Giải SBT Sinh 12 Bài 29: Quá trình hình thành loài
Tài liệu hướng dẫn giải bài tập SBT Sinh 12 Bài 29 do eLib tổng hợp nhằm giúp các em ôn tập các kiến thức về các cơ chế cách li để hình thành loài mới và quá trình hình thành loài mới diễn ra như thế nào. Nội dung chi tiết các em tham khảo tại đây.
Mục lục nội dung
1. Giải bài 7 trang 89 SBT Sinh học 12
Loài thân thuộc là gì? Làm thế nào để phân biệt 2 loài thân thuộc ?
Phương pháp giải
- Xem lí thuyết về khái niệm loài thân thuộc
- Các đặc điểm để phân biệt 2 loài: hình thái, địa lí - sinh thái, hoá sinh hoặc cách li sinh sản.
Hướng dẫn giải
Loài thân thuộc là những loài có quan hệ gần gũi về di truyền, thường xuất phát từ một loài ban đầu. Các loài thân thuộc mặc dù đã cách li sinh sản nhưng vẫn mang nhiều đặc điểm giống nhau nên được xếp vào cùng một chi. Ví dụ: chi thỏ Lepus phân hoá thành gần 100 loài, phân bố khắp thể giới.
Phân biệt các loài thân thuộc có thể dựa vào các tiêu chuẩn hình thái, địa lí - sinh thái, hoá sinh hoặc cách li sinh sản. Mỗi tiêu chuẩn chỉ có giá trị tương đối. Ví dụ, với vi khuẩn, tiêu chuẩn hoá sinh là quan trọng nhưng với động vật và thực vật bậc cao thì tiêu chuẩn cách li sinh sản là tiêu chuẩn hàng đầu đế nhận biết sự xuất hiện loài mới từ quần thể gốc ban đầu. Đôi khi, phải phối hợp nhiều tiêu chuẩn mới xác định chính xác các loài thân thuộc.
Trong phân loại học, có thể lúc đầu dựa vào các tiêu chuẩn hình thái, người ta xếp loại sai một loài nào đó, về sau căn cứ các tiêu chuẩn hoá sinh và cách li sinh sản, người ta sẽ điều chỉnh lại cho đúng.
2. Giải bài 21 trang 96 SBT Sinh học 12
Trong quá trình tiến hoá, sự cách li địa lí có vai trò
A. hạn chế sự giao phối tự do giữa các cá thể thuộc các quần thể cùng loài.
B. hạn chế sự giao phối tự do giữa các cá thể thuộc các quần thể khác loài,
C. là điều kiện làm biến đổi kiểu hình của sinh vật theo hướng thích nghi.
D. tác động làm biến đổi kiểu gen của cá thể và vốn gen của quần thể.
Phương pháp giải
Sự cách li địa lí không phải là cách li sinh sản mà chỉ đóng vai trò ngăn cản sự trao đổi gen giữa các quần thể, thúc đẩy sự phân hoá cấu trúc di truyền của quần thể gốc ban đầu chứ không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra những biến đổi tương ứng trên cơ thể sinh vật. Cách li địa lí có vai trò duy trì sự khác biệt về vốn gen giữa các quần thể do các nhân tố tiến hóa tạo nên.
Hướng dẫn giải
Trong quá trình tiến hoá, sự cách li địa lí có vai trò hạn chế sự giao phối tự do giữa các cá thể thuộc các quần thể cùng loài.
Chọn A
3. Giải bài 42 trang 100 SBT Sinh học 12
Tại sao các cá thể cùng loài lại có thể khác nhau về tập tính giao phối để hình thành loài bằng cách li tập tính?
A. Đột biến làm biến đổi kiểu hình của cơ quan sinh sản nên giữa cá thể bình thường và cá thể đột biến không còn giao phối được với nhau.
B. Đột biến dẫn đến rối loạn giới tính, gây chết hoặc vô sinh ở động vật.
C. Đột biến rút ngắn hoặc kéo dài thời gian sinh trưởng ở thực vật.
D. Đột biến luồn phát sinh, tạo ra các biến dị tổ hợp và hình thành các kiểu gen mới, nếu kiểu gen này làm thay đổi tập tính giao phối thì chỉ có các cá thể mang đột biến tương tự mới giao phối được với nhau.
Phương pháp giải
Quá trình hình thành loài bằng con đường cách li địa lí:
- Loài mở rộng khu phân bố hoặc khu phân bố của loài bị chia cắt do các chướng ngại địa lí (núi, sông, biển...)
- Các quần thể của loài bị cách li địa lí với nhau.
- Điều kiện sống ở các khu vực địa lí khác nhau thì khác nhau và đặc trưng cho từng vùng → CLTN tích luỹ các đột biến và tổ hợp gen theo các hướng khác nhau. Các quần thể không thể giao phối với nhau do chướng ngại địa lí.
- Các quần thể bị cách li địa lí dần dần phân li thành các nòi địa lí khác nhau rồi tới các loài mới khác nhau đánh dấu bằng sự cách li sinh sản (cách li di truyền) → loài mới
Hướng dẫn giải
Các cá thể cùng loài lại có thể khác nhau về tập tính giao phối để hình thành loài bằng cách li tập tính vì đột biến luồn phát sinh, tạo ra các biến dị tổ hợp và hình thành các kiểu gen mới, nếu kiểu gen này làm thay đổi tập tính giao phối thì chỉ có các cá thể mang đột biến tương tự mới giao phối được với nhau.
Chọn D
4. Giải bài 43 trang 100 SBT Sinh học 12
Tại sao chọn lọc tự nhiên tác động lên quần thể vi khuẩn mạnh mẽ hơn tác động lên một quần thể sinh vật nhân thực?
A. Vi khuẩn trao đổi chất mạnh và nhanh nên dễ chịu ảnh hưởng của môi trường.
B. Chọn lọc tự nhiên tác động trực tiếp lên kiểu hình và gián tiếp lên kiểu gen.
C. Vi khuẩn có ít gen nên tỉ lệ gen mang đột biến lớn.
D. Vi khuẩn sinh sản nhanh và gen đột biến biểu hiện ngay ra kiểu hình.
Phương pháp giải
Vi khuẩn sinh sản nhanh và gen đột biến biểu hiện ngay ra kiểu hình do đó chọn lọc tự nhiên tác động lên quần thể vi khuẩn mạnh mẽ hơn tác động lên một quần thể sinh vật nhân thực
Hướng dẫn giải
Chọn lọc tự nhiên tác động lên quần thể vi khuẩn mạnh mẽ hơn tác động lên một quần thể sinh vật nhân thực vì vi khuẩn sinh sản nhanh và gen đột biến biểu hiện ngay ra kiểu hình.
Chọn D
5. Giải bài 46 trang 101 SBT Sinh học 12
Nhận định nào sau đây là đúng với quá trình hình thành loài mới?
A. Là một quá trình lịch sử, cải biến thành phần kiểu gen của quần thể ban đầu theo hướng thích nghi, tạo ra kiểu gen mới cách li sinh sản với quần thể ban đầu.
B. Là một quá trình lịch sử, cải biến thành phần kiểu gen của quần thể ban đầu theo hướng thích nghi và cách li sinh sản với các quần thể thuộc loài khác
C. Là một quá trình lịch sử, cải biến thành phần kiểu gen của quần thể ban đầu theo hướng xác định, tạo ra nhiều cá thể mới có kiểu hình mới cách li sinh sản với quần thể ban đầu.
D. Là một quá trình lịch sử dưới tác động của môi trường tạo ra những quần thể mới cách li với quần thể ban đầu.
Phương pháp giải
Xem lại lý thuyết về khái niệm quá trình hình thành loài mới.
Hướng dẫn giải
Hình thành loài là một quá trình lịch sử, cải biến thành phần kiểu gen của quần thể ban đầu theo hướng thích nghi, tạo ra kiểu gen mới cách li sinh sản với quần thể gốc.
Chọn A
6. Giải bài 47 trang 101 SBT Sinh học 12
Phát biểu nào sau đây không đúng về quá trình hình thành loài mới bằng con đường địa lí (hình thành loài khác khu vực địa lí)?
A. Hình thành loài mới bằng con đường địa lí diễn ra chậm chạp trong thời gian lịch sử lâu dài.
B. Trong những điều kiện địa lí khác nhau, chọn lọc tự nhiên đã tích luỹ các đột biến và biến dị tổ hợp theo những hướng khác nhau.
C. Hình thành loài mới bằng con đường địa lí thường gặp ở cả động vật và thực vật.
D. Điều kiện địa lí là nguyên nhân trực tiếp gây ra những biến đổi tương ứng trên cơ thể sinh vật, từ đó tạo ra loài mới.
Phương pháp giải
Ta có trong quá trình hình thành loài mới bằng con đường địa lí thì điều kiện địa lí không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra những biến đổi tương ứng trên cơ thể sinh vật mà chính là nhân tố chọn lọc những kiểu gen thích nghi.
Hướng dẫn giải
Đáp án không đúng là D
Chọn D
Tham khảo thêm
- doc Giải SBT Sinh 12 Bài 24: Các bằng chứng tiến hóa
- doc Giải SBT Sinh 12 Bài 25: Học thuyết Lamac và học thuyết Đacuyn
- doc Giải SBT Sinh 12 Bài 26: Học thuyết tiến hóa tổng hợp hiện đại
- doc Giải SBT Sinh 12 Bài 27: Quá trình hình thành quần thể thích nghi
- doc Giải SBT Sinh 12 Bài 28: Loài
- doc Giải SBT Sinh 12 Bài 30: Quá trình hình thành loài (tt)
- doc Giải SBT Sinh 12 Bài 31: Tiến hóa lớn