Nghị luận hiện tượng, đời sống về tệ nạn xã hội hiện nay

eLib xin gửi đến các em nội dung bài văn mẫu dưới đây nhằm giúp các em thấy được hậu quả của những tệ nạn xã hội hiện nay. Từ đó, các em có thái độ sống lành mạnh hơn. Đồng thời, bài văn mẫu này còn giúp các em có kĩ năng viết một bài văn nghị luận xã hội về một hiện tượng, đời sống. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Nghị luận hiện tượng, đời sống về tệ nạn xã hội hiện nay

1. Lập dàn ý cho bài văn nghị luận xã hội về tệ nạn xã hội hiện nay

a. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề xã hội: Vấn đề tệ nạn đang nhức nhối, gây nguy hiểm cho xã hội, cuộc sống của con người.

- Dẫn dắt vấn đề: Xã hội đang phát triển từng ngày kéo theo nhiều vấn nạn gia tăng.

- Nêu vấn đề nghị luận: Tệ nạn xã hội để lại những tác hại to lớn đối với sự phát triển nhân cách con người và xã hội.

b. Thân bài:

- Giải thích hiện tượng:

+ Tệ nạn xã hội là hiện tượng phổ biến là những hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội, vi phạm đạo đức, bại hoại nhân cách, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, cản trở sự phát triển lành mạnh của đất nước.

+ Các tệ nạn xã hội như: cờ bạc, rượu chè, hút thuốc lá, ma túy, mê tín dị đoan…

- Thực trạng tệ nạn xã hội hiện nay:

+ Bên cạnh sự phát triển từng ngày của đất nước thì các tệ nạn cũng đang lan rộng và phức tạp hơn.

+ Các tệ nạn xã hội phổ biến ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt đời sống.

- Tác hại:

+ Tệ nạn xã hội ảnh hưởng đến sức khỏe, về mặt tinh thần thể xác thậm chí là cả tính mạng.

+ Làm cho xãhội trở nên không lành mạnh.

+ Làm cho đất nước kém phát triển, xã hội không còn tốt đẹp văn minh.

+ Gia đình tan nát: Vợ chồng li dị, cha mẹ mất con cái… gây nên những cảnh đau thương.

+ Làm con người lương thiện trở nên mất nhân tính bất chấp mọi thứ.

+ Gây nên nhiều vụ giết người cướp của ảnh hưởng xấu đến an ninh đất nước.

- Nguyên nhân:

+ Nguyên nhân hàng đầu là do bản thân mỗi người không có ý thức, không làm chủ được bản thân trước những cám dỗ của tệ nạn xã hội.

+ Do hoàn cảnh gia đình nghèo túng muốn kiếm được tiền từ các tệ nạn như cờ bạc, cá độ…

+ Mặt khác cũng là do hoàn cảnh gia đình khá giả nên sa vào các tệ nạn xã hội.

+ Bản thân mỗi người lười lao động, học đòi, bắt chước…

+ Do gia đình, nhà trường quản lí con em chưa chặt chẽ, không có thời gian quan tâm con cái.

+ Do pháp luật nước ta chưa thực sự nghiêm minh chưa có những biện pháp xử lí thật mạnh nên vẫn còn nhiều người sa vào tệ nạn xã hội.

+ Do bạn bè rủ rê lôi kéo.

- Giải pháp và liên hệ bản thân:

+ Bản thân mỗi người cần tự ý thức, làm chủ bản thân tránh xa các tệ nạn xã hội.

+ Gia đình nhà trường cần có các biện pháp giáo dục quản lí con em để không sa vào tệ nạn xã hội.

+ Hạn chế cho con em sử dụng nhiều các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… để tránh bị bạn bè rủ rê lôi kéo…

+ Tuyên truyền cho mọi người biết được tác hại ghê gớm của các tệ nạn xã hội từ đó mà có ý thức tránh xa.

+ Cơ quan nhà nước cần xử lí nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật.

+ Liên hệ bản thân: Mỗi chúng ta, nhất là lứa tuổi học sinh tâm sinh lí đang thay đổi cần giữ mình không để bản thân sa vào các tệ nạn xã hội.

c. Kết bài:

- Khẳng định lại vấn đề: Tệ nạn xã hội luôn là mỗi lo ngại hàng đầu của đất nước, đó là mối nguy hại không chỉ trước mắt mà còn là lâu dài cần tháo gỡ.

- Lời nhắn đến mọi người: Nếu mỗi người sống một cách văn minh thì chắc chắn tệ nạn sẽ được đẩy lùi.

2. Em hãy viết đoạn văn ngắn nêu suy nghĩ của bản thân về tệ nạn xã hội hiện nay

Tệ nạn xã hội đang là vấn đề cấp bách, nghiêm trọng cần phải triệt để nhanh nhất có thể trong bối cảnh đất nước tại thời điểm hiện tại. Hiện nay, Việt nam chúng ta đang trên đà phát triển công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Mỗi công dân đều phải có trách nhiệm đối với bản thân cũng như đối với đất nước để góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của nước nhà, song song đó việc đẩy lùi tệ nạn xã hội cũng là một trong những tiêu chí phát triển hàng đầu. Một đất nước càng văn minh, hiện đại thì tệ nạn xã hội lại càng phức tạp, càng đáng phải lên án gay gắt. Trong xã hội này, có nhiều người luôn sống theo phương châm: ”Vui có chừng - Dừng đúng lúc” thì cũng có không ít người từng ngày tiếp tay, làm lan truyền tệ nạn xã hội ra cộng đồng. Những người cả tin, sống ăn chơi, đua đòi để rồi cũng trở thành nạn nhân của tệ nạn xã hội thật đáng phê phán. Đặc biệt nguy hiểm là nhiều người có hành vi chủ mưu, lôi kéo giới trẻ sa vào tệ nạn xã hội. Họ không ý thức được hậu quả mà mình gây ra đã tạo nên một lỗ hổng đen vào thế hệ trẻ mà chỉ biết hưởng lợi cho riêng mình. Những con người ích kỉ như vậy đáng phải chịu vô số những hình phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật và sự cắn rứt giày vò của toà án lương tâm.

3. Viết bài văn nghị luận xã hội về tệ nạn xã hội hiện nay

Cuộc sống ngày càng phát triển thì tệ nạn xã hội ngày càng lên cao. Đây cũng là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay. Thời đại 4.0 phát triển cuộc sống ngày càng văn minh, tiến bộ hơn tuy nhiên vẫn còn tồn tại thế giới của bóng tối đó là những tệ nạn xã hội đang hoành hành với biểu hiện đa dạng và tác hại nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu tới đời sống con người. Đây là một vấn đề nóng luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng từ trước đến nay.

Để phòng chống một tệ nạn thì chúng ta cần biết rõ về tệ nạn đó. Cờ bạc được định nghĩa như là may rủi trong tiền bạc nhằm mục đích có nhiều tiền nhưng không phải từ việc làm kiếm thêm. Ngoài ra nó cũng được xem như một loại ma túy, một khi đã sa chân vào thì khó có thể mà rút ra. Cờ bạc là trò chơi đỏ đen, may rủi, hên xui nhưng lại cực kì kích thích sự ham muốn chiên thắng trong mỗi con người chúng ta thật khó có thể mà cưỡng lại được. Ông cha ta đã ví cờ bạc như câu nói “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”. Không những ảnh hưởng đến thời gian, sức khỏe, tiền bạc, sự nghiệp, cờ bạc còn làm cho con người ta mất hết nhân cách, gia đình không hạnh phúc, an ninh xã hội kém. Cờ bạc cũng có nhiều loại như: tổ tôm, bài cào, sạp xám, cá độ đá banh…

Tệ nạn xã hội ngày càng đa dạng, phổ biến dưới mọi hình thức và có mặt ở mọi nơi, mọi ngành nghề dù là nơi thành thị phát triển hay nông thôn nghèo khó, dù là nhà trường văn minh hay ngay trong bộ máy cấp cao của nhà nước. Tuy nhiên ở bài viết này chúng ta sẽ điểm qua các tệ nạn nổi trội, tiêu biểu với những tác hại nghiêm trọng.

Có rất nhiều loại tệ nạn xuất hiện phổ biến trong xã hội hiện nay, khó mà lường trước được hết. Nguy hại hơn tất cả là tệ nạn cờ bạc, ma túy, mại dâm. Đây là loại chiếm số lượng lớn nhất, nguy hiểm nhất đặc biệt là ma túy theo số liệu thống kê năm 2017 của Bộ công an cả nước ta có 210.751 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý tuy nhiên con số còn bỏ sót rất nhiều. Nghiện cờ bạc “là bác thằng bần. Cửa nhà bán hết, tra chân vào cùm” nghiện ma túy, mại dâm ảnh hưởng đến sức khỏe và là con đường nhanh nhất bị lây nhiễm HIV/AIDS, con đường ngắn nhất dẫn đến tội ác giết người gây ra biết bao hậu quả nghiêm trọng.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hoành hành của các tệ nạn xã hội hiện nay. Do bị bạn bè rủ rê, lôi kéo. Do gia đình không có sự quan tâm, đặc biệt với các bạn trẻ bố mẹ mải mê kiếm tiền, không chăm lo cho con cái, dẫn đến tâm lí chán nản, dễ dàng bị dụ dỗ. Do thất nghiệp, lười lao động, ông cha ta vẫn thường có câu “nhàn cư vi bất thiện”, khi nhàn dỗi thường dẫn con người đến những thú ăn chơi, hưởng lạc, dễ dàng sa ngã. Nhưng quan trọng nhất vẫn là do bản thân không có lập trường vững vàng, không làm chủ được bản thân trước những cám dỗ của cuộc sống.

Để triệt để những tệ nạn chết người này ra khỏi xã hội, mỗi cá nhân cần có thái độ sống tốt, lên án, phê phán những tệ nạn xã hội nguy hiểm ấy. Bên cạnh đó cũng cần sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội. Gia đình cần dành thời gian quan tâm, chăm sóc con cái, có những định hướng đúng đắn để con cái phát triển lành mạnh. Nhà trường cần tổ chức các buổi ngoại khóa, tuyên truyền để học sinh thấy được những tác hại nghiêm trọng của tệ nạn xã hội đối với bản thân. Đặc biệt, xã hội cần phải chung tay kết hợp với các cơ quan chức năng đẩy lùi tệ nạn xã hội. với những gia đình có người mắc tệ nạn xã hội còn khuyên bảo họ từ bỏ, đồng thời không có thái độ, phân biệt, kì thị, để họ dễ dàng tái hòa nhập với cộng đồng sau khi đã từ bỏ được các tệ nạn.

Bản thân chúng ta là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường cần phải tích cực học tập, không ngừng nỗ lực cố gắng. Hãy nói không và tránh xa các tệ nạn xã hội, để bảo vệ chính mình và bảo vệ truyền thống đẹp đẽ của dân tộc.

Ngày:24/10/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM