Giải bài tập SGK Sinh học 10 Nâng Cao Bài 41: Ảnh hưởng của các yếu tố vật lý đến sinh trưởng của vi sinh vật

Hướng dẫn giải bài tập SGK Sinh học 10 Nâng Cao Bài 41: Ảnh hưởng của các yếu tố vật lý đến sinh trưởng của vi sinh vật. Gồm các dạng bài tập: Xác định nơi sống của các vi khuẩn ưa lạnh, ưa ấm, ưa nhiệt và ưa siêu nhiệt, liên hệ thực tế và kiến thức đã học giải thích các tác nhân gây hại các loại quả, các thói quen sinh hoạt trong đời sống. Nhờ đó giúp các em bám sát bài tập SGK, củng cố kiến thức bài học.

Giải bài tập SGK Sinh học 10 Nâng Cao Bài 41: Ảnh hưởng của các yếu tố vật lý đến sinh trưởng của vi sinh vật

1. Giải bài 1 trang 140 SGK Sinh 10 Nâng cao

- Hãy cho biết nơi sống của các vi khuẩn ưa lạnh, ưa ấm, ưa nhiệt và ưa siêu nhiệt.

Phương pháp giải

- Vi khuẩn thường sống ở nơi có nhiệt độ phù hợp với nó. Xác định nơi sống của các vi khuẩn ưa lạnh, ưa ấm, ưa nhiệt và ưa siêu nhiệt.

Hướng dẫn giải

- Nơi sống của các loại vi khuẩn:

+ Vi sinh vật ưa lạnh thường sống ở các vùng Nam Cực, Bắc Cực, các đại dương (90% đại dương có nhiệt độ ≤ 5°C), sinh trưởng tối ưu ở nhiệt độ ≤ 15°C.

+ Vi sinh vật ưa ấm có nhiệt độ sinh trưởng tối ưu là 20 - 40°C. Đa số thuộc nhóm này là các vi sinh vật đất, vi sinh vật nước, vi sinh vật sống trong cơ thể người và gia súc (kể cả các vi sinh vật gây bệnh), vi sinh vật gây hư hỏng đồ ăn, thức uống hằng ngày.

+ Một số vi sinh vật ưa nhiệt, sinh trưởng tối ưu ở 55 - 65°C. Đa số chúng là vi khuẩn, một số là nấm và tảo. Nơi sống của chúng là các đống phân ủ, đống cỏ khô tự đốt nóng và các suối nước nóng. Hoạt động của các enzim và ribôxôm của chúng thích ứng ở nhiệt độ cao.

+ Ở các vùng nóng bỏng của biển hoặc đáy biển tồn tại một số vi khuẩn ưa siêu nhiệt (có nhiệt độ sinh trưởng tối ưu 85 – 110°C).

2. Giải bài 2 trang 140 SGK Sinh 10 Nâng cao

- Tác nhân gây hư hại các loại quả thường là nấm mốc mà ít khi là vi khuẩn. Hãy giải thích vì sao?

Phương pháp giải

- Môi trường trong các loại quả thường có hàm lượng đường cao, giải thích vì sao tác nhân gây hư hại các loại quả thường là nấm mốc mà ít khi là vi khuẩn

Hướng dẫn giải

- Tác nhân gây hại các loại quả thường là nấm mốc mà ít khi là vi khuẩn là vì: Do áp suất thẩm thấu của môi trường (trong quả) cao, đường sẽ rút nước trong tế bào vi khuẩn và giết chết chúng.

3. Giải bài 3 trang 140 SGK Sinh 10 Nâng cao

- Khi mua một miếng thịt lợn hoặc một con cá nhưng chưa kịp chế biến, người ta thường xát muối lên miếng thịt hoặc con cá. Hãy giải thích tại sao?

Phương pháp giải

- Muối có thể tạo môi trường có áp suất thẩm thấu cao. Từ đó giải thích tại sao khi mua một miếng thịt lợn hoặc một con cá nhưng chưa kịp chế biến, người ta thường xát muối lên miếng thịt hoặc con cá.

Hướng dẫn giải

- Khi mua một miếng thịt lợn hoặc một con cá nhưng chưa kịp chế biến, người ta thường sát muối lên miếng thịt hoặc con cá là vì: Muối là chất sát trùng, có thể tạo môi trường ưu trương, rút nước từ trong tế bào vi khuẩn, ức chế sự phát triển của vi sinh vật. Như vậy, miếng thịt hoặc con cá sẽ không bị ôi, đến khi có thời gian chế biến vẫn còn ngon lành.

4. Giải bài 4 trang 140 SGK Sinh 10 Nâng cao

- Gặp hôm trời nắng to, ai cũng muốn mang phơi một số đồ dùng (như quần áo, chăn chiếu...) cũng như thực phẩm (đậu nành, lạc vừng...). Việc phơi nắng có tác dụng gì?

Phương pháp giải

- Trời nắng to khiến nhiệt độ dưới ánh nắng cao và trong ánh nắng có các tia uv.

Hướng dẫn giải

- Khi trời nắng to, nhiều người mang phơi một số đồ dùng (quần áo, chăn chiếu...) cũng như thực phẩm (đậu nành, lạc vừng...). Làm như vậy là để sử dụng nhiệt độ cao, và một số tia trong ánh sáng mặt trời diệt vi sinh vật, đặc biệt là ức chế sự phát triển của mốc.

Ngày:22/09/2020 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM