Kể chuyện: Đã nghe đã đọc Tiếng Việt 5

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em nắm được cách kể lại một câu chuyện đã nghe đã học, đồng thời rèn luyện kĩ năng tự tin đứng trước đám đông. eLib mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé, chúc các em học tập tốt.

Kể chuyện: Đã nghe đã đọc Tiếng Việt 5

1. Nội dung bài học

- Hiểu biết thêm về câu chuyện một tấm gương sống, làm việc theo nếp sống văn minh.

- Nắm được cách kể chuyện.

- Và ý nghĩa câu chuyện.

2. Câu hỏi và hướng dẫn giải

2.1. Giải câu 1 trang 18 SGK Tiếng Việt lớp 5

Câu hỏi:

Để bài: Kể một câu chuyện em đã nghe hoặc đã đọc về những tấm gương sống, làm việc theo pháp luật, theo nếp sống văn minh.

Hướng dẫn giải:

Bài tham khảo 1:

Đường phố buổi sáng vào giờ cao điểm, người đông như nước chảy. Xe đạp nối đuôi nhau không ngớt. Xe máy bấm còi inh ỏi. Môt chiếc xe ca đi đón khách, người phụ xe đập tay vào thành xe ầm ầm để xin đường khiến dòng người dạt về hai phía.

Môt thanh niên đi xe đạp, đèo hai két bia đang giơ tay xin đường rẽ trái. Bỗng “uỳnh” môt tiếng, anh học sinh lách vội, và phải bánh sau làm xe chở bia đổ nhào.

“Xoảng…xoảng”, két bia rơi xuống mặt đường. Nước bia trào ra tung tóe. Mảnh chai nhọn sắc vương vãi ra mặt đường. Hai người và xe kéo co nhau mãi một hồi rồi cũng nâng xe lên vỉa hè. Dòng người vẫn đi, chẳng ai để ý đến đoạn đường đầy mảnh chai. Họ chỉ né tránh cho bánh xe không chạm vào các mảnh vỡ.

- Ôi dào, để thế mà đi được!

- Một bà cụ bán nước ở vỉa hè thốt lên. Cụ đăm đắm nhìn đám mảnh chai trên đường, vẻ ái ngại.

Một lúc sau, bà cụ quay vào trong nhà cầm chổi và hót rác. Tấm lưng còng của cụ chậm rãi đi xuống lòng đường, đến chỗ mảnh chai vương vãi. Cụ ngồi xuống, lấy chổi quét gom lại, gạt mảnh chai vào hót rác. Chợt bên kia đường có tiếng la:

- Thằng Nhẫn đâu, ra giúp bà một tay đi chứ!

Một cậu bé ở trần, mặc quần đùi chừng mười tuổi chạy ra. Cậu đỡ bà cụ đứng lên, dìu cụ vào vỉa hè. Đoạn, cậu quay trở lại bê hót rác chứa mảnh chai xuống cuối phố, đổ vào thùng rác công cộng.

Tất cả những chuyện ấy, em đứng trước cửa nhà được nhìn thấy từ đầu đến cuối. Bỗng một câu hỏi tự nhiên hiện lên trong óc em: “Sao mình không nhanh chân cùng ra giúp bà cụ làm việc ấy nhỉ?”

Bài tham khảo 2:

Cầu ông Chính

Ngày nào đi học, chúng em cũng đi qua chiếc cầu gỗ bắc qua ngòi Thia. Ngòi Thia chỉ rộng độ 15 mét, sâu hơn 2 mét, nhưng về mùa lũ nước cuồn cuộn đục ngầu.

Tháng 9 năm 2000, mưa to, lũ lụt lớn. Chiếc cầu gỗ bắc qua ngòi Thia, chỉ một đêm bị lũ cuốn gần như hết sạch các mảnh ván gỗ và lan can trên cầu.

Sáng thứ hai hôm ấy, mưa đã tạnh, nước ngòi dâng đầy cuốn băng băng. Cầu đã bị trôi hết ván. Hàng mấy chục học sinh tiểu học thôn Hạ và xóm Chùa đứng ngơ ngác nhìn ngòi, nhìn cầu. Bước vào năm học mới được hai tuần, thế là bọn chúng em phải quay trở về nhà.

Bác Chính sĩ quan công binh về hưu, là Hội trưởng Hội cựu chiến binh xã Hồng Phong đã ra tay làm sống lại cây cầu. Bác đã vận động thanh niên và các cán bộ về hưu toàn xã đốn mấy chục cây bạch đàn to, dài trong vườn bác tập kết tại chân cầu. Mấy tay thợ mộc xóm Chùa được điều động đến giúp bác một tay. Mọi thứ vật liệu khác như đinh, móc sắt, dây thép và dây cáp chằng cầu bác đều tự bỏ tiền ra mua sắm. Là kĩ sư công binh thời chiến tranh, nên mọi khâu kĩ thuật. bác đảm đương hết. Các cô giáo trường tiểu học xã phục vụ nước uống và cơm trưa. Đến nửa đêm, cây cầu bắc qua ngòi Thia đã hoàn thành. Năm đó, em là học sinh lớp Một.

Đến nay, chiếc cầu đã trải qua năm năm trời sương gió nắng mưa, được thử thách qua ba cơn lũ lớn. Xe kéo công nông vẫn qua lại bình thường. Ủy ban xã trả bác Chính 5 triệu đồng gọi là tiền gỗ bạch đàn, nhưng bác Chính nói là chiếc cầu tình nghĩa có là bao!

Từ đấy đến nay, chiếc cầu bắc qua ngòi Thia từ làng Hạ, xóm Chùa đi sang làng Thượng, làng Trung của quê em, bà con gọi một cách thân mật là cầu Ông Chính.

2.2. Câu 2 trang 18 SGK Tiếng Việt lớp 5

Cách kể chuyện:

+ Nêu tên câu chuyện.

+ Nêu tên nhân vật.

- Kể diễn biến của câu chuyện, nhấn mạnhu vào các suy nghĩ, hành động của nhân vật thể hiện ý thức sống, làm việc theo pháp luật, theo nếp sống văn minh.

2.3.  Giải câu 3 trang 18 SGK Tiếng Việt lớp 5

Câu hỏi:

Trao đổi với các bạn về ý nghĩa câu chuyện.

Hướng dẫn giải:

Ý nghĩa bài tham khảo 1:

Mỗi chúng ta khi tham gia giao thông cần có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh mọi luật lệ giao thông. Bên cạnh đó cần có ý thức cá nhân riêng về bảo vệ môi trường chung xung quanh biết suy nghĩ cho lợi ích chung của mọi người giống như bà cụ hàng nước và cậu bé Nhẫn dọn dẹp mảnh vỏ chai trên đường để giữ vệ sinh và tránh nguy hiểm cho những người tham gia giao thông có thể giẫm vào.

Ý nghĩa bài tham khảo 2:

Một tấm gương đáng tuyên dương đó chính là Bác Chính sĩ quan công binh về hưu. Và tinh thần đoàn kết tương thân tương ái giúp đỡ nhau và cơn hoạn nạn của các cán bộ về hưu và cô giáo trường tiểu học. Câu chuyện này khuyên chúng ta hãy biết quý trọng tình nghĩa.

3. Tổng kết

Qua bài học này các em cần nắm một số nọi dung chính sau:

- Biết cách kể lại câu chuyện đã được nghe, được học.

- Vận dụng giải bài tập SGK.

Ngày:23/11/2020 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM