phân tích bài thơ "Nỗi oán của người phòng khuê"

Vương Xương Linh là một trong những nhà thơ thời Thịnh Đường. Thơ ông hiện còn 186 bài, trong đó đặc sắc nhất là thơ thất ngôn tuyệt cú. Vương Xương Linh với phong cách tinh tế, trong trẻo, thường đề cập đến cuộc sống của tướng sĩ nơi biên cương, nỗi oán hờn của người cung nữ, nỗi li sầu biệt, hận của người thiếu phụ khuê các, tình bằng hữu chân thành trong sáng.

"Nỗi oán của người phòng khuê" của Vương Xương Linh là một bài thơ hay viết về đề tài chiến tranh, về công danh, tình yêu và tuổi trẻ, những vấn đề luôn luôn day dứt trong tâm hồn con người mọi thời đại trước Vương Xương Linh, cùng thời với Vương Xương Linh và cả sau Vương Xương Linh. "Nỗi oán của người phòng khuê" là một đề tài thường gặp trong thơ nhưng cấu tứ đặc biệt của bài thơ này đã thể hiện được quá trình tâm lí, bộc lộ được cả phần "tiềm ý thức" của người khuê phụ, khiến bài thơ 28 chữ này rất tinh tế, đầy gợi cảm và đầy tính thuyết phục. Vì vậy nó đã trở nên một bài thơ tiêu biểu cho tiếng nói phản đối chiến tranh".

Hai câu thơ đầu giới thiệu nhân vật trữ tình trong bài thơ này là thiếu phụ thuộc tầng lớp quý tộc phong kiến, có chồng đang tham gia chinh chiến nơi xa. Có lẽ do sinh ra và lớn lên giữa cảnh xa hoa, nhung lụa nên cô chưa biết thế nào là cảnh hòn tên mũi đạn và những đau thương tang tóc của chiến tranh. Cũng vì thế mà tâm trạng cô vô tư, hồn nhiên như trẻ nhỏ. Ngày ngày, cô trang điểm thật đẹp đẽ, xinh tươi rồi lên lầu cao ngóng về phương xa, mong người chồng trở về thỏa mộng công danh:

Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu,

Xuân nhật ngưng trang thướng thúy lâu

(Thiếu phụ phòng khuê chẳng biết sầu,

Ngày xuân chải chuốt, bước lên lầu)

Ở đây có sự hoà hợp, tương đồng giữa người với cảnh. Giữa thiên nhiên mùa xuân xanh tươi tràn đầy sức sống, hình ảnh thiếu phụ trẻ trung, kiều diễm lại càng thêm lộng lẫy. Ấy thế nhưng điều éo le, trớ trêu cũng lại nằm ngay trong sự hòa hợp, tương đồng ấy bởi mùa xuân tượng trưng cho tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc lứa đôi; mà khuê phụ thì lại đang sống trong cảnh phòng khuê chiếc bóng. Cho nên, tâm trạng của nàng chắc cũng không ngoài tâm trạng chung của những người vợ trẻ có chồng ra trận. Thái độ vui vẻ, hồn nhiên nếu là có thật thì cũng rất mong manh. Chỉ cần một yếu tố nào đó của ngoại cảnh tác động vào là nó sẽ tan nhanh như màn sương dưới ánh mặt trời.

Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc,

Hối giao phu tế mịch phong hầu

(Đầu đường chợt thấy màu dương liễu,

Hối để Chàng đi kiếm tước hầu)

Cây liễu ở đây thể hiện cho tuổi thanh xuân của một đời người hay cụ thể hơn là một người con gái. Tâm trạng của cô đang vui bỗng nhiên chuyển thành buồn. Cô nghĩ đến tuổi trẻ của mình và không cần ai nói gì không cần nghe gì mà bản thân cô tự nhận ra và từ tâm trạng vui cô thấy buồn. Và từ sự nhận thức ấy khiến cô không thể vô tư được nữa. Cô nhớ thương đến chồng mình và đã hối hận khi để chồng lâm vào cảnh chiến tranh để phong hầu phong tước, qua đây nhà thơ thể hiến sự phản đối chiến tranh vì chính nó đã làm cho những người vợ chồng phải xa nhau cách trở.

Ở nơi chiến trường xa xôi đầy nguy hiểm ấy, cơ hội lập được công danh thì ít mà hiểm nguy đến tính mạng thì nhiều. Tâm trạng bộn bề, nỗi lòng đau đớn của người thiếu phụ có chồng đi chinh chiến nơi xa mà Đặng Trần Côn diễn tả trong Chinh phụ ngâm đã được Vương Xương Linh dồn cả vào hai từ "hối giao". Vì thế câu thơ mang sức nặng tư tưởng của cả bài thơ, thể hiện một chủ đề lớn và gợi ra bao nhiêu suy ngẫm.

Trong hoàn cảnh ấy, giá trị nổi bật của bài thơ là tiếng nói chống chiến tranh. Giá trị nhân văn của thi phẩm thể hiện ở sự trân trọng khát vọng hạnh phúc chính đáng của người thiếu phụ, ở tiếng nói lên án chiến tranh phi nghĩa đã cướp đi của con người không chỉ tuổi xuân, hạnh phúc mà còn là cả cuộc đời. Với việc thể hiện sự chuyển biến tâm lí của người thiếu phụ, nhà thơ đã thể hiện quá trình chuyển biến nhận thức của chính mình: từ con người có tinh thần chủ chiến, khao khát lập công danh bằng đao kiếm trên lưng ngựa đến con người có tư tưởng phản chiến khi nhận ra được sự tàn khốc của chiến tranh.

  • Tham khảo thêm

Ngày:08/11/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM