Giải Tập bản đồ Địa lí 10 Bài 10: TH: Nhận xét về sự phân bố các vành đai động đất, núi lửa và vùng núi trẻ trên bản đồ

Giải Tập bản đồ Địa lí 10 Bài 10: Thực hành: Nhận xét về sự phân bố các vành đai động đất, núi lửa và vùng núi trẻ trên bản đồ được eLib tổng hợp lại. Hi vọng đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích đối với các em học sinh.

Giải Tập bản đồ Địa lí 10 Bài 10: TH: Nhận xét về sự phân bố các vành đai động đất, núi lửa và vùng núi trẻ trên bản đồ

1. Giải bài 1 trang 14 Tập bản đồ Địa lí 10

Em hãy quan sát và tìm hiểu kĩ nội dung bản đồ treo tường “Các mảng kiến tạo, các vành đai động đất và núi lửa” từ đó nêu nhận xét về sự phân bố các vành đai động đất, núi lửa và các vùng núi trẻ trên thế giới?

Phương pháp giải

Từ kiến thức về các mảng kiến tạo, tác động của nội và ngoại lực để nhận xét: Các vành đai động đất, núi lửa và các vùng núi trẻ trên thế giới phân bố chủ yếu dọc theo vị trí tiếp xúc của các mảng kiến tạo.

Hướng dẫn giải

- Sự phân bố của vùng núi lửa, động đất và các vùng núi trẻ thường trùng khớp với nhau. Các vành đai động đất, núi lửa, các vùng núi trẻ thường nằm ở các vùng núi tiếp xúc với các mảng kiến tạo của thạch quyển

- Nguyên nhân: Khi các mảng kiến tạo dịch chuyển xô chờm vào nhau hoặc tách dãn ra nhau thì tại vùng tiếp xúc giữa chúng sẽ là nơi xảy ra các hiện tượng động đất, núi lửa các hoạt động tạo núi.

2. Giải bài 2 trang 14 Tập bản đồ Địa lí 10

Dựa vào hình 7.3 và hình 10 ban chuẩn hoặc hình 9.1 và hình 12 ban nâng cao kết hợp với những kiến thức đã học, em hãy:

- Giải thích vì sao khu vực ven bờ tây Thái Bình Dương từ bán đảo Camsatca đến Nhật Bản, Philippin, Inđônêsia hay xảy ra động đất và núi lửa?

- Nêu rõ nguồn gốc hình thành dãy núi ngầm khổng lồ giữa Đại Tây Dương?

- Cho biết do đâu tạo nên dãy núi trẻ Coocđie, Anđet, Himalaya?

Phương pháp giải

- Để giải thích các khu vực trên hay xảy ra động đất và núi lửa, ta dựa vào đặc điểm các mảng kiến tạo ở các khu vực này: khu vực tiếp xúc dồn ép của các mảng kiến tạo

-  Từ vị trí tiếp xúc tách dãn giữa các mảng kiến tạo ở Đại Tây Dương, ở vết nứt tách dãn, macma trào lên để chỉ ra nguồn gốc hình thành dãy núi ngầm khổng lồ

- Dựa vào yếu tố các mảng kiến tạo xô vào nhau, ở chỗ tiếp xúc bị nén ép, dồn lại và nhô lên để chỉ ra nguyên nhân tạo nên dãy núi trẻ Coocđie, Anđet, Himalaya

Hướng dẫn giải

- Khu vực ven bờ tây Thái Bình Dương từ bán đảo Camsatca đến Nhật Bản, Philippin, Inđônêsia hay xảy ra động đất và núi lửa vì đây là khu vực tiếp xúc dồn ép của các mảng kiến tạo: mảng Thái Bình Dương và mảng Á – Âu, mảng Thái Bình Dương và mảng Philippin, mảng Thái Bình Dương và mảng Ấn Độ - Ôxtrâylia, mảng Philippin và mảng Á – Âu.

- Nguồn gốc hình thành dãy núi ngầm khổng lồ giữa Đại Tây Dương: Đây là vị trí tiếp xúc tách dãn giữa các mảng kiến tạo: mảng Á – Âu và mảng Bắc Mỹ, mảng Phi và mảng Bắc Mỹ, mảng Phi và mảng Nam Mỹ. Ở vết nứt tách dãn, macma trào lên, hình thành nên dãy núi ngầm khổng lồ.

- Dãy núi trẻ Coocđie, Anđet, Himalaya được tạo nên do các mảng kiến tạo xô vào nhau, ở chỗ tiếp xúc giữa các mảng kiến tạo đó đất đá bị nén ép, dồn lại và nhô lên.

Ngày:06/11/2020 Chia sẻ bởi:ngan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM