Bài văn lập luận giải thích câu tục ngữ Không thầy đố mày làm nên

eLib xin gửi đến các em nội dung bài văn mẫu dưới đây nhằm giúp các em hiểu hơn về vai trò quan trọng của người thầy. Từ đó, các em có thái độ trân trọng, biết ơn những thầy cô giáo của mình hơn. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Bài văn lập luận giải thích câu tục ngữ Không thầy đố mày làm nên

1. Dàn ý giải thích câu tục ngữ Không thầy đố mày làm nên

a. Mở bài:

- Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” được nhân dân ta luôn đề cao. Người thầy đóng vai trò quan trọng trong công tác giáo dục.

- Tục ngữ có câu “Không thầy đố mày làm nên”.

- Khẳng định vai trò to lớn của người thầy đối với sự nghiệp của người học trò, đồng thời cũng là lời nhắc nhở con cháu phải biết ơn, kính trọng thầy cô giáo.

b. Thân bài:

- Giải thích: Câu tục ngữ giản dị, nhưng cũng cần hiểu cho chính xác ý nghĩa của nó. “Làm nên” ở đây có nghĩa là có được công danh, sự nghiệp, thành đạt. Như vậy, nếu không có người thầy dạy dỗ thì người học trò không thể nào thành đạt được. Câu tục ngữ như một lời thách thức “đố mày" đồng thời cũng là lời răn dạy mang tính khẳng định vị trí, vai trò của người thầy đối với sự thành đạt của người học trò.

- Tại sao người thầy có vai trò quan trọng như thế trong sự nghiệp của người trò?

+ Thầy là người hướng dẫn, cung cấp kiến thức, mở mang trí óc cho ta, dạy cho ta những điều hay, điều phải. Lúc còn bé thơ, thầy dạy ta từng chữ cái, từng con số. Rồi dần dần lớn lên, thầy dạy ta những điều hiểu biết cao hơn, rộng hơn để ta có được kiến thức như hôm nay. Thầy đã bỏ nhiều công sức, tâm huyết để rèn luyện, giáo dục ta nên người có tri thức, có đạo đức. Công ơn ấy có thể sánh ngang bằng với công ơn cha mẹ.

+ Không có một người học trò nào thành đạt, có công danh sự nghiệp với đời mà không do người thầy dạy dỗ cả. Điều này khẳng định vai trò vô cùng to lớn của người thầy: “Không thầy đố mày làm nên”.

c. Kết bài:

- Biết ơn thầy, yêu kính thầy là nghĩa vụ, bổn phận thiêng liêng của những ai đã trải qua cuộc đời làm người học trò. Đó là tình cảm không thể thiếu được ở mỗi chúng ta.

- Đây là lời giáo dục sâu sắc về việc rèn luyện nhân cách, đạo đức cho thế hệ trẻ.

2. Phân tích nội dung câu Không thầy đố mày làm nên - Số 1

Trong xã hội, người thầy mang một vai trò rất quan trọng trong việc tu dưỡng, rèn luyện, hình thành, phát triển, hoàn thiện nhân cách của lứa tuổi học sinh. Điều đó cũng được ông cha ta quan niệm, khẳng định từ hàng nghìn đời nay. Chính vì vậy trong kho tàng tục ngữ, ca dao dân ca Việt Nam có câu: “Không thầy đố mày làm nên” để bộc lộ rõ nét điều đó.

Câu tục ngữ trên mang hình thức thách đố nhưng bản chất lại là câu khẳng định, nó còn mang cấu trúc kiểu phủ định, thuộc loại câu hỏi tu từ. Hai từ: “thầy” - “mày”, từ “mày” không có ý nghĩa hạ thấp giá trị học sinh mà để đi liền với chữ “thầy” cho vần và dễ nhớ. Câu tục ngữ này nêu lên vai trò quan trọng của người thầy đối với nền giáo dục và học sinh, đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta phải biết ơn, kính trọng thầy cô giáo. Không chỉ vậy, câu tục ngữ này còn mang giá trị truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam từ rất lâu đời.

Nếu gia đình dạy ta những bài học đầu tiên về đạo đức như kính trọng, lễ phép với người trên thì thầy là người đầu tiên trao truyền cho ta tri thức của nhân loại. Thầy dạy chúng ta biết con chữ, con số, thầy dạy chúng ta về lịch sử, địa lý. Từ ngày đầu tiên đi học với những kiến thức đơn giản đến phức tạp đều do thầy nhọc công dạy dỗ. Thầy là người đã trao cho ta tri thức nền, tri thức cơ sở để sau khi tốt nghiệp chúng ta có thể vận dụng vào đời sống, để nuôi chính bản thân và giúp ích cho xã hội.

Không chỉ dạy kiến thức, thầy còn là người dạy ta những bài học đạo đức, bài học làm người để ta trở thành con người cư xử đúng mực, có văn hóa. Bồi đắp cho ta những tình cảm cao quý như tình thầy trò, lòng yêu quê hương đất nước, sự trung thực, lòng dũng cảm. Nhờ có thầy mà bản thân mỗi người ngày một trưởng thành hơn, tốt hơn.

Con người ta sinh ra không ai tự có khả năng nhận thức được tất cả mọi thứ và dù có tự nhận thức được đi nữa thì cũng chưa chắc được rằng những nhận thức đó là đúng đắn, và có thể vận dụng được những nhận thức ấy vào cuộc sống một cách hiệu quả. Và trong những trường hợp như vậy, sự xuất hiện và dạy dỗ của một người thầy là vô cùng quan trọng vì thầy là người truyền tải cho chúng ta những kiến thức, những bài học hấp dẫn, đúng đắn, định hướng cho chúng ta những con đường đi phù hợp. Nói như vậy ta sẽ thấy được vai trò của người thầy. Trở lại với câu tục ngữ “không thầy đố mày làm nên”, đây là một câu tục ngữ khẳng định vai trò, vị trí của người thầy giáo đối với việc học, song cũng là lời nhắc nhở đầy chân thành, nghiêm khắc của ông cha ta đối với những thế hệ hậu bối, những người học sau này.

Chúng ta cũng cần tránh những cách hiểu tiêu cực rằng câu nói đề cao một cách thái quá vai trò của người thầy, hay câu nói coi thường sự tự thân phát triển của những người học trò. Những cách hiểu này là thiển cận, nông cạn bởi ta hiểu giá trị của câu nói này là về mặt tinh thần, bởi cũng không thể phủ nhận những người có thể tự mình đèn sách mà thành tài, có thể đỗ đạt làm quan nhưng những người đó có dám chắc rằng mình chưa từng đi học, chưa từng được thầy dạy chữ, dạy những thứ cơ bản nhất, giản đơn nhất. Do đó mà nếu đã từng là học sinh thì hãy yêu thương, kính trọng thầy cô, bởi lẽ “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.

Như vậy, câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên” là một câu tục ngữ hoàn toàn đúng đắn, dù trong thời đại nào thì ý nghĩa của nó cũng không thay đổi, hao mòn. Ta cũng có thể thấy từ rất sớm ông cha ta đã rất đề cao nghề giáo cũng như người thầy giáo, câu tục ngữ thể hiện được sự kính trọng đối với vai trò và vị trí của người thầy đối với sự phát triển, thành công của người học.

3. Em hãy giải thích câu Không thầy đố mày làm nên - Số 2

Trong suốt chiều dài của lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam đã hình thành nên những truyền thống, phong tục mang đặc trưng riêng của dân tộc mình, trong số các truyền thống tiêu biểu đó không thể không kể đến như truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, truyền thống ăn quả nhớ kẻ trồng cây và một trong những truyền thống mang đậm bản sắc của con người Việt Nam bao đời nay, đó chính là truyền thống hiếu học. Việt Nam tuy là một quốc gia, một dân tộc nghèo nhưng lại luôn mang trong mình những ý thức, trách nhiệm với đất nước. Và để hoàn thành những trách nhiệm cao cả, lớn lao đó thì dù trong hoàn cảnh nào, khó khăn ra sao thì con người Việt Nam cũng luôn phấn đấu học hành, noi gương cha ông đi trước, học để không còn bị áp bức, học để có thể mở mang kiến thức, học để phát triển đất nước. Và không chỉ là một đất nước hiếu học, dân tộc ta còn có một truyền thống vô cùng quan trọng khác, đó là truyền thống tôn sư trọng đạo. Nói về truyền thống này cũng đã có câu ca dao “Không thầy đố mày làm nên”.

Câu tục ngữ giản dị nhưng ta cũng nên hiểu cho chính xác ý nghĩa của nó. “Làm nên” ở đây có nghĩa là có được sự nghiệp, thành đạt công danh. Như vậy, nếu không có người thầy thì người trò không thể nào thành đạt được. Câu tục ngữ như một lời thách thức “đố mày”, đồng thời cũng là lời răn dạy mang tính khẳng định vị trí, vai trò của người thầy trong sự thành đạt, làm được việc của người trò.

Thật vậy, thầy là người cung cấp kiến thức, hướng dẫn mở mang trí óc cho ta biết để ta biết được những điều hay, điều lạ. Lúc còn bé thơ, khi lần đầu tiên đến trường, thầy là người cầm tay ta nắn nót từng chữ cái, đánh vần từng con số rồi dạy cho ta đọc vần, đọc chữ... dần dần ta mới có được những kiến thức, những hiểu biết cao hơn, rộng hơn như ngày hôm nay. Công ơn ấy có thể sánh với công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ; bởi cha mẹ có công sinh ta ra và nuôi dưỡng ta khôn lớn còn người thầy có công “khai hóa” trí não ta, dẫn dắt ta đến một tương lai tươi sáng.

Câu tục ngữ trên đã được trải nghiệm trong cuộc sống của chúng ta và nó hoàn toàn đúng, nó không chỉ mang lại cho chúng ta những bài học đường đời mà còn dạy dỗ chúng ta những bài học làm người sâu sắc, nhiều câu tục ngữ khác cũng nói về vị trí của người thầy trong mỗi chúng ta “muốn sang thì bắc cầu kiều muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, hàng loạt những câu tục ngữ hay nói về vai trò của người thầy, mỗi chúng ta luôn luôn phải biết ơn và có những sự thành kính sâu sắc đối với người thầy đã từng dạy dỗ chúng ta nên người, nhờ sự dạy dỗ đó mà chúng ta mới có thể trở thành những người có ích cho xã hội này.

Nhiều bài học đã mang lại những giá trị lớn lao cho chúng ta, từ những bài học từ sách vở thầy cô còn dạy dỗ cả những kiến thức từ thực tế, và đạo lý làm người, chúng ta không chỉ học được những bài học từ sách vở mà còn được học đạo lý làm người đó là một điều mang ý nghĩa lớn lao đối với mỗi chúng ta, nên làm những điều đó để cuộc sống của chúng ta trở nên tốt hơn, người thầy luôn chèo lái con đò trở nặng tri thức cho chúng ta, muốn phát triển hơn chúng ta cần phải yêu quý và có những sự biết ơn sâu sắc. Chúng ta bắt gặp trong cuộc sống này rất nhiều những trường hợp và điều đó đã mang lại cho họ nhiều giá trị cho cuộc sống này, cuộc sống trải qua muôn vàn những khó khăn, chính vì vậy nếu chúng ta biết tôn trọng những thành quả mà thầy đã dạy dỗ chúng ta sẽ trở thành những con người thực sự có ích cho xã hội này.

Ở Việt Nam, Mạc Đĩnh Chi cũng là tấm gương sáng về tinh thần tự học. Ngày xưa, cách đây gần bảy trăm năm, có cậu bé Mạc Đĩnh Chi, con nhà nghèo, người đen đủi, xấu xí. Tuy còn nhỏ, nhưng ngày nào cậu cũng vào rừng kiếm củi giúp đỡ cho cha mẹ. Gần nhà Mạc Đĩnh Chi có một trường học, các bạn trong làng đến học đông vui. Không có tiền ăn học nhưng cậu bé rất ham được học. Mồi lần gánh củi qua trường cậu đứng ở cửa sổ học lỏm. Nhiều ngày như vậy, thầy đồ thấy cậu bé nhà nghèo mà hiếu học nên cho phép cậu bé vào học. Mạc Đĩnh Chi nhanh chóng trở thành học trò giỏi nhất trường. Buổi tối, Mạc Đĩnh Chi mới có thì giờ đọc sách vì ban ngày cậu còn phải làm việc giúp gia đình. Nhà lại không có dầu thắp, cậu bé đã nghĩ ra cách bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng làm đèn lấy ánh sáng. Miệt mài học tập với ngọn đèn đom đóm ấy, chẳng bao lâu, Mạc Đĩnh Chi trở thành người học rộng tài cao.

Câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên” mang giá trị trường tồn cùng thời gian và trong bất kì hoàn cảnh nào thì ý nghĩa của nó cũng luôn được chấp nhận và khẳng định. Câu tục ngữ mang hình thức giản dị, âm điệu vui nhộn, nhưng ẩn chứa trong đó là biết bao nỗi niềm, tâm sự của ông cha ta. Câu tục ngữ chính là sự đúc kết từ kinh nghiệm của ông cha ta, nhắc nhở con người hãy hiểu được vai trò giá trị của người thầy, hãy biết suy nghĩ một cách toàn diện nhất để có những thái độ bộc lộ sự kính trọng đối với thầy, không chỉ là lời nói, mà còn bằng hành động. Hãy thể hiện rằng, chúng ta là những con người văn minh, biết đạo lí làm người “uống nước nhớ nguồn” và xứng đáng là con rồng cháu tiên.

Ngày:29/11/2020 Chia sẻ bởi:Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM