Bài văn lập luận giải thích câu tục ngữ Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau

Bài văn mẫu dưới đây nhằm giúp các em hiểu hơn về lối sống đáng lên án của một bộ phận người ích kỉ trong xã hội. Từ đó, các em cần có thái độ sống tốt hơn. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Bài văn lập luận giải thích câu tục ngữ Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau

1. Dàn ý giải thích câu tục ngữ "Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau"

a. Mở bài:

- Trong cuộc sống, nhiều người lấy sự cống hiến cho dân, cho nước làm niềm vui, làm mục đích sống; bên cạnh đó còn có một số kẻ thực dụng, ích kỉ, chỉ biết thu lợi cho riêng mình.

- Phê phán lối sống đó, dân gian có câu: Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau.

b. Thân bài:

- Giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ:

+ Nghĩa hiển ngôn:

  • Vế 1: Ăn cỗ đi trước: sẽ được xếp ngồi chỗ tốt, ăn nhiều món ngon.
  • Vế 2: lội nước đi sau: để tránh được chỗ nguy hiểm mà người đi trước đã gặp phải.

+ Nghĩa hàm ngôn:

  • Khi hưởng thụ thì có mặt trước để giành quyền lợi về mình càng nhiều càng tốt.
  • Khi cảm thấy có sự bất trắc, không thuận lợi cho bản thân thì né tránh, đùn đẩy phần vất vả, hiểm nguy cho người khác.

- Bình luận: Có thể bình luận câu tục ngữ trên theo hướng như sau:

+ Là quan điểm sống thực dụng của những kẻ cơ hội, ích kỉ.

+ Chỉ muốn giành thuận lợi về mình, đẩy khó khăn vất vả, thậm chí hiểm nguy cho người khác, đó là cách sống đi ngược lại đạo lí dân tộc.

+ Đây không phải là cách sống khôn ngoan của con người chân chính mà chỉ là sự láu cá, ranh vặt. Nó dễ đẩy con người đến những hành vi tội lỗi: (vô trách nhiệm, dối trá, lừa gạt...). Kẻ cơ hội, ích kỉ không thể làm nên việc lớn vì thiếu hẳn nền tảng đạo đức là tấm lòng nhân ái, dám hi sinh vì người khác. Trước sau rồi kẻ đó cũng bộc lộ rõ bản chất xấu xa và sẽ bị dư luận lên án.

+ Quan điểm sống đúng đắn nhất.

+ Là quan điểm Bác Hồ đã dạy: Mình vì mọi người, mọi người vì mình.

+ Coi làm việc, cống hiến cho gia đình, xã hội là niềm vui, là hạnh phúc của bản thân.

+ Biết gắn quyền lợi cá nhân với quyền lợi của cộng đồng.

+ Nếu ai cũng có quan điểm sống đúng đắn như trên thì những thái độ sống ích kỉ, tiêu cực sẽ bị đẩy lùi; xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.

c. Kết bài:

- Khẳng định quan điểm "Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau" là quan điểm sống cá nhân, ích kỉ.

- Thái độ của chúng ta là phê phán, lên án.

- Mỗi người cần xây dựng cho mình một quan điểm sống đúng đắn để trở thành người hữu ích cho gia đình và xã hội.

2. Viết đoạn văn giải thích câu "Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau"

“Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau” là quan điểm sông cá nhân ích kỉ không thể chấp nhận. Thái độ của nhân dân ta đối với cách sống này là phê phán và lên án. Trong hoàn cảnh đổi mới hiện nay, đất nước ta, nhân dân ta đang rất cần đến đội ngũ đông đảo của những người dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong mọi lĩnh vực khó khăn, gian khổ nhất. Đội ngũ ấy chính là lực lượng rường cột của đất nước - thế hệ thanh niên có đức có tài. Mỗi chúng ta hãy tự rèn luyện cho mình một quan điểm đúng đắn về cống hiến và hưởng thụ, một lí tưởng sống đẹp đẽ trở thành người hữu ích cho xã hội. Cách sống "Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau" không phải là cách sống của con người chân chính. Nó chỉ là sự ranh mãnh, láu cá vặt dễ dàng đẩy người ta đến những hành vi tội lỗi như vô trách nhiệm, dối trá, lừa gạt… Những kẻ sống theo kiểu khó có thể làm nên sự nghiệp lớn vì thiếu hẳn nền tảng đạo đức là tấm lòng nhân ái, dám hi sinh vì người khác. Trước sau thì cái bản chất cơ hội, ích kỉ của họ cũng bộc lộ và họ sẽ bị dư luận lên án, bị mọi người xung quanh coi thường và xa lánh.

3. Viết bài văn giải thích câu tục ngữ "Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau"

Từ xưa đến nay “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau” đã được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân, như một lời khuyên mà cha ông để lại về kinh nghiệm ứng xử trong cuộc sống. Câu tục ngữ không chỉ là lời khuyên mà nó còn là một sự chỉ trích những con người chỉ biết lựa miếng ngon để ăn, việc nhàn hạ để làm.

Đây là câu tục ngữ phản ánh cách xử thế của xã hội cũ. Về nghĩa đen ta hiểu khi nào có người mời đi ăn cỗ thì nên đi trước, như vậy sẽ được ăn trước, ngồi ăn đàng hoàng không lo thiếu chỗ, thậm chí có những mâm cỗ dành cho khách đến trước thường đầy đủ các món ăn hơn. Nhưng khi phải lội nước thì nên đi theo sau để tránh những gì có thể nguy hiểm xảy ra như vấp phải cọc, phải đá, hoặc sa xuống hố sâu. Bằng hai từ đi câu tục ngữ có ý nghĩa rất sâu sắc.

Nghĩa hiển ngôn của câu tục ngữ này tương đối dễ hiểu bởi nó nêu lên hai sự việc khá quen thuộc trong đời sống hằng ngày. Thường thường nếu được mời đi ăn cỗ (dự đám giỗ, đám tiệc…), người đi trước (đến sớm) sẽ được chủ nhân mời ngồi chỗ tốt ở bàn trên, mâm trên, thức ăn đầy đủ, ngon lành. Ai chậm chân đến sau tất nhiên sẽ bị thiệt thòi. Còn lội nước đi sau để còn biết nông sâu ra sao mà tránh, vì đi trước sẽ không lường được nguy hiểm.

Nhưng ý nghĩa câu tục ngữ không dừng ở đó mà nó còn nêu lên quan điểm sống thực dụng ở những kẻ tham lam và ích kỉ. Khi hưởng thụ, họ sẽ có mặt đầu tiên để tranh giành quyền lợi, vơ vét phần hơn về mình. Khi cảm thấy có sự bất trắc, không thuận lợi cho bản thân thì né tránh, nhất là lúc gian truân, vất vả, hiểm nguy thì chẳng thấy mặt họ đâu.

Đó chẳng qua là lối sống khôn vặt, chăm chăm hưởng lợi, đùn đẩy khó khăn cho người khác. Khi tới dự đám cưới, mừng tân gia hay phúng viếng chia buồn… thì nhanh chân đi trước, ấy là tránh cái việc phải ăn những mâm cỗ thừa, cỗ dồn. Không chỉ “ăn” mới đi trước để có được miếng ngon mà cái sự nhanh chân để hưởng lợi tồn tại với đủ hình, đủ vẻ.

Người Việt mình, không phải ai cũng “ăn trước thiên hạ, làm sau thiên hạ”. Vẫn còn  rất nhiều người không ngại ngần trước bất cứ công việc gì, miễn đem lại ích lợi cho xã hội. Nhưng thói quen cứ thấy việc gì hưởng lợi cho bản thân mới làm, khó khăn thì tìm cách tránh né vẫn tồn tại. Nó đã trở thành căn bệnh trong cuộc sống thường nhật. Có thay đổi thói quen cố hữu ấy thì cuộc sống mới tốt lên được.

Câu tục ngữ tuy chỉ có vài từ ngắn ngủi nhưng chứa đựng ý nghĩa thật sâu sắc. Mỗi chúng ta nên rèn luyện bản thân, từ bỏ lối suy nghĩ ích kỷ, cá nhân, chỉ nhận lợi ích trước mắt về phía. Một xã hội văn minh hiện đại khi tất cả mọi người đều có ý thức chung, ý thức vì sự phát triển của cộng đồng.

Ngày:06/11/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM