Giải bài tập SGK Sinh học 9 Bài 33: Gây đột biến nhân tạo trong chọn giống

Hướng dẫn giải bài tập SGK Sinh học 9 Bài 33: Gây đột biến nhân tạo trong chọn giống, giúp các em củng cố kiến thức bám sát nội dung chương trình bài tập SGK, qua các bài tập trình bày các biện pháp, sử dụng gây đột biến trong chọn giống và các thành tựu thực tế trong chọn giống động vật, thực vật và vi sinh vật.

Giải bài tập SGK Sinh học 9 Bài 33: Gây đột biến nhân tạo trong chọn giống

1. Giải bài 1 trang 98 SGK Sinh học 9

Tại sao người ta cần chọn tác nhân cụ thể khi gây đột biến?

Phương pháp giải

Xem lại sử dụng đột biến nhân tạo trong chọn giống, từ đó giải thích tại sao người ta cần chọn tác nhân cụ thể khi gây đột biến?

Hướng dẫn giải

- Người ta phải chọn tác nhân cụ thể khi gây đột biến vì mỗi loại tác nhân có sự tác động khác nhau tới cơ sở vật chất của tính di truyền.

+ Ví dụ: tia phóng xạ có sức xuyên sâu, dễ gây đột biến gen và đột biến NST (số lượng và cấu trúc); tia tử ngoại có sức xuyên kém nên chỉ dùng để xử lí vật liệu có kích thước bé;mối loại hóa chất sẽ có tác động chuyên biệt, đặc thù đối với loại nuclêôtit nhất định của gen.

→ Vì thế tùy vào mục đích và đối tượng gây đột biến mà người ta sẽ lựa chọn tác nhân cụ thể để gây đột biến.

2. Giải bài 2 trang 98 SGK Sinh học 9

Khi gây đột biến bằng tác nhân vật lí và hóa học, người ta thường sử dụng các biện pháp nào?

Phương pháp giải

Xem lại phương pháp gây đột biến nhân tạo trong chọn giống, chỉ ra các tác biện pháp thường sử dụng bằng tác nhân vật lí và hóa học.

Hướng dẫn giải

- Khi gây đột biến bằng tác nhân vật lí người ta có thể sử dụng các biện pháp:

+ Chiếu tia phóng xạ: Chiếu xạ với cường độ và liều lượng thích hợp vào hạt nảy mầm, đỉnh sinh trưởng của thân và cành, hạt phấn, bầu nhụy hoặc vào mô nuôi cấy.

+ Chiếu tia tử ngoại: Xử lí vi sinh vật, bào tử và hạt phấn gây đột biến gen.

+ Gây sốc nhiệt: Làm chấn thương bộ máy di truyền hoặc làm tổn thương thoi phân bào gây rối loạn sự phân bào gây đột biến số lượng NST.

- Khi xử lí đột biến bằng tác nhân hóa học người ta áp dụng các biện pháp:

+ Ngâm hạt khô hoặc hạt nảy mầm ở thời điểm nhất định vào dung dịch hóa chất có nồng độ thích hợp, tiêm dung dịch hóa chất vào bầu nhụy hoặc dùng que cuốn bông có tẩm hóa chất đặt vào đỉnh sinh trưởng của thân và cành. Đối với động vật, có thể cho hóa chất tác động lên tinh hoàn hoặc buồng trứng.

+ Thấm dung dịch cônsixin lên mô đang phân bào để gây rối loạn phân bào.

3. Giải bài 3 trang 98 SGK Sinh học 9

Hãy nêu một vài thành tựu của việc sử dụng đột biến nhân tạo trong chọn giống động vật, thực vật và vi sinh vật.

Phương pháp giải

Xem lại sử dụng đột biến trong chọn giống, liên hệ thực tế nêu một vài thành tựu của việc sử dụng đột biến nhân tạo trong chọn giống động vật, thực vật và vi sinh vật.

Hướng dẫn giải

- Trong chọn giống vi sinh vật:

+ Đã tạo được chủng nấm pênixilin có hoạt tính cao hơn 200 lần dạng ban đầu. Đã tạo được các thể đột biến sinh trưởng mạnh để tăng sinh khối ở nấm men và vi khuẩn.

+ Tạo được các thể đột biến giảm sức sống không còn khả năng gây bệnh để tạo vacxin phòng bệnh cho người và gia súc.

-Trong chọn giống cây trồng:

+ Đã tạo ra giống lúa Tám thơm đột biến khắc phục tình trạng khan hiếm gạo Tám thơm trong các tháng 6-11.

+ Tạo các giống đa bội ở dâu tầm, dương liễu, dưa hấu... có năng suất cao, phẩm chất tốt.

- Trong chọn giống vật nuôi: Tạo đột biến nhân tạo ở động vật bậc thấp, không áp dụng đối với động vật bậc cao.

Ngày:02/09/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM