Giải SBT Sinh 7 Bài 11: Sán lá gan

Tài liệu hướng dẫn giải bài tập SBT Sinh 7 Bài 11: Sán lá gan do eLib tổng hợp nhằm giúp các em các kiến thức về cấu tạo, môi trường sống của sán lá gan từ đó có thể nêu được sự thích nghi của sán lá gan với lối sống kí sinh. Mời các em cùng tham khảo.

Giải SBT Sinh 7 Bài 11: Sán lá gan

1. Giải bài 3 trang 29 SBT Sinh học 7

Hãy nêu cấu tạo và đời sống của sán lá gan thích nghi với đời sống kí sinh?

Phương pháp giải

Xem lý thuyết về cấu tạo cơ thể và môi trường sống của sán lá gan

Hướng dẫn giải

Đại diện cho giun dẹp là sán lá gan có đời sống kí sinh. Cho nên ngoài những đặc điểm chung của ngành Giun dẹp, sán lá gan còn có các đặc điểm thích nghi với kí sinh như:

- Về cấu tạo: Tiêu giảm lông bơi và giác quan, xuất hiện giác bám, tăng cường cơ quan tiêu hoá và cơ quan sinh sản.

- Về đời sống:

  • Sán lá gan đẻ nhiều lứa, nhiều trứng.
  • Ấu trùng cũng có khả năng sinh sản vô tính.
  • Có thay đổi vật chủ.

→ Đây là sự thích nghi của sán lá gan với kí sinh vì trong vòng đời, tỉ lệ sống sót của các thế hệ sau rất thấp.

2. Giải bài 10 trang 32 SBT Sinh học 7

Trình bày các tác hại của giun sán đối với cơ thể vật chủ?

Phương pháp giải

Vòng đời sán lá gan có đặc điểm: thay đổi vật chủ và qua nhiều giai đoạn ấu trùng thích nghi với kí sinh

Hướng dẫn giải

- Giun sán gây cho vật chủ các tác hại sau :

  • Ăn hại mô của vật chủ (giun tóc, giun móc câu... hút máu), lấy tranh thức ăn (giun đũa, giun kim trong ruột).
  • Gây tổn thương lớn cho nội tạng vật chủ, dễ gây nhiễm trùng và các tai biến khác như : tắc ruột, tắc ống mật, viêm gan, tắc mạch bạch huyết...
  • Tiết chất độc, gây rối loạn các chức năng sinh lí cơ thể.
  • Làm giảm năng suất của vật nuôi, cây trồng.

- Các tác hại trên rất lớn vì số lượng loài kí sinh nhiều (hiện biết tới 12 000 loài), số cá thể kí sinh của một loài thường lớn (đã gặp trường hợp có hàng trăm con giun đũa ở ruột người), một số cơ thế vật chủ lại có khả năng nhiễm nhiều loài giun sán khác nhau (ví dụ, người có thể cùng lúc bị giun đũa. siun tóc, giun kim, giun móc câu... kí sinh).

3. Giải bài 2 trang 33 SBT Sinh học 7

Đặc điểm nào chứng tỏ giun tròn cấu tạo cơ thể cao hơn giun dẹp?

Phương pháp giải

Giun tròn khác giun dẹp ở chỗ: tiết diện ngang cơ thể tròn, bắt đầu có khoang cơ thể chưa chính thức và ống tiêu hóa phân hóa.

Hướng dẫn giải

- Giun tròn có cấu tạo cao hơn giun dẹp ở các mặt sau:

  • Giun tròn có khoang cơ thể (dù chưa phải khoang chính thức), còn giun dẹp thì hoàn toàn chưa có.
  • Giun tròn có ruột sau và hậu môn, nên quá trình tiêu hoá thực hiện tốt hơn ở giun dẹp (chỉ có ruột túi).
  • Giun tròn đa số phân tính, hình thức sinh sản cao hơn, lưỡng tính phổ biến ở giun dẹp.

- Ngoài ra, giun tròn còn có thần kinh, giác quan... phát triển hơn giun dẹp.

4. Giải bài 3 trang 33 SBT Sinh học 7

Sự lây bệnh giun đũa ở người qua con đường nào? Vì sao trẻ em ở nước ta hay mắc bệnh giun đũa?

Phương pháp giải

Giun đũa thường kí sinh ở ruột non người nhất là ở trẻ em gây đau bụng, đôi khi gây tắc ruột và tắc ống mật 

Hướng dẫn giải

- Giun đũa xâm nhập vào cơ thể người qua đường tiêu hoá là chính, cụ thể như sau:

  • Ăn thức ăn có nhiễm trứng giun do rửa không sạch hay ruồi nhặng truyền vào.
  • Ăn rau sống có tưới phân tươi nên dính nhiều trứng giun.
  • Trứng giun cũng dính vào tay, thìa, bát, đũa... do rửa không sạch.

- Trẻ em ở nước ta nhiễm bệnh giun đũa cao còn vì các nguyên nhân sau :

  • Không có thói quen rửa tay trước khi ăn.
  • Hay trực tiếp cầm tay vào thức ăn để ăn.
  • Có thói quen bú ngón tay khi ngủ, thậm chí ngay lúc đang thức.

5. Giải bài 5 trang 33 SBT Sinh học 7

Ôxi khuếch tán vào cơ thể giun đốt như thế nào?

Phương pháp giải

Giun đốt có đời sống tự do, hô hấp qua da.

Hướng dẫn giải

Da giun đốt phủ đầy mao mạch nên nhận được ôxi khuếch tán qua da. Máu sẽ vận chuyển ôxi đi nuôi cơ thể. Một số giun đốt (như rươi, rọm...) có các cơ quan phân nhánh đi kèm với các chân bên, chuyên trách làm nhiệm vụ hô hấp được gọi là mang. Mang phát triển ở đa số giun đốt sống ở nước.

Ngày:31/08/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM