Nghị luận tư tưởng, đạo lí về lời dạy của Đức Phật Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi

Bài văn mẫu dưới đây sẽ giúp các em hình thành lối sống tốt cho bản thân và có ích cho xã hội, cộng đồng. Bên cạnh đó, với bài văn mẫu này eLib hy vọng rằng nó sẽ mang đến cho các em cơ hội trau dồi thêm vốn từ, đồng thời các em sẽ có kĩ năng viết một bài văn nghị luận về tư tưởng, đạo lí thật sâu sắc. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Nghị luận tư tưởng, đạo lí về lời dạy của Đức Phật Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi

1. Lập dàn ý nghị luận tư tưởng, đạo lí về lời dạy của Đức Phật “Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi”

- Mở bài:

+ Giới thiệu, dẫn dắt vào lời dạy của Đức Phật “Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi”.

+ Ví dụ mở bài: Tại sao đàn sếu luôn bay theo hình mũi tên, lao thẳng trong không trung, mạnh mẽ và vững vàng? Tại sao những chú ong nhỏ bé lại có thể xây dựng nên “công trình kiến trúc vĩ đại” của chúng? Tại sao loài động vật hoang dã lại có thể tồn tại được trong môi trường sống khắc nghiệt của những cuộc đấu tranh sinh tồn? Và tại sao con người có thể làm được mọi việc nếu như luôn biết sát cánh bên nhau? Bởi vì như Đức Phật đã dạy: “Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi".

- Thân bài:

+ Giải thích từ khóa quan trọng của đề bài:

  • Giọt nước: Chỉ những gì nhỏ bé, đơn lẻ, những con người riêng lẻ.
  • Biển cả: Dạng vật chất tồn tại với mức độ lớn; chỉ sự mênh mông, cộng đồng xã hội.
  • Không cạn: Nói lên sức mạnh vô song khi ở trong mối liên kết với cộng đồng.

=> Câu nói của Đức Phật: hàm chỉ mối quan hệ giữa cá nhân với tập thể, giữa một con người với muôn triệu con người.

+ Phân tích – chứng minh:

  • Giọt nước: nhỏ bé, đại dương: bao la bát ngát. Giọt nước dễ tan biến, đại dương: tồn tại mãi mãi. Chỉ khi nào hòa vào các dòng nước, làm nên sông suối, biển cả mênh mông, chúng mới có thể hiện hữu.
  • Trong quan hệ xã hội, giữa cá nhân và tập thể có mối quan hệ hai chiều, tác động qua lại. Không có cá nhân thì không có tập thể, tập thể chỉ tồn tại khi các cá nhân có quan hệ gắn kết. Cá nhân gắn bó với tập thể thì sức mạnh được nhân lên và tồn tại vững bền.
  • Một trường học được tạo nên bởi nhiều thầy cô và học sinh. Khu dân cư được hình thành từ nhiều hộ gia đình, gia đình là tế bào của xã hội. Chỉ mỗi phần tử cá nhân không thể làm nên một gia đình.

=> Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn.

  • Cá nhân chỉ là cá thể nhỏ bé với nhiều giới hạn, nếu sống biệt lập thì không thể tồn tại lâu được. Cá nhân không thể nào sống tách rời tập thể.
  • Trong gia đình, con cái cần đến cha mẹ ông bà, anh chị em cần sự giúp đỡ nhau. Ra ngoài xã hội, cá nhân cần sự giúp đỡ, quan tâm của bạn bè và những người khác. Người nông dân muốn duy trì sản xuất cần đến những kỹ sư khoa học, những nhà doanh nghiệp.
  • Do hoàn cảnh xô đẩy, Rô-bin-xơn, vợ chồng Mai An Tiêm phải sống một mình giữa hoang đảo, nhưng họ luôn khao khát trở về đất liền, về xã hội. Họ đã thực hiện được điều đó và họ đã tồn tại.
  • Tập thể mang đến cho cá nhân cho con người những niềm vui, sự chia sẻ. Con người khi gặp thử thách, gian truân thì được sự giúp đỡ; lúc cô đơn, sầu muộn sẽ được an ủi, động viên.
  • Những Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh là nơi tập hợp những thành viên. Đó còn là những tổ chức tương trợ nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
  • Các tổ hòa giải ở các khu phố đã cứu biết bao gia đình khỏi tan vỡ,…
  • Cá nhân chỉ có sức mạnh khi hòa hợp, gắn bó với tập thể. Tập thể tạo môi trường cho cá nhân hoạt động và bộc lộ khả năng.
  • Trường học không chỉ là nơi để học sinh học tập, rèn luyện mà còn là nơi họ có thể thi thố, thể hiện năng lực học tập của chính mình.
  • Cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc thắng lợi được nhờ sức mạnh của cả dân tộc, trong đó mọi cá nhân đều góp mặt bằng sức mạnh riêng, khả năng riêng.

=> Cá nhân rất cần đến tập thể.

  • Nếu cá nhân chỉ dựa vào người khác mà không có ý thức tự vươn lên thì không thể trưởng thành được.
  • Con cái lúc nào cũng cậy vào cha mẹ thì lớn lên không thể tạo sự nghiệp cho mình.
  • Sự khẳng định, nỗ lực của cá nhân vẫn là điều quan trọng.
  • Những gian nan thử thách trong cuộc sống luôn đến bất ngờ, lúc đó ta không có sẵn người để giúp đỡ, an ủi thì ta tự chọn cho mình hướng giải quyết riêng.

=> Không phải lúc nào cá nhân cũng cần đến tập thể.

+ Đánh giá – mở rộng:

  • Khẳng định tính đúng đắn của vấn đề: Lời dạy của đức Phật sẽ không bao giờ bị vùi lấp nếu nó nằm trong tâm niệm của một người, một thế hệ và của nhiều người. nhiều thế hệ.
  • Phê phán lối sống trái ngược: Những con người, cá nhân nào sống biệt lập, không cần đến những người khác thì sớm hay muộn cũng sẽ gặp thất bại và sẽ bị đào thải; Sống trong tập thể, nếu cá nhân không có sự rộng lượng và hăng hái, không có trách nhiệm cho tập thể thì cũng không có đủ sức mạnh, sự tự tin để vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống để đi đến thành công.
  • Mở rộng: Một giọt nước nếu ở riêng lẻ thì sẽ nhanh chóng cạn khô và không mang lại lợi ích gì. Nếu nó hòa vào biển cả thì khác. Con người nếu sống một mình thì sẽ không có ai giúp sức, dễ dàng bị quật đổ. Nếu biết đồng lòng, đoàn kết thì mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng và cuộc sống sẽ không bao giờ kết thúc.

+ Bài học nhận thức, hành động:

  • Nhận thức: Sống trong cộng đồng xã hội, ta không thể tách rời mà không hòa nhập, không có trách nhiệm với cộng đồng. Mỗi cá nhân đều tiềm tàng những sức mạnh riêng. Hãy mang sức mạnh đó cống hiến cho tập thể, chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa sự tồn tại của mình.
  • Hành động: Sống trong tập thể, phải có sự quan tâm đến những khó khăn của anh em; phải biết đồng cảm, xót xa cho những số phận không may mắn. Phải biết sống với và cho người thì cuộc sống mới thành công, mới có ý nghĩa; Cá nhân nào thì tập thể ấy, vì thế, mỗi cá nhân phải tự rèn luyện mình để tạo nên tập thể mạnh: “Mỗi người khỏe mạnh thì tạo nên cả dân tộc đều khỏe mạnh” (Hồ Chí Minh).

- Kết bài:

+ Khẳng định lại ý kiến: Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi.

+ Liên hệ bản thân mình.

+ Ví dụ kết bài: Lời dạy của Đức Phật là một chân lý đơn giản nhưng lại cho ta một bài học có giá trị suốt cả cuộc đời. Để học được bài học ấy không phải là điều dễ dàng, nhưng tôi tin tất cả chúng ta sẽ làm được, bởi vì chúng ta là con người.

2. Sử dụng các thao tác lập luận phân tích, bình luận, bác bỏ viết đoạn văn ngắn nêu suy nghĩ của em về lời dạy của Đức Phật “Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi”

Lời dạy của Đức Phật "Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi", đây là lời dạy rất ý nghĩa với mỗi chúng ta, nó thật sâu sắc làm sao. Chỉ bằng những hình ảnh rất cụ thể là “giọt nước” và “biển cả” mà mang lại cho người học những chân lý lớn lao. Mỗi giọt nước khi tồn tại một mình luôn nhỏ bé, mong manh, sẽ nhanh chóng bay hơi và chẳng mang lại được lợi ích gì. Nhưng giọt nước ấy nếu được hòa vào biển cả mênh mông giữa hàng triệu, hàng tỷ giọt nước khác thì sẽ tồn tại vĩnh viễn cùng với biển cả bao la, đất trời bất tận. Từ mối quan hệ sự tồn tại của giọt nước và biển cả, dường như Đức Phật muốn nói đến mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể trong cuộc sống của mỗi con người. Mỗi cá nhân không thể nào tồn tại một mình hoặc nếu tồn tại được cũng sẽ bị gục ngã trước những khó khăn, thử thách nhưng nếu biết đồng lòng, đoàn kết, gắn bó với tập thể sẽ trở thành những người có ích cho xã hội, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tươi đẹp, ý nghĩa. Đất nước đang trong thời kỳ hội nhập. Tương lai của thế giới sẽ là một ngôi nhà chung. Con người cần giao lưu hữu nghị, hợp tác toàn diện, để ổn định lâu dài và hướng tới tương lai. Trước những biểu hiện đi ngược với quy luật đời sống như lập dị, chủ nghĩa cá nhân, đầu cơ trục lợi,… mỗi con người cần lên án, phê phán đồng thời xây dựng cho mình lí tưởng sống cao đẹp, phù hợp với xã hội và thời đại, luôn có ý thức tự khẳng định mình trong sự nghiệp đấu tranh, cống hiến xây dựng đất nước. Song dù có quan hệ gắn bó mật thiết với tập thể nhưng mỗi cá nhân cũng cần có những nét riêng biệt về cá tính, phẩm chất, vai trò.

3. Viết bài văn nghị luận tư tưởng, đạo lí về lời dạy của Đức Phật “Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi”

Con người từ thời cổ đại đã sống bầy đàn và đến nay cũng vậy – Họ tạo thành một tập thể, một môi trường chung. Nó khác với mọi quy luật của thuyết tiến hoá khác, nơi mà mọi thứ đều thay đổi, chỉ có lối sống cộng đồng là bất biến. Nhắc đến đây, tôi lại nhớ đến lời dạy của Đức Phật: “Giọt nước phải hoà vào biển cả mới không cạn” – Hẳn đó không chỉ là lời dạy, có thể nó còn là ngọn đèn soi sáng con đường tiến hoá của loài người chúng ta.

Hai hình ảnh "giọt nước" và "biển cả" vốn là hai hình ảnh được dùng rất phổ biến khi nói nói về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể. Cụ thể giọt nước chính là nói đến những phần tử vô cùng nhỏ bé hữu hạn nhưng lại là một yếu tố không thể thiếu để cấu tạo nên biển cả. BIển cả ở đây chính là cái vô hạn, không chỉ về số nhiều diện tích mà còn bởi đó là sức chứa vĩ đại của hàng triệu triệu những giọt nước. Ở câu nói trên ta thấy có hai vế tưởng chừng đối lập đó là hình ảnh giọt nước – biển cả. Thế nhưng nó lại là hai hình ảnh tương đồng và có mối quan lại với nhau. Giọt nước tưởng chừng như nhỏ bé nhưng góp phần tạo nên cả một biển cả mênh mông, còn biển cả cái tổng thể lớn lao đó lại chứa đựng cả tỉ tỉ giọt nước bé nhỏ. Mối quan hệ qua lại ràng buộc phụ thuộc sâu sắc. Không thể thiếu một trong hai được.

Đây là một lời răn dạy đầy ý nghĩa và hoàn toàn chính xác. Đã bao giờ bạn để ý thấy rằng những giọt mưa trên cửa kính ô tô khi vô tình chúng nhập vào với nhau thì một giọt nước lớn hơn sẽ được tạo ra và giọt nước lớn ấy sẽ tồn tại lâu hơn còn khi từng giọt nước nhỏ bị chảy riêng rẽ thì chỉ một lát sau chút nước ít ỏi từ giọt nước nhỏ ấy sẽ bị chia nhỏ trên đường chảy và ít phút sau thì bạn không còn nhận ra dấu vết của nó nữa. Những giọt nước trong biển cả cũng vậy, nếu riêng lẻ từng giọt thì ánh nắng mặt trời sẽ làm chúng bốc hơi nhưng cả biển cả bao la thì khó lòng biến mất. con người nhỏ bé cũng như những giọt nước mong manh thế thôi. Nếu mỗi người chỉ đứng một mình thôi thì khó lòng tồn tại, đơn giản vì "Nhân vô thập toàn”, không ai có được tài năng toàn diện cả, không phải khi nào bạn cũng thắng được người khác bởi nếu thế sẽ chỉ có một người duy nhất trở nên giàu có và cũng sẽ trở thành mục tiêu bị sự nguyền rủa của người khác. Chúng ta vẫn thích cụm từ “Sống độc lập” nhưng tất nhiên ai cũng biết đó là "độc lập” theo phạm trù triết học, một sự “độc lập” biện chứng. nếu không có bất cứ sự liên hệ nào với thế giới con người, sự tồn tại của bản thân cũng trở nên vô nghĩa. Vì sao thế? Bởi vì mỗi con người đều có nhu cầu và khát vọng được đề cao, sống học tập phấn đấu hết mình suy cho đến cùng cũng là để có được sự ngưỡng mộ từ người khác. Bản năng ấy có từ khi bạn là một đứa trẻ: khi nó làm đúng một điều gì luôn cần và thích được khen, nếu thiếu sự khích lệ ấy nó sẽ nhanh chóng lờ đi yêu cầu của bạn khi bạn muốn nó thể hiện. thành công của mỗi người cũng thế, phải có sự so sánh với những người khác mới biết đó là thành công và người ta phải biết đến nó thành công ấy mới đáng nâng niu. Nếu cá nhân là một người xuất chùng thì cũng chỉ khi đứng trong cộng đồng mới bộc lộ hết khả năng thiên phú và làm nên những điều ý nghĩa. Bởi thế cá nhân có khả năng lãnh đạo tập thể nhưng không có tập thể thì lãnh đạo ai? Thậm chí một cá nhân yếu kém cũng có thể nhờ vào tập thể giúp đỡ để bổ sung các nhược điểm của mình và tạo ra những thành công cho riêng mình dù nó to hay nhỏ. Cá nhân là những tế bào gây dựng nên tập thể, quyết định tập thể ấy yếu hay mạnh. Không có những giọt nước không có biển cả đồng nghĩa với không có cá nhân không có tập thể. Cá nhân là động lực cho mọi hoạt động của tập thể, cá nhân vạch ra đường lối cho tập thể, vận hành theo đường lối đó và phá hoại tập thể cũng là các cá nhân. Tập thể gồm tất cả nhưng không là ai cả, đó là một phạm trù vô hình, nó mang đặc điểm của tất cả mọi người trong đó, phản ánh chính xác các đặc trưng của các cá nhân riêng lẻ giống như nhìn vào cả dân tộc Việt Nam chiến đấu người ta hiểu sự anh hùng bất khuất, gan dạ kiên trung, thông minh, nhân ái ở từng chàng trai cô gái, cụ già em nhỏ ở nơi đây.

Giữa cá nhân và tập thể có một mối quan hệ khăng khít. Vậy mỗi người phải làm gì để củng cố mối quan hệ ấy, phát triển cho nó càng trở nên tốt đẹp hơn, để tập thể và cá nhân đều phát huy được những thế mạnh của mình? Trước hết, mỗi cá nhân cần phải tự ý thức sâu sắc vai trò cũng như trách nhiệm của mình đối với tập thể. Bên cạnh đó cũng cần ý thức sâu sắc rằng mối quan hệ giữa người với người cũng như mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể là tất yếu. Nhận thức để thấy được sự tác động trở lại giữa tập thể đối với mỗi cá nhân: Muốn sống có ý nghĩa, cần phải hòa nhập và cống hiến cho tập thể. Tập thể cũng cần có trách nhiệm trong việc định hướng cá nhân, giúp đỡ cá nhân để họ ngày càng hoàn thiện hơn, để tập thể thực sự là nơi cho cá nhân hòa nhập, thể hiện và phát triển. Cá nhân tốt sẽ làm cho tập thể vững mạnh. Mỗi một công dân tốt, biết đoàn kết với nhau sẽ mang lại sức mạnh tổng hợp, làm nên một dân tộc hùng cường.

Tố Hữu từng nói "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình", câu nói này của Tố Hữu thật đúng khi đặt trong mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng. Xã hội, cộng đồng là những cái mà ta không thể tách rời được cũng như “giọt nước” nếu tách rời “biển cả” thì sẽ nhanh chóng bị cạn khô. Thế nên khi ta sống, thì ta phải biết đến cộng đồng, phải có trách nhiệm với xã hội, phải biết hòa nhập với mọi người.

Ngày:14/09/2020 Chia sẻ bởi:Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM