Giải SBT Sinh 7 Bài 22: Tôm sông
Nhằm giúp các em củng cố các kiến thức về cấu tạo ngoài, đời sống, cách thức di chuyển, dinh dưỡng,... của tôm sông một đại diện của ngành Chân khớp. Ban biên tập eLib xin giới thiệu nội dung tài liệu hướng dẫn giải bài tập SBT Sinh 7. Mời các em tham khảo nội dung chi tiết tại đây.
Mục lục nội dung
1. Giải bài 1 trang 51 SBT Sinh học 7
Cơ thể tôm sông chia làm mấy phần? Chức năng của mỗi phần là gì?
Phương pháp giải
Xem lý thyết Cấu tạo ngoài và các phương thức di chuyển của tôm sông
Hướng dẫn giải
Tôm cũng như Giáp xác nói chung, cơ thể gồm 2 phần: đầu - ngực và bụng:
- Phần đầu - ngực có: 2 đôi râu là cơ quan khứu giác và xúc giác với mắt đơn, mắt kép. Quanh miệng là các đôi chân biến đổi thành cơ quan bắt mồi gọi là chân hàm. Còn lại là 5 đôi chân bò, trong đó có 2 đôi có kìm.
Cấu tạo trên chứng tỏ phần đầu - ngực là trung tâm của sự định hướng và bắt, giữ, chế biến mồi.
- Phần bụng - chỉ gồm các chân bơi 2 nhánh hình tấm, riêng đôi cuối cùng có phần cuối chia làm 2 nhánh có ý nghĩa vừa quạt nước vừa như bánh lái (tấm lái).
Cấu tạo đó chứng tỏ phần bụng là trung tâm của di chuyển dưới nước: bơi và giật lùi khi cần, nhờ co gập cơ thể về phía bụng.
2. Giải bài 2 trang 51 SBT Sinh học 7
Tôm lột xác như thế nào và vì sao tôm phải lột xác?
Phương pháp giải
Giáp đầu - ngực cũng như vỏ cơ thể tôm cấu tạo bằng kitin ngấm thêm canxi.
Hướng dẫn giải
Vỏ kitin của tôm còn ngấm thêm canxi nên khả năng đàn hồi rất kém. Vì thế, tôm chỉ lớn đến giới hạn nhất định rồi xảy ra hiện tượng lột xác :
- Vỏ cũ bong khỏi cơ thể và vỡ ra, để cơ thể tôm chui ra ngoài. Lúc này vỏ mới còn rất mềm và tôm rất yếu ớt, được gọi là tôm bấy.
- Lợi dụng lúc vỏ mới chưa cứng rắn lại, tôm lớn lên rất nhanh chóng (lớn như thổi), đó là hiện tượng lột xác. Tôm lột xác nhiều lần trong đời sống cá thể, nhất là ở giai đoạn ấu trùng.
3. Giải bài 3 trang 52 SBT Sinh học 7
Tại sao đến giáp xác thì hệ hô hấp mới phát triển? Hệ hô hấp ở tôm có cấu tạo như thế nào?
Phương pháp giải
Giáp xác hô hấp bằng mang. Đa số các loài giáp xác sống ở biển hoặc ở nước ngọt. Một vài nhóm giáp xác sống ở trên cạn thì hầu hết chúng sống ở môi trường ẩm.
Hướng dẫn giải
- Từ chân khớp nói chung, giáp xác nói riêng trở đi, cơ thể có vỏ kitin làm nhiệm vụ bảo vệ cơ thể và như là bộ xương ngoài. Chính vì thế, nên hô hấp qua bề mặt cơ thể không thực hiộn được nữa, do đó phải có cơ quan hô hấp riêng, ở giáp xác cơ quan hô hấp được gọi là mang.
- Hệ hô hấp ở tôm có cấu tạo gồm: đốt gốc chân ngực, lá mang và bó cơ. Trên lá mang có mạch máu phân chia nhỏ tiếp nhận được ôxi vào máu rồi máu đổ vào khoang cơ thể để về tim và đi nuôi cơ thể.
4. Giải bài 3 trang 53 SBT Sinh học 7
Cơ thể giáp xác (hay tôm sông) gồm các phần
A. đầu và bụng.
B. đầu - ngực và bụng,
C. đầu và ngực.
D. đầu, ngực và bụng.
Phương pháp giải
Xem lý thuyết Cấu tạo ngoài của cơ thể tôm sông
Hướng dẫn giải
Cơ thể giáp xác (hay tôm sông) gồm 2 phần : đầu - ngực và bụng.
Chọn B
Tham khảo thêm
- doc Giải SBT Sinh 7 Bài 24: Đa dạng và vai trò của lớp Giáp xác
- doc Giải SBT Sinh 7 Bài 25: Nhện và sự đa dạng của lớp Hình nhện
- doc Giải SBT Sinh 7 Bài 27: Đa dạng và đặc điểm chung của lớp Sâu bọ
- doc Giải SBT Sinh 7 Bài 29: Đặc điểm chung và vai trò của ngành Chân khớp