Kể chuyện: Được chứng kiến hoặc tham gia Tiếng Việt 5
Nội dung bài học dưới đây nhừm giúp các em biết cách kể một câu chuyện đã nghe đã chứng kiến về cuộc sống nói lên truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam, hoặc kể về kỉ niệm với thầy cô giáo, thể hiện lòng biết ơn. eLib mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé.
Mục lục nội dung
1. Nội dung bài học
- Các em kể lại câu chuyện đã nghe đã chứng kiến về cuộc sống nói lên truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam, hoặc kể về kỉ niệm với thầy cô giáo, thể hiện lòng biết ơn.
- Rèn luyện kĩ năng viết.
2. Câu hỏi và hướng dẫn giải
2.1. Giải câu 1 trang 92 SGK Tiếng Việt lớp 5
Câu hỏi:
Kể một câu chuyện mà em biết trong cuộc sống nói lên truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam ta.
Hướng dẫn giải:
Bài tham khảo số 1:
Nhân ngày hai mươi tháng mười một, ngày nhà giáo Việt Nam, trường em đã long trọng tổ chức lễ mít tinh kỉ niệm nhằm tri ân công ơn của thầy cô đối với các thế hệ học trò. Chúng em đã chuẩn bị những bó hồng tươi thắm, những tiết mục văn nghệ đặc sắc nhất dành cho thầy cô nhân ngày lễ đặc biệt này. Cũng trong ngày 20/11 chúng em được chứng kiến tấm lòng yêu thương, trân trọng của các anh chị đã ra trường dành cho mái trường và thầy cô giáo cũ của mình.
Vào buổi sáng ngày 20/11 chúng em vô cùng náo nức, nhộn nhịp chuẩn bị cho lễ mít tinh, có lớp đảm nhận nhiệm vụ bày biện, tổ chức cho buổi lễ, lớp thì phân công nhau trực nhật để không gian sân trường trang trang, đẹp đẽ nhất. Cũng có lớp tập dượt lại những tiết mục văn nghệ để chuẩn bị biểu diễn cho lễ kỉ niệm sắp tới.
Mọi người đều vô cùng nhộn nhịp với công việc của riêng mình. Khi buổi lễ bắt đầu, chúng em được nghe lời diễn văn đầy ý nghĩa của thầy hiệu trưởng về ý nghĩa của nghề giáo và ngày kỉ niệm 20/11. Sau đó những tiết mục văn nghệ cũng được diễn ra một cách suôn sẻ với giải nhất thuộc về anh chị lớp 5A.
Sau lễ mít tinh, chúng em thu gọn bàn ghế vào thì thấy những anh chị đã ra trường nhiều năm trước trở về trường và tặng thầy cô những bó hoa tươi thắm. Các anh chị đều dành cho thầy cô giáo cũ của mình tấm lòng thương yêu chân thành, vì vậy mà dù đã ra trường thì anh chị cũng vẫn thu xếp thời gian để về thăm lại mái trường xưa, thăm lại thầy cô và nói những lời tri ân công lao đầy sâu sắc.
Hình ảnh của các anh chị khiến cho em vô cùng cảm động, đó chính là tinh thần tôn sư trọng đạo mà thầy cô vẫn thường dạy cho chúng em trong những giờ học đạo đức. Đó cũng chính là những đức tính tốt, những tấm gương đẹp để cho chúng em học tập và noi theo.
Bài tham khảo số 2:
Cây cam trong vườn vào cuối tháng 10 đã chín. Những quả cam căng mọng, tròn to ánh lên màu vàng tươi. Chiều thứ bảy hôm trước, ông bắc ghế chọn cắt 20 quả cam to nhất, đẹp nhất, giống cam Giàng nổi tiếng vừa thơm, vừa ngọt. Mười quả cam, ông xếp lên hai đĩa to bày lên bàn thờ. Mười quả cam còn lại, ông xếp cẩn thận vào chiếc làn mĩ nghệ, quả cam nào cũng có cuống và hai lá.
Sáng chủ nhật hôm sau, ông gọi hai cháu lại và bảo:
- Cháu Lương ở nhà coi nhà. Có ai đến chơi, cháu thưa là ông đi sang làng Trịnh độ 10 giờ mới về. Còn cháu Quân đi theo ông; ăn mặc phải tươm tất vào.
Bảy giờ sáng, nắng tháng mười vàng hoe. Ông đi trước, em xách làn cam theo sau. Những năm trước đây, anh Quang còn ở nhà, chỉ có anh mới được đi theo ông khi có việc gì đó.
Anh Quang đã vào Đà Nẵng học đại học, đây là lần đầu tiên em được vinh dự đi theo ông.
Đường liên thôn, liên xã đã được xi măng hóa rất phẳng và thẳng tắp, thỉnh thoảng có một chiếc xe máy vút qua. Vượt qua cánh đồng lúa chín, đi dọc con mương dài, rẽ vào làng Trịnh. Đến gốc đa làng vào cái đình bốn góc uốn cong, có hai con nghê đá... ông dừng lại nói: hơn 60 năm về trước, ông học với cụ giáo Bình, học trong đình làng đây. Bàn ghế kê bằng cánh cửa. Học thích lắm, vui lắm ! Ông cháu ta sắp vào thăm cụ.
Con trai trưởng cụ giáo Bình hiện là kĩ sư đang công tác ở phòng Nông nghiệp - Nông thôn huyện nhà ra chào và tiếp chuyện ông. Hai đứa bé con bác Lợi cũng đang học Tiểu học ra chơi với em. Lần đầu mới gặp, nhưng cùng trang lứa nên chúng em quen thân ngaỵ.
Ông bày 10 quả cam lên cái mâm bồng sơn son thếp vàng trang trọng đặt lên bàn thờ, rồi thắp hương khấn. Ông nói với bác Lợi:
- Ảnh thầy bị ẩm và mờ đi. Có lẽ ta nên chụp lại, phục chế lại, bác Lợi nhỉ.
- Vợ chồng em và các cháu cũng đã bàn định rồi đấy ạ...
Hết tuần hương, ông lại thắp hương cắm lên bàn thờ, chắp tay vái rồi xin phép bác Lợi, hai ông cháu ra về.
Lúc về, hai ông cháu đi tắt cánh đồng lúa tốt bời bời. Ông kể lại một số kỉ niệm về cụ giáo Bình. Ông nói:
- Cụ giáo Bình nghiêm khắc lắm, nhưng không đánh học sinh bao giờ. Hôm nào trời mưa, học trò xa, cụ giữ lại cho ăn cơm, ăn khoai vui lắm. Chữ cụ rất đẹp, dạy môn gì cũng giỏi. Máy bay Mĩ ném bom trường học, cụ là Hiệu trường và hai thầy giáo trẻ đã hi sinh vào năm 1971. Ngày mai, 11 tháng 11 là giỗ cụ đó. Ông cháu ta hôm nay sang là để thắp hương và dâng cụ mấy trái cam đầu vụ. Nhờ cụ dạy dỗ mà ông mới nên người, mới có gia đình cháu ngày nay.
Em bâng khuâng nghĩ: "Mùa cam sang năm, cháu lại được theo ông sang thăm cụ giáo Bình lần nữa...".
2.2. Giải câu 2 trang 93 SGK Tiếng Việt lớp 5
Câu hỏi: Kể một kỉ niệm về thầy giáo hoặc cô giáo của em, qua đó thể hiện lòng biết ơn của em với thầy cô.
Hướng dẫn giải:
Bài tham khảo số 1:
Trong thời gian đi học, em đã được học rất nhiều thầy cô. Mỗi người ai cũng có những điểm giống và khác nhau trong tính cách và cách dậy học. Thế nhưng với em, em thích nhất là được học với cô giáo Thúy - cô chính là cô giáo chủ nhiệm lớp bảy của em. Với cô, em đã có rất nhiều nhưng kỉ niệm đẹp mà cho tới tận bây giờ em vẫn không thể nào mà quên được.
Năm lớp bảy, lớp em được nhận cô giáo chủ nhiệm mới. Cô là cô giáo mới về trường, năm đó cô giáo mới có 23 tuổi. Có lẽ cũng bởi vì thế mà ở cô giống như một người chị của chúng em. Cô hiểu chúng em như những người em của mình và luôn ở bên cạnh chúng em để giúp chúng em cố gắng trong học tập. em còn nhớ rất nhiều những kỉ niệm về cô, những kỉ niệm ấy như đi cùng với em suốt cả những chặng đường dài bởi chính cô là người đã dạy cho em những điều hay, những điều mà trước đó em không hề biết. Còn nhớ nhất là kỉ niệm về cô. Khi ấy, em vẫn còn là một học sinh rất nghịch ngợm, lại hay cãi nhau với bạn, không chịu học bài và làm bài mỗi khi tới lớp. Thấy em như vậy, cô giáo đã gọi em và nói chuyện cùng với em.
Lúc đầu em cứ nghĩ rằng có lẽ cô lại mắng mình rồi. Thế nhưng cô lại không hề làm như vậy. Cô hỏi em tại sao em lại không làm bài tập ở nhà một cách rất dịu dàng. Lúc ấy, em không biết phải trả lời như thế nào, chỉ có thể cúi đầu xuống và không dám trả lời cô. Cô bảo rằng cô biết em là một người con ngoan, có thể em không thích học vì em đã bị mất gốc nên cô đã chủ động tới nhà để kèm cặp riêng cho em. Thời gian đầu em không hề muốn học cô, thế nhưng cô đã thay đổi cả những suy nghĩ của em bởi mỗi lần tới nhà, cô chỉ như một người chị đang giúp đỡ em mình học tập thậm chí khi tới cô mang những thứ mà chúng em thích như xoài, ổi hay những hộp ô mai nho nhỏ. Cô bảo rằng đó chính là bí mật của hai cô trò. Sau này nhờ có công lao dạy bảo của cô mà em đã có những tiến bộ vượt bậc trong học tập và thay đổi hẳn thái đọ với việc học và làm bài.
Cô Thúy là cô giáo mà em ngưỡng mộ nhất. Tuy giờ đây cô đã chuyên công tác nhưng trong lòng của em thì cô luôn la người thầy mà em biết ơn và kính trọng cho tới suốt cuộc đời.
Bài tham khảo số 2:
Năm đó tôi rời khỏi làng quê ra thành phố Hội An để tiếp tục việc học.
Ở lứa tuổi mười bốn, trình độ văn hoá lớp chín, nhờ sự giới thiệu của một người bạn học, tôi được vào “dạy kèm” cho một gia đình giàu có. Hằng ngày ngoài việc dạy kèm cho bốn cô cậu ấm học từ lớp một cho đến lớp bảy, tôi còn phải vác gạo, khiêng muối, ghi hoá đơn, tính sổ.
Những lúc quá nhớ nhà, quá tủi thân, tôi lại tìm đến căn phòng trọ của thầy tôi. Ở đấy, tôi có thể ngồi hằng giờ bên thầy, có thể tìm đọc những sách báo tôi rất mê mà không có tiền để mua, chỉ những lúc đó, tôi mới tìm lại được một chút không khí gia đình, một chút tình thương, một chút an ủi mà tôi sớm bị đánh mất.
Tôi còn nhớ có một buổi chiều trời se lạnh, sau khi đã mệt mỏi với những trang sách vô tư, thầy trò tôi bèn rủ nhau đi dạo phố. Không khí tưng bừng của phố xá những ngày cuối năm chuẩn bị đón Noel làm cho thầy trò tôi cảm thấy cô đơn thêm, vì thế, thầy bèn dẫn tôi vào Khổng miếu để chơi.
Sau khi ngồi dưới chân tượng Khổng Tử, hai thầy trò tôi đều im lặng theo đuổi những ý nghĩa riêng tư. Bỗng thầy tôi đưa tay vào túi áo rút tờ giấy bạc hai trăm nghìn đồng còn mới nguyên, chưa có nếp gấp, nhẹ nhàng bỏ vào túi áo của tôi. Tôi thấy thầy đưa tay chặn nắp túi lo tôi như thầm bảo: “Hãy đừng nói gì cả”. Trên môi thầy nở nụ cười hiền lành với một chiếc răng khểnh rất dễ thương. Còn tôi không sao ngăn được hai giọt nước mắt cứ lăn dài xuống má.
Cuộc đời trớ trêu dẫn tôi vào trường sư phạm để rồi trở thành một thầy giáo. Mỗi lần trời trở rét, mỗi lần lĩnh lương có những tờ giấy bạc mới tôi lại nhớ đến thầy, nhớ nụ cười thật hiền với chiếc răng khểnh dễ thương của thầy tôi vào một buổi chiều xa lơ xa lắc trong quá khứ mù sương của tôi!
3. Tổng kết
Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:
- Nắm được cách làm một bài văn kể chuyện.
- Vận dụng trả lời câu hỏi SGK.
Tham khảo thêm
- doc Tập đọc: Tranh làng Hồ Tiếng Việt 5
- doc Chính tả Nhớ - viết: Cửa sông Tiếng Việt lớp 5
- doc Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ: truyền thống Tiếng Việt 5
- doc Tập đọc: Đất nước Tiếng Việt 5
- doc Tập làm văn: Ôn tập về tả cây cối Tiếng Việt lớp 5
- doc Luyện từ và câu: Liên kết các câu trong bài văn bằng từ ngữ nối Tiếng Việt 5
- doc Tập làm văn: Tả cây cối Tiếng Việt 5