Hịch tướng sĩ Ngữ văn 8

Nội dung bài "Hịch tướng sĩ" dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được tinh thần yêu nước tha thiết cùng với lòng căm thù giặc sâu sắc của tác giả. Đồng thời, bài học này còn giúp các em hiểu sơ lược về thể hịch. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Hịch tướng sĩ Ngữ văn 8

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Tác giả: Trần Quốc Tuấn (1231 - 1300).

- Tước: Hưng Đạo Vương.

- Ông là một anh hùng, một trong những danh tướng kiệt xuất của dân tộc.

- Khi 19 tuổi, Trần Quốc Tuấn đem lòng yêu công chúa Thiên Thành (không biết rõ gốc tích của bà, nhưng các nhà nghiên cứu phần lớn đều đồng tình với quan điểm bà là con gái trưởng của Trần Thái Tông tức là em họ của ông).

- Là nhà quân sự thiên tài văn võ song toàn. Đồng thời ông là người có công lao bậc nhất của nhà Trần trong các cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông.

1.2. Tác phẩm

- Bài hịch được viết trước cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần 2 (1285), nhằm nêu cao tinh thần trung nghĩa của tướng lĩnh dưới quyền. Bài hịch tiêu biểu cho chủ nghĩa yêu nước cao đẹp (thời đại chống Nguyên - Mông).

- Thể hịch:

+ Hịch là thể văn nghị luận thời xưa, thường được vua chúa hay tướng lĩnh hoặc thủ lĩnh phong trào dùng để cổ động, thuyết phục hoặc kêu gọi đấu tranh chống thù trong giặc ngoài.

+ Đặc điểm: khích lệ tình cảm, tinh thần người nghe, thường viết theo thể biền ngẫu. Hịch có kết cấu chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, có dẫn chứng thuyết phục.

- Bố cục văn bản có thể chia thành hai phần:

+ Phần 1: Từ đầu đến "cũng vui lòng" -> Tội ác của kẻ thù và lòng căm thù giặc của tác giả.

+ Phần 2: Còn lại -> Mối quan hệ giữa chủ và tướng.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Tội ác của kẻ thù và lòng căm thù giặc của tác giả

- Nêu gương các trung thần nghĩa sĩ: Sẵn sàng chết vì vua, vì chủ tướng, không sợ hiểm nguy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

-> Nhằm khích lệ lòng trung quân ái quốc của tướng sĩ dưới quyền.

- Tội ác của giặc được tác giả tái hiện qua các chi tiết sau: "Ngó thấy sự giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thoả lòng tham không cùng, giả hiệu Vân Nam Vương mà thu bạc vàng, vét của kho có hạn, thật khác nào đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho khỏi để tai hoạ về sau!".

- Tác giả đã thể hiện sự căm phẫn đến tột độ của mình đối với bọn giặc khi tác giả mạnh mẽ gọi giặc là "cú diều, dê chó, hổ đói", cách gọi này của tác giả không chỉ vạch trần sự tham lam, độc ác mà còn vạch rõ dã tâm xâm lược của giặc; thể hiện sự khinh bỉ, căm ghét tột độ. Không chỉ kể tội ác của giặc mà Trần Quốc Tuấn còn bày tỏ nỗi đau xót trước nỗi nhục của quốc thể, nỗi đau đớn xót xa.

- Nghệ thuật: so sánh, ẩn dụ, giọng văn mỉa mai châm biếm.

=> Tác giả là người có lòng căm thù giặc vô cùng sâu sắc, vì yêu nước tha thiết nên tác giả mới có sự căm thù ấy, tác giả mang trong mình khát vọng cứu nước, xả thân cho nước: "Chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan, uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng".

2.2. Mối quan hệ giữa chủ và tướng

- Sở dĩ tác giả thể hiện sâu đậm tình cảm mà bản thân dành cho các tướng sĩ bởi vì thực chất ông vốn là một người nhân hậu và yêu nước tha thiết. Với quân sĩ dưới quyền, Trần Quốc Tuấn luôn đối xử như với con mình, với những người quen: "Các ngươi cùng ta coi giữ binh quyển đã lâu ngày, không có mặc thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho cơm; quan nhỏ thì ta thăng chức, lương ít thì ta cấp bổng; đi thuỷ thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa; lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà nhàn hạ thì cùng nhau vui cười". 

-> Dụng ý của tác giả khi nói về những ân tình sâu nặng của chủ đối với các tướng của mình trong văn bản "Hịch tướng sĩ" là đều hướng đến mục đích nhằm khích lệ ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người đối với lẽ vui tôi cũng như tình cốt nhục. 

- Tác giả để khích lệ tướng sĩ không chỉ nêu những tấm gương để tướng sĩ noi theo mà còn phê phán cả những việc làm vô cùng sai trái của tướng sĩ, đó chính là những hành động hưởng lạc, quên danh dự và bổn phận, thái độ cầu an hưởng lạc, bàng quan, thờ ơ vô trách nhiệm trước vận mệnh đất nước đang ngàn cân treo sợi tóc.

-> Hậu quả: nước mất nhà tan, thân danh mai một, tiếng xấu để đời.

=> Tác giả cho rằng mỗi một công dân tốt thì phải là người không quan tâm đến phú quý, không khao khát sống an nhàn mà phải biết cống hiến và phát huy ý thức trách nhiệm, danh dự của người làm tướng, từ bỏ lối sống cầu an hưởng lạc, chuẩn bị hành động đánh giặc giữ nước mới mong báo đáp ân tình với chủ tướng mới bảo vệ được nền độc lập tự chủ của dân tộc.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Hịch tướng sĩ đi vào lịch sử văn học như một trong những áng hùng văn tiêu biểu nhất, một bản anh hùng ca yêu nước bất diệt.

- Về nghệ thuật:

+ Cấu trúc đối xứng, tương phản đối lập, dùng điệp từ, điệp ý tăng tiến, câu hỏi tu từ...

+ Giọng điệu lúc mềm dẻo lúc đanh thép, tạo sức thuyết phục cho lời hịch.

4. Luyện tập

Câu 1: Mở đầu bài hịch tác giả đã nêu lên một loạt các tấm gương "trung thần nghĩa sĩ" nhằm để làm gì?

Gợi ý trả lời: 

- Tác giả đã mở đầu bài hịch một cách rất đặc biệt, mặc dù văn bản thuộc thể loại hịch nhưng tác giả đã mở đầu bằng một giọng điệu trò chuyện, tác giả đã nêu lên một loạt các tấm gương "trung thần nghĩa sĩ" đã dũng cảm xả thân vì nước, vì chủ trong lịch sử từ quá khứ xa xưa (Hán, Đường) cho tới "mới đây" (Tống, Nguyên) mà ai cũng biết.

-> Cách nêu gương như vậy, một mặt làm tăng thêm tính thuyết phục về một chân lí phổ biến trong xã hội ở mọi thời: đời nào cũng có những anh hùng nghĩa sĩ tiết liệt sẵn sàng bỏ thân để vì nước; đồng thời tác động tới nhận thức của các tướng sĩ: khơi dậy ý thức trung thành, khéo léo nhắc nhở về bổn phận, trách nhiệm của bậc nam nhi sinh ra trong thời chiến.

Câu 2: Em hãy viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của bản thân về văn bản "Hịch tướng sĩ".

Gợi ý trả lời:

Qua bài “Hịch tướng sĩ”, người đọc cảm nhận được tinh thần yêu nước sâu đậm của Trần Quốc Tuấn, đồng thời người đọc còn thấy vô cùng cảm phục và trân trọng Quốc Công Tiết Chế Trần Quốc Tuấn khi không chỉ là nhà quân sự tài giỏi mà còn yêu thương, lo lắng, quan tâm tới tướng sĩ thứ bậc thấp hơn để từ đó thấy được tình yêu đất nước to lớn trong ông. Hơn bảy thế kỉ đã trôi qua, kể từ ngày Hịch tướng sĩ được công bố, âm hưởng hào hùng của nổ như vẫn còn âm vang trong lòng mỗi người dân đất Việt, gieo vào lòng họ những cảm xúc mãnh liệt và niềm tự hào sâu sắc.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu sơ giản về thể hịch, hoàn cảnh lịch sử liên quan đến sự ra đời của bài "Hịch tướng sĩ".

- Cảm nhận được tinh thần yêu nước của Trần Quốc Tuấn, ý chí quyết thắng kẻ thù xâm lược của người anh hùng dân tộc của quân và dân đời Trần.

- Rèn cho học sinh kĩ năng đọc - hiểu một văn bản theo thể hịch.

- Nhận biết được không khí thời đại sục sôi thời Trần ở thời điểm dân tộc ta chuẩn bị cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược.

Ngày:16/12/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM