Giải bài tập SGK Sinh học 9 Bài 22: Đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể
Hướng dẫn giải bài tập SGK Sinh học 9 Bài 22: Đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể, giúp các em hoàn thành các dạng bài tập trình bày khái niệm, nguyên nhân gây đột biến cấu trúc NST, phân loại các dạng đột biến cấu trúc NST, tác hại của đột biến đối với sinh vật và con người.
Mục lục nội dung
1. Giải bài 1 trang 66 SGK Sinh học 9
Đột biến cấu trúc NST là gì? Nêu một số dạng đột biến và mô tả từng dạng đột biến đó.
Phương pháp giải
Xem lại đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể. Từ đó nêu một số dạng đột biến và mô tả từng dạng đột biến đó.
Hướng dẫn giải
- Đột biến cấu trúc NST là những biến đổi trong cấu trúc NST, gồm các dạng: mất đoạn, lặp đoạn, đảo đoạn và chuyển đoạn.
- Mô tả từng dạng đột biến cấu trúc NST:
- Mất đoạn: NST bị đứt mất một đoạn, làm cho NST đột biến ngắn hơn NST ban đầu.
- Lặp đoạn: NST đột biến có thêm một đoạn NST được lặp lại, làm cho NST đột biến dài hơn NST ban đầu.
- Đảo đoạn: NST ban đầu có một đoạn bị đứt, đoạn NST bị đứt này quay 180° rồi gắn vào vị trí cũ.
- Chuyển đoạn: một đoạn NST bị đứt được gắn vào một NST khác không tương đồng làm NST này dài ra hơn so với NST ban đầu.
2. Giải bài 2 trang 66 SGK Sinh học 9
Những nguyên nhân nào gây ra biến đổi cấu trúc NST.
Phương pháp giải
Xem lại đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể, nguyên nhân gây ra đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể.
Hướng dẫn giải
Đột biến cấu trúc NST xảy ra do ảnh hưởng phức tạp của môi trường bên trong và bên ngoài cơ thể tới NST. Tác nhân vật lí và hóa học trong ngoại cảnh là nguyên nhân chủ yếu gây ra đột biến cấu trúc NST.
3. Giải bài 3 trang 66 SGK Sinh học 9
Tại sao biến đổi cấu trúc NST lại gây hại cho con người và sinh vật?
Phương pháp giải
Xem lại đột biến NST, tác hại và ý nghĩa của đột biến NST từ đó giải thích tại sao biến đổi cấu trúc NST lại gây hại cho con người và sinh vật.
Hướng dẫn giải
- Đột biến cấu trúc NST gây hại cho con người và sinh vật vì trải qua quá trình tiến hóa lâu dài, các gen đã được sắp xếp hài hòa trên NST. Biến đổi cấu trúc NST làm thay đổi số lượng và cách sắp xếp các gen trên NST nên thường gây hại cho sinh vật.
+ Ví dụ: Mất 1 đoạn nhỏ ở đầu NST 21 gây ung thư máu ở người.
Tham khảo thêm
- doc Giải bài tập SGK Sinh học 9 Bài 21: Đột biến gen
- doc Giải bài tập SGK Sinh học 9 Bài 23: Đột biến số lượng nhiễm sắc thể
- doc Giải bài tập SGK Sinh học 9 Bài 24: Đột biến nhiễm sắc thể
- doc Giải bài tập SGK Sinh học 9 Bài 25: Thường biến