Giải bài tập SGK Sinh học 6 Bài 3: Đặc điểm chung của thực vật
Hướng dẫn giải bài tập SGK chương trình Sinh học lớp 6 Bài 3: Đặc điểm chung của thực vật giúp các em học sinh phân biệt được đặc điểm của thực vật có hoa và thực vật không có hoa dựa vào đặc điểm của cơ quan sinh sản (hoa, quả); Phân biệt cây một năm và cây lâu năm qua các dấu hiệu : Thời gian sống, số lần ra hoa kết quả trong đời.
Mục lục nội dung
1. Giải bài 1 trang 12 SGK Sinh học 6
Thực vật sống ở những nơi nào trên Trái Đất?
Phương pháp giải
Xem lại đặc điểm chung của giới thực vật.
Hướng dẫn giải
- Thực vật sống ở khắp mọi nơi trên trái đất: vùng núi, vùng đồng bằng, vùng trung du – ven biển; trong nước hoặc trên mặt đất; vùng nhiệt đới, ôn đới, cận nhiệt,…. Chúng rất đa dạng và thích nghi tốt với mọi môi trường sống. Số lượng loài và cá thể thực vật ở vùng sa mạc rất ít, nhưng ở khu vực nhiệt đới rất phong phú.
- Ví dụ:
- Trong nước: rong đuôi chó, tảo, rau mác, sen, súng, củ ấu,…
- Trên mặt đất: thông, tuế, tre, trúc, bạch đàn, cỏ mần trầu, khoai, xương rồng, bao báp, cúc, cam, bưởi,…
2. Giải bài 2 trang 12 SGK Sinh học 6
Đặc điểm chung của thực vật là gì?
Phương pháp giải
Xem lại đặc điểm chung của giới thực vật.
Hướng dẫn giải
- Đặc điểm chung của thực vật:
- Tự tổng hợp được chất hữu cơ từ chất vô cơ nhờ có diệp lục và ánh sáng.
- Có đời sống cố định.
- Phản ứng chậm với các kích thích từ bên ngoài.
3. Giải bài 3 trang 12 SGK Sinh học 6
Thực vật ở nước ta rất phong phú nhưng vì sao chúng ta còn cần phải trồng thêm cây và bảo vệ chúng?
Phương pháp giải
Nước ta đang đứng trước tình trạng rừng bị chặt phá, giảm sút diện tích nghiêm trọng.
Hướng dẫn giải
Thực vật ở nước ta rất phong phú nhưng chúng ta còn cần phải trồng thêm cây và bảo vệ chúng bởi vì
- Dân số tăng nhu cầu về đồ gỗ tăng, nhu cầu mọi mặt về sử dụng các sản phẩm từ thực vật cũng tăng
- Tình trạng phá rừng bừa bãi, làm giảm diện tích rừng, nhiều thực vật quý hiếm bị khai thác đến cạn kiệt.