Khi con tu hú Ngữ văn 8

Nội dung bài Khi con tu hú dưới đây nhằm giúp các em hiểu được niềm khát khao tự do, lí tưởng cách mạng của tác giả. Đồng thời, bài học này còn giúp các em trau dồi thêm vốn từ phong phú cho bản thân. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Khi con tu hú Ngữ văn 8

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Tác giả: Tố Hữu (1920 2002).

- Tên khai sinh Nguyễn Kim Thành.

- Quê: Thừa Thiên Huế. Ông là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng và kháng chiến. Tố Hữu từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong đảng và chính quyền. Ông được nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

1.2. Tác phẩm

- Bài thơ "Khi con tu hú" được sáng tác vào tháng 7-1939 trong nhà lao Thừa phủ Huế khi tác giả mới bị thực dân Pháp bắt giam.

- Bố cục bài thơ có thể chia thành hai phần:

+ Khổ 1: Bức tranh thiên nhiên mùa hè.

+ Khổ 2: Tâm trạng người tù Cách mạng.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Bức tranh thiên nhiên mùa hè

Khi con tu hú gọi bầy

Lúa chim đương chín trái cây ngọt dần

Vườn râm dậy tiếng ve ngân

Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng vàng

Trời xanh càng rộng càng cao

Đôi con diều sáo lộn nhào từng không

- Đó là bức tranh có cảnh vật, âm thanh, màu sắc và hương vị:

+ Âm thanh: Tiếng chim tu hú, tiếng ve ngân, tiếng sáo diều.

+ Cảnh vật:

  • Lúa chiêm đang chín.
  • Mảnh vườn râm.

+ Màu sắc: Nắng đào, bắp vàng, trời xanh.

+ Hương vị: Trái cây ngọt.

- Nghệ thuật: Miêu tả, dùng động từ, tính từ để diễn tả hoạt động căng đầy nhựa sống của mùa hè.

- Mùa hè được người chiến sĩ cách mạng cảm nhận bằng thính giác, bằng sức tưởng tượng mạnh mẽ, mùa hè tràn vào phòng giam qua âm thanh của tiếng chim tu hú.

- Phạm vi miêu tả rộng, tỉ mỉ (bầu trời, cánh đồng, từ khu vườn đến mảnh sân, từ màu sắc đến hương vị).

- Nhà thơ đang bị giam hãm trong một nhà tù chật hẹp nhưng chính tiếng chim tu hú kêu đã giúp nhà thơ tỉnh ngộ, muốn ra ngoài ánh sáng, con chim tu hú đánh thức tâm hồn nhà thơ khi "lúa chiêm đang chín "còn trái cây thì "ngọt dần". Ta thấy tác giả nói "đương chín" chứ không phải là đang chín trái cây ngọt dần chứ không phải là đã ngọt. Dường như mùa hè đang đến dần, nhà thơ muốn nó đừng trôi qua nhanh mà hãy chậm rãi nhà thơ muốn níu giữ từng chút một thời gian. 

=> Nhà thơ đã thể hiện khát khao tự do cháy bỏng của bản thân bằng cách tái hiện một bức tranh thiên nhiên mùa hè tràn trề nhựa sống. Đoạn thơ cho ta hiểu thêm nét đẹp trong tâm hồn người chiến sĩ trẻ. Người chiến sĩ xả thân vì lí tưởng cao đẹp đó có một thế giới nội tâm rất phong phú rung động mãnh liệt đối với nhịp đập của cuộc sống, gắn bó tha thiết với quê hương ruộng đồng.

2.2. Tâm trạng người tù Cách mạng

Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi

Ngột làm sao chết mất thôi

Khi con tu hú ngoài trời cứ kêu

- Tác giả miêu tả không gian mùa hè ở trên nhằm tạo ra sự tương phản đối lập với không gian nhỏ hẹp, tù túng của phòng giam.

- Tố Hữu đã khắc họa nên những âm thanh như là thúc giục nhà thơ phải mạnh mẽ thoát khỏi nơi giam hãm thân xác của mình, nhà thơ như muốn "đập tan phòng" đập tan song sắt, xà lim chật chội để ra ngoài giải phóng mình. Lòng uất hận đang dâng trào khiến nhà thơ chỉ muốn thoát khỏi sự chật chội ấy để ra ngoài thiên nhiên rộng lớn.

-> Tiếng chim tu hú là âm thanh mang những ý nghĩa rất sâu sắc, nó ẩn dụ cho cuộc đời của nhà thơ, nhà thơ đang bị giam hãm nơi nhà tù, tiếng tu hú gọi bầy tha thiết gợi ra một không gian thế giới bao la vô cùng sinh động. Nhưng thế giới ấy càng rộng lớn bao la rực rỡ bao nhiêu càng khiến cho người tù cảm thấy chặt chội khó chịu bấy nhiêu.

=> Tố Hữu là người luôn hướng đến lí tưởng của Cách mạng, Tố Hữu luôn mang trong mình một tâm hồn đầy trẻ trung, yêu đời, khao khát sống và cống hiến, khiến cho nỗi mong mỏi được vượt thoát khỏi cảnh ngục tù này càng trào dâng mạnh mẽ hơn trong lòng Tố Hữu. Để khi tiếng chim tu hú một lần nữa hữu ý cất lên, khao khát đó bùng cháy dữ dội, biến thành những ước muốn cụ thể, hữu hình.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Tình yêu cuộc sống và niềm khao khát tự do cháy bỏng của người tù cách mạng.

- Về nghệ thuật:

+ Thơ lục bát mềm mại uyển chuyển.

+ Giọng tự nhiên, cảm xúc nhất quán.

+ Cách dùng từ, ngắt nhịp... phù hợp với cảm xúc của bài thơ.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của bản thân về bức tranh thiên nhiên mùa hè trong bài thơ "Khi con tu hú" của Tố Hữu.

Gợi ý trả lời:

Tố Hữu đã thể hiện nỗi nhớ quê hương da diết của mình bằng cách tái hiện một bức tranh thiên nhiên mùa hè đặc sắc và sinh động. Nhịp sống của đồng quê thật rộn rã và tràn đầy sức sống. “Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần”, sự vật đang vận động tiến dần đến sự hoàn thiện, hoàn mĩ, đang chín, ngọt dần. Một mùa hè đã báo hiệu, một mùa hè với những cảnh vật, âm thanh, màu sắc, ánh nắng quen thuộc. Phải là một người tha thiết yêu cuộc sống, gắn bó máu thịt với quê hương mới có nỗi nhức nhối không nguôi đến như thế!

Câu 2: Em có suy nghĩ gì về tiếng kêu của tu hú?

Gợi ý trả lời:

- Tiếng chim tu hú là âm thanh đầy ý nghĩa đối với toàn bộ văn bản "Khi con tu hú" của Tố Hữu, tiếng chim tu hú kêu chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi đã làm dậy lên tất cả cảnh và tình mùa hè trong tâm tưởng nhà thơ.

- Tiếng chim tu hú như phản ánh một thực tế xót xa của người tù, tu hú kêu tự do ngoài nhà tù, còn người tù thì bị giam hãm. Người tù thấu hiểu được cảnh ngộ trớ trêu của mình trong chốn lao tù ngột ngạt, giữa lúc cuộc sống bên ngoài đang nảy nở, sinh sôi. Phải bứt tung xiềng xích, phá tan những nhà ngục hữu hình và vô hình đang giam hãm cả dân tộc trong vòng nô lệ.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Học sinh có những nhận biết ban đầu về tác giả Tố Hữu.

- Nghệ thuật khắc hoạ hình ảnh (thiên nhiên, cái đẹp của cuộc đời tự do).

- Niềm khát khao tự do, lí tưởng cách mạng của tác giả.

- Đọc diễn cảm một tác phẩm thơ thể hiện tâm tư người chiến sĩ cách mạng bị giam giữ trong tù ngục tù.

- Nhận ra và phân tích được sự nhất quán về cảm xúc giữa hai phần bài thơ; thấy được sự vận dụng tài tình thể thơ truyền thống của tác giả ở bài thơ này.

Ngày:15/12/2020 Chia sẻ bởi:Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM