Nói giảm nói tránh Ngữ văn 8

Bên cạnh biện pháp tu từ nói quá, nói giảm, nói tránh cũng là một biện pháp tu từ được sử dụng trong giao tiếp. Vậy bản chất của nó là gì? Tác dụng của nó ra sao? Các cùng tìm hiểu bài học Nói giảm nói tránh Ngữ văn 8 tập 1. eLib xin mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt.

Nói giảm nói tránh Ngữ văn 8

1. Lý thuyết

- Nói giảm nói tránh là một biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển, tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề, tránh thô tục, thiếu lịch sự. Cách nói giảm nhẹ sự việc, thể hiện sự tế nhị hơn. (Ghi nhớ SGK)

- Nói giảm nói tránh thể hiện thái độ lịch sự, nhã nhặn của người nói, sự quan tâm, tôn trọng của người nói đối với người nghe, góp phần tạo phong cách nói năng đúng mực của con người có giáo dục có văn hóa

- Tác dụng: Tránh đi phần nào sự mất mát, đau buồn hay sự thô tục, thiếu lịch sự.

- Lưu ý:

+ Một số cách nói giảm nói tránh:

- Dùng từ đồng nghĩa (đặc biệt là các từ Hán Việt).

Ví dụ:

chôn = mai táng, an táng.

- chết = đi, từ trần, quy tiên...

- Dùng cách nói phủ định bằngtừ ngữ trái nghĩa:

Ví dụ: bài thơ của anh dở lắm.

→ Bài thơ của anh chưa được hay lắm.

- Nói vòng:

Ví dụ: Anh còn kém lắm.

→ Anh cần phải cố gắng thêm.

- Nói trống (tỉnh lược).

Ví dụ: Anh ấy bị thương nặng thế thì không sống được bao lâu nữa đâu chị ạ.

→ Anh ấy bị thế thì không được lâu nữa đâu chị ạ, không ổn lắm.

2. Luyện tập

Câu 1. Viết một đoạn văn ngắn có sử dụng biện pháp tu từ nói giảm nói tránh.

Gợi ý làm bài:

Bác Hồ vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Người là vị cha già kính yêu của tất cả con dân đất Việt. Ba mươi năm bôn ba nơi xứ người, vất vả đầy rẫy hiểm nguy, Người cố gắng đấu tranh, không ngừng học hỏi để tìm ra con đường Cách mạng cho dân tộc. Cả cuôc đời của Người lúc nào cũng hướng về nhân dân, tổ quốc. Lo nghĩ tới từng bữa ăn giấc ngủ của nhân dân, các đồng chí bộ đội, trăn trở thao thức lo nghĩ nhiều đêm cũng chỉ vì nhân dân, đất nước. Người tựa như người cha hiền từ lúc nào cũng lo nghĩ cho đàn con thơ dại. Mặc dù Người đã đi xa nhưng sâu trong trái tim của những người dân đất Việt, Người mãi mãi sống trong lòng mỗi người.

Câu 2. Tác dụng của nói giảm nói tránh?

Gợi ý làm bài:

Tránh đi phần nào sự mất mát, đau buồn hay sự thô tục, thiếu lịch sự.

3. Kết luận

Qua bài học các em nắm một số nội dung chính sau:

- Học sinh hiểu khái niệm nói giảm, nói tránh. Tác dụng của biện pháp tu từ nói giảm, nói tránh.

- Học sinh biết phân biệt nói giảm ,nói tránh và nói không đúng sự thật.

- Sử dụng nói giảm, nói tránh đúng lúc, đúng chỗ để tạo lời nói trang nhã, lịch sự.

- Giáo dục ý thức biết nói giảm, nói tránh phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp.

Ngày:14/10/2020 Chia sẻ bởi:Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM