Nghị luận hiện tượng đời sống về căn bệnh thành tích trong xã hội hiện nay

Nội dung bài văn mẫu dưới đây cung cấp cho các em những kiến thức về tệ nạn xã hội hiện nay, đó là căn bệnh thành tích. Từ đó, các em sẽ có ý thức hơn trong việc học hành, khuyến khích mọi người cùng chung tay loại bỏ căn bệnh này. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Nghị luận hiện tượng đời sống về căn bệnh thành tích trong xã hội hiện nay

1. Dàn ý nghị luận hiện tượng đời sống về bệnh thành tích trong xã hội hiện nay

- Mở bài:

+ Trong thời gian gần đây, chúng ta thấy đài truyền hình Việt Nam đã lần lượt đưa tin về một số trường hợp học sinh học hết bậc trung học cơ sở mà vẫn chưa đọc thông viết thạo, trong khi đó học bạ của các em học sinh này vẫn được xếp loại trung bình, thậm chí có em còn đạt loại khá. Nguyên nhân thì có nhiều xong có thể kể đến đầu tiên là do bệnh thành tích đang xâm nhập và gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng của ngành giáo dục.

+ Nhìn rộng ra, có thể thấy, bệnh thành tích quả thực đã trở thành một hiện tượng có nguy cơ trở thành tệ nạn trong xã hội ta ngày nay bởi nó đã lan rộng ở các cấp, các ngành, các lứa tuổi và tạo ra những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng.

- Thân bài:

+ Khái niệm và biểu hiện của “bệnh thành tích”:

  • Khái niệm: “bệnh” ở đây là thói xấu hoặc khuyết điểm về tư tưởng tạo nên những hành động đáng chê trách hoặc gây hại, “thành tích” là kết quả được đánh giá tốt do nỗ lực mà đạt được, “bệnh thành tích” là tư tưởng thích được khen ngợi, đánh giá cao nên tạo ra những thành tích không có thật hoặc chạy theo thành tích bên ngoài mà không chú trọng đến thực chất và các mặt lợi, hại của nó khi giá trị thực bên trong không được đảm bảo.
  • Bệnh thành tích khác hoàn toàn với ý thức phấn đấu để đạt thành tích bởi một bên chỉ chú trọng đến cái bên ngoài, một bên chú ý đầy đủ đến các mặt bên ngoài và bên trong; một bên chỉ chú ý đến lợi ích cá nhân, một bên hướng tới khẳng định mình bằng những đóng góp thật sự có giá trị; một bên xuất phát từ nhu cầu và động cơ cá nhân ích kỉ, một bên lại xuất phát từ ý thức trách nhiệm và tinh thần phấn đấu vươn lên...

+ Biểu hiện của “bệnh thành tích”: Vì thành tích, chạy theo thành tích mà bất chấp điều kiện và nhu cầu thực tế tạo ra những thành tích giả tạo cốt để tạo uy tín cá nhân, để che mắt dư luận hoặc đế nhận sự khen thưởng của cấp trên...

+ Nguyên nhân của bệnh thành tích:

  • Nguyên nhân khách quan: Cơ chế đánh giá, khen thưởng của Nhà nước chủ yếu dựa vào thành tích đạt được trong quá trình hoạt động của các tập thể, cá nhân; Khả năng quản lí của các cơ quan chủ quản chưa thật chặt chẽ nên khi đánh giá lại chủ yếu dựa vào những báo cáo hoặc thành tích bề nổi, chưa thực sự xem xét phân tích để đánh giá chính xác thực chất; Tâm lí xã hội vẫn chú trọng đến thành tích, kết quả mà chưa thực sự coi trọng phương pháp, quá trình.

+ Nguyên nhân chủ quan: Do hạn chế về tư tưởng nên dễ bị cám dỗ, cuốn hút bởi những yếu tố bề nổi, bên ngoài; Do kém cỏi trong nhận thức nên không thấy được mối quan hệ cần thiết phải có giữa danh và thực, thành tích bề nổi và giá trị thực sự bên trong; Do thiếu ý thức trách nhiệm nên không chú ý đến việc xây dựng nền tảng, gốc rễ cho một sự phát triển bền vững mà chỉ chạy theo những kết quả giả tạo đế thỏa mãn nhu cầu cá nhân ích kỉ.

+ Hậu quả:

  • Với sự phát triển nhân cách con người: Sự tồn tại của bệnh thành tích sẽ làm hình thành cả một lớp người chạy theo thành tích, sống trong những điều giả tạo và góp phần tạo nên một thế giới giả tạo. Tất cả những thứ giả tạo sẽ hủy hoại hoặc chí ít cũng làm lệch lạc sự phát triển nhân cách của con người.
  • Với môi trường xã hội và sự phát triển của đất nước: Môi trường xã hội: tạo thành một môi trường với những cạnh tranh không lành mạnh, những quan hệ không lành mạnh; Sự phát triển của đất nước: khi thành tích chỉ là giả hoặc không có giá trị thật, nó không những không tạo động lực cho sự phát triển của đất nước mà còn có thể đem đến những rạn nứt, suy thoái nghiêm trọng.

+ Giải pháp khắc phục bệnh thành tích:

  • Đối với người quản lí và chính sách quản lí: Cần xem xét một cách toàn diện mối quan hệ giữa thành tích đạt được với cách thức và quá trình đạt được nó để xác định chính xác thực chất giá trị của thành tích; Cần đặt ra những mục tiêu có tính thực tế, những kế hoạch cụ thế đế tạo cơ sở thực tế cho những thành tích sau này; Cần quản lí chặt chẽ và điều tra nghiêm túc để loại bỏ những thành tích ảo.
  • Đối với mỗi cá nhân: Cần nâng cao hiểu biết để nhận rõ cái lợi, cái hại, điều cần thiết và những gì không thực sự cần cho sự phát triển chung; Cần nâng cao năng lực của bản thân để tạo ra những thành tích thật sự có giá trị; Cần rèn luyện bản lĩnh và xây dựng một ý thức, tư tưởng đúng đắn, lành mạnh để thực hiện trách nhiệm của bản thân trong mỗi việc làm.

- Kết bài:

+ Căn bệnh thế chất chỉ huỷ hoại, làm tổn thương tới cơ thế của một cá nhân, nhưng căn bệnh tinh thần nếu không được chữa trị sẽ có hậu quả không chi lâu dài mà còn rất sâu rộng trong đời sống xã hội. Bệnh thành tích thuộc loại bệnh tinh thần.

+ Một căn bệnh rất nghiêm trọng cần phải loại bỏ, chữa trị tận gốc rễ. 

+ Khi mỗi cá nhân cũng như tập thể đều hành động và phấn đấu bằng ý thức trách nhiệm và sự hiểu biết sẽ tạo nên một môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh cho sự phát triển của con người.

2. Viết đoạn văn ngắn trình bày những tác hại nghiêm trọng của căn bệnh thành tích

Đất nước chúng ta dang tiến trên con đường đổi mới, mở cửa, hội nhập và tranh đua với thế giới để giành lấy một vị trí xứng đáng cho chính mình. Cuộc đua tranh ấy giống như một trận đánh trên võ đài mà ta là một đấu sĩ. Võ sĩ chỉ có thể chiến thắng đối thủ của mình bằng năng lực thật sự chứ không phải bằng một chứng chỉ có đẳng cấp cao hơn. Bệnh thành tích cần phải được xoá bỏ, đó chắc chắn không phải là một nhiệm vụ quá khó nhưng cũng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Nói “không” với tiêu cực, với bệnh thành tích trước hết phải cần đến ý thức tự giác của bản thân mỗi người. Nhiệm vụ đó đòi hỏi một sự kiên quyết nhưng bền bỉ và khôn khéo, cần một sự can đảm dám nhìn thẳng vào sự thật đời sống với tinh thần phê phán, bình tâm lắng nghe những lời nói thật mà không mếch lòng, tỉnh táo trước những báo cáo ngợi ca, xa rời thực tế,... Trước hết phải biểu dương những gì ngành giáo dục đã làm được, cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" đã đạt được những thành quả đáng kể, chất lượng giáo dục của cả nước trong hai năm trở lại đây đã phần nào phản ánh đúng thực chất của học sinh Việt Nam. "Năm học 2006 - 2007 là năm đầu tiên ngành giáo dục bước vào thực hiện cuộc "đại phẫu" nhằm cắt bỏ những "khối u" tiêu cực đã tồn tại một cách có hệ thống lâu nay". Đất nước sau này có cường, thịnh hay không phụ thuộc vào nền giáo dục của chúng ta có thể đổi mới để sản sinh ra những nhân tài thực sự hay không? Cuộc sống là thế, mọi thứ đôi khi xô bồ, ai cũng muốn một kết quả hoàn hảo nhưng không ai muốn cố gắng, đôi khi vì ganh ghét, nghi kị nhau mà chạy đua theo thành tích, để đạt được thành công không phải của mình. Thành tích là kết quả đánh giá nỗ lực của một con người. Kết quả đó không chỉ là lợi ích vật chất hay tinh thần cá nhân, tuy rằng phần lớn yếu tố tạo nên động lực khiến con người phải nỗ lực nhiều hơn, tốt hơn để đạt được lợi ích cho chính mình. Nhưng con người vẫn có thể cố gắng hết sức mình vì lợi ích chung, lợi ích của xã hội, của đất nước.

3. Viết bài văn nghị luận hiện tượng đời sống về bệnh thành tích trong xã hội hiện nay

Trong cuộc sống này có ai không thích thành tích tốt, mình được khen ngợi, thế nhưng bản thân mỗi người cần nhận thức được thành tích thật sự là như thế nào. Ngày nay chỉ cần có được một thành thích tốt người ta bất chấp mọi thứ, chạy theo thành tích ảo, bằng những thứ không đúng sự thật. Có lẽ vì đó mà căn bệnh thành tích ngày càng lây lan và đang gây ra những tác hại không nhỏ với sự phát triển xã hội.

Chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản rằng “Bệnh thành tích” được hiểu là con người luôn muốn mình có một thành tích tốt đẹp, bất kể có phải là thành tích thật hay không. Vì điều đó họ sẵn sàng làm mọi điều kể cả những gian lận, những việc trái với đạo lý. Nó ăn vào tâm trí họ như một căn bệnh.

Điều lo ngại chung hiện nay là căn bệnh thành tích đang lan tràn trong ngành giáo dục của nước ta. Không phải chỉ lây nhiễm cho một bộ phận những người công tác trong ngành mà còn cho nhiều gia đình trong xã hội. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, người được kỳ vọng rất nhiều trong công tác chấn hưng nền giáo dục nước nhà, đã nhận xét rằng không chỉ “các thầy cô, các trường ham muốn thành tích bằng kết quả thi cử cao" mà "hàng chục triệu phụ huynh và học sinh chính là đồng tác giả của bệnh thành tích".

Bệnh thành tích gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội. Bệnh thành tích sẽ làm mất đi sự trung thực, niềm tin và sự phát triển của xã hội. Chúng ta đều biết rằng một xã hội muốn phát triển thì cần có nhân tài, mà nhân thì phải tài thực sự, có năng lực thực sự. Trong cuộc sống hiện đại nếu bạn không có năng lực thực sự thì sẽ không thể có một chỗ đứng. Căn bệnh thành tích khiến cho người ta chỉ xem trọng lượng mà không có chất. Một tập thể mắc bệnh thành tích sẽ cho ra những sản phẩm không có giá trị. Bệnh thành tích khiến người ta dễ ảo tưởng, lọc lừa dối trá. Dần dần họ sẽ thoái hóa nhân cách, đánh mất đi những giá trị đạo đức tốt đẹp của bản thân.

Người xưa có câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đã cho thấy rõ một điều rằng con người ta quan trọng chất lượng chứ không thể lấy cái bề ngoài, cái số lượng để đánh giá giá trị của một vấn đề. Căn bệnh thành tích ngày nay đã đảo lộn mọi giá trị tốt đẹp ấy, đã phá vỡ đi những truyển thống văn hóa của dân tộc. Căn bệnh ấy sẽ khiến những cá nhân tự mãn về bản thân, cho mình luôn giỏi giang nhưng thực chất là không phải. Và ảo tưởng thì thường sẽ không có thật, không thể tồn tại lâu dài.

Chúng ta cần có những biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi căn bệnh này. Các bộ, ngành và cơ quan chức năng cần có những cuộc thanh tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những thành tích ảo. Nếu cố ý vi phạm thì cần có biện pháp xử lý đích đáng. Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường những biện pháp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của mỗi người cần tránh xa và đẩy lùi căn bệnh này. Thiết nghĩ rằng dù nó là căn bệnh có tính lây lan nhưng có để mình bị lây hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân mỗi người. Chúng ta cần phải là những người có lòng tự trọng, có nhân cách và đó mới là điều cần lan tỏa trong xã hội này.

Đất nước chúng ta đang trên đường hội nhập và phát triển, mỗi người cần tự khẳng định được giá trị của bản thân mình để giành lấy một chỗ đứng nhất định. Nhưng không thể vì điều đó mà bất chấp để có thành tích. Chúng ta cần đi lên bằng chính khả năng của bản thân mình. Chắc chắn đó không phải là một điều quá khó khăn nếu như chúng ta luôn có tự trọng và giữ đúng nhân cách của mình.

Ngày:18/09/2020 Chia sẻ bởi:An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM