Hoàng Lê nhât thống chí (Hồi thứ 14) Ngữ văn 9

Bài học Hoàng Lê nhất thống chí Ngữ văn 9 tập 1 giúp các em hiểu được diễn biến truyện, giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của đoạn trích. eLib đã biên soạn bài học này một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Mời các em tham khảo. Chúc các em học tập thật tốt!

Hoàng Lê nhât thống chí (Hồi thứ 14) Ngữ văn 9

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Một nhóm tác giả thuộc dòng họ Ngô Thì (làng Tả Thanh Oai).

- Ngô Thì Chí (1753 - 1788) là em ruột Ngô Thì Nhậm, từng làm quan dưới thời Lê Chiêu Thống. Ông tuyệt đối trung thành với nhà Lê, từng chạy theo Lê Chiêu Thống khi Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, dâng Trung hưng sách bàn kế khôi phục nhà Lê. Sau đó ông được Lê Chiêu Thống cử đi Lạng Sơn chiêu tập những kẻ lưu vong, lập nghĩa binh chống Tây Sơn, nhưng trên đường đi ông bị bệnh, mất tại huyện Gia Bình (Bắc Ninh). Nhiều tài liệu nói ông viết bảy hồi đầu của tác phẩm.

- Ngô Thì Du (1772 - 1840) là anh em chú bác ruột với Ngô Thì Chí, học giỏi nhưng không đỗ đạt gì. Dưới triều Tây Sơn, ông ẩn mình ở vùng Kim Bảng (Hà Nam). Thời nhà Nguyễn, ông ra làm quan, được bổ Đốc học Hải Dương, đến năm 1827 thì về nghỉ. Ông là tác giả bảy hồi tiếp theo của Hoàng Lê nhất thống chí.

 1.2. Tác phẩm

- Viết về những sự kiện lịch sử, chịu ảnh hưởng của lối viết tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc.

- Gồm 17 hồi tái hiện chân thực bối cảnh lịch sử đầy biến động ở nước ta trong khoảng hơn 3 thập kỉ cuối thế kỉ 18 và mấy năm đầu thế kỉ 19.

- Đoạn trích học thuộc hồi 14 viết về sự kiện Quang Trung đại phá quân Thanh.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Hình ảnh người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ

- Lên ngôi Hoàng đế và tiến quân ra bắc.

- Nghe tin giặc đánh chiếm Thăng Long: Nguyễn Huệ giận lắm, họp các tướng sĩ, định thân chinh cầm quân đi ngay .

-> Là người ngay thẳng, cương trực, yêu nước, căm ghét bọn xâm lược và kẻ bán nước cầu vinh .

- Làm các việc :

+ Tế cáo trời đất, lên ngôi Hoàng Đế.

+ Đốc xuất đại binh ra bắc.

+ Gặp người cống sĩ ở huyện La Sơn: lấy ý kiến.

+ Tuyển mộ quân lính, duyệt binh lớn ở Nghệ An, phủ dụ tướng sĩ, định kế hoạch hành quân đánh giặc, kế hoạch đối phó với nhà Thanh sau chiến thắng.

-> Là người có uy tín, sáng suốt, hành động mạnh mẽ, nhanh gọn, có chủ định và sáng suốt.

- Lời phủ dụ:

+ Đất nào sao ấy -> Khẳng định chủ quyền dân tộc và lên án hành động xâm lăng trái đạo trời của giặc.

+ Người phương Bắc… giặc xâm lược giết hại nhân dân, vơ vét của cải -> nêu dã tâm của giặc.

+ Đời Hán có Trưng Nữ Vương …nhắc lại truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

+ Kêu gọi đồng tâm hiệp lực, ra kỷ luật nghiêm.

=> Lời phủ dụ như một bài hịch, kích thích lòng yêu nước,  ý chí căm thù giặc và khơi dậy lòng tự hào dân tộc.

-> Nghe phủ dụ: Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, 

Ngô Thì Nhậm mang gươm trên lưng xin chịu tội -> Quang Trung là người sáng suốt , nhạy bén trong việc xét đoán, dùng người, hiểu sở trường, sở đoản của các tướng sĩ, khen chê đúng người đúng việc -> Đó là người ân uy gồm đủ, một nhà lãnh đạo chính trị, quân sự, ngoại giao có trí tuệ sáng suốt, có tầm nhìn xa trông rộng, biết mình, biết người, sâu sắc và tâm lý.

=> Là người có hành động mãnh mẽ, quyết đoán, xông xáo, nhanh gọn.

2.2. Sự thảm bại của quân xâm lược nhà Thanh và bọn bán nước của quân xâm lược Thanh

a) Sự thảm bại của quân xâm lược nhà Thanh

- Đồn Hà Hồi toàn bộ quân lính đầu hàng, đồn Ngọc Hồi bị hạ, qua Thanh chống không nổi, bỏ chạy, giày xéo lên nhau mà chết, tướng chỉ huy là Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự vẫn.

- Khi quân ta đánh vào Thăng Long.

+ Tướng thì sợ hãi lo chuồn trước.

+ Quân sĩ hoảng hồn, tan tác, xô đẩy nhau rơi xuống sông mà chết.

-> Sông Nhị Hà tắc nghẽn ko chảy được.

b) Tình cảnh thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống (bọn vua tôi phản nước, hại dân)

- Chịu chung số phận thảm hại với bọn xâm lược, thậm chí còn ê chề, nhục nhã hơn.

+ Lê Chiêu Thống, Thái hậu chạy bán sống bán chết, cướp cả thuyền của dân để qua sông, luôn mấy ngày ko được ăn.

+ May gặp người thổ hào cứu giúp chỉ đường cho chạy trốn - gặp được Tôn Sĩ Nghị vua tôi chỉ còn biết ''nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt''.  

-> Nghệ thuật: kể chuyện xen miêu tả một cách sinh động cụ thể, gây ấn tượng mạnh.  

Nghệ thuật miêu tả: 

- Cuộc tháo chạy của nhà Thanh; hối hả, khẩn trương.... -> miêu tả thực, khách quan hàm chứa vẻ hả hê, sung sướng của người thắng trận trước kẻ xâm lược.

3. Tổng kết

3.1. Nội dung

- Phản ánh chiến dịch hành quân thần tốc, giải phóng Thăng Long, sự bạc nhược của vua tôi nhà Lê.

- Ca ngợi người anh hùng dân tộc tài ba Nguyễn Huệ, khẳng định quyết tâm của dân tộc ta chống xâm lược bảo vệ nền đọc lập vững bền.

3.2. Nghệ thuật

- Kể chuyện xen kẽ miêu tả một cách sinh động cụ thể, gây được ấn tượng.

- Khắc họa hình tượng Nguyễn Huệ một cách rõ nét, mang đậm màu sắc sử thi.

- Kể lại các sự kiện một cách rành mạch, chân thực, khách quan, kết hợp yếu tố miêu tả với biện pháp nghệ thuật so sánh, đối lập.

- Miêu tả hành động, lời nói của nhân vật, từng trận đánh và những mưu lược tính toán, thế đối lập giữa hai đội quân một cách cụ thể.

4. Luyện tập

Câu 1. Căn cứ vào đoạn trích, em hãy lập biểu đồ cuộc hành quân chiến đấu của vua Quang Trung từ lúc xuất quân tại Phú Xuân cho đến khi tiến binh vào Thăng Long (ghi rõ ngày tháng, những điểm dừng, những công việc đã tiến hành ở nơi đó, những trận đánh).

Gợi ý làm bài:

Bài tập nhằm giúp em dễ ghi nhớ bài học đối với một văn bản dài như đoạn trích, lấy đó lảm căn cứ để tiếp cận tác phẩm, giúp cho việc đọc - hiểu được dễ dàng hơn.

Yêu cầu chủ yếu là em lập được một biểu đồ đầy đủ nhất, sáng rõ nhất. Có thể đối chiếu trên bản đồ Việt Nam, nếu ghi được độ dài từng chặng đường càng tốt.

Câu 2. Chi tiết vua Quang Trung - giữa cuộc hành quân khẩn cấp - cho vời "người cống sĩ ở huyện La Sơn là Nguyễn Thiếp" để hỏi ý kiến về việc đánh giặc có ý nghĩa như thế nào đối với việc khắc hoạ hình tượng nhân vật ?

Gợi ý làm bài:

Chi tiết này tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa đáng kể trong việc khắc hoạ hình tượng vua Quang Trung.

- Trước hết, cần biết "người công sĩ ở huyện La Sơn" là ai. Nguyễn Thiếp còn gọi là La Sơn Phu Tử (1723 - 1804), quê ở làng Nguyệt Ao, huyện La Sơn, trấn Nghệ An (nay thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Ông là một trí thức có tài, am hiểu thời thế và có lòng thương dân sâu sắc. Thời Lê - Trịnh, ông có ra làm quan một thời gian ngắn rồi cáo về ẩn dật ở quê nhà, dạy học và làm thơ. Việc vua Quang Trung gặp gỡ Nguyễn Thiếp là chuyện có thật mà lịch sử đã ghi lại.

- Vua Quang Trung hỏi ý kiến Nguyễn Thiếp về vấn đề gì?

- Thái độ của nhà vua trong cuộc đối thoại này như thế nào?

- Qua đó, em có thể rút ra điều gì về đức tính của vua Quang Trung?

- Nhận xét về ngòi bút miêu tả nhân vật lịch sử thông qua sự kiện lịch sử của các tác giả.

Câu 3. Qua đoạn văn thuật lại cách hành xử của vua Quang Trung đối với Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân và Ngô Thì Nhậm ở Tam Điệp, em cảm nhận được những đức tính gì của người cầm quân đại tài đó?

Gợi ý làm bài:

Có thể làm bài tập theo trình tự sau:

- Tìm hiểu xem vì sao Ngô Văn sở và Phan Văn Lân lại phải "mang gươm trên lưng mà xin chịu tội".

- Phân tích lời phán xử nghiêm minh mà có tình có lí của vua Quang Trung.

- Phân tích câu nói thứ hai của vua Quang Trung sau khi Thì Nhậm lạy tạ ơn để thấy tầm nhìn chiến lược của người cầm quân đại tài.

- Đưa ra những điều cảm nhận về những đức tính của vua Quang Trung trong việc dùng người và trong phép dụng binh.

5. Kết luận

Qua bài học các em cần nắm một số nội dung chủ yếu sau:

- Hiểu được diễn biến truyện, giá trị nội dung,  nghệ thuật của đoạn trích.

- Hiểu biết chung về nhóm tác giả thuộc Ngô gia văn phái về phong trào Tây Sơn và người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ.

- Nhân vật, sự kiện, cốt truyện trong tác phẩm viết theo thể loại tiểu thuyết chương hồi.

- Một trang sử oanh liệt của dân tộc ta: Quang Trung đại phá 20 vạn quân Thanh, đánh đuổi giặc ngoại xâm lược ra khỏi bờ cõi.

Ngày:21/09/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM